Tạp chí khoa học online đầu tiên của học viên quỹ giáo dục VN (VEF)

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.07.18
Hội Thảo thường niên giữa các sinh viên VEF và các nghiên cứu sinh VEF Hội Thảo thường niên giữa các sinh viên VEF và các nghiên cứu sinh VEF
RFA files

Vietnam Journal Of Science VJS, Tạp Chí Khoa Học Việt Nam, là dự án của một số du học sinh và nghiên cứu sinh từ trong nước sang Mỹ theo học bổng VEF Quĩ Giáo Việt Nam, dự kiến đưa lên trang mạng vjsonline.org ngày 20 tháng này. Tạp Chí Khoa Học Việt Nam, do vậy, cũng là đề tài của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi phát đi sáng nay.

Nếu thành công, Vietnam Journal Of Science sẽ là Tạp Chí Khoa Học đầu tiên bằng tiếng Anh và tiếng Việt, chủ xướng phần lớn là các sinh viên tài năng được đào tạo tại Hoa Kỳ thông qua các đại học danh tiếng mà VEF có liên hệ.

Từ tháng Ba năm nay, bạn Khổng Hiệp, sang Mỹ năm 2010, hiện là nghiên cứu sinh VEF tại Trung Tâm Ung Thư MD Anderson University Texas At Houston, đã nói với Thanh Trúc về giấc mơ VJS:

Làm nghiên cứu thì phải có sản phẩm đong, đo, đếm được, ứng dụng được. Sản phẩm đó chính là tờ báo khoa học mà mình đăng lên các tạp chí quốc tế.

Trước đó nữa, Trần Ngọc Ánh Mai, sang Mỹ năm 2007 theo học bổng VEF, về nước năm 2013 với văn bằng tiến sĩ Sinh Học Ung Thư, hiện làm giảng viên Khoa Công Nghệ Sinh Học Đại Học Quốc Tế thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã đề cập tới Tạp Chí Khoa Học Việt Nam mà cô sẵn sàng tham gia

Dự án này có mục tiêu làm cầu nối cho các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học thế giới. Tạp chí này là một tạp chí quốc tế để cho những nhà khoa học trong nước có thể giới thiệu những công trình nghiên cứu của mình và cũng để cho các nhà khoa học trên thế giới trao đổi qua lại về khoa học.

Dự án này có mục tiêu làm cầu nối cho các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học thế giới. Tạp chí này là một tạp chí quốc tế để cho những nhà khoa học trong nước có thể giới thiệu những công trình nghiên cứu của mình và cũng để cho các nhà khoa học trên thế giới trao đổi qua lại về khoa học

Trần Ngọc Ánh Mai

Tụi em cũng đã có một số bài viết khá ổn định. Dự định cuối tháng Ba sẽ xuất bản số đầu tiên, hy vọng sẽ xuất bản mỗi hai tháng một lần. Hiện nay thì đang trong quá trình hình thành website, cuối tuần này hay cuối tuần sau thì website cũng đã xong rồi.

Thế nhưng dự định ra mắt VJS của tháng Ba, như Trần Ngọc Ánh Mai ao ước, chưa thể thành hình mà phải đợi đến tháng Bảy này mới thực sự có mặt qua trang web vjsonline.org như đã nói ở trên.

Là người đầu tiên khởi xướng VJS, Phan Minh Liêm, sang Mỹ năm 2005 theo học bổng VEF, đến Viện Ung Thư MD Anderson của đại học Texas, tốt nghiệp tiến sĩ sinh y học chuyên ngành ung thư năm 2012, giải thích:

Tụi em cũng gặp một số khó khăn, thứ nhất là nhân lực và kinh nghiệm. Làm một tạp chí khoa học thì thứ nhất nó đòi hỏi một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Tụi em mặc dù được học hành bài bản tại các trường đại học của nước Mỹ nhưng mà kinh nghiệm làm báo, đặc biệt báo khoa học, còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy tiến độ bị chậm hơn so với dự tính ban đầu.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm, một trong những người chủ xướng VJS tạp chí. (vjsonline.org)
Tiến sĩ Phan Minh Liêm, một trong những người chủ xướng VJS tạp chí. (vjsonline.org)

Nhưng có một may mắn là khi tụi em tiếp cận với các nhà khoa học Việt Nam cũng như một số nhà báo thì các anh chị và các nha khoa học đều rất ủng hộ ý tưởng này, cho nên là các bạn và các anh chị cũng giúp tụi em rất nhiều về kinh nghiệm làm báo cũng như cách lựa chọn những tiêu đề khoa học nào cho phú hợp và sẽ được nhiều độc giả quan tâm.

