Các con phải sống!

Mỗi năm mùa lũ về, lại hiện ra nỗi ám ảnh của những ngôi nhà đổ nát, những cánh tay kêu cứu từ các ô cửa nhỏ. Đau lòng hơn cả, là những cái chết trắng bạch trong dòng nước cuốn, để lại nỗi thương xót khôn nguôi cho những người ở lại.

2011.10.10
Lụt ở Huế năm 2004
AFP photo

Vì các con ăn học

Sông Đại Giang, đoạn chảy qua phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế lại im ắng lãnh đạm không chút sóng gợn. Nhìn nước sông chảy nhẹ giữa hai bờ đê đất sỏi và nhìn hàng tre xanh ngắt với các thân tre còn non dại bên bờ, khó ai tưởng tượng rằng cách đây hơn một tuần, con sóng dữ nơi đây đã cướp đi sinh mạng của hai vợ chồng xấu số. Ông Phạm Thăng và vợ, bà Nguyễn Thị Chung ra đi khi vừa quá 40 tuổi, để lại 4 đứa con thơ dại. Đứa con gái lớn nhất tên Thúy, chỉ vừa tròn 18 tuổi.
 “Em đang nấu ăn để cúng bố mẹ. Em nấu toàn đồ chay cúng thôi để ba mẹ được nhẹ nhàng và được xá tội”.  Bên bàn thờ còn ấm với những tàn nhang vương vãi, bốn chị em thay nhau dọn mâm cơm chay cúng cho ba mẹ mà nước mắt lưng tròng.

Gia đình nghèo, tụi em cũng đi học tốn tiền. Cho nên ba mẹ ham làm, cố đi đánh bắt trong mưa bão như thế
Thuý, cô chị cả 18 tuổi

Giăng câu mùa lụt- sông Hồng, 2002- AFP photo
Giăng câu mùa lụt- sông Hồng, 2002- AFP photo
AFP photo
Chiều 25 tháng 9, khi cơn bão đang hoành hành tại Thừa Thiên – Huế, ông Thăng và bà Chung cố chống thuyền qua sông Đại Giang với ý định kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Sống ngay bên bờ sông Đại Giang, ông Thăng và vợ lớn lên cùng chiếc thuyền nhỏ đánh cá. Khốn khổ thay, hai vợ chồng cũng kết thúc cuộc đời của mình trên ấy. Thúy nói về lý do khiến ba mẹ cố đi đánh bắt trong mưa bão:
 “Trước hôm mất một ngày, ba mẹ đi đánh bắt được nhiều tiền lắm, khoảng mấy trăm ngàn. Gia đình nghèo, tụi em cũng đi học tốn tiền. Cho nên ba mẹ ham làm, cố đi đánh bắt trong mưa bão như thế”.
“Nhà em nằm sát bên bờ sông. Lúc nào có lụt bão…chúng em cũng chỉ biết ở trong nhà thôi vì sống chung với lũ quen rồi. Có năm lũ dâng lên thấu nóc nhà mà ba vẫn một mình ở trong nhà để giữ cá. Vì nhà em có nuôi cá”.

Đành chìm cùng vợ

Sau khi giăng mẻ lưới mà ngay cả chính vợ chồng cũng không biết là mẻ lưới cuối cùng của đời mình, ông Thăng và vợ quay thuyền về nhà. Thật không may, cơn bão hung tợn hơn hai vợ chồng tưởng tượng đã đánh lật thuyền. Là dân sông nước, ông Thăng được đánh giá là bơi rất giỏi. Tuy nhiên, vì vợ không biết bơi nên ông vừa chống chọi với cái lũ, vừa cố gắng cứu vợ. Đến khi đuối sức, ông Thăng đã kêu cứu. Ông Đức, một hàng xóm của vợ chồng ông Thăng kể lại:

“Ôi trời ơi, hai vợ chồng siêng năng lắm, chiều nào cũng cùng nhau đi bủa lưới. Trời hôm đó mưa gió dữ lắm, hai người đứng cách nhau nửa mét đã không thấy được rồi. Khi đó khoảng 6 giờ 30 tối. Một đứa em của tôi đang bủa lưới trước nhà và nghe tiếng người kêu cứu. Tôi chạy ra và nghe tiếng kêu “Cứu cháu với, cứu cháu với”. Tôi liền chống ghe chạy ra sông. Nhưng khi ra được đến nơi thì hai vợ chồng đã chìm rồi.”

