Vườn rau sạch Trà Quế

Trà Quế là một làng nghề truyền thống với chừng hai ngàn hộ dân chuyên nghề trồng rau, nằm bên sông Thu Bồn cách phố cổ Hội An khoảng ba kilômét mà nếu đi xe đạp thì mất khoảng hai mươi phút.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012.05.24
Cánh đồng rau Trà Quế. Cánh đồng rau Trà Quế.
Courtesy Báo ảnh Vietnam

 

Rau Trà Quế và du lịch

 

Rau sản xuất từ Trà Quế  là rau sạch, chỉ dùng phân hữu cơ chứ không dùng phân hóa học, vì thế có giá cao hơn rau trồng ở ngoài. Thị trường tiêu thụ rau Trà Quế là siêu thị Metro trong vùng, rồi đến thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế và các khu phụ cận:

Rau ngoài mình thì đúng là rau sạch. Bởi vì rong từ một cái đầm ở Trà Quế thì người dân vớt để bón phân chứ không bón phân tươi cũng như thuốc hóa học. Những loại phân vi sinh người ta cũng không dùng mà chỉ là rong. Phân làm từ rong thì đậm chất hữu cơ, đất luôn giữ được độ ẩm và tốt cho nên rau thơm lắm.

Bởi vậy khi rau Trà Quế đi ra Đà Nẵng hoặc là về Hội An thì giá đắt hơn so với rau những vùng miền khác.

Vừa rồi là lời ông Nguyễn Trọng Tuấn, cư dân Phố Cổ, giám đốc Trung tâm Lữ Hành Hội An thuộc Công Ty Du Lịch Hội An. Từ năm 2004, Trà Quế bình yên phẳng lặng bổng rộn ràng lên với khu du lịch sinh thái, mỗi ngày đón năm bảy chục, có khi cả trăm lượt khách phương xa, trong đó không thiếu những khuôn mặt nước ngoài đến từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…

Đó là nhờ sáng kiến Một Ngày Làm Nông Dân Phố Cổ, tại làng rau Trà Quế, do giám đốc Trung Tâm Lữ Hành Hội An Nguyễn Trọng Tuấn nghĩ ra để  hấp dẫn du khách:

Trước đây mình là nhân viên cùng với anh giám đốc cũ là anh Phạm Trí cùng làm cái này. Từ 2004 với sự quảng bá của công ty khoảng tầm ba năm thì thành hình một sản phẩm du lịch cũng là để phát triển cư dân, mà bây giờ là du lịch cộng đồng cũng rất là quan trọng.  Đến bây giờ hàng ngày mình đón trên cả trăm khách, nhất là thị trường khách Châu Âu, Úc và Mỹ.

Dân Trà Quế bây giờ sống bằng rau và bằng du lịch. Mỗi một lần có đoàn khách du lịch đến thì những người nông dân trồng rau ở đó nhận được một khoản thù lao cho việc hướng dẫn khách tham quan và hướng dẫn khách trồng rau kiểu gì, xới đất lên làm sao, phân bón tự nhiên ra làm sao, trồng cây rau

Một nhà báo ở Đà Nẵng

Một nhà báo ở Đà Nẵng, từng đi tham quan làng rau truyền thống Trà Quế, nay được coi như một khu du lịch sinh thái, mô tả nếp sống bây giờ và những lợi ích thực tế mà ngành du lịch mang đến cho họ:

Dân Trà Quế bây giờ sống bằng rau và bằng du lịch. Mỗi một lần có đoàn khách du lịch đến thì những người nông dân trồng rau ở đó nhận được một khoản thù lao cho việc hướng dẫn khách tham quan và hướng dẫn khách trồng rau kiểu gì, xới đất lên làm sao,phân bón tự nhiên ra làm sao, trồng cây rau xuống như thế nào, tưới cây rau làm sao… thì họ cũng được một khoản tiền từ du khách nữa.

Ở đó họ cũng có một chỗ làm bành xèo, bánh bèo, mì quảng, họ dạy cho du khách làm luôn. Sau đó du khách ăn những món ăn do mình làm ra. Cho nên chỗ đó thành một điểm rất vui, nhìn thấy hành khách từ các châu lục khác nhau, họ đến đó, mặc một bộ áo quần nâu, xắn quần lên như nông dân Trà Quế , đội một cái nón lá và đi ra đồng, vác cuốc ra cuốc như nông dân vậy. Nhìn hình ảnh đó rất là thú vị. Mình cũng đã vào làm dân Trà Quế mặc một bộ áo quân nâu như vậy, cũng ra làm cỏ bón phân các thứ, mình thấy rất là thú vị.

 

Một ngày làm nông dân phố cổ

 

Thì ra đó là sinh hoạt mà du khách được trải nghiệm trong một ngày làm nông dân phố cổ. Nhiều người bảo với Thanh Trúc rằng đây là loại hình du lịch dành riêng cho những khách gọi là Tây Ba Lô, nghĩa là những người không ở khách sạn bốn năm sao, thích di chuyển đây đó bằng xe đò, thích mướn xe đạp hoặc xe gắn máy để đi lại trong thành phố.

