Nhạc sĩ Quỳnh Hợp và những sáng tác thời đại

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013.11.07
Hình phóng lớn của bài viết " Album Cỏ hát của nhạc sĩ Quỳnh Hợp: 35 ngọn nến mừng sinh nhật của Rừng " Hình phóng lớn của bài viết " Album Cỏ hát của nhạc sĩ Quỳnh Hợp: 35 ngọn nến mừng sinh nhật của Rừng "
Bluemelodyvn

Nghe bài này

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp sinh ra và lớn lên ngoài Bắc nhưng vào Nam học tập và lập nghiệp, thời trẻ, cuộc sống chị gắn bó với vai trò là người lính và đi hát phục vụ bộ đội khắp mọi miền đất nước. Về sau, chị quay lại học âm nhạc một cách chính quy, sau hơn 10 năm tu nghiệp, đào tạo tại khoa Sáng Tác của Nhạc Viện TPHCM, giờ chị trở thành biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, đồng thời là giảng viên sáng tác của Nhạc viện TP.

Hình ảnh người lính biển đảo

Cho đến nay, trong tổng số gần 400 ca khúc cả sáng tác và phổ thơ được hoàn thành qua 36 album nhạc, chị dành hơn 30 ca khúc viết về người lính đảo, ca ngợi vẻ đẹp và ý chí của những người ngày đêm canh gác sự toàn vẹn lãnh hải Tổ quốc Việt Nam. Hơn thế nữa, với vai trò của một nhà báo, tiếp xúc với tin tức thời cuộc và đi lại nhiều đã mang lại cho chị cơ hội được sáng tác nhiều nhạc phẩm gắn liền với hơi thở thời cuộc và mang giới thiệu đến người nghe âm hưởng của nhiều miền đất khác nhau mà chị có dịp đặt chân tới.

Chia sẻ về những sáng tác về biển đảo Việt Nam, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho chúng tôi biết:

Thực tế sáng tác về biển đảo, tôi sáng tác trước khi Biển Đông biến động. Tôi có một thời gian dài là người bộ đội, người lính, cho nên những hình ảnh của bộ đội hải quân rất hấp dẫn mình và trong sáng tác của mình có bè bạn là bộ đội hải quân. Thực ra, thời điểm khi mình thấy chín rồi đó là dịp khi mình có người bạn đi ra ngoài Trường Sa về và khoe với tôi bài hát “Sức Sống Trường Sa” và tôi thấy rằng với tình hình biển Đông như vậy, người lính ngoài đó quá khổ.

Tôi nhớ lúc đó là năm 2010, tôi đã viết để giới thiệu với đồng bào cả nước cũng như kiều bào nước ngoài hình ảnh của những người lính đang ở ngoài khơi giữ vững thềm lục địa ngoài đó và họ rất khó khăn. Tất cả những bài hát ấy, trong chùm đầu tiên, chỉ là những sáng tác tưởng tượng của mình qua những bài thơ mình đọc được và những hình ảnh được xem trên truyền hình, tôi nhớ trong những chùm đó, có những bài bộ đội rất yêu thích. Trong đó, có những bài như Lính Đảo Đợi Mưa, phổ từ một bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa là bài được giải nhất của Hội Nhà Văn trao từ năm 1982, tôi đã đẩy được cảm xúc tới, đó là người lính ngoài khơi hình ảnh đã làm cho tất cả những người trong đất liền không thể cầm lòng được, đó là chùm đầu tiên. Sau đó, bộ đội hải quân đã mời đích danh tôi ra thăm Trường Sa vào năm sau, tôi nhớ lúc đó là năm 2011.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp hát ca khúc "Nghe em hát ở Trường Sa" do nhà báo Trần Hồng (báo QĐND) chụp. Bức ảnh này đã được đăng trên báo Hànộimới ra ngày 17/4/1988.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp hát ca khúc "Nghe em hát ở Trường Sa" do nhà báo Trần Hồng (báo QĐND) chụp. Bức ảnh này đã được đăng trên báo Hànộimới ra ngày 17/4/1988.
báo Hànộimới ra ngày 17/4/1988.

