Chuyện một người mẹ tìm con bị lừa gạt lấy chồng Trung Quốc

Một gia đình nghèo với tám con, bốn trai bốn gái. Hai người con gái rơi vào hoàn cảnh bị lạm dụng để rồi một từ Việt Nam sang Đài Loan thì bị môi giới hãm hại, một trở về từ Trung Quốc thì mang bịnh tâm thần.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010.07.01
Một Cô dâu Việt và một Chú rể nước ngoài. Một Cô dâu Việt và một Chú rể nước ngoài.
Photo courtesy of zing.vn

Đó là câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay. Người mẹ, khi thuật lại ngọn nguồn, cho phép Thanh Trúc được nêu tên thật của mọi người trong cuộc.

Tôi tên Nguyễn Thị Bền, tôi ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, bây giờ là thuộc về Hà Nội. Đây là người ta mới sát nhập, còn tôi ở ngay sát núi, chỗ thôn Đồng Chiêm mà người ta vừa mới phá cây Thánh Giá trên ngọn núi đấy. Ở trên rừng núi đấy chứ không phải ngoài đồng bằng đâu.”

Khi câu chuyện này được phát lên tối nay thì bà Nguyễn Thị Bền và con gái đầu lòng, mà bà gọi là cái Vững, đã về tới nhà sau khi rời phi trường Đài Bắc hôm qua, ngày 30 tháng Sáu.

Bị gạt lấy chồng Trung Quốc

Hai hôm trước, từ thành phố Đào Viên của Đài Loan, bà Nguyễn Thị Bền kể với Thanh Trúc về hoàn cảnh bắt đầu, khi đứa con gái thứ ba của bà, cái Chứa, bị người quen gạt bán sang lấy chồng bên Trung Quốc:

Tâm thần nó đã không ổn định mà tôi thấy cái tay nó có vết tím, tôi hỏi thì nó bảo là chồng nó đánh.

Bà Nguyễn Thị Bền

“Cái năm đấy là năm 2000. Đứa con gái thứ ba, sinh năm 82, qua một bà tôi cho ở nhờ trong nhà tôi. Bà này lấy chồng ở Lạng Sơn, bà có mối manh trên ấy thì bà mới dẫn cháu đi lấy chồng ở bên Trung Quốc.

Bà ấy rủ cháu lúc nào thì tôi không biết, bảo chỉ đi chơi thôi. Khoảng độ mấy tháng sau bà ấy trên Lạng Sơn về thì bà ấy bảo để cho nó đi lấy chồng ở bên ấy rồi nhưng mà tôi không nhất trí. Coi như bà ấy cứ khất lần khất lữa bà ấy không đi tìm cho. Bà này bị bệnh gan, thế rồi sau này bà ấy chết mất.”

Trải qua nhiều đợt tìm kiếm con trong lúc tiền bạc eo hẹp, rồi cũng vì nóng lòng muốn giúp mẹ, người con đầu lòng của bà Bền, cái Vững, tìm đường sang Đài Loan làm ô-sin với hy vọng có tiền mang về để cùng mẹ đi Trung Quốc kiếm em gái:

“Cho con gái sang Đài Loan đi làm thì thời gian mới có tiền, khi về thì mẹ con mới sang bên đấy là tỉnh Quảng Tây. Nhờ một người ở bên Trung Quốc người ta có xe con, thuê người ta dẫn đi một ngày thì tìm thấy cái địa chỉ gần đấy. Có một số chị em Việt Nam lấy chồng ở bên đấy người ta biết người ta mách. Nhờ một người Việt Nam ở gần đấy dẫn đến thì tôi thấy cảnh ở chỗ mà con tôi lấy chồng rất là nghèo. Nó ở với chồng, nuôi một ông bố với nó và một đứa con, gia đình có bốn khẩu.

Nhà thì nhà đất, tường cũng bằng đất. Nói về ăn uống tôi xuống bếp thì thấy có một son cháo. Chồng nó đi câu được ít cá rô phi về thì nấu nướng lên ăn thế thôi. Con tôi lúc bấy giờ gầy lắm mà bị bệnh tâm thần rồi, nhìn thấy mẹ mà nó cũng chẳng vồ vập chẳng mừng rỡ gì hết cả. Tâm thần nó đã không ổn định mà tôi thấy cái tay nó có vết tím, tôi hỏi thì nó bảo là chồng nó đánh.”