Thế nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, bởi Thanh Trúc có dịp tiếp xúc cùng cùng những khách đến từ Hoa Kỳ hoặc Australia và họ hoàn toàn không phải là khách Tây Ba Lô. Dù sao đi nữa, qua cuộc trò chuyện này người ta có thể nhận ra cảm giác nhẹ nhàng, thư giản và thích thú của người trong cuộc.

Chẳng hạn như Andrew, người Australia, có mặt tại Làng Rau Trà Quế chuyến sớm nhất:

Tôi vừa tới đây thôi, ở đây nhiều rau lắm, cũng có nhiều người đang trồng trọt nữa. Họ sắp sửa mời chúng tôi làm vườn với họ đấy, nhưng mà tôi hơi ngại vì trời đang nóng kinh khủng.

Biết không, lúc nãy khi mới tới  họ mời chúng tôi ngồi nghĩ trong một cái nhà và chúng tôi được mời một thứ nước giải khát gì đó ngon và mát vô cùng.

Một người Mỹ, được nơi khách sạn anh ở giới thiệu tour du lịch Trà Quế:

Tôi là Brian, ở New York City, làng rau này đẹp và êm ả quá, mọi thứ đều gần với thiên nhiên. Chúng tôi học được ít nhiều phong tục và tập quán địa phương mà trên hết là sự thân tình, hiếu khách. Chúng tôi cũng thích làm vườn, ở đây toàn rau hữu cơ, thứ gì cũng có...

Một du khách Mỹ

Tôi là Brian, ở New York City, làng rau này đẹp và êm ả quá, mọi thứ đều gần với thiên nhiên. Chúng tôi học được ít nhiều phong tục và tập quán địa phương mà trên hết là sự thân tình, hiếu khách.

Chúng tôi cũng thích làm vườn, ở đây toàn rau hữu cơ,  thứ gì cũng có, bạc hà, rau mùi, hành lá, húng này, bí đỏ này, rau muống này, bố  xôi này, toàn rau sạch (organic) không thôi.

Và đây là Laura tiếp lời Brian:

Vừa rồi là chồng tôi, chúng tôi ở New York, đây là chuyến đi đầu tiên của hai đứa tôi đến Việt Nam. Có đến nơi đây mới thấy một khung cảnh thanh bình và êm đềm mà  hồi nào tới giờ người  dân thành  phố chúng tôi chưa biết qua. Sống và sinh hoạt với người địa phương mình cũng học thêm được nếp văn hóa của họ nữa.

Được biết dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn vừa qua, làng rau truyền thống Trà Quế bận rộn với năm trăm lượt khách quốc tế, trung bình mỗi ngày khoảng bốn chục người.

Năm 2008 được coi là cao điểm của làng nghề với bốn ngàn năm trăm lượt khách quốc tế tham gia chương trình Một Ngày Làm Cư Dân Phố Cổ. Khi đó, doanh thu tổng cộng là sáu trăm hai chục triệu, tăng gấp đôi 2007.

Một Ngày Làm Cư Dân Phố Cổ bắt đầu như thế nào? Câu hỏi được ông Nguyễn Trọng Tuấn, giám đốc Trung Tâm Lữ Hành Hội An thuộc Công Ty Du Lịch Hội An, đơn vị khởi xướng và tổ chức thành công tour du lịch này, giải thích:

Mình bố trí xe đạp tại khách sạn có khách của mình đi, sẽ có người đến hướng dẫn du khách đạp xe đạp ra đồng. Ra tới làng rau Trà Quế thì  có một cái nhà với ba bốn thế hệ sống trong đó, khách sẽ được uống một ly nước địa phương gọi là  nước é, làm từ hạt é trồng trong vườn rau.

...khách được mời ra thăm vườn rau, tiếp đó được mặc áo nông dân và đội nón lá. Nếu muốn, khách sẽ được nông dân chỉ dẫn cách vỡ đất, bón phân, trồng rau, tưới rau và lên luống như một nhà nông thực thụ.

ông Nguyễn Trọng Tuấn

Sau đó, khách được mời ra thăm vườn rau, tiếp đó được mặc áo nông dân và đội nón lá. Nếu muốn, khách sẽ được nông dân chỉ dẫn cách vỡ đất, bón phân, trồng rau, tưới rau và lên luống như một nhà nông thực thụ:

Sau đó khách sẽ chụp hình cạnh luống rau họ mới trồng được. Xong việc đó rồi thì khách vào nghĩ ngơi, sẽ được ngâm chân bằng nước thảo mộc gồm những loại lá cây, thuốc bắc hay thuốc nam trị bệnh phong thấp.

Đến buổi trưa, khách sẽ vào bếp của làng để được hướng dẫn nấu những món ăn dân dã địa phương, khách vừa học vừa làm và họ rất thích thú, nhất là khi đỗ bánh xèo:

Khách  sẽ ăn những món đó, .chúng tôi cũng sẽ dọn một bữa cơm gồm những món khác nữa.

