Dự án Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam

Help Age International (HAI), Quốc tế hỗ trợ Người cao tuổi, là một tổ chức ngoài chính phủ và phi lợi nhuận, thành lập hơn ba mươi năm nay, trụ sở chính tại London, Anh Quốc.
Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2010.03.11
Một buổi tập thể dục của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của HAI. Một buổi tập thể dục của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của HAI.
Hình do HAI cung cấp

Người cao tuổi là vốn quý

Với tôn chỉ người cao tuổi không phải là gánh nặng mà là vốn quí của gia đình, cộng đồng , đất nước, tổ chức Quốc tế hỗ trợ Người cao tuổi là mạng lưới toàn cầu với bảy mươi tư tổ chức thành viên đến từ năm mươi quốc gia, hơn ba trăm đối tác trên khắp thế giới, nhằm thức hiện mục đích cải thiện đời sống của người cao tuổi và cộng đồng của họ.    

Ông Quyền, cán bộ của tổ chức Quốc tế hỗ trợ Người cao tuổi, phụ trách và điều hành chương trình dành cho khu vực Đông Á và Đông Nam Á gồm mười lăm quốc gia trong đó có Việt Nam, cho biết:

Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và phát triển cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Quyền

Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và phát triển cộng đồng. Nếu mà nói về Châu Âu và Mỹ thì phải thấy là phần lớn những cộng đồng này rất quan tâm đến người  cao tuổi, họ biết giá trị của lớp người cao tuổi, tiếng nói của người cao tuổi rất mạnh, phần lớn người đi bầu cử chính là người cao tuổi.

Nhưng ở khu vực Châu Á thì lại khác. Tuy rằng số người cao tuổi rất lớn nhưng vai trò và tiếng nói của người cao tuổi ở khu vực Châu Á còn rất hạn chế. 

Năm 1997 Tổ Chức Quốc Tế Hỗ Trợ Người Cao Tuổi, mà ông Trần Ngọc Quyền trong lúc trò chuyện gọi tắt là HAI, chân ướt chân ráo đến Việt Nam:

Trong giai đoạn đầu tiên HAI thường là đi tập huấn về giới, về người cao tuổi. Khoảng năm 2000 thì có dự án đầu tiên ở Kiên Giang và ở Phú Yên. Dự án rất là nhỏ, khoảng chừng mười, mười lăm nghìn đô thôi. Trong thời gian khoảng bảy tám năm thì qua những kinh nghiệm đó HAI sinh ra nhiều dự án lớn khoảng hơn một triệu đô. Bây giờ thì đã có nhiều dự án ở Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội, Bắc Cạn… hơn mười lăm tỉnh ở Việt Nam rồi. Và bây giờ thành lập khoảng chừng ba trăm câu lạc bộ rồi.

Thế thì những câu lạc bộ đó ở Việt Nam hoạt động như thế nào? Là người thiết kế chương trình cho những dự án đó, ông Quyền trình bày tiếp là  mục  đích  của HAI và phương pháp của HAI ở Việt Nam thì hơi khác một chút.  Hiện tại HAI đang có một mô hình gọi là Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của HAI. Hình do HAI cung cấp.
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của HAI. Hình do HAI cung cấp.
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau này nó khác là phải có người  trẻ và người già,  phải có phụ nữ và có nam giới, phải có người nghèo. Qua mười bảy năm thực hiện thì đã thấy đây là một cái mô hình rất mạnh, mạnh nhất, để hỗ trợ để giúp cộng đồng vững lên. Không phải chỉ hỗ trợ chỉ giúp người nghèo mà cả cộng đồng tự giúp nhau vươn lên.

Bây giờ khoảng chừng hơn ba trăm câu lạc bộ rồi, mỗi một câu lạc bộ là một cộng đồng, một thôn. Mỗi một thôn nay thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, tất cả hoạt động dựa vào nhu cầu của thành viên và của cộng đồng họ, cho nên là rất phong phú, có thể về nâng cao năng lực, có thể về sinh kế, rồi cứu trợ khẩn cấp, phòng chống thiên tai. Rồi về sức khỏe, về săn sóc tại nhà, về HIV, và phổ biến chính sách về quyền lợi của người cao tuổi, rất là nhiều đề tài.

Tiếp cận trực tiếp

Để làm được những việc như tiếp cận, hỗ trợ, thành lập và câu lạc bộ phát triển để từ đó nhân hai, nhân ba, nhân năm nhân bảy cho đến lúc này là hơn ba trăm , dự án Liên thế hệ tự giúp nhau phải làm những gì, có phải qua chính quyền địa phương hay như thế nào.