Thúy cho biết, cô vừa đậu vào trường cao đẳng y tế Huế chỉ mấy tháng trước. Vì phải trọ học gần trường nên thỉnh thoảng cô mới về thăm nhà. Còn đứa em kế tên Tài, 15 tuổi cũng học nghề thợ mộc trong Sài Gòn. Trước khi ba mẹ mất, Thúy đã 3 tuần chưa gặp ông bà. Thúy nói tiếp:
 “Lúc nghe tiếng kêu, mọi người chạy ra cứu thì đã không còn thấy ba mẹ và thuyền đâu nữa rồi. Lúc đó em nhận được tin và bắt xe ôm về vì chỉ có chiếc xe đạp để đi học. Lúc em về đến nơi thì mọi người vẫn tiếp tục tìm. Tìm đến 1 giờ sáng mà vẫn không thấy mà gió bão to quá nên họ đành ngưng tìm. Sáng mai mọi người lại tiếp tục tìm, đến khoảng giữa trưa mới tìm được xác của ba mẹ”...
 “Lúc đó xác của ba mẹ tay chân cứ co rúm lại vì lạnh, môi thì tím, toàn thân cũng tím hết. Nhìn tội lắm.

Ngơ ngác lũ chim non

Đám tang của vợ chồng ông Thăng diễn ra trong vội vã, khi cái lũ còn chưa qua khỏi và con nước còn chưa rút hết. Trong đám tang của hai người xấu số, bốn đứa trẻ, lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi ngơ ngác, thẫn thờ khóc cha mẹ bên quan tài mà quên cả lau nước mắt. Trước nhà, nước vẫn còn ngập đến mắt cá chân, mùi bùn vẫn còn xông lên hăng hắc.

Ăn cơm trên xuồng vì lụt- Đồng Tháp, 2000- AFP photo
Ăn cơm trên xuồng vì lụt- Đồng Tháp, 2000- AFP photo
AFP photo

Câu chuyện gia đình ông Thăng và bà Chung làm người ta nhớ đến nhân vật Thức và Lạc trong truyện đầy nước mắt “Anh phải sống” của Khái Hưng. Chỉ có điều, có lẽ Thằng Bò, Cái Nhớn, Cái Bé trong truyện còn may mắn hơn chị em Thúy vì ít ra nhân vật cha trong truyện còn được sống sót sau lũ.
“Trong lúc làm đám tang ba mẹ, em vẫn không tin ba mẹ mất đâu. Trong đầu em vẫn đinh ninh ba mẹ còn sống thôi. Nhưng sau đó mấy ngày thì tinh thần em bắt đầu tỉnh táo hơn, em cảm nhận là ba mẹ đã đi xa rồi. Và nhiệm vụ em là chăm sóc em của mình. Em nghĩ là ba mẹ sẽ phù hộ cho chúng em”, Thúy nói mà sụt sùi.

Trời ơi, nói chung tôi cũng không thể cầm được nước mắt vì thương các cháu mà mình không làm được chi.
Ông Đức, hàng xóm

Trong bốn chị em, có lẽ Tài là người cứng cỏi nhất. Nhưng cố gượng mấy, em cũng chỉ có thể giữ cho tiếng khóc không bật thành tiếng, nhưng không thể nén được những giọt nước mắt chảy ra.  Vì gia đình khó khăn, Tài phải vô Sài Gòn học nghề thợ mộc. Trước khi vợ chồng ông Thăng bủa mẻ lưới định mệnh, Tài đã hơn 2 tháng chưa được về thăm gia đình. Em buồn bã tâm sự về việc không được nhìn mặt cha mẹ lần cuối:
 “Khi nghe tin ba mẹ bị nạn chưa tìm được xác, em đã tìm xe về nhà nhưng không có chuyến. Em đành chờ đến 6 giờ sáng mai mới bắt xe đi về nhà. Em về đến nhà là 7 giờ sáng ngày hôm sau, tức là đi một ngày một đêm mới đến. Em cũng có khóc, em buồn. Khi bắt đầu đi buổi sáng là tối đó ba mẹ đã được liệm rồi”

Bốn chị em với những gương mặt, cơ thể chưa trưởng thành, nhỏ thó và non nớt như những con chim non chưa kịp rời tổ. Nhìn Thúy bỗng trở thành người mẹ trẻ của ba đứa em làm người khác không khỏi mũi lòng. Ông Đức, hàng xóm của gia đình ông Thăng thở dài cho biết:

“Trời ơi, nói chung tôi cũng không thể cầm được nước mắt vì thương các cháu mà mình không làm được chi. Khi đám tang là tôi trực bên đó luôn và mới đi làm lại mấy ngày nay, sau khi tỉnh táo một chút. Tôi thấy đau lòng quá. Vì anh em chòm xóm thì tôi cũng chạy ra cứu, nhưng cứu không được thì biết làm sao được. Bốn đứa bé bơ vơ mà thằng Tài lại từng học cùng lớp với con tôi nữa, nên tôi đau lòng lắm mà cũng chẳng biết làm thế nào mà chia sẻ”.