Tôi nhớ lúc đó là năm 2010, tôi đã viết để giới thiệu với đồng bào cả nước cũng như kiều bào nước ngoài hình ảnh của những người lính đang ở ngoài khơi giữ vững thềm lục địa ngoài đó và họ rất khó khăn

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

Chuyến đi Trường Sa đó đã mang cho mình rất nhiều cảm xúc và ngay khi trở về đất liền thì có sự kiện là tàu dầu khí bị cắt cáp ngoài khơi, tinh thần ở trong nước về biển Đông, tinh yêu tổ quốc đã dâng lên rất cao, thì tôi phổ ngay bài Tổ Quốc Nhìn Từ Biển của nhà thờ Nguyễn Việt Chiến và từ đấy, tất cả các cảm xúc ào ạt về và tôi phổ tiếp Đảo Bão, Đảo Chìm… vì tất cả những hình ảnh đó mình được chứng kiến, nên cảm xúc của những bài hát sau này sống động hơn, thực tế hơn, tả thực hơn. Những album trước chỉ là những gửi gắm một cách bay bổng, lãng mạn, thơ một chút… những bài sau này đã có cái nhìn trực diện hơn về đời sống của những người lính ngoài khơi.

Cảm xúc với người dân vùng lũ

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho rằng mình là một người may mắn vì được đào tạo chính quy và nghề nghiệp hiện tại của chị cũng phục vụ rất nhiều cho việc sáng tác:

Với bất kỳ một nghệ sĩ nào thì việc phản ánh cuộc sống là chân của sự sáng tạo, tôi làm báo nữa nên việc bám sát các sự kiện thời sự rất thuận lợi, thậm chí mình có cả những cái nhìn rất xa về một sự kiện nào đó sắp xảy ra, còn lại những sự kiện hiện hữu như bão lũ, biển Đông tất cả những cái đó đã được thông qua chương trình thời sự của đài hay trong những sự kiện như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất hay các sự kiện Biển Đông, rồi cả các lễ hội của đất nước nữa, tôi có nhiều album viết về các vùng đất, bởi đó là sự đổi mới, chuyển mình của các vùng đất. Trong các chương trình âm nhạc của mình cũng đã phải giới thiệu đến cho người nghe, đặc biệt là những dịp kỷ niệm các sự kiện, mang đến cho mình góc nhìn xa hơn một chút, nhìn trước một sự kiện để mình chuẩn bị cho sự kiện đó,  vì thế, các tác phẩm của tôi mang tính kịp thời và phản ánh được các sự kiện một cách chân thực nhất, mới mẻ… vì thế nó sẽ mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Tôi cho rằng người làm báo thuận lợi và tôi đã phản ánh một cách gần gũi nhất, trực diện nhất và kể cả hiệu quả nữa cho tất cả các sự kiện.

Một điểm khác mà tôi muốn chia sẻ là ngoài chuyện kể về người dân vùng lũ rất khó khăn, khổ sở và đói rét bệnh tật, mọi thứ đều thiếu thốn và không thể cầm lòng, hình ảnh của những vùng lũ, những ngày mưa, sau bão lũ vừa rồi ở miền Trung, ai cũng nhìn thấy và không thể cầm lòng được

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp

Gần đây nhất  tôi rất cảm xúc với bài thơ Sau Mùa Bão Lũ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai khi tôi thấy Mai post bài đó trên facebook, tôi down về và nhớ là chỉ khoảng 3 ngày sau tôi hoàn thành bài hát và thu thanh ngay, khi thu thanh, chỉ có một vài chỉnh sửa nhỏ thôi để đẩy cảm xúc bài hát. Một điểm khác mà tôi muốn chia sẻ là ngoài chuyện kể về người dân vùng lũ rất khó khăn, khổ sở và đói rét bệnh tật, mọi thứ đều thiếu thốn và không thể cầm lòng, hình ảnh của những vùng lũ, những ngày mưa, sau bão lũ vừa rồi ở miền Trung, ai cũng nhìn thấy và không thể cầm lòng được. Ngoài chuyện kể đó, tôi muốn gửi một thông điệp của đoạn kết bài hát bằng ba câu:

Thương ơi đưa tay ra nào

Thương ơi đưa tay ra nào

Sau mùa bão lũ đắng ngọt sẻ chia

Sau những bão lũ như vậy, rất cần những yêu thương đùm bọc sẻ chia của đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài để cho vơi đi những khó khăn, vất vả. Thông điệp tôi muốn gửi vào đấy là mong muốn góp được một chút nào đó, mong muốn mang được một điều gì đó đến cho đồng bào ở vùng bão lũ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.