Đau xót khi tự tay “cầm tù” con mình

Tuần này Quỳnh Chi mời quý vị lắng nghe tâm sự não lòng của bà Cao Thị Hằng, thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Điều gì làm cho người đàn bà này ray rứt đến nỗi hễ mỗi khi đêm xuống là rấm rứt khóc?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.07.17
034_2380195-305.jpg Phụ nữ Việt Nam, ảnh minh họa
AFP photo

Ba đứa con tâm thần

Cứ ngỡ rằng không có điều gì có thể làm một người mẹ đau đớn hơn khi nhìn thấy con mình mất tự do và bị đày đọa; thế nhưng khi phải tự tay “cầm tù” con của mình, mới thấy nỗi đau còn tăng lên gấp bội. Từ 3-4 năm nay, bà Cao Thị Hằng đã sống với tâm trạng day dứt, não nề như thế khi tự tay trói 3 đứa con của mình và nhốt vào gian nhà nhỏ sau nhà. Hễ có người hỏi đến, là bà không khỏi buồn bã tâm sự:

“Thương con lắm thế nhưng chúng tự đánh chúng rồi lại đánh chính mình nên phải trói lại, chứ thật lòng tôi thương con lắm. Không biết làm sao được”.

Trong lúc bà Hằng nói chuyện, thỉnh thoảng có vài tiếng lá hét, đập mạnh từ một căn phòng nhỏ. Đó là những âm thanh hoang dại, vật vã mỗi khi ba đứa con bị bệnh tâm thần của bà cảm thấy khó chịu.

Bà Hằng cùng chồng có được 4 người con gái, thì đã ba người bị bệnh tâm thần. Vợ chồng nghèo khó, hai ông bà sinh con ra với hy vọng sau này lớn khôn, chúng có thể giúp ông bà an hưởng tuổi già. Thế nhưng, mong ước của đôi vợ chồng nghèo tắt lịm khi khoảng 10 năm nay, bà biết rằng, con bà có thể “lớn” nhưng không “khôn”.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2002, khi cô con gái thứ hai, Ngô Thị Sử (SN 1984) có những triệu chứng tâm thần đầu tiên:

“Ôi trời ơi, tôi không còn sức người. Lúc mà đứa con thứ hai bắt đầu bị tâm thần là hàng tháng trời tôi vật vã. Tôi la, tôi khóc, tôi van, tôi không ăn uống... nói chung lúc đó tôi không thiết chi làm người nữa. Cám ơn Chúa cho tôi sống đến ngày hôm nay chứ tôi cứ nghĩ là không còn chi cả, ruột gan đứt hết cả rồi”.

Khi đang học lớp 12, Sử bỗng lăn ra bệnh. Cô bắt đầu không điều khiển được mình, đi đứng và ăn nói khó khăn. Nhìn thấy con như thế, hai vợ chồng bà Hằng ứa nước mắt, ngày đêm khấn vái cho con mau lành bệnh. Thế nhưng, nước mắt ông bà chưa kịp khô thì hai cô con gái kế tiếp lại mắc bệnh:

“Đứa đầu tiên thì lúc đang học năm lớp 12 thì tỏ ra mệt mỏi, cứ nằm lên nằm xuống. Giáo viên đã yêu cầu cho em tạm nghỉ học để đi bệnh viện. Đang điều trị được 1 năm thì đến đứa con kế mắc bệnh. Con bé kế thì chỉ cười, nói rồi khóc… Sau đó lại đến con em nữa. Chúng nó làm đủ thứ trong nhà. Chúng khóc, la, nửa tỉnh nửa mê và không làm chủ được mình”.

Hai người con gái tiếp theo của bà tên Ngô Thị Thành (SN 1986)  và Ngô Thị Tâm (SN 1990), lần lượt đổ bệnh vào  năm 2003 và 2004 khi đang học lớp 9. Trong khi Sử thì tỏ ra ngớ ngẩn và hay đi lang thang thì Thành lại cứ cười thành những cơn dài, có lúc không dừng lại được. Còn Tâm thì cứ la hét, chửi mắng và đuổi đánh bất cứ ai đến gần. Nhìn ba đứa con mình dứt ruột đẻ ra vật vã trong cơn điên loạn, lòng người mẹ quê cứ như ai xát muối:

Thương con lắm thế nhưng chúng tự đánh chúng rồi lại đánh chính mình nên phải trói lại, chứ thật lòng tôi thương con lắm. Không biết làm sao được.
Bà Cao Thị Hằng

“Lúc đầu nhìn thấy con thì đau xót lắm, khóc hết nước mắt chứ”.

Nỗi đau liên tiếp nỗi đau nhưng trớ trêu thay, năm 2006, người đàn bà cơ cực này lại chịu cảnh chết thêm lần nữa. Lần này, người bị điên loạn, chính là người mà mà ngỡ sẽ cùng chia sẻ gánh nặng nuôi ba đứa bệnh tật. Hai năm sau khi đứa con gái út bắt đầu phát bệnh, ông Ngô Ngọc Bài, chồng bà Hằng trở chứng bệnh giống ba đứa con gái:

“Ông ấy cứ lừ lừ, con cái thì không lo liệu chi cả. Đôi lúc ông khùng lên, rồi cứ bồn chồn, cứ ngồi lên ngồi xuống”.

