Ông “gàn dở”

Được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già cùng con cháu hẳn là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên có những người vẫn muốn mãi làm việc cho đến khi nào nhắm mắt.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.10.09
000_Was651913-305.jpg Trạm xe điện Ballston ở Arlington, Virginia.
AFP photo

Trò chuyện

Quang cảnh tại các trạm xe điện khu vực thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ dường như lúc nào cũng có chung một đặc điểm: sầm uất và hối hả. Thế nhưng không phải trạm xe điện nào cũng có ông Drwight Moody như tại trạm Ballston. Ông già gần 90 tuổi này hầu như ngày nào cũng có mặt tại dãy ghế đá của nhà ga. Thế nhưng chưa bao giờ người ta thấy ông bước lên xe điện hay xe buýt:

“Bất kể ngày mưa hay ngày tuyết tôi vẫn đi làm nhiệm vụ của mình”

Đó là giọng nói rất phấn khởi nhưng không giấu được sự yếu ớt của ông già vừa bước qua cái tuổi 89 của mình. Ông đến trạm xe này mỗi tuần sáu ngày bất kể ngày mưa hay tuyết. Có những hôm mưa trắng trời, khi những người vô gia cư cũng không thể tụ tập tại trạm xe, vậy mà ông cụ vẫn ngồi tại băng ghế quen thuộc để làm nhiệm vụ của mình.

Công việc của ông Drwight Moody là nói chuyện với bất cứ ai mà ông gặp được. Một trong những chủ đề chính của ông là nói về Chúa, là lắng nghe tâm sự của người khác và tìm cách giúp đỡ về tinh thần hay vật chất:

“Đôi khi người ta cần giúp về tinh thần hoặc vật chất. Và sau đó tôi tìm cách giúp đỡ”.

Những ai thường xuyên dừng ở trạm xe này, ít ai có thể làm ngơ được với hình ảnh một ông già từ tốn, điềm đạm với nụ cười luôn nở trên môi cứ như ông quen hết tất cả những ai đang đi trên đường. Có những lúc người ta thấy ông hối hả chạy đến một công trình đang thi công gần đó, mở cuốn sổ tay ghi chép điều gì đó rồi lại hớn hở trở về trạm xe như thể ông vừa có được tin vui. Ông lão tâm sự, ông thường xuyên đến những công trình thi công để tìm việc nhưng không phải cho ông mà cho những người cần việc:

“Tôi thường ở đây khoảng vài tiếng đồng hồ. Tôi cũng thường đi đến những công trình xây dựng để xem họ có cần người không. Vì tôi biết là có rất nhiều người thất nghiệp. Tôi thường cố gắng giúp người ta tìm được việc làm. Chỉ có điều tôi không mang việc làm đến cho họ mà chỉ cho họ biết có thể tìnm việc ở đâu”.

Cũng có nhiều người rất khó để nói chuyện với họ. Nhưng tôi thì cứ làm chuyện của tôi thôi.
Ông Drwight Moody

Ông Drwight Moody tự cho mình trách nhiệm trò chuyện và giúp đỡ người khác đã 25 năm nay. Trước đó, ông từng là một nhân viên kinh doanh có tài nổi bật với một lịch trình dày đặc như bao nhiêu người thành công khác. Để có thời gian làm công việc mà ông cho là có ý nghĩa này, ông lão đã từ bỏ công việc của một nhân viên bán hàng, sống bằng tiền hưu và tiền tiết kiệm. Khi được hỏi ông có tiếc vì mình đã bỏ đi cơ hội để kiếm nhiều tiền, ông lão lắc đầu với nụ cười móm mém. Ông trải lòng rằng kinh nghiệm của một nhân viên bán hàng giờ đây vẫn còn có ích đối với ông vì nó giúp ông tiếp cận được người khác dễ dàng hơn.

Ông Drwight Moody hay vận quần tây màu cà phê sữa, áo bỏ trong quần kéo cao quá rốn. Ông lão già nua này không ăn mặc cầu kỳ nhưng tươm tất khiến người ta dễ có cảm giác gần gũi. Nhưng sự chỉnh chu ấy chỉ đủ để người ta tin tưởng ông hơn là làm ông gây ấn tượng với người đối diện. Ông Drwight Moody đã có cháu cố và đang sống hạnh phúc cùng vợ. Mỗi khi phải nói về vợ mình, ông có thể thao thao bất tuyệt như khi ông nói về Chúa “kính trọng và say mê”.

Chỉ có điều ông có thể vẫy tay chào và trò chuyện bất cứ ai nhưng không phải ai cũng làm giống như vậy đối với ông. Cũng có những bước chân vội vã, những ánh mắt liếc nhanh và những cái nhìn ái ngại như thể muốn trốn tránh việc phải tốn thời gian cho một ông già xa lạ. Ông không phủ nhận đôi lúc ông gặp khó khăn nói chuyện với người khác. Thậm chí, đôi lúc ông nhận được những bức thư gởi đến nhà thờ và gọi ông là người “gàn dở”. Tuy nhiên, tất cả những điều đó không làm ông thất chí hay nản lòng:

“Cũng có nhiều người rất khó để nói chuyện với họ. Nhưng tôi thì cứ làm chuyện của tôi thôi”.