Qua mười mấy năm ở Việt Nam, ông Quyền nói tiếp, HAI đã có đối tác là Hội Phụ Nữ, Hội Người Cao Tuổi,  có khả năng đi tiếp cận trực tiếp với cộng đồng. Nhờ các đối tác đó mà  HAI đi vào cộng đồng ở Việt Nam không mấy khó khăn:

Cái đòi hỏi của HAI là bắt buộc tất cả tiền phải rót thẳng vào cộng đồng. Mỗi một cộng đồng phải có sổ sách ngân hàng. Mỗi một ba tháng HAI đi kiểm tra và coi những sổ sách đó.

Ông Trần Ngọc Quyền

Bây giờ nhân rộng ra thì năm nay sẽ thêm được ba trăm câu lạc bộ nữa. Mong muốn của HAI là trong tương lai có thể được một nghìn câu lạc bộ.

Cái đòi hỏi của HAI là bắt buộc tất cả tiền phải rót thẳng vào cộng đồng. Mỗi một cộng đồng phải có sổ sách ngân hàng. Mỗi một ba tháng HAI đi kiểm tra và coi những sổ sách đó.

Ở Việt Nam mình người cao tuổi có nhiều tiếng nói. Nếu người cao tuổi biết đây là tiền của chính họ thì ít ai lấy được. Hay ở cái đó. Nhiều dự án của HAI ở Việt Nam cho thấy dù rằng hết tiền, có nghĩa là hết hỗ trợ khoảng chứng hai, ba, bốn hay năm năm sau, nhưng lúc HAI về lại thì vẫn còn tiền ở đó. Số tiền không chỉ còn đó mà còn nhân rộng ra nữa. Năm mươi triệu(đồng) tới một trăm triệu, một trăm triệu tới hai trăm triệu. Cộng đồng nào có tiền như vậy thì tiếng nói họ rất là mạnh. Họ có thể tự giúp nhau được.

Tưởng cần rõ ở Việt Nam, chỉ riêng về hội người cao tuổi không thôi thì đã chừng mười ba nghìn câu lạc bộ:

Nhưng mà họ không có tiền, Cái này là của chính phủ, của Hội Người Cao Tuổi Việt Nam lập nên. Vấn đề là họ không được tập huấn, họ không được tiền. Hoạt động của họ chỉ có thể là một năm một lần, đi thăm hỏi nhau vậy thôi chứ không thế giúp nhau mấy được.

Và qua những dự án của HAI thì ta thấy nếu những câu lạc bộ đó mà có tiền, được tập huấn và hiểu  biết cái ý nghĩa của việc tự giúp nhau.

Thế nhưng cái vấn đề lớn của Việt Nam là các câu lạc bộ đầy cứ chờ đợi thôi. Chờ đợi lãnh đạo địa phương hoặc là trên chỉ đạo xuống thì mình mới làm.

Tổ chức HAI tìm cách để người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn. Hình do HAI cung cấp.
Tổ chức HAI tìm cách để người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn. Hình do HAI cung cấp.

Vậy diểm khác biệt mà ông Trần Ngọc Quyền nhấn mạnh ở đây là mấy trăm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau do HAI chủ xướng là:

Câu lạc bộ này hơi khác là mình không chở đợi ai nữa mà chờ đợi nơi chính mình. Cái này rất quan trọng. Câu lạc bộ mà HAI lập ra là không chờ đợi nhà tài trợ, không chờ đợi chính phủ và không chờ đợi đối tác địa phương. Tự các bác, tự những người trong cộng đồng đó quyết định mình tháng này sẽ làm gì, mình tháng này sẽ hỗ trợ ai.

Mỗi một câu lạc bộ thì HAI hỗ trợ từ sáu mươi triệu đến một trăm triệu đồng Việt Nam. Số tiền này các bác có thể đầu tư vào việc cho các thành viên vay vốn, lãi thì dùng để hoạt động hàng tháng. Ví dụ các em mồ côi thì giúp tiền cho em đi học, hoặc cần sửa chữa nhà cho những người già cô đơn thì có thể sửa chữa được, không cần phải dựa vào hay đợi cái gì nữa vì chính mình có khả năng tự mình xem xét ra vấn đề của mình là gì và tự mình giải quyết được.

Phương cách hoạt động như vậy, ông Quyền bổ túc, không còn là của HAI nữa mà trở thành phương cách của cộng đồng:

Tại vì một nhóm mà mạnh rồi thì cộng đồng khác nhìn vào người  ta cũng muốn như vậy. Đầu tiên lúc mới thành lập chỉ có năm mươi thành viên. Khoảng chừng một hai năm sau thì tăng lên tới bảy mươi tám mươi thành viên, và số tiền của họ cũng tăng lên từ sáu mười đến một trăm triệu rồi. Họ có đủ khả năng để tách ra làm hai câu lạc bộ . Cho nên nhiều câu lạc bộ bây giờ đã tự mình tách ra, hai tới bốn, bốn tới tám, càng ngày càng tăng lên. Dù rằng không phải tiền của dự án nữa, không phải tiền của HAI nữa, đó là tự tiền của họ gây nên.