Khó khăn thứ hai của tụi em là về tài chính, tại vì ra đời số đầu tiên thì độc giả cũng chưa biết tới nên nguồn thu cũng chưa ổn định. Tương lai thì tụi em nghĩ là khi tạp chí trở nên có tiếng tăm trong một vài năm tiếp theo thì có thể chuyển sang mô hình có nguồn thu và quảng cáo.

Về nội dung của Tạp Chí Khoa Học Việt Nam Online, tiến sĩ y sinh học chuyên ngành ung thư Phan Minh Liêm cho biết:

Trước mắt có một số mục mà em nghĩ độc giả Việt Nam sẽ quan tâm, thứ nhất là những thông tin, tin tức về khoa học, về tình hình khoa học công nghệ trên thế giới, những phát minh khoa học quan trọng.

Tất cả tụi em đều nhận thấy một điều là đất nước mình hiện nay chưa có một tạp chí khoa học lừng danh. Điều đó khiến cho cái uy tín về khoa học công nghệ của Việt Nam đối với thế giới cũng có nhiều hạn chế

tiến sĩ trẻ Phan Minh Liêm

Thứ hai thì tụi em có một số bài phỏng vấn các nhà khoa học hiện đang rất thành danh trên trường khoa học quốc tế thí dụ như thầy Nguyễn Văn Tuấn là chuyên gia về xương ở Đại Học Australia, giáo sư Ngô Vũ, chuyên gia trong lãnh vực ung thư, hiện đang công tác tại Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ. Những kiến thức và những chia xẻ về con đường biểu quyết thành công của các thầy sẽ là nguồn động lực lớn để cho các bạn trẻ phấn đầu và vượt qua những khó khăn. Để mà đạt những ước mơ cao đẹp của mình.

Ngoài ra vì bản thân là một tạp chí khoa học cho nên tụi em phải có những bài viết chuyên sâu về khoa học, giới thiệu những công nghệ mới, hoặc là những tình hình về ung thư tại Việt Nam, những cách khắc phục như thế nào, cũng như những công nghệ và cây trồng biến đổi gene, vân vân…Những bài hơi chuyên sâu một chút để cung cấp cho giới độc giả phổ thông.

Logo của VJS, Vietnam Journal of Science. RFA files
Logo của VJS, Vietnam Journal of Science. RFA files

Tạp Chí Khoa Học Việt Nam, theo tiến sĩ trẻ Phan Minh Liêm, không đơn thuần là ý tưởng của riêng ai mà chính là nhận thức của cả nhóm khi thấy Việt Nam tới giờ phút này chưa có một tờ báo khoa học khả dĩ có uy tín:

Tất cả tụi em đều nhận thấy một điều là đất nước mình hiện nay chưa có một tạp chí khoa học lừng danh. Điều đó khiến cho cái uy tín về khoa học công nghệ của Việt Nam đối với thế giới cũng có nhiều hạn chế.

Tạp Chí Khoa Học Việt Nam Online của tụi em có ba mục tiêu. Thứ nhất là nơi cung cấp những nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy, cần thiết quan trọng đối với xã hội Việt Nam, giúp nâng tầm nền kho học nước nhà bằng cách nâng số lượng bài báo và chất lượng bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế.

Sỡ dĩ tụi em chọn hình thức online vì tụi em nghĩ kiến thức là một nguồn mở nên chia xẻ với tất cả mọi người. Hình thức online sẽ giúp tụi em tiếp cận với nhiều độc giả hơn so với mô hình báo in truyền thống.

