Văn hóa ứng xử với người đã mất

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016.08.20
000_9O4GE.jpg Thân nhân của một trong những học sinh chết đuối tại tỉnh Quảng Ngãi hôm 15/4/2016.
AFP photo

Theo từ điển Thành ngữ Việt Nam thì “Nghĩa tử là nghĩa tận” có nghĩa là cái chết là bất hạnh lớn nhất; con người khi đã phải chấp nhận cái chết tức là chấm hết mọi quan hệ, Đừng đòi hỏi, yêu cầu gì với người đã chết; câu nói còn có ý khuyên người ta nên xử sự nhân đạo, đúng tình người.

Vậy mà cả nước đang chứng kiến một làn sóng ngược lại với tất cả những gì mà người Việt vẫn theo đuổi trong nền văn hóa ứng xử tốt đẹp ấy.

"Nghĩa tử là nghĩa tận"

Văn hóa Việt Nam có lẽ rất rạch ròi về cách ứng xử của cộng đồng đối với một người vừa nằm xuống. Bất kể họ là ai, thành phần nào trong xã hội dù giàu hay nghèo, sự ra đi của họ sẽ được cộng đồng kính trọng nhằm chứng tỏ cho gia đình của người nằm xuống sự chia sẻ nỗi đau của thân nhân họ, những người trực tiếp biết sự chia ly đau đớn như thế nào.

Dù khi sống, người ấy có làm những điều không phải đi nữa thì cũng sẽ được tha thứ, vì đối với người Việt câu “nghĩa tử, nghĩa tận” luôn là kim chỉ nam trong việc ứng xử với người chết, nó như một thước đo nhân cách, đạo đức của người còn sống. Nó cho thấy tính chất nhân văn của người xưa vẫn hiện diện trong văn hóa của người Việt như một nét son cần gìn giữ.

Sự bức xúc, bất mãn, thậm chí thù hận của ta không nên trở thành nguyên cớ để ta quay lưng lại, vô cảm với đồng loại của mình, nhất là khi họ và người thân đang phải trải qua tấn thảm kịch vô cùng đau đớn.
- TS Vũ Thành Tự Anh

Thế nhưng ngay sau khi ba cán bộ thuộc hàng Ủy viên của tỉnh Yên Bái được báo chí loan tải là đã chết trong một cuộc xả súng thì mạng xã hội chừng như đồng loạt xuất hiện những dòng tâm trạng (Status) hả hê, vui mừng trước ba thi thể chưa kịp mang ra khỏi bệnh viện để về nhà. Tình trạng có một không hai này trở thành một đề tài bất ngờ, gây tranh luận trên mạng và cả ngoài cuộc sống thật, tuy nhiên phe chống đối xem ra quá ít so với một tập hợp hàng trăm ngàn lời lẽ phấn khích, hả hê.

Trong một rừng chữ lên án, hiếm hoi xuất hiện status của một trí thức, khá quen biết với cộng đồng mạng xã hội Facebook, đó là TS Vũ Thành Tự Anh, với lời lẽ ôn tồn, chừng mực, TS Vũ Thành Tự Anh cố thuyết phục mọi người nên trở về cái tâm lành mà anh cho là trong mỗi cá nhân đều có.

“Tin về việc Chi cục trưởng kiểm lâm Yên Bái bắn Bí thư và Chủ tịch HĐND sau đó tự sát như một cơn bão quét qua facebook trong ngày hôm nay. Đối nghịch với tính chất vô cùng nghiêm trọng của sự việc, nhiều bình luận hoặc là vô cảm, hoặc theo kiểu “đáng đời”, có người thậm chí tỏ ra hả hê, châm chọc.

Trong bối cảnh xã hội với biết bao bức xúc và bất mãn như hiện nay, những phản ứng như thế là điều có thể hiểu được. Song dù thế nào đi chăng nữa thì bất kỳ ai, trước khi trở thành bí thư hay chủ tịch cũng đều là một con người. Sự bức xúc, bất mãn, thậm chí thù hận của ta không nên trở thành nguyên cớ để ta quay lưng lại, vô cảm với đồng loại của mình, nhất là khi họ và người thân đang phải trải qua tấn thảm kịch vô cùng đau đớn.

Một số người trong chúng ta mới hôm qua còn ăn chay, niệm Phật trong ngày lễ Vu Lan, đến hôm nay đã quên từ bi tâm, dính mắc vào ý nghiệp và khẩu nghiệp. Theo Đạo Phật, suy nghĩ tiêu cực tất yếu sẽ dẫn tới ngôn từ và hành động tiêu cực. Nếu ba nghiệp thân, khẩu, ý cứ cùng nhau xoay vần như thế, không những mỗi cá nhân chúng ta không tốt lên được mà cả gia đình và xã hội cũng sẽ suy vi. Vì vậy, xin các bạn bình tâm nghĩ lại!”