Khi chúng tôi nói chuyện bốn chị em quấn quít bên nhau như chia sẻ tình thương có thể dành được cho nhau. Bé Hiền mới 8 tuổi đến bên chị của mình hỏi rằng “Chị thắp hương cho cha mẹ chưa?”.
Chúng tôi hỏi chuyện, bé chỉ biết cha mẹ đã chết, nhưng không biết “chết” là đi đâu.

Gia đình hai bên nội ngoại phần đông đi lập nghiệp ở xa, Thúy và Tài cũng sẽ trở lại trường trong vài tuần tới. Mọi chuyện thờ cúng cha mẹ cũng phải nhờ người cậu thỉnh thoảng chăm nom.  Bỗng chốc gia đình ly tán mỗi người mỗi ngả. Thúy cho biết.

Lụt ven sông Hồng 2001- AFP photo
Lụt ven sông Hồng 2001- AFP photo
AFP photo
“Vài hôm nữa hai em nhỏ sẽ đến ở với cô em. Còn đứa em trai 15 tuổi thì cũng trở lại Sài Gòn học nghề và tự bương chãi để kiếm sống chứ biết làm sao. Bản thân em cũng sẽ trở lại trường học và làm thêm để tự xoay sở”.

Kết thúc truyện “Anh phải sống”, nhân vật Thức ôm ba đứa con bên bờ sông khóc vợ. Sự quặn thắt, ngơ ngác, ngổn ngang trong lòng chắc cũng chẳng khác bốn chị em Thúy lúc này.

Chuyện của gia đình Thúy là một câu chuyện buồn sau mùa nước lũ. Mỗi năm khi lũ đi qua là đọng lại nhiều câu chuyện tương tự. Đằng sau những cái chết ấy là những câu chuyện đau lòng. Đau lòng vì những số phận bơ vơ cố gượng dậy sau cơn cũ, đau lòng vì những đổ nát hoang tàn và đau lòng vì những kiếp người không có nhiều lựa chọn.

Qúy thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”. Thưa quý vị, từ ngày 16 tháng 3 năm 1988, đảo Gạc Ma bị coi là đã thuộc về Trung Quốc. Những gì xảy ra tại đảo Gạc Ma 23 năm trước hiện nay chỉ có 8 người biết rõ. Mời quý vị đón nghe tường trình đặc biệt của Quỳnh Chi trong chương trình “Câu chuyện hàng tuần” bắt đầu vào kỳ tới. Con tàu 604 chìm cùng máu và nước mắt như thế nào? Cuộc sống của 9 người sống sót trong nhà tù Trung Quốc ra sao? Họ sống như thế nào khi được trả về Việt Nam? Những câu chuyện chưa được kể trong 23 năm, những tiếng nói chưa được lắng nghe trong 23 năm, những giọt nước mắt chưa được thấu hiểu trong 23 năm. Tất cả sẽ được gởi đến quý vị trong kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
10/10/2011 22:02

bai viet that la cam dong va thuong tam. hoan canh cua 4 dua tre bong choc tro thanh mo coi...tuy minh la mot nam nhi nhung cung khong cam duoc nuoc mat khi nghe bai phong van nay. lau nay minh van cu than phan trach phan tai sao minh ngheo, nhung nay nghe duoc bai phong van nay minh cam thay minh rat la hanh phuc. khong biet minh co the giup do gi duoc khong? neu co chuong trinh giup do gi minh sinh nguyen gop chut phan. xon lien lac qua email : nlp_99@yahoo.com

Anonymous
16/10/2011 15:21

Quynh chi co the cho minh Ho ten day du cua be Thu/y con cua chu Thang. Dia chi truong Y Te cua be Thu/y dang hoc. Hoac email cua be Thuy. Vui long goi ve email: dong.truong@gmail.com. Neu khong co nhung thong tin tren, truong hop minh muon giup phai lam the nao?