Tầm hai giờ là khách ăn xong thì có những cái võng để nằm nghĩ ngơi thoài mái và uống nước trà, sau đó chia tay với gia đình và trở về khách sạn. Nếu khách còn đi xe đạp được thì đi, không thì mình bố trí ô tô cho khách.

Từ khi tour du lich sinh thái đến Trà Quế nổi lên thì cũng là lúc người dân trong làng kiếm thêm lợi nhuận cho gia đình

Thứ nhất là làng rau mình nỗi lên thì giá cả thương hiệu rau Trà Quế cũng tăng lên, người dân bán cũng dễ và thu nhập cao.

Thứ hai nữa là du lịch đến nhiều, tiền thu vé tham quan của khách quốc tế cũng sẽ chia cho người dân ở làng đó. Thứ ba là một số nhà dân mà phối hợp với công ty thì thu nhập của họ cũng khá lên.

Tuy nhiên dự án làng nghề Trà Quế chừng như chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền thì phải:

Nói chung họ cũng đánh giá cao và cũng muốn tôn tạo nhưng mà lâu ni cũng không có kinh phí gì. Mình cũng đã đề xuất nhưng lâu nay chưa có kinh phí, cho nên vẫn còn mang tính chất của người dân hơn là cái đầu tư chính của nhà nước mình vào đó.

 

Tour du lịch Fish &Chip

 

Bất kể một vài trở ngại, từ năm ngoái Trung Tâm Lữ Hành Hội An, thông qua Công Ty Du Lịch Hội An, mở thêm một tour du lịch có tên là Fish &Chip. Ông Nguyễn Trọng Tuấn trình bày tiếp:

Tour này mình vẫn đón khách tại khách sạn, đi một vòng ra Trà Quế để tham quan khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó khách sẽ đạp xe đạp đến bờ sông, lên thuyền đi đánh cá, sẽ thấy người dân vãi chài thì khách có thể phụ họ vãi chài.

Đi một đoạn nữa sẽ thấy trên sông có những người ném những cái rớ lớn, khách có thể ném rớ để biết cách đánh bắt cá ở đó.

Sau hai khâu này, du khách được đưa tới một vườn dừa bảy mẫu rất đẹp, tiếp đó xuống những chiếc thuyền thúng để đi câu cá và câu cua, trước khi được mời đua thuyền thúng trên sông:

Sẽ có một nông dân chèo thuyền thúng đi cùng với khách, mình chia ra thành những cặp để đua trên sông, rất là nhôn nhịp. Những người chèo thuyền thì mình cũng trả tiền bao nhiêu đó để họ cùng đi. Sau đó khách trở về thuyền lớn để dùng bữa trưa ở đó.

Ăn xong thì mình sẽ cho những người địa phương trong vườn dừa, mình đã trả tiền cho họ rồi, bày cho khách làm những cái đồng hồ bằng lá dừa, làm gương hoặc làm những con chim, khách rất là vui.

Tour này mình vẫn đón khách tại khách sạn, đi một vòng ra Trà Quế để tham quan khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó khách sẽ đạp xe đạp đến bờ sông, lên thuyền đi đánh cá, sẽ thấy người dân vãi chài thì khách có thể phụ họ vãi chài.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn

Trở lại với làng rau Trà Quế mùa này, quân bình một ngày khoảng trăm người tới viếng. Có những người ngoại quốc chỉ muốn đến đó ăn trưa và ngắm cây cỏ, những người khác thì tham gia cuốc đất trồng rau, nghĩ ngơi rồi trở về thành phố. Cũng có những người đến ăn tối rồi yêu thích khủng cảnh tĩnh lặng nơi đây mà quyết định ở lại qua đêm.

Con số sáu bảy chục cho tới một trăm là tính riêng những người đi theo tour du lịch Hội An, chứ không kể những người, do chỉ dẫn của dân địa phương, tự động thuê xe gắn máy hay xe đạp để chạy tới Trà Quế.

Có lẽ trong những thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam thì Hội An miền Trung và huyện đảo Phú Quốc miền Nam là hai nơi được người nước ngoài chiếu cố nhiều nhất. Ở những nơi đó luôn có dịch vụ cho thuê mướn xe gắn máy hay xe đạp  phục vụ khách phương xa.

Trong tương lai, theo lời ông Nguyễn Trọng Tuấn, một nhà hàng sẽ được xây thêm ở Trà Quế với những buổi tiệc gọi là quang gánh. Những món ăn thuần tuý của Hội An như bánh bèo, bánh xèo, bánh đập, bánh nậm, bánh hoa hồng…  sẽ được bày biện khéo léo trong những cái quang gánh thay vì dọn lên bàn.

Mục đích của Trà Quế, mà người dân làng nghề này nhắm tới, là mời gọi khách tứ xứ đến với một hình thái du lịch đặc thù của phố cổ Hội An, bên cạnh nếp sinh hoạt dân dã nhưng không kém phần bổ ích và lành mạnh, đúng tinh thần một khu du lịch sinh thái.

Thanh Trúc xin được tạm ngừng câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở đây. Xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.