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái) bên nạn nhân Phạm Duy Cường tại bệnh viện Yên Bái sáng 18/8/2016. AFP photo
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái) bên nạn nhân Phạm Duy Cường tại bệnh viện Yên Bái sáng 18/8/2016. AFP photo
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái) bên nạn nhân Phạm Duy Cường tại bệnh viện Yên Bái sáng 18/8/2016. AFP photo

Đối với Hòa thượng Thích Không Tánh, dĩ nhiên cũng có cái nhìn từ bi của nhà Phật cũng như truyền thống bác ái của mọi tôn giáo, nhưng Hòa thượng cũng lý giải vì sao cộng đồng lại đồng loạt có những phản ứng khá cứng rắn như hiện đang diễn ra, ngài nói:

“Không phải người Việt mình vô cảm hay là không có lòng bác ái, trước sự chết chóc, đau khổ của một người nào đó thì dân tộc Việt mình đều có tình thương. Dân Việt mình đa phần đều ảnh hưởng không Phật giáo thì cũng Công giáo, Cao đài hay Phật giáo Hòa hảo, Tin lành mà các tôn giáo đều dạy người ta về tình thương về bác ái hết cho nên trước sự đau khổ của bất cứ một ai thì mình đều có sự cảm thương.

Thế nhưng tại sao ba ông Bí thư tỉnh rồi Chủ tịch tỉnh rồi Kiểm lâm họ bị bắn chết mà người dân vui mừng hí hửng thì không phải người ta không có tình nhân loại nhưng bởi vì trước những người cầm quyền của chế độ này họ đã từng hại dân hại nước, từng hà hiếp, bóc lột, hãm hại biết bao nhiêu người rồi thì đối với họ, những quan quyền những chức tước dầu rằng quyền uy của một thế lực nào khi cầm quyền hà khắc gian ác với dân chỉ lo tham nhũng cho đầy túi tham mà không lo cho dân thì khi mất đi tự nhiên người dân người ta cảm thấy mất đi những kẻ hung ác đối với xã hội đối với đồng bào thì đa phần người ta không thương cảm được.”

Chúng ta người Công giáo không nên bày tỏ sự hể hả trước cái chết cho dù của những kẻ mà chúng ta có thể cho rằng chưa làm điều gì tốt cho dân tộc.
- Linh mục Phan Văn Lợi

Linh mục Phan Văn Lợi cũng có cái nhìn của một chủ chăn, hướng đàn chiên của mình tới những điều phúc âm đã chỉ dẫn, từ Huế ông cho biết:

“Chúng ta người Công giáo không nên bày tỏ sự hể hả trước cái chết cho dù của những kẻ mà chúng ta có thể cho rằng chưa làm điều gì tốt cho dân tộc. Nhưng chúng ta nên coi là cơ hội chỉ nên cầu nguyện cho những người cộng sản họ biết theo lẽ phải, lương tâm để mà làm những điều ích quốc lợi dân. Chúng ta đã thấy những sự bạo loạn trong xã hội thì mong rằng sự bạo loạn đó đừng xảy ra hay bớt xảy ra.”

Linh mục Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn cho biết quan điểm của ông trong vai trò một linh mục ông nói:

“Với tư cách là linh mục tôi thấy việc một án mạng xảy ra, nhất là tại tỉnh Yên Bái có ba án mạng trong một buổi sáng thì đó là điều mà đối với sức chịu đựng của con người của các gia đình và người có liên quan rất là lớn và họ phải gánh nỗi đau mà chúng ta khó có thể nói một lời an ủi mà họ dễ dàng qua được.
Nhưng nếu đối với cộng đồng thì tôi nghĩ rằng những gì xấu mà những người này làm thì họ sẽ đón nhận kết quả cho riêng họ và cho những người liên can. Người Việt Nam của mình cũng như người công giáo thì cái chết chỉ là một việc vừa thách thức vừa là báo hiệu cho con người chúng ta phải sống tốt ngay khi ở đời này và khi mình đang có thể làm điều tốt cho người khác.”

Nạn nhân của nạn nhân

Không ôn hòa nhẹ nhàng như TS Vũ Thành Tự Anh, trên VTC News, ngay sau khi vụ án xảy ra và phản ứng của cộng đồng mạng có bài viết: “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”.