Vậy là thay vì cùng bà chăn giữ và điều trị cho ba đứa con tâm thần, ông Bài cũng trở nên ngây dại. Khi thì ông nóng nảy, đập phá nhà cửa; khi thì ông ngồi lặng lẽ vô thần sắc; có lúc ông lại bỏ đi không trở về nhà.

Từ khi chồng phát bệnh, bà Hằng đã không đứng vững lại càng bị xô đổ. Người phụ nữ vừa bước qua tuổi 50 càng gầy gò khắc khổ. Sự sụp đổ đã làm bà không còn gắng gượng được - không còn cách nào khác hơn là phải trói các con lại. Ngày cầm dây thừng trói tay chân của từng đứa con và xích lại vào một góc nhà, nước mắt bà rơi từng giọt “Có ai tự cầm tù con mình bao giờ”:

“Tôi cứ lấy dây buộc chúng lại cho chúng đừng đánh nhau. Chúng cũng tự đánh mình, nhìn thấy sợ lắm. Máu mũi máu mồm cứ ọc ra”.

Kinh tế eo hẹp

Một trong những đứa con bị tâm thần của bà Hằng đang bị trói tại nhà. Photo courtesy of dantri-com
Một trong những đứa con bị tâm thần của bà Hằng đang bị trói tại nhà. Photo courtesy of dantri-com
Một trong những đứa con bị tâm thần của bà Hằng đang bị trói tại nhà. Photo courtesy of dantri-com
Hàng ngày, ngoài việc phơi lưng ngoài đồng nắng với vài sào ruộng, bà Hằng cứ như con rối hết chăm con lại giữ chồng. Nhiều khi bà đi làm đồng về muộn, các con bà đói quá đập phá hết tất cả những gì họ có thể với tới. Khi không còn gì để đập, họ tự đâm đầu mình vào tường, máu chảy lênh láng. Sự hỗn loạn trong căn nhà nhỏ cũng chẳng khác gì những cơn sóng dữ trong lòng người đàn bà tội nghiệp. Bà tâm sự, nhiều đêm nằm ngủ, nghe con hú lên trong đêm, lúc lại cười nắc nẻ, bà chỉ biết thở dài ngao ngán.

Có lẽ những bất hạnh của gia đình bà sẽ nhẹ đi phần nào nếu cuộc sống của họ đỡ thiếu thốn. Tuy nhiên, người phụ nữ với sức vóc yếu đuối một mình chống chèo trên vài sào ruộng cũng chỉ giúp gia đình bà có được những bữa cơm sơ sài:

“Nói chung tôi cũng trồng trọt thì cũng có cơm cho các cháu ăn nhưng chi tiêu thì rất eo hẹp vì không có tiền, không đủ lúa bán. Đôi lúc cũng nghĩ là không hiểu vì sao mà cuộc đời lại đem đến cho mình một gia đình như thế. Nhiều khi tôi cũng phàn nàn, than vãn nhưng sau đó lại cố gắng vượt qua rồi tiếp tục nuôi chồng con chứ biết làm sao”.

Mỗi khi có hữu sự, bà Hằng chỉ biết cầu cứu đứa con gái đang làm công nhân xưởng giày tại Sài Gòn. Ngoài cái bất hạnh về vật chất, cái khổ của bà Hằng là cái khổ của người mẹ không được con mình nhớ tên; là cái khổ của người vợ không được chồng san sẻ; và cái khổ của bà còn là của người mẹ nhìn những đứa con “không tội mà tù”. Nhiều lúc bà từng mơ đến một giấc ngủ dài không bao giờ thức.

Nơi đó, không chắc sẽ có hoa thơm cỏ lạ hay những cân chuyện thần tiên, nhưng chắc chắc là nơi bà không phải chứng kiến người thân của mình vật vã đau đớn.

Tuy nhiên, mỗi sáng thức dậy, bà lại cảm thấy tội lỗi khi nghĩ đến cái chết như một cách trốn chạy. Rồi bà lại khóc, lại thương, lại tìm đến một phép mầu. Từ một tuần nay, bà bắt đầu tìm đến Chúa. Bà cho cho biết, hằng ngày, lời cầu nguyện duy nhất của bà dành cho đấng siêu nhiên là được một ngày nào đó, trả tự do cho con của mình:

Nói chung tôi cũng trồng trọt thì cũng có cơm cho các cháu ăn nhưng chi tiêu thì rất eo hẹp vì không có tiền, không đủ lúa bán.
Bà Cao Thị Hằng

“Mọi chuyện chỉ phó thác cho ông Trời thôi. Tôi đang trông Chúa giải phóng được họ để tôi có thể tháo dây cột cho họ tự do”.

Kết thúc buổi nói chuyện với đài RFA, bà Cao Thị Hằng cho biết bà đã đến giờ cầu nguyện. Cuộc đời đã vắt kiệt sức người đàn bà luống tuổi này và bà không còn cách nào khác hơn là đặt hy vọng của mình vào tay một đấng siêu nhiên. Chưa ai biết lời cầu nguyện của bà có được nghe thấy hay không nhưng có một điều chắc chắn rằng không ai muốn ước mơ của bà không trở thành hiện thực.

Mời quý thính giả đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với chương trình tại email Quynhchi@rfa.org. Hoặc quý vị cũng có thể kết nối với Quỳnh Chi qua Facebook (Quynhchi RFA).

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.