Tình ca Mùa Đông

Xuân đến hè sang thu tàn đông lại… Tạo hoá vần xoay thời tiết bốn mùa. Chúng ta chợt bước vào mùa lạnh giá.
Việt Long, phóng viên RFA
2010.12.12
Tòa Bạch Ốc trong trận bão tuyết ngày 10.02.2010 Tòa Bạch Ốc trong trận bão tuyết ngày 10.02.2010
AFP PHOTO/YURI GRIPAS


Mới chào cuối thu, thì nay trời đã quá độ lập đông, ở nơi chúng tôi đang tâm tình cùng quý vị và các bạn. Vừa nhắc những vần Ao Thu của Tam Nguyên Yên Đổ thì hôm sau gió đã sang mùa.

Tuần qua trời Washington ban ngày mới lên được 36 độ F, đêm gần sáng là 18 độ, tức là lúc quá trưa thì khoảng từ 2 độ C, đêm xuống đến quãng âm 8 độ C! Chưa kể gió rét thổi 40 km giờ còn đem nhiệt độ xuống thêm mươi độ… Chắc bạn ở Việt Nam nghe kể cũng đủ rét run cả lên!

Ở xứ ta rét đến năm ba độ C là mọi người phải ở nhà sưởi ấm, không đi học đi làm, không ra ruộng nương vườn rẫy.

Bên này trời lạnh đến thế mà không đổ tuyết hay tuyết chỉ rơi nhẹ, người ta vẫn tấp nập đi làm, xe buýt vẫn tới lui chớp đèn đưa đón học sinh. Và mùa đông nơi xứ người không có cái vẻ buồn thương sướt mướt như mùa đông xứ ta, vì ở phương Tây đó là mùa Giáng Sinh, năm mới, chẳng khác nào xuân tết bên phương Đông.

winter-in-sapa-250.jpg
Giá lạnh đông đá trên cây ở vùng miền núi Sapa, Lào Cai hôm 13-2-2008. Photo AFP.
Mà ở Việt Nam chỉ miền Bắc và một khoảnh duyên hải miền Trung với cao nguyên Trung phần mới có mùa đông hay cả bốn mùa, miền Nam thì chỉ hai mùa mưa nắng.

Thế nên có một đêm đông Hà Nội, mãi hồi năm 1939, có người học sinh xứ Huế xa nhà không tiền về quê ngày tết, lặng buồn giữa cảnh “rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang” như nhà thơ Thế Lữ từng cảm khái.

Chàng trai 20 tuổi lang thang ngoài phố lạnh, nhớ nhà, nhớ quê, liên tưởng đến tình cảnh những người chinh phụ, ca nhi, thi nhân, lữ khách... cô đơn buồn tủi như mình, viết nên bài hát “Đêm Đông” mà người Việt không ai không chạnh nhớ mỗi lúc đông về…

Elvis Phương hát Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương… dường như cũng trong tâm trạng người lữ khách lê bước chân phong trần tha phương giữa đêm đông lạnh giá.

Hà Nội mới có mùa đông, phải không? Vâng. Và không ít nhạc sĩ đã viết “Hà Nội đêm mùa đông” hay “ Đêm mùa đông Hà Nội”, cả “Mùa đông Hà Nội” nữa. Nhưng ta hãy cùng nghe “Hà Nội đêm mùa đông” của Hoàng Phúc Thắng, qua tiếng hát Ngọc Khuê.

Sài Gòn không có mùa đông của tạo hoá, nhưng mùa đông âm nhạc cũng cho ta một nhạc phẩm nổi tiếng, bản Sầu Đông của nhạc sĩ Khánh Băng viết vào năm 1962, cùng với “Có nhớ đêm nào” và “Tiếng mưa rơi” của ông, đã trở thành những bản nhạc trẻ với tiết tấu sôi động đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, lúc đó đang thịnh hành điệu Twist.

Khánh Băng cũng là người đầu tiên chơi đàn guitar điện trên sân khấu Việt Nam. Khánh Băng là tác giả nhạc phẩm “Vọng ngày xanh” nổi tiếng năm 1956, được nhà văn nữ hiện sinh Francois Sagan viết lời Pháp, và nhờ thế Khánh Băng được mời vào Hội Tác Quyền thế giới.

Ngọc Sơn trình bày nhạc phẩm Sầu Đông. Điều đáng ngạc nhiên là trong những ca sĩ hát bài Sầu đông mà chúng tôi tìm thấy và được nghe, thì Hùng Cường, Khánh Ly, Thái Thảo, Duy Quang, Ngọc Sơn và Mai Thiên Vân, có thể còn nhiều ca sĩ khác nữa, hát rất chính xác những nốt Si bình và Đô thăng mà nhạc sĩ Khánh Băng viết cho âm giai La 7 để trở về cung chủ âm Rê thứ, ở câu “tình sầu lạnh buốt đêm trường”, cùng với những nốt si và đô y như vậy trong câu “cuộc đời ngày mai đổi thay”.

winter-12252009-250.jpg
Mùa đông năm 2009 ở Germantown, Maryland. RFA photo.
Trong khi đó, một hai ca sĩ hàng đầu và một số ca sĩ khác lâu năm hơn Ngọc Sơn và Mai Thiên Vân đã hát những nốt đó không đúng vì không hiểu ý nhạc của tác giả.

Bài Đêm Đông, có người cũng hát “bên sông ngẩn ngơ” thay vì phải hát “bên SONG ngẩn ngơ kìa ai mong chồng”. Mà nhà phát hành cũng không nhận thấy hay không biết tới điều ấy. Thật lạ!

Trở lại với không khí mùa đông trong tiếng guitar điện và tiết điệu nhạc trẻ, đôi song ca trẻ Lâm Chí Thanh và Hiền Thục hiến quý vị bản Mùa đông của Tấn Thành.

Và sau cùng cho mùa đông năm nay, Minh Tuyết kể lại một cuộc tình gian dối qua những lời buồn, khi “Vắng anh mùa đông”, nhạc phẩm của Trương Lê Sơn.

Tuần sau, chúng ta bước vào không khí của dịp lễ Giáng Sinh 2010, mà từ bây giờ đã bắt đầu rộn ràng ở nơi đây, không khác gì những ngày giữa tháng chạp âm lịch, chờ đón tết Nguyên Đán bên ta… Việt-Long xin hẹn quý vị tuần sau, nhé.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.