Một trong những câu văn làm người đọc lên tiếng nhiều hơn nữa khi tác giả nhận xét: “Điều khiến cho những người có lương tri thấy nhói đau là mạng xã hội lại tràn ngập những lời đùa cợt, những bình luận hả hê, chà đạp lên nỗi đau đớn tột cùng của gia đình người bị nạn, của chính quyền tỉnh Yên Bái.”

Bài báo như đổ thêm dầu vào lửa, không biết bao nhiêu bài viết phản ứng lại câu “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án”, nhà thơ Thái Bá Tân thẳng thừng gọi tác giả bài viết là văn nô khi không cần biết tại sao cộng đồng lại có cùng một phản ứng như thế, bằng những câu thơ 5 chữ nổi tiếng thường lệ ông kết luận:

“Lũ văn nô, đĩ bút
Mới là bọn bất lương.
Khóc mướn quan tham nhũng,
Lên mặt dạy dân thường.
Biệt thự tám mươi tỉ
Bên túp lều xác xơ
Là bất lương tột đỉnh
Đất nước ta bây giờ.”

Đám tang những người tử nạn trên chuyến bay tìm kiếm chiếc Sukhoi SU-30MK2 mất tích hôm 16/6/2016. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 30/6/2016. AFP photo
Đám tang những người tử nạn trên chuyến bay tìm kiếm chiếc Sukhoi SU-30MK2 mất tích hôm 16/6/2016. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 30/6/2016. AFP photo
Đám tang những người tử nạn trên chuyến bay tìm kiếm chiếc Sukhoi SU-30MK2 mất tích hôm 16/6/2016. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 30/6/2016. AFP photo

Bên cạnh nhà thơ Thái Bá Tân là hàng trăm tên tuổi khác trong các ngành nghề khác nhau, trong đó có cả nhũng trí thức như bác sĩ, nhà báo, kỹ sư… .họ nhìn vấn đề với nhiều góc cạnh khác nhau nhưng cái chung  là sự thật về những gì xảy ra trong xã hội đã khiến tâm lý của chính họ bị chấn thương, như trang Facebook của Phương Lê, một bác sĩ khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng, ông viết:

“Tôi đã đến Yên Bái không dưới 10 lần.

Tôi đã chụp những bàn chân trẻ em thâm tím, nứt nẻ vì lạnh.

Tôi đã chụp những đứa trẻ cởi ngay đôi dép vừa được tặng để đi chân không vì tiếc đôi dép mới.

Tôi đã chụp những đứa trẻ phải mặc bộ đồ dân tộc phong phanh, môi tím ngắt vì lạnh để múa hát giúp vui cho quan khách.

Và tôi đã chụp những đứa trẻ con quan chức, mặc đồ dân tộc với trang sức bằng bạc cả mấy triệu, đi xe hơi đến nhận quà từ thiện...

Đi tận nơi, thấy tận mắt, nghe tận tai! Bạn nghĩ tôi có thể khóc thương đám quan chức ngồi trong trụ sở to đùng ở Yên Bái không?

Xin lỗi, còn lâu!”

Facebooker Phương Bích có lẽ rất thẳng thắn khi viết những dòng tâm trạng trên tường nhà mình về những cảm nhận mà bà từng chứng kiến tận cùng nỗi đau của nạn nhân chế độ này, nói với chúng tôi bà diễn tả tại sao lại có thái độ hả hê không giấu diếm:

Họ giết nhau đâu phải vì dân vì nước đâu mà họ giết nhau vì miếng ăn. Miếng cơm manh áo ấy do người dân đóng góp bằng tiền thuế, mà họ làm điều đấy thì người dân họ ức chế quá nên họ mới có thái độ như vậy.
- Nhà báo Sương Quỳnh

“Nếu như những người đó từng khóc thương cho những người dân vô tội bị giết trong đồn công an, khóc thương cho những người dân bị đánh đập khi chính quyền này cưỡng chế đất đai tài sản của họ và đẩy họ ra ngoài đường. Khóc thương cho những ngư dân bị cướp bóc, bị hiếp đáp ngoài Biển Đông thì người dân sẽ thương xót chia sẻ khi bị đẩy vào mức như thế.

Tại sao họ nhắm mắt trước cái ác, trước kẻ gây nên bao nhiêu tội cho đồng bào mình còn những người khác thì họ không chịu nhỏ nước mắt? Cái này phải công bằng, cái ác phải bị trừng phạt. Xưa nay người ta vẫn hay định hướng tình cảm nhưng đây là tình cảm không ai định hướng được, anh phải hiểu đàng sau nó là cái gì.”

