Núi ở trên đầu

Sống không ánh sáng đã khó, phải chạy trong bóng tối lại càng khó hơn. Đó là câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ Lý Văn Liêm và Triệu Thị Liền ở Cao Bằng.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.10.02
000_Hkg5420868-305.jpg Một cảnh chạy lũ ở Quảng Bình hôm 02/10/2011
AFP photo

Đôi vợ chồng mù

Tỉnh lộ 203 không quá nhộn nhịp nhưng vẫn có nhiều người để ý đến ngôi nhà nhỏ mái tôn của đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Lý Văn Liêm và Triệu Thị Liền. Những ngày nắng thu Cao Bằng vàng hoe, tiếng hát anh Liêm vọng ra từ ngôi nhà cứ như cao vút hơn, giăng mắc cả ngọn núi xa. Mùa này, lũ dữ đã đi qua, vợ chồng anh mới có cơ hội ngồi ngâm nga những bài hát mà họ học lóm được từ hội khiếm thính. Nhưng hễ khi mùa mưa đến, tiếng hát của anh im bặt, tắt lịm trong những đợt nước ù ù:

“Cái nhà này nguy hiểm vì nó ở cạnh đồi. Nhiều lúc bị sạt lở rất nguy hiểm. Nhà thì chưa bị làm sao nhưng đất thì lở xuống quá nhiều, cao đến mái nhà. Mùa khô thì không sợ mấy đâu, nhưng đến mùa mưa nhiều thì sợ”.

Đó là chị Liền, người dân tộc Tày, vợ anh Liêm. Hỏi mãi chị mới thành câu liền mạch và đỡ “nhát gừng” hơn. Ngôi nhà nhỏ của anh vợ chồng nằm liền lưng với một ngọn núi nhiều vết nứt. Mỗi khi mùa mưa về là đất đá cứ như hùa theo dòng nước gây sạt lở như muốn lấp cả căn nhà.

Mười năm nay, anh chị đã trải qua 4 bốn lần lũ dữ. Mỗi lần như thế là căn nhà bị lún xuống đến tận mái nhà. Mùa mưa này vừa đi qua, anh chị lần mò theo vách tường mãi không được, mới biết một phần của ngôi nhà gần như đã bị lấp vì đất sạt lở.

“Mùa mưa là phải chạy trốn và mùa khô lại trở về. Bất tiện lắm. Hai vợ chồng mù mà đến chỗ mới lại không quen bước chân. Nói chung không ai mong muốn nhưng bắt buộc thì phải đi thôi”.

Anh Liêm người dân tộc Nùng, hiền lành và ít nói chẳng kém gì vợ. Cả xóm Khau Wuông, xã Đức Long, huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng ai cũng biết gia đình anh Liêm phải đi “tản cư” mỗi mùa mưa, thậm chí có người còn gọi gia đình anh là “sống chạy”.

Nói là “sống chạy”, nhưng quả thật vợ chồng anh trong cơn mưa lũ dữ dằn và đất đá rơi mạnh nhất cũng phải lần mò những bước thật chậm. Hai vợ chồng đã quen đếm bước chân để di chuyển trong nhà. Tính toàn bộ diện tích căn nhà, hai vợ chồng anh Liêm chỉ đếm đến 20 bước chân đã hết. Còn mỗi khi chạy tránh bão thì tay chân anh chị cứ lóng ngóng vì không thể đếm bước được.

Hai vợ chồng anh Liêm bị mù từ năm 3 tuổi. Đến tuổi cập kê, hai người yêu nhau qua giọng nói, cảm qua cái siết tay và quyết định gắn bó đời nhau như những người đồng cảnh ngộ:

Mùa mưa là phải chạy trốn và mùa khô lại trở về. Bất tiện lắm. Hai vợ chồng mù mà đến chỗ mới lại không quen bước chân. Nói chung không ai mong muốn nhưng bắt buộc thì phải đi thôi.
Anh Lý  Văn Liêm

“Chúng tôi ở cùng huyện Hòa An với nhau nhưng khác xã thôi. Chúng tôi quen nhau vì tổ chức hội người mù. Nhờ đó mà chúng tôi quen nhau và xây dựng gia đình. Không thấy mặt nhau nhưng yêu nhau bằng tiếng thôi. Anh Liêm cũng khó, tôi cũng khó. Anh Liêm nói là dựa nhau mà sống”.

Vậy là chị nắm tay theo anh về theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mối tình của hai anh chị từng là một đóa hoa đẹp giữa Cao Bằng đầy nắng. Cách đây 10 năm, vào ngày hai anh chị được người ta cho ngôi nhà tình thường làm tổ ấm, cả hội người mù của Huyện vừa mừng vừa lo. Mừng vì đôi uyên ương đã tìm được nhịp đập, nhưng lo vì không ai dám chắc họ sẽ dắt dìu nhau trong bóng tối như thế nào.

Biết nhau 5 năm trước khi đi đến hôn nhân, nhưng mãi đến ngày đầu tiên trở thành vợ chồng của nhau họ mới “biết mặt” nhau. Ngày đó, họ dùng hai tay mân mê mặt của nhau để quen thuộc với từng đường nét trên khuôn mặt. Chị Liền diễn tả chồng trán cao, mũi thẳng. Còn anh Liêm gọi vợ của mình mặt vuông, môi dày.