Giúp đỡ và cầu nguyện

Nắm tay, ảnh minh họa. AFP photo
Nắm tay, ảnh minh họa. AFP photo
Nắm tay, ảnh minh họa. AFP photo
Hai mươi lăm năm đi trên đường phố nói chuyện về niềm tin với người khác, ông Drwight Moody đã đi đến rất nhiều nước, từ Châu Phi, Châu Âu đến Châu Á. Ông nói đùa rằng ông chưa bao giờ phải sắm nhiều quần áo nhưng phải sắm nhiều giày dép vì phải đi bộ quá nhiều. Mỗi một nơi ông đến, ông đều làm một công việc duy nhất là chia sẻ với bất kể với người nào trên đường phố. Ông đã từng gặp những người vô gia cư bất hạnh ở Mỹ, lắng nghe tâm sự của họ và giúp họ trở thành công nhân dọn vệ sinh. Ông cũng từng sẵn sàng nghe đi nghe lại một chuyện duy nhất của một bà lão người Bosnia bị chứng mất trí nhớ. Và ông cũng từng ngồi đợi hàng giờ đồng hồ trong cái nắng như đổ lửa ở Châu Phi để được nghe trẻ em ở đây tâm sự về ước mơ của chúng.

Mỗi một người ông gặp, ông đều cẩn thận ghi tên và đất nước của họ. Vừa nói chuyện, ông vừa mở cuốn sổ tay ghi chi chít chữ trên đó và khoe người đối diện:

“Bạn có thấy không, quyển sổ tôi cầm trên tay đây này. Trong đó có tên của tất cả những người nào tôi từng gặp trên thế giới”.

Hai mươi lăm năm nay, ông Drwight Moody đã thay rất nhiều quyển sổ khi chúng không còn trang trống nào. Quyển sổ này của ông được đánh dấu số 4149, tượng trưng cho số người ông gặp. Ông hớn hở khoe có hôm ông gặp và nói chuyện được đến 20 người mới. Nhiều lúc ông không nhớ hết được tất cả các tên trong sổ nhưng ông luôn nhớ đã gặp họ và cầu nguyện cho họ:

Tôi không nhớ hết nhưng mà tôi cầu nguyện cho họ mỗi ngày”.

Mỗi ngày ông Drwight Moody dành hai lần cầu nguyện cho tất cả những người ông gặp và cả đất nước của họ. Ông tâm sự, một điều không bao giờ thiếu trong lời cầu nguyện của ông là “Bình an”. Được nhìn thấy người khác hạnh phúc, bình an, được nghe những câu chuyện vui của người khác dù đó là người không quen biết, chính là những phút thăng hoa trong đời ông lão.

“Tôi nghĩ là tôi vui vẻ làm việc này hơn bất cứ điều gì tôi từng làm trong đời”.

Ông lão nói rằng ông còn nhớ như in có lần ông được một thanh niên râu tóc xuề xòa cho 25 đô la. Chàng thanh niên cho biết mình vừa mới ra tù và cảm động trước việc làm của ông lão. Số tiền 25 đô la là tất cả những gì người đàn ông này có sau 3 năm sống bên song sắt nhà giam. Ông Drwight Moody kể rằng ông đã nhẹ nhàng nói với chàng trai rằng lòng tốt chỉ có ý nghĩa khi nó đến được nơi cần nó nhất. Vậy là chỉ vài phút sau, số tiền ấy đã được trao cho một người vô gia cư đang ngồi co ro trên phố. Thế là hai người chia tay nhau trong cái siết tay thật chặt và một nụ cười.

Tôi thường cố gắng giúp người ta tìm được việc làm. Chỉ có điều tôi không mang việc làm đến cho họ mà chỉ cho họ biết có thể tìnm việc ở đâu.
Ông Drwight Moody

Ông kể về kỷ niệm này mà ánh mắt không khỏi sáng lên niềm vui. Như thể đó chính là câu trả lời cho những câu hỏi tò mò về mục đích việc làm của ông. Sẽ có những người tin, cũng có người không tin cách giải thích của ông. Tuy nhiên, đối với ông lão, khi ông còn đứng được trên đôi chân của mình là khi ông chưa thể ngừng làm những việc mà ông đang làm.

Ông Drwight Moody tự cho mình là một người bảo thủ. Ông nhặt bất cứ một xu lẻ nào rơi vãi bên đường. Mỗi một đô la ông cho người khác cũng từ những đồng lẻ góp nhặt đó. Không quá khó hiểu khi có người gọi ông là “gàn dở”; cũng không quá ngạc nhiên khi nhiều người gọi ông là “người đàn ông của điều tốt đẹp”. Âu cũng chỉ tùy thuộc vào cách suy nghĩ của mỗi người. Chỉ biết rằng ông già này ngoài việc đi tìm giúp người khác hằng ngày, ông vẫn phải tập hít đất để rèn luyện thân thể. Đối với ông, bình an phải đến với cả khối óc, trái tim và cơ thể. Đó chính là điều ông luôn chia sẻ với mọi người.

Mọi đóng góp xin quý vị email về Quynhchi@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.