Thấy cảnh kham khổ cơ cực của con, bà Bền tính cách xin cho hai vợ chồng cái Chứa về Việt Nam, nói là để thăm gia đình:

“Nhờ người Việt Nam phiên dịch hộ thì ông bố mới nhất trí cho hai vợ chồng về chơi. Về thì tôi cho con tôi đi viện tâm thần để chữa.”

Một Cô dâu Việt và một chú rể Đài Loan. Photo courtesy of linkhay.com
Một Cô dâu Việt và một chú rể Đài Loan. Photo courtesy of linkhay.com
Về người chồng Trung Quốc của cô Chứa, bà Bền cho biết:

“Người chồng của nó hơn nó khoảng đến chục tuổi ấy. Tôi bảo đứa con gái bên Đài Loan về hỏi xem tình hình thế nào thì nó bảo ‘vì nhà tao không có tiền lấy vợ nên tao mới lấy em mày thì tao cũng thương em mày’. Thấy chúng nó nói tiếng Trung với nhau thế.”

Ở Việt Nam được gần một tháng, người chồng Trung Quốc của cô Chứa quay trở về nước:

“Tại vì nó không có giấy tờ gì thì nó phải về nước, còn con tôi thì tôi để ở nhà để đi viện tâm thần. Từ ngày về thì nó không bao giờ liên lạc nữa. Tôi chỉ đoán là con tôi sang bên đấy sống cực khổ hay là chồng nó đánh đập hay là thế nào chứ ở nhà thì thấy nó bình thường chứ không thấy có gì. Tại vì gia đình nhà tôi cũng đông con quá cho nên không có khả năng để có tiền mà đi tìm con. Chính vì thế mà con chị nó quyết định đi Đài Loan để kiếm tiền. Ở chỗ quê tôi hoàn cảnh thì cũng quá khổ.”

Bị tâm thần, lại có thêm con  

Tính đến giờ đứa con nhỏ của cô Chứa với ông chồng Trung Quốc đã được sáu tuổi. Cô vẫn ở trong trạng thái tâm thần bất ổn, gây rất nhiều khó khăn cho mẹ. Bà Bền kể tiếp:

“Bây giờ thì cứ phải xích nó lại. Không xích thì nó lại đi, người ta lại ăn nằm với nó, bây giờ nó đẻ thêm hai đứa con nữa là tôi vẫn phải nuôi.”

Đã mắc bệnh tâm thần, được đưa về nhà mà đâu ra thêm hai đứa con nữa? Bà mẹ giải thích rõ hơn:

Bây giờ thì cứ phải xích nó lại. Không xích thì nó lại đi, người ta lại ăn nằm với nó, bây giờ nó đẻ thêm hai đứa con nữa là tôi vẫn phải nuôi.

Bà Nguyễn Thị Bền

"Tức là phải xích cả ngày cả đêm nhưng mà thỉnh thoảng nó lại tuột xích nó đi thì tôi lại phải đi tìm. Thì người ta không biết là nó bị như thế, người ta cứ nằm với nó thì nó lại có chửa, nó đẻ ra thì tôi lại phải nuôi chứ còn nó thì nó không biết cái gì. Nó cứ đi lang thang lăng nhăng thế, có khi nó ngồi ngoài mưa ngoài gió thì nhiều người cũng chả biết thế nào thì... bây giờ tôi lại phải nuôi bốn mẹ con nhà nó.”

Đó là phần số của cô Chứa, con gái thứ ba của bà Bền, bị người quen gạt bán qua Quảng Tây bên Trung Quốc, đến khi được mẹ và chị cứu về cùng với đứa con nhỏ thì cô đã nửa điên nửa khùng mà vẫn còn bị lạm dụng cho có bầu và sinh thêm hai đứa con khác.

Trở lại với cô chị tên Vững, sang Đài Loan năm 2004, xin đi ở đợ để có tiền mang về cứu cô Chứa. Mới qua đến nơi, chưa kiếm được tiền, cô đã bị môi giới bản xứ xâm hại.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Việt ở thành phố Đào Viên cách Đài Bắc khoảng trăm kilômét, kể lại:

“Năm đó là năm 2004, cô ấy bị môi giới hãm hại, xong rồi thì họ bán cô cho một nơi chuyên phục vụ khách làng chơi. Họ nhốt chị ấy trên một lầu cao. Chị ấy tìm cách liên lạc với văn phòng của cha. Văn phòng tìm cách hướng dẫn cho chị ấy chạy ra ngoài. Sau đó chi đến thì văn phòng thụ lý vụ án đó giúp cho chị từ đó đến giờ.”

