Tiếng hát nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý

Mới ngoài tuổi 20, nhưng Lê Cát Trọng Lý được biết đến như một hiện tượng âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây, với chất giọng nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011.10.03
7215671_8320581_1336660650_n305.jpg Lê Cát Trọng Lý biểu diễn tại TP HCM, tối 12-09-2011.
Courtesy Lê Cát Trọng Lý's FB

Hiện tượng âm nhạc VN

Mới ngoài tuổi 20, nhưng Lê Cát Trọng Lý được biết đến như một hiện tượng âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây, với chất giọng nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên. Nếu mới nghe Lý hát lần đầu thường người nghe chưa cảm nhận được hết chiều sâu trong ca từ cũng như giai điệu của cô. Chỉ với âm thanh của cây guitar thùng và chất giọng mộc mạc đó, lần đầu tiên cô gái 21 tuổi lúc bấy giờ, đã dành được giải cao nhất -- Bài Hát Của Năm -- năm 2008. Bài Chênh Vênh của Lý cũng trở thành một hiện tượng âm nhạc của Việt Nam giống như tác giả nó suốt một thời gian dài sau đó. Vượt ra khỏi dòng nhạc thị trường khá bão hoà tại Việt Nam, Lê Cát Trọng Lý đã chọn cho mình một hướng đi riêng, vừa sáng tác và vừa hát ca khúc của chính mình. Mới tuần rồi, Lê Cát Trọng Lý vừa kết thúc chuyến lưu diễn xuyên Việt mang tên Vui. Và hôm nay, Lê Cát Trọng Lý dành cho Vũ Hoàng buổi trò chuyện để hiểu thêm về con đường sáng tác nhạc của cô.

Vũ Hoàng: Trước hết, chúc mừng Lý đã thành công trong tour biểu diễn vừa rồi. Mọi thứ tốt hết chứ hả Lý?

Mọi thứ Lý làm là dựa trên những băn khoăn, suy nghĩ, hầu như những điều đó là tự nhiên, quá trình đó diễn ra thật tự nhiên nên mình không biết tại sao lại như vậy.

Lê Cát Trọng Lý

Lê Cát Trọng Lý: Dạ cũng tốt ạ.

Vũ Hoàng: Mình có câu hỏi đầu tiên cho Lý là người còn rất trẻ, nhưng trong âm nhạc của Lý người ta thấy có một sự từng trải như thể Lý đã trải nghiệm rất nhiều trong cuộc sống rồi. Tại sao Lý lại có những ý tưởng như vậy để sáng tác nhạc?

Lê Cát Trọng Lý: Lý nói với anh đó, mọi thứ Lý làm là dựa trên những băn khoăn, suy nghĩ, hầu như những điều đó là tự nhiên, quá trình đó diễn ra thật tự nhiên nên mình không biết tại sao lại như vậy.

Vũ Hoàng: Vậy thì âm nhạc của Lý có hướng tới một đối tượng người nghe nào không, chẳng hạn như giới trẻ chẳng hạn?

lctl200.jpg
Poster chương trình biểu diễn xuyên Việt của Lê Cát Trọng Lý - "VUI". Courtesy Lê Cát Trọng Lý' FB.
Lê Cát Trọng Lý: Lý cũng không phân biệt mình nhắm vào đối tượng nào cho nên mỗi giai đoạn mình cứ làm hết sức đi, rồi thì đối tượng nghe nhạc của mình sẽ mở rộng, mở rộng ra. Với kinh nghiệm của Lý thì Lý thấy là cũng có con nít nghe Lý, cũng có người già, cũng có thanh niên, cũng có bộ đội… vì thế Lý làm nhạc Lý không nhắm đến đối tượng nào hết.

Vũ Hoàng: À có một điều khá thú vị là Vũ Hoàng thấy nhiều người nói là có cả chất thiền trong nhạc của Lý nữa thì điều này là thế nào?

Lê Cát Trọng Lý: Lý làm nhạc Lý cũng không nghĩ gì nhiều, cứ làm những gì hợp với tự nhiên của mình. Tại vì Lý thích phật giáo Tây Tạng, cho nên mình hát lên vậy thôi, Lý cũng không nghĩ quá nhiều về thiền hay tính chất tôn giáo trong âm nhạc.

Sáng tạo là vô tận

Vừa làm việc, vừa tận hưởng tiến trình phát triển tự nhiên thì nó rất là thú vị. Động lực để mình làm việc hay sáng tạo là vô tận, nó không còn bị giới hạn về động lực sáng tạo.

Lê Cát Trọng Lý

Vũ Hoàng: Còn một điều nữa là âm nhạc của Lý để hiểu được thì phải nghe vài ba lần mới thấy được hết cái hay, Lý có nghĩ đây là bất lợi vì khó tiếp cận đến được thính giả không?

Lê Cát Trọng Lý: Khi mà Lý làm nhạc thì Lý không mong muốn tất cả mọi người đều phải hiểu. Điều mà Lý mong muốn duy nhất là âm nhạc làm cho người nghe cảm thấy thoải mái, ngôn ngữ của âm nhạc không phải là ngôn ngữ mình phải phân tích và hiểu nó như thế nào.

Vũ Hoàng: Mình thấy báo chí nhận xét là phong cách sáng tác của Lý có điểm gì đó chung với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thậm chí, có người còn gọi Lý là “Trịnh Công Sơn nữ” Lý thấy thế nào?

657215671_8336572_1537238991_n250.jpg
Lê Cát Trọng Lý biểu diễn tại Nhạc viện TP HCM, tối 14.09.2011. Courtesy Lê Cát Trọng Lý's FB.
Lê Cát Trọng Lý: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có những đóng góp về tác phẩm cũng như tinh thần rất lớn và có cả một quá trình. Nhưng Lý mới làm nhạc, có thể mình giống một cái gì đó ở tinh thần hoặc là ở một cái cách nào đó Lý cũng không biết nữa, trên thế giới có rất nhiều người như vậy.

Vũ Hoàng: Vậy giờ đây động lực sáng tác của Lý là gì?

Lê Cát Trọng Lý: Lý nghĩ rằng, ngày xưa lúc Lý mới làm thì Lý nghĩ rằng mình cần phải có mục đích để phải làm, nhưng mà khi Lý làm nhiều thì Lý mới nghĩ rằng sự kỳ diệu của tự nhiên thật là tuyệt vời và mình cần phải tận hưởng nó. Vừa làm việc, vừa tận hưởng tiến trình phát triển tự nhiên thì nó rất là thú vị. Động lực để mình làm việc hay sáng tạo là vô tận, nó không còn bị giới hạn về động lực sáng tạo.

Vũ Hoàng: Câu cuối cùng Lý nhé, bây giờ Vũ Hoàng sẽ mời thính giả nghe lại bài Chênh Vênh của Lý, vậy Lý có thể chia sẻ với thính giả hồi Lý sáng tác bài này như thế nào được không?

Lê Cát Trọng Lý: Chênh vênh là một trong những bài đầu tiên Lý viết năm 19 tuổi. Chênh Vênh là bài hát Lý viết dựa trên câu chuyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Thời điểm Lý viết bài đó là lúc Lý mới học về hoà âm, Lý học guitar, thích thú, Lý làm hoà âm trước, sau đó để cả tuần, thấy uổng nên mới bỏ giai điệu vào và hát và thế là có bài hát.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn Lý.

Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.