Nhà báo Sương Quỳnh, chia sẻ những trải nghiệm của bà trong mặt bằng chính trị hiện nay để thấy rằng phản ứng hả hê của xã hội là có cơ sở:

“Theo cá nhân tôi suy nghĩ và quan sát những phản ứng của người dân đối với cái chết của ba lãnh đạo Yên Bái thì họ rất vui mừng, thậm chí họ hả hê nữa. Đối với truyền thống của người châu Á “nghĩa tử, nghĩa tận” thì trước cái chết người ta phải đau buồn.

Nhưng câu hỏi tại sao lại như vậy, người dân Việt Nam mình, những người đang sống trong đất nước này người dân bây giờ người ta đã khốn cùng quá rồi. Họ bị bao nhiêu sự bất công và bao nhiêu tai họa mà vì chính sách của những người lãnh đạo đã vạch ra theo kiểu của họ, sưu cao thuế nặng, công lý bất công, nhất là vụ biển bị đầu độc tại miền Trung đẩy họ vào đói khổ và bệnh tật. Đương nhiên khi một người lãnh đạo nói chung bị như vậy thì người dân họ vui mừng.

Vui mừng vì một phần khác đó là ba người họ tự giết nhau, họ tự giết nhau vậy tức là trong nội bộ họ cũng đã rất là căng thẳng rồi. Họ giết nhau đâu phải vì dân vì nước đâu mà họ giết nhau vì miếng ăn. Miếng cơm manh áo ấy do người dân đóng góp bằng tiền thuế, mà họ làm điều đấy thì người dân họ ức chế quá nên họ mới có thái độ như vậy.”

Linh mục Nguyễn Ngọc Thanh nhận định bài báo với một góc nhìn khác, ông cho rằng nhà nước muốn định hướng cảm xúc con người và trong trường hợp này mục tiêu mà bài báo đó là làm cho dân chúng tiếc thương người đã chết như là một người chết bình thường nhằm tránh sự hả hê có hại cho nền móng chính trị hiện nay đã đến lúc rệu rã:

“Cái chuyện hả hê của người dân thì mình không thể xen vào cái yếu tố tâm lý, cảm xúc của người dân và không thể cho mình cái quyền điều khiển cảm xúc của người dân được. Một thời gian dài trong một đất nước mà họ đã bịt miệng truyền thông để họ điều khiển cảm xúc người dân và họ cảm thấy là họ có quyền làm như vậy. Thật ra đó là cái ơn ban và nó được chứng nghiệm qua thời gian và lương tâm.

Phía sau những hả hê của người dân là nỗi lo của nhà nước. Vấn đề đặt ra không còn là văn hóa ứng xử nên như thế nào nữa mà đã chuyển biến theo một hướng khác có tính chất dự báo hơn là phê phán. Hằng trăm bài viết xuất hiện dày dặc trên mạng chú trọng vào vấn đề sinh tử mà Đảng đang phải đối diện trước thái độ của người dân. Nhà báo Nguyễn Thông đã có những câu chữ rất sát với thực tế của lòng dân hôm nay, ông viết:

“Tôi mà là ông Huynh ông Thưởng, chắc tôi phải nát óc khi có không ít người dân vốn hiền lành chất phác lại tỏ ra dửng dưng (tôi chỉ nói ở mức độ "hiền" nhất) trước cái chết của cán bộ to trong bộ máy cai trị của các ông. Họ còn hát "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" như dự báo một điều gì ghê gớm lắm, đã gần lắm.

Thế thì, hãy chú ý đến cán bộ, chứ không phải đến dân, các ông ạ. Ăn ở ra sao, mà lòng dân như vậy.”

Riêng với Nguyễn Anh Tuấn, một người còn rất trẻ nhưng nhận xét của anh thật sâu sắc và đầy cảnh báo một nguy cơ có thật cho nhà nước, cho Đảng Cộng sản Việt Nam:

“Những diễn biến của dư luận xã hội sau vụ Yên Bái, trớ trêu, lại đưa đến một ngụ ý cực kỳ nguy hiểm:

Dân chúng hoá ra không quá phẫn nộ nếu có ai đó bắn chết một quan chức cấp cao. Thế nếu đó là một lực lượng vũ trang phản loạn bắn bỏ hàng loạt quan chức cấp cao thì liệu dân chúng có phẫn nộ không?”

Văn hóa ứng xử luôn phản ảnh lại những gì đang xảy ra trong xã hội, vì vậy những ý kiến cho rằng xã hội Việt Nam đang đảo điên, mọi truyền thống đạo đức của đất nước không còn như xưa có lẽ không còn thực tế.

Dĩ nhiên mọi khuynh hướng đều có mặt gây tranh cãi nhưng người dân qua sự việc này cho thấy họ không muốn tiếp tục ngủ yên khi cố che giấu biểu cảm phản ứng của mình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.