Năm 2007, chị Vững trở về Việt Nam, mang theo một ít tiền để cùng mẹ sang Trung Quốc kiếm cô em ruột tên Chứa như đã kể ở phần đầu.

Năm 2009, cô Vững quay lại Đài Loan để kiếm việc, bất kể lời khuyên của linh mục Nguyễn Văn Hùng là đừng trở qua mà hãy ở nhà giúp mẹ. Tháng Mười Hai năm 2009, cô bị thương nặng ở đầu trong một tai nạn xe, khi được người quen chở đi thăm người bà con cũng làm việc bên Đài Loan. Vì thương tích nghiêm trọng, mẹ cô Vững, bà Bền, lại phải sang Đài Loan chăm sóc con gái.

Từ văn phòng của linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Đào Viên, bà Nguyễn Thị Bền mô tả tình trạng sức khỏe của cô Vững:

“Con chị nó bị chấn thương sọ não nặng quá, cái đầu nó vỡ hết xương phải lắp xương giả cho nên là nói không được chuẩn.”

Khi Thanh Trúc xin được hỏi chuyện thì bà mẹ đồng ý, và đây là đôi lời của cô Vững:

Em về em bảo tìm cho em chỗ khác nhưng nó không tìm, nó cứ để em ở nhà để nó vớ vẩn với em. Sau đó thì em quên hết rồi, em bị cái bệnh này thì em quên hết rồi.

Cô Vững

“Em là Vững, vì em nhìn thấy một thời gian em của em nó không về, mẹ em không có tiền, em đi qua Đài Loan thì đầu tiên chồng em làm được đồng nào em vay hết. Với lại em vay thêm nữa chứ chồng em làm không đủ tiền cho em đi.”

Bằng trí nhớ kém cõi, tiếng được tiếng mất, cô Vững hồi tưởng lại những ngày đầu chân ướt chân ráo tới Đài Loan:

“Môi giới nó hại em, thời gian đầu tiên nó ngủ với em. Thế xong kiểu như là nó cứ cho đi những chỗ công việc làm không được, nó cứ cho đi xong lại cho về. Em về em bảo tìm cho em chỗ khác nhưng nó không tìm, nó cứ để em ở nhà để nó vớ vẩn với em. Sau đó thì em quên hết rồi, em bị cái bệnh này thì em quên hết rồi.

...Hôm ấy em đi chơi thế là em bị tai nạn, bây giờ em quên hết rồi, trí nhớ của em không còn nữa, em cũng không đi lại được.”

Với giọng nói sũng nước mắt, bà Bền tiếp lời con gái:

“Thì là nó bảo nó đi để giúp gia đình, được có mấy tháng thì bị tai nạn thế này. Bây giờ sức khỏe của cháu thì nhìn thấy nó cũng khỏe nhưng mà trí nhớ chưa hồi phục. Thứ hai nữa về chân tay thì cháu bị liệt toàn thân nên chưa đi lại được, phải chịu chứ biết làm thế nào.”

Vòng tay nhân ái

LM Nguyễn Văn Hùng. Photo courtesy of Nguoi Viet.
LM Nguyễn Văn Hùng. Photo courtesy of Nguoi Viet.
Tuy tạm trú tại nơi do môi giới Đài Loan sắp xếp, bà Bền vẫn đưa cô Vững đến văn phòng của linh mục Nguyễn Văn Hùng nên Thanh Trúc mới có dịp nói chuyện với bà:

“Từ ngày sang bên nay thì cũng được văn phòng cha Hùng giúp đỡ đủ thứ. Khó khăn gì là cha cũng giúp đỡ. Cả những cái phải giải quyết thế nào thì cha cũng giúp chứ còn tôi sang đây thì tôi cũng không biết luật ở bên này thế nào, tiếng tăm không biết mà đường lối cũng không biết cho nên nhờ tất cả ở văn phòng của cha đây.

Hôm nay thì cả môi giới với cả bên văn phòng của cha là lên Bộ Lao Động ở đây. Họ quyết định đến hôm 30 thì về, 30 tháng này.”

Được hỏi Đồng Chiêm quê bà có những cô gái hoặc tự nguyện hoặc bị gạt sang Trung Quốc để lấy chồng như trường hợp của cô Chứa, con gái thứ ba của bà hay không, bà Bền cả quyết:

“Không có ai đâu a, chỉ có mỗi mình cái bà này là tôi cho bà ở nhờ nhà tôi thì bà ấy rủ con gái tôi đi như thế thôi chứ còn cả làng không có một người nào đâu ạ.”

