Nhường cho chị sống

Trong cuộc sống có rất nhiều nghĩa cử đẹp và có lẽ một trong những điều đẹp nhất là việc nhường sự sống của mình cho người khác. Đó là câu chuyện của bé Đinh Thị Thúy mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.06.26
052_01178563-305.jpg Cách biệt giàu nghèo trong xã hội, ảnh minh họa.
AFP photo

Hai chị em cùng bệnh

Cô gái trẻ người dân tộc Mường Đinh Thị Thúy, 15 tuổi vừa chăm sóc cho người chị gái 24 tuổi của mình, Đinh Thị Điển, vừa mỉm cười vui vẻ. Thúy đang mừng cho người chị vừa qua ca phẩu thuật lá lách thành công và chị không còn đau đớn vật vã nữa. Thúy nói:

“Bây giờ chị em mổ được lá lách rồi, chị đã bớt đau và đi lại được, em cũng rất mừng cho chị. Mặc dù cái bệnh này không chữa dứt được, phải truyền máu định kỳ nhưng em cũng rất mừng cho chị ấy vì chị không còn đau đớn quằn quại nữa”.

Điển bị chứng huyết tán bẩm sinh làm lá lách to quá 4 kg, gần như chiếm hết cả ổ bụng phải mổ. Vết mổ chưa lành hẳn làm Điển thỉnh thoảng đau nhói; tuy nhiên, có lẽ cô còn may mắn hơn đứa em của mình. Nếu không nhìn thấy Thúy, người ta sẽ nghĩ em hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, ngay chính bản thân em cũng mang căn bệnh giống như chị mình:

“Em nói rất mệt mỏi trong người, nó cứ chóng mặt và yếu lắm, chẳng làm gì được”.

Điển và Thúy sinh ra trong một gia đình người dân tộc Mường có 6 người con tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Từ nhỏ, bốn anh em trong gia đình đã bị chứng kém phát triển, xanh xao vào teo tóp. Tuy nhiên, mải lo kiếm tìm cái ăn, bà mẹ người dân tộc không thạo tiếng Kinh cũng chỉ phó mặc các con cho trời. Năm ngoái, người anh và em của Thúy bỗng lăn ra chết, bà mẹ mới phát hoảng mang Điển và Thúy đi khám bệnh và biết rằng các con của bà đều mắc chứng huyết tán bẩm sinh.

Từ đó, gia đình bán tất cả những gì có thể để cứu Điển và Thúy nhưng cũng chỉ có thể trị bệnh được cho một người. Và mặc dù là em, nhưng Thúy đã nhường cho chị mình cơ hội được sống:

“Nhà em đã chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho chị em, còn bệnh của em thì tạm gác lại đã. Vì em cũng rất thương chị mà chị cũng thương em rất nhiều. Lá lách của chị cũng to hết cỡ, không có chỗ để lớn nữa. Nó cứ chọc trong bụng chị ấy làm chị ấy đau quằn quại nên phải vay tiền chữa cho chị ấy trước, còn em thì tính sau”.

Nhà em đã chạy vạy vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho chị em, còn bệnh của em thì tạm gác lại đã. Phải vay tiền chữa cho chị ấy trước, còn em thì tính sau.
Em Đinh Thị Thúy

Mặc dù bệnh của Thúy chưa phát triển nặng như chị Điển nhưng cũng đủ làm em mệt mỏi. Thấy con kể đến đây, mẹ Thúy ứa nước mặt, chậm rãi gằn từng câu tiếng Kinh rời rạc như giải thích cho nỗi lòng của bà mẹ nghèo bất lực:

“Thương quá nhưng vì hoàn cảnh cũng khó khăn nên không có điều kiện để đưa cháu đi”.

Trong tất cả sáu anh chị em, chỉ có 3 người được đi học đến cấp hai. Người chị thứ ba của Thúy cũng phải lấy chồng từ rất sớm vì muốn giảm bớt cái ăn cho gia đình. Cha và anh trai Thúy làm thuê quanh năm cũng không sắm sửa nổi món gì quí giá trong nhà. Mẹ của Thúy quanh năm chỉ biết luống cỏ, đồi ngô, lúc có thời gian rảnh lại đi cuốc đất thuê kiếm tiền đong gạo. Khi con cái không bệnh, gia đình còn được ăn no nhưng từ khi phải lo thuốc men cho Điển, cả nhà có khi phải nhịn đói. Thúy kể, món ăn thường xuyên của cả nhà chỉ là rau rừng chấm muối, lâu lâu mới được ăn thịt một lần. Thúy nói:

“Trên này là vùng núi, đi trồng sắn trồng ngô nhưng đất cằn cõi cũng chẳng được bấy nhiêu, cuối năm cũng chỉ được một vài triệu, còn chưa đủ tiền trả nợ. Ruộng nhà cũng ít, bây giờ ăn còn không đủ. Có khi cả tháng mới được ăn thịt, mà toàn là mỡ thôi”.

Phần vì bệnh tật, phần vì ăn uống kham khổ mà Thúy và Điển nhỏ như cái kẹo. Mặc dù Điển đã 24, còn Thúy đã 15 nhưng chỉ nặng khoảng 20 kg, tay chân teo tóp. Quần áo chị em thúy mặc cũng là quần áo cũ trẻ em xin được từ các đợt cứu trợ của dân miền xuôi. Thúy tâm sự, những ngày lễ tết của người Mường hay người Kinh, gia đình của em thường rất hiếm khi tham dự hay thực hiện việc ăn mừng cũng vì do hoàn cảnh túng thiếu.