Tự giúp tự quản

Thành công là nhờ dựa vào cộng đồng, những quyết định những hoạt động dựa vào cộng đồng hết. Cho nên là rất mạnh, gọi là ownership, người dân là chủ.

Ông Trần Ngọc Quyền

Nói một cách khác, HAI chỉ đóng vai trò tài trợ lúc đầu, rồi thì bằng phương pháp tự giúp tự quản thì  tiền đẻ ra tiền và trở thành tài sản của câu lạc bộ:

Đó là bí quyết của dự án này đây, thành công là nhờ dựa vào cộng đồng, những quyết định những hoạt động dựa vào cộng đồng hết. Cho nên là rất mạnh, gọi là ownership, người dân là chủ. Như Việt Nam thường nói “dân biết dân làm” và dân thực hiện và quản lý luôn. Câu lạc bộ càng ngày càng mạnh lên và thích hợp với cộng đồng của họ hơn.

Một thí dụ là hai tuần trước tôi đưa một đại diện Châu Âu tới thăm một câu lạc bộ ở Thái Nguyên. Dự án chỉ mới thực  hiện ở Thái Nguyên chừng một năm rưỡi thôi và hỗ trợ được sáu mươi câu lạc bộ. Nhưng mà một năm rưỡi thì bây giờ đã có sáu mươi tám câu lạc bộ rồi. Lúc đi thì ông rất ngạc nhiên là sao mà như vậy được vì xưa nay ông vẫn nghĩ ở Việt Nam mình tất cả mọi hoạt động phải dựa vào chính phủ hết. Chính phủ phải chỉ đạo xuống mới làm được.

Nhưng mà lúc tới và thấy và tự dân quyết định. Những cái chợ đang bẩn thỉu thì phải làm gì đây, ai sẽ làm gì, giờ nào, giấc nào. Trích bao nhiều tiền để hỗ trợ những cái đó. Ông ta làm ở Việt Nam rất lâu rồi nhưng mà ông chưa thấy phương pháp như vậy ở Việt Nam.

Được hỏi phải chăng những Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của HAI có phần giống những phương cách xóa đói giảm nghèo mà chính phủ Việt Nam đang thực hiện và thường được quốc tế đánh giá cao. Ông Trần  Ngọc Quyền  trả lời là ông muốn nhân dịp này để lượng định lại chuẩn nghèo của Việt Nam dưới cái nhìn của tổ chức Quốc Tế Hỗ Trợ Người  Cao Tuổi:

Câu lạc bộ giúp cuộc sống người cao tuổi vui vẻ hơn. Hình do HAI cung cấp.
Câu lạc bộ giúp cuộc sống người cao tuổi vui vẻ hơn. Hình do HAI cung cấp.
Việt Nam có nhiều chính sách và dự án về xoa đói giảm nghèo. Việt Nam đã cải thiện được rất nhiều nhưng mà vấn đề là mức chuẩn nghèo của mình quá thấp. Bây giờ nông thôn là hai trăm nghìn đồng một người  một tháng, chưa tới nửa của quốc tế, khoảng chừng bốn mươi cents một người một ngày.

Bốn nươi cents một người /một ngày thì vô cùng thấp. Cho nên mình đánh giá chỉ có 20% chẩun nghèo mà thôi. Nếu dùng chuẩn nghèo  quốc tế thì tăng rất cao, có thể  40 đến  50 ở Việt Nam mình là chuẩn  nghèo.

Chuẩn nghèo của Việt Nam mình quá thấp. Đi thăm hỏi các bác ở cộng đồng thì thấy so  với thời bao cấp thì bây giờ tốt hơn, nhưng mà so với chuẩn nước ngoài thì khác.

Dự án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi không chỉ có mặt ở Việt Nam mà còn được thực hiện ở Kampuchia, Lào, Miến Điện, Trung Quốc. Theo lời ông Trần Ngọc Quyền, mô hình ở Việt Nam, nhất là vùng nông thôn, được coi là kiểu mẫu:

Hiện HAI đang tổ chức những buổi gặp  gỡ, đi thăm mô hình cho lãnh đạo địa phương. Ngoài ra còn chia xẻ mô hình Việt nam qua các nước khác nữa. Cuối tháng Ba  có khoảng ba mươi người  từ Lào qua để học tập mô hình này. Tháng Năm thì khoảng chừng năm nước khác nữa qua thăm mô hình Liên thế hệ Tự giúp nhau này.

Được biết HAI vừa nhận được số tiền hỗ trợ bốn triệu tám trăm nghìn đô la từ một tổ chức tài trợ quốc tế có tên là Atlantic Philantrophy , dành riêng cho miền Trung Việt Nam.  

Như vậy hướng tới của HAI là ba trăm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau cho miền Trung Việt Nam.

Ông  Trần Ngọc Quyền cho biết hiện ông đang soạn  một số dự án mới  để mong trong vòng ba bốn năm nữa thì con số một nghìn hay hơn một nghìn Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam trở thành hiện thực. 

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.