Trong khi đó, theo linh mục Nguyễn Văn Hùng, trường hợp bị chấn thương sọ não của cô chị tên Vững quả là khó xử vì tai nạn không xảy ra tại nơi chốn hay trong lúc đang làm việc:

“Đối với luật pháp Đài Loan là khi tai nạn xảy ra người bị bệnh cần được chữa trị trong một năm. Sau một năm đó thì công ty bảo hiểm mới dựa trên chẩn đoán của nhà thương để trả tiền bảo hiểm cho người bị tai nạn.

Đáng lẽ chị Vững tiếp tục được ở Đài Loan chữa trị nhưng đến giờ phút này bác sĩ nói không cần đến bệnh viện nữa. Thành ra khi mẹ về thì con cũng về. Việc còn lại liên quan đến bồi thường thì văn phòng và luật sư tiếp tục thụ lý cái án được sự uỷ quyền của chị Vững. Bây giờ chúng tôi đang còn truy cứu trách nhiệm của người lái xe, người đụng xe, vấn đề bảo hiểm của người tung xe cũng như người chở chị trong ngày bị tai nạn.”

Trong câu chuyện đi tìm con, đi tìm em gái của bà Bền và chị Vững, giá như lúc trở về từ Trung Quốc mà cô Chứa con của bà Bền may mắn được tiếp nhận vào những trung tâm hỗ trợ nạn nhân buôn người trở về như Nhà Nhân Ái tại Lào Cai hay Nhà Mở ở Tiền Giang chẳng hạn, thì có lẽ căn bệnh tâm thần của cô sẽ giảm bớt chứ không nặng nề bi đát như hiện nay. Tiếc rằng lúc ấy chưa có những cơ sở của các tổ chức ngoài chính phủ như vậy.

Năm đó là năm 2004, cô ấy bị môi giới hãm hại, xong rồi thì họ bán cô cho một nơi chuyên phục vụ khách làng chơi. Họ nhốt chị ấy trên một lầu cao.

LM Nguyễn Văn Hùng

Tưởng nên nhắc lại, Nhà Mở Nhân Ái vừa khai trương ở Lào Cai hay Nhà Mở ở Tiền Giang nằm trong chương trình ADAPT của Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, một tổ chức ngoài chính phủ ở Hoa Kỳ, có mục đích hỗ trợ tâm lý và phục hồi nhân phẩm cho các em gái trở về từ những động mãi dâm bên kia biên giới Trung Quốc hay Kampuchia.

Về phần cô chị, linh mục Nguyễn Văn Hùng nhắc lại vụ án Hồng Minh Dụ, một người môi giới Đài Loan từng hãm hiếp nhiều phụ nữ Việt từ quê đi qua Đài Loan làm ô-sin hồi năm 2004 mà cô Vững là một trong ba mươi mấy nạn nhân được văn phòng của ông cưu mang và giúp đỡ.

Năm 2005, Thanh Trúc đã bay sang Đài Loan để trực tiếp tường trình vụ này đến quí vị. Khi đó, tên môi giới Hồng Minh Dụ bị tòa án Đài Nam tuyên phạt hai mươi năm tù:

“Cái án của chị ở Đài Nam thì tôi đã giúp đỡ ba mươi mấy người ra toà. Trong ba mươi mấy người chỉ được có sáu người là toà án nói có bằng chứng để chứng minh là người đó bị hại.

Lý do sáu phụ nữ Việt được toà chấp thuận bằng chứng để có thể khởi tố ông Hồng Minh Dụ là vì khi hãm hại các chị, tên môi giới này đã bắt mấy chị khác đứng nhìn, vì thế họ mới có người chứng:

“Thì trong sáu người như vậy văn phòng có yêu cầu phải bồi thường cho nạn nhân mỗi người một triệu tiền Đài Loan, tương đương ba mươi hai ngàn đô la Mỹ. Song song thì còn một số nạn nhân không có người làm chứng thì văn phòng vẫn tiếp tục giúp cho họ khiếu nại chuyện đó.

Sau khi bị kêu án hai mươi năm tù, tên môi giới Hồng Minh Dụ nộp đơn kháng cáo. Trong lúc toà cứu xét đơn khiếu nại thì ông ta bỏ trốn. Có người cho rằng ông Hồng Minh Dụ này đã trốn qua Trung Quốc.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây xin tạm ngưng. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.