Tốt nghiệp Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội, sang Hàn Quốc học tiếp hai năm ngành Polymer Chemistry, Hóa Học Đa Phân Tử, sau đó đến Mỹ theo học bổng VEF từ tháng Tám 2013, Thiều Mai Lâm hiện là nghiên cứu sinh ngành Macromlecule Engineering, cũng là ngành Hóa Học Đa Phân Tử, tại trường Virginia Tech nổi tiếng miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

Tham gia vào Tạp Chí Khoa Học Việt Nam trong tư cách quản lý hành chánh, Thiều Mai Lâm cho biết anh hoàn toàn đồng ý với Phan Minh Liêm là Việt Nam thiếu một tạp chí khoa học theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, còn gọi là tiêu chuẩn ISI International Science Institute:

Bọn em cùng nhu định hướng là sẽ theo tiêu chuẩn ISI để sau này được quốc tế công nhận, bọn em xây dựng cái tạp chí mang tính đa ngành, đa lãnh vực, tại vì trong VEF thì có rất nhiều nghiên cứu sinh từ các ngành khác nhau. Bọn em momg muốn có thể xây dựng cái tạp chí theo mô hình tạp chí khoa học của Mỹ. Trong quá trình thực hiện thì không dễ dàng để kêu gọi người ta gởi bài báo cho mình vì như chị cũng biết là viết một bài báo về khoa học thì mất rất nhiều thời gian và cả công trình công sức nghiên cứu.

Sỡ dĩ tụi em chọn hình thức online vì tụi em nghĩ kiến thức là một nguồn mở nên chia xẻ với tất cả mọi người. Hình thức online sẽ giúp tụi em tiếp cận với nhiều độc giả hơn so với mô hình báo in truyền thống

tiến sĩ trẻ Phan Minh Liêm

Ban đầu thì bọn em cũng dựa vào đội ngũ VEF, tuy nhiên người đóng góp bài không chỉ là người trong VEF mà là các nhà khoa học ở nhiều nơi trên thế giới, người Việt cũng như người nước ngoài.

Hiện giờ bọn em cũng nhận được bài đủ cho xuất bản khoảng độ hai số, đã hoàn thanh số thứ nhất và đang chuẩn bị phổ biến. Tuy nhiên các số sau thì số lượng bài vở vẫn còn hạn chế nên các editor của bọn em vẫn phải tiếp tục liên hệ với các tác giả để có thể tìm được bài.

Tôn chỉ, hay có thể nói quan điểm của Vietnam Journal Of Science Tạp Chí Khoa Học Việt Nam Online, Thiếu Mai Lâm nhấn mạnh, chỉ là môi trường khoa học:

Motto (khẩu hiệu) cho tạp chí là Science For Better World, Khoa Học Cho Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn. Tất cả mọi thứ là vì khoa học chứ không liên quan đến chính trị hay bất cứ một lý do gì. Địa chỉ trên trang web là vjsonline.org .

Đối với nhiều bạn trẻ, ý tưởng về Tạp Chí Khoa Học Việt Nam đã là điều khó thực hiện, mà nếu làm được thì đây là một công việc khô khan, công phu và có thể nói là khó nuốt.

Thế nhưng đối với các bạn trẻ trong VEF, những tiến sĩ khoa học tương lai, Tạp Chí Khoa Học Việt Nam là sự dấn thân, sự khởi đầu, niềm đam mê và lý tưởng phục vụ như bày tỏ của Phan Minh Liêm:

Một trong những triết lý sống cũng như triết lý hoạt động của cả nhóm, nói theo kiểu người Anh là “much is given much is expected”, khi mình nhận được nhiều thì mình cũng phải cho đi nhiều thứ. Tụi em đã được cái may mắn sang Mỹ học hỏi tiếp thu những kiến thức mới thì bổn phận của tụi em đối với xã hội là quay lại và giúp đỡ những thế hệ đàn em đi sau bằng cách sử dụng tài năng và những kiến thức mình học hỏi được. Em nghĩ đây là một trong những cách phụng sự xã hội tốt.

Câu chuyện về Tạp Chí Khoa Học Việt Nam Online và các bạn trẻ VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam ở Hoa Kỳ đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc chân thành chúc VJS và các bạn thành công,. Xin hẹn gặp các bạn sáng thứ Sáu tuần tới.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.