Vốn tiếng Kinh ít ỏi của đôi vợ chồng chỉ có thể diễn tả về  nhau bằng các từ ngữ rất chân thật những gì họ biết về nhau không chỉ có thế.

“Người mù với nhau là hiểu nhau hơn. Còn người sáng mắt đôi lúc lại không hiểu mình. Vợ chồng thì phải thương yêu nhau chứ. Lúc nào cũng thương”.

Ngày đầu tiên nấu bữa cơm cho anh Liêm, chị Liền cứ lóng ngóng lộn hũ muối và đường. Hễ đi 20 bước là đến nhà bếp, chị Liền không lộn được nhưng đôi lúc anh Liêm cứ phải nhăn mặt trong bữa ăn vì chị cứ nhầm lọ muối và đường.

Hai vợ chồng anh chị đều là dân làm tăm tre cho hội người mù. Khi nào mà anh không đi hát thì cả hai đều dắt tay nhau lên xe buýt, đi đến chỗ làm cách đó 5 cây số để làm tăm tre. Chị Liền rất thương chồng, yêu con và chịu khó. Mặc dù không thấy đường nhưng chị vẫn rào chuồng nuôi heo, chăm gà. Nhiều khi con lợn nái chạy lang quên đường về, chị mò đường đi kiếm cả một khoảng rộng nơi chân núi.

Chạy lũ hàng năm

Gia đình anh Liêm - chị Liền. Photo courtesy of baomoi.com
Gia đình anh Liêm - chị Liền. Photo courtesy of baomoi.com
Gia đình anh Liêm - chị Liền. Photo courtesy of baomoi.com
Mỗi khi phải chạy lũ, cả gia đình anh chị mang cả lợn, gà, kể cả hũ gạo theo cùng. Cứ mỗi khi nước đổ là người ta thấy gia đình anh chị gồm hai vợ chồng, hai đứa con và súc vật cùng nhau “rồng rắn” đến nhà người quen trú tạm qua mùa. Cứ năm nay quen bước chân để có thể di chuyển trong ngôi nhà người quen thì năm sau đến vợ chồng anh lại quên mất.

Con gái lớn của anh chị tên Lý Thị Hồng Liên, 9 tuổi cho biết từ lúc biết đi, Liên học vai trò dẫn đường cho cha mẹ chạy đi lánh nạn mỗi khi mưa về. Liên cho biết em không thích mỗi năm cứ phải đi như thế này.

“Con dẫn mẹ đi vì mẹ không nhìn thấy. Ở nhà mình quen rồi, ở nhà người khác không quen”.

Nhiều khi đi lánh lũ trở về, Liên cứ khóc thét vì thấy nhà lún sụt cả vách, chỉ còn mỗi nóc. Chuồng gà cũng bị cát lấp đầy còn chuồng lợn thì cũng chỉ còn vài thanh tầm vong sập xệ.

Anh chị Liêm có hai đứa con, đứa lên chín, đứa tròn 5 nhưng đã biết thế nào là chạy lũ. Chị Liền hay nghe đài radio và biết rằng trận lũ hồi mùa hè qua đã làm đá núi sạt lở nhiều và gây nứt nhiều nơi xung quanh nhà. Ký ức từ hồi 3 tuổi không làm cho chị nhớ được giông tố, sấm sét là thế nào nhưng chị luôn hình dung sấm sét, mưa bão như những con quỷ dữ có thể nuốt chửng cả gia đình chị. Nhiều đêm nằm ôm con trong lòng nghe tiếp sấm vang, chị Liền cứ bấu chặt tay vào chiếu mà thút thít khóc vì sợ. Dù không thấy đường nhưng những cái giật nảy mình của vợ sau mỗi tiếng gầm cũng đủ làm anh Liêm cảm thấy xót xa:

Mỗi khi ngủ thì cứ trằn trọc, ngủ không “hay” được. Tôi luôn mong muốn có một giấc ngủ say như bao gia đình khác, không phải lo sợ như thế này
Anh Lý  Văn Liêm

“Mỗi khi ngủ thì cứ trằn trọc, ngủ không “hay” được. Tôi luôn mong muốn có một giấc ngủ say như bao gia đình khác, không phải lo sợ như thế này”’.

Chăm sóc con, chơi đùa cùng con mỗi ngày nhưng anh chị chưa bao giờ biết mặt mũi con ra sao. Anh Liêm cũng không biết đứa con gái có đôi môi dày giống mẹ không; mà chị Liền cũng không biết đứa con trai có cái trán cao hay không. Tuy nhiên, đó không phải là cái làm anh chị bớt yêu nhau hơn. Trong trí tưởng tượng của anh Liêm, chị Liền đẹp đến lạ. Còn chị Liền thì nói về chồng mình với lòng mang ơn và ngưỡng mộ như thuở ban đầu cứ như họ chính là ánh sáng duy nhất của nhau. Nhìn họ người ta không thể nói rằng đến bao giờ họ sẽ thôi chạy trốn những đợt đá sạt lở; nhưng giọng nói bẽn lẽn, nụ cười tình tứ làm người biết rằng họ sẽ luôn chạy cùng nhau – như những gì anh Liêm từng hứa.

Mời quý thính giả đóng góp ý kiến tại Quynhchi@rfa.org; hoặc qua Facebook và Twitter.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.