Hoàn cảnh khó khăn

Một phụ nữ bán dạo trái cây tại bãi biển Cửa Đại, Hội An. AFP photo
Một phụ nữ bán dạo trái cây tại bãi biển Cửa Đại, Hội An. AFP photo
Một phụ nữ bán dạo trái cây tại bãi biển Cửa Đại, Hội An. AFP photo
Từ khi chị được mang đến Viện huyết học và truyền máu trung ương để trị bệnh huyết tán, Thúy là người chính chăm sóc cho chị của mình vì mẹ khù khờ lại không biết tiếng Kinh. Nhìn Thúy lon ton chạy đi lo giấy tờ, lo từng bữa ăn cho chị và mẹ tại bệnh viện, khó ai có thể ngờ rằng Thúy cũng mang trong mình căn bệnh có thể đưa em về với đất bất cứ lúc nào. Thúy cho biết, vì tủi phận mình không giúp được cho cha mẹ nên nếu có thể làm được điều gi giảm bớt gánh lo cho gia đình, thì em đều làm, kể cả là giúp lên nương hay nhường cho chị trị bệnh trước:

“Em rất buồn và tủi thân, nhiều khi nghĩ mình không xứng đáng làm một con người. Sinh ra, em đã không giúp gì được cho cha mẹ lại còn bị bệnh, phải tốn tiền gia đình”.

Có lẽ vì hoàn cảnh nghèo túng, con cái lại bệnh tật nên cha Thúy sinh ra rượu chè, bỏ bê nhà cửa, để mặc cho người vợ ngày đêm lên nương xuống rẫy tìm cái ăn, lo thuốc thang cho con. Thúy cho biết khi em và mẹ đưa chị Điển đi chữa bệnh thì em chỉ biết cầu nguyện cho chị chóng hết bệnh vì nếu không, về nhà sẽ bị cha mắng:

“Mẹ em thì hết lòng yêu thương bọn em nhưng chẳng biết làm thế nào hơn. Còn bố em thì thấy bọn em chẳng giúp được gì lại còn phải tốn tiền chữa bệnh nên nhiều khi bố chửi mắng bọn em và còn đánh  nữa. Nhiều lúc em rất tủi thân nhưng không biết làm thế nào”.

Em thấy rất thương em của mình, giá mà hai chị em được điều trị thì tốt hơn. Ước gì Thúy cũng được đi cắt lá lách như cháu để hai chị em được sống bên nhau.
Em Đinh Thị Điển

Cơn đau của chứng bệnh huyết tán làm Thúy mệt mỏi và đuối sức, nhưng có lẽ cái làm cho em đau đớn nhất là những lời trách móc của người cha. Mỗi lần thấy cha say rượu, quát tháo là hai chị em lại run bần bật nép vào lòng mẹ. Những lúc như thế, cha Thúy càng mắng vợ mình vì cho rằng bà không biết đẻ con, chỉ đẻ ra những người bệnh hoạn. Thúy kể trong buồn bã:

“Bố nói trong lúc say rượu, nói chung những câu rất xúc phạm, nhiều khi cứ vang vọng trong đầu mẹ và chúng em. Bố nói mẹ sinh ra chúng em là ma, vứt chúng em xuống suối cho cá ăn, cho xác trôi. Bố bảo vứt chúng em ra đường cũng chẳng ai nuôi”.

Người cha lý ra là hy vọng duy nhất để có thể chữa bệnh cho Thúy. Tuy nhiên, có lẽ hy vọng này cũng tan biến. Chính vì thế mà chị em Thúy chỉ còn cách ngày đêm cầu khẩn trời cao. Biết em hy sinh cho mình được sống, Điển luôn xúc động khi được hỏi về em mình. Cô cho biết, ước mơ duy nhất của mình là được sống nhưng phải sống cùng với em mình:

“Em thấy rất thương em của mình, giá mà hai chị em được điều trị thì tốt hơn. Em ấy cũng bị bệnh mà phải chăm sóc chị của mình. Em thấy thương quá nhưng không biết làm thế nào. Ước gì Thúy cũng được đi cắt lá lách như cháu để hai chị em được sống bên nhau”.

Thúy và Điển cách nhau đến 10 tuổi nhưng cách ăn nói và suy nghĩ của em còn già dặn hơn chính người chị của mình. Cuối tháng này chị của Thúy sẽ phải đi truyền máu định kỳ và Thúy cũng lại là người đưa chị đi cùng với cái lá lách ngày càng to. Khi được hỏi nếu phải chọn giữa một trong hai người được sống thì Thúy sẽ giữ cơ hội ấy cho mình hay cho chị? Thúy không ngần ngại nói rằng “Em sẽ nhường cho chị sống”. Nhìn cô bé chỉ biết cho đi hơn là nhận lấy, người ta không khỏi đặt câu hỏi rằng cho đến bao giờ em mới là người được nhận?

Câu chuyện về chị em Điển và Thúy xin được phép dừng tại đây. Mời quý vị đóng góp ý kiến và chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi tại email

Quynhchi@rfa.org; hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook (Quynhchi RFA). Xin kính chào và hẹn gặp lại vào kỳ tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.