Từ trẻ đường phố đến sinh viên xuất sắc quốc tế

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.04.28
Huong-Victoria-622.jpg Sinh viên xuất sắc Đặng Thị Hương chụp ảnh kỷ niệm cùng với Thống đốc và Thủ hiến bang Victoria, Úc.
Hình do Cô Hương cung cấp

KOTO, tên viết tắt của một trung tâm nhân đạo chuyên dạy nghề và giáo dục trẻ đường phố. KOTO có nghĩa là Know One Teach One, Biết Một Dạy Một, do ông Jimmy Phạm, một người Australia gốc Việt, sáng lập với nhiều cơ sở hỗ trợ đào tạo tại Hà Nội cũng như tại Sài Gòn gần 2 thập niên qua.

Từng ở đợ và sống dưới gầm cầu thang

Và có lẽ hơn cả chuyện thần tiên, KOTO biến Đặng Thị Hương, cô gái quê lên Hà Nội ở đợ, từng sống dưới gầm cầu thang căn nhà ở một xóm phức tạp của Hà Nội, chắp cánh cho cô vượt lên số phận tưởng chừng như bế tắc của mình để sang tận Australia rồi tốt nghiệp Học Viện Box Hill và bắt đầu chuẩn bị cho bằng Thạc Sĩ tại Đại Học Công Nghệ Swinburne (Swinburne University Of Technology).

“Em là Đặng Thị Hương, hiện tại em đang học chương trình Thạc Sĩ Khởi Nghiệp Và Đổi Mới tại Đại Học Công Nghệ Swinburne ở Melbourne, Australia.”

Hồi tháng Chín 2015, Đặng Thị Hương được trao tặng Achievement Award và Community Engagement Award, Giải Thành Tựu Và Giải Dấn Thân Vì Cộng Đồng của Đại Học Công Nghệ Swinburne.

Trước đó, tháng Bảy 2014, cô được tuyển vào Top 3 Sinh Viên Truyền Cảm Hứng Nhất Năm của Council Of International Students Australia, Hội Đồng Sinh Viên Quốc Tế Australia.

Đây là câu chuyện Thanh Trúc mong được chia sẻ cùng quí vị trước khi trình bày sâu hơn và kỹ hơn về KOTO và những chương trình thiện nguyện có tính cách giáo dục mà kết quả là những trường hợp thần kỳ như Đặng Thị Hương:

“Em sinh ra ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, làng quê nghèo ở vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam. Mẹ em là một bà mẹ đơn thân, làm ruộng và một mình nuôi 3 anh em khôn lớn. Bọn em lúc nhỏ cũng làm việc trên đồng, cuộc sống rất khó khăn.”

Khi đó em không có nhiều tiền nên không biết mình sẽ đi đâu, sau đó em thuê được cái gầm cầu thang của một cô chủ nhà ở Xóm Liều phía đường Trung Hòa, Nhân Chính. Xóm Liều là một khu trước là đồng ruộng, khu đó rất phức tạp.
-Đặng Thị Hương

Khi đó, thần tượng của Hương chính là người cậu ruột, một giáo viên:

“Em chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cậu em, em rất là thích học. Em luôn luôn mong muốn là lớn lên mình sẽ thành cô giáo.”

Vì gia cảnh túng thiếu, năm lên Lớp7 cũng là lúc mẹ bảo Hương sẽ phải nghỉ học vì mẹ không đủ sức lo co cả 3 anh em cùng đến trường một lúc:

“Hết Lớp 7 thì em nghĩ học và chỉ ở nhà làm ruộng với mẹ em. Khoảng 6 tháng sau thì mẹ gởi em đi Hà Nội. Em đi cùng một người mà em không biết họ là ai. Họ đưa em về Hà Nội làm người giúp việc, trông em bé cho một gia đình ở Hà Nội.”

Đó là năm 2000, và từ đó cô gái quê 13 tuổi rưỡi, nặng không tới 30 cân, bắt đầu cuộc sống ô xin từ nhà này sang nhà nọ:

“Em chỉ nghĩ lúc đó là phải đi làm kiếm tiền để cho anh trai và em gái em đi học. Em làm việc khá là vất vả cho các gia đình ở Hà Nội, thường là từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, một tháng chỉ được 150.000 tiền Việt tại thời điểm đó.”

Làm bao nhiêu Hương gởi về hết bấy nhiêu về cho mẹ ở quê:

“Trong suốt thời gian tại ở quê làm việc vất vả một mình trong bao nhiêu năm thì mẹ bị bịnh thận, bệnh xương khớp, mẹ ốm rất nhiều. Em lúc đó là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình. Nhiều người hỏi em tại sao anh trai em không phải nghĩ học, nhưng mà ở quê thì cái văn hóa thời điểm đó là con trai được ưu tiên hơn, nó là như vậy. Em có cái hy vọng anh trai em sẽ được vào đại học và em gái em sẽ được học hết Cấp Ba.”

Nhưng sau hơn 4 năm giúp việc hết nhà này đến nhà khác, Đặng Thị Hương chợt nhận ra cô không thể tiếp tục kéo dài cuộc sống “ô sin” cả đời được, trở về quê lại càng không thể:

“Giống những cô bé khác ở quê đến 18 tuổi phải lấy chồng, làm ruộng, sống như mẹ em đã từng sống, suốt thời gian tuổi thơ nhìn cuộc sống như vậy em rất là sợ. Em nghĩ con đường duy nhất là đi học nhưng vì không có bằng Cấp Hai, chưa học xong Lớp Chín nên em không thể xin học được. Em không có người quen ở Hà Nội, không người thân, không bạn bè nên rất khó quay lại đi học.”

Và khi biết mình có thể đi học bổ túc buổi tối, Hương ghi tên xin vào Lớp 8:

“Tại thời điểm đó em đã nghỉ học gần 5 năm rồi nên kiến thức rất hổng. Gia đình mà em giúp việc họ không đồng ý cho em dành thời gian cho việc học nhiều , họ không cho em sống cùng họ nữa và họ đuổi em ra ngoài sống.

Khi đó em không có nhiều tiền nên không biết mình sẽ đi đâu, sau đó em thuê được cái gầm cầu thang của một cô chủ nhà ở Xóm Liều phía đường Trung Hòa, Nhân Chính. Xóm Liều là một khu trước là đồng ruộng, khu đó rất phức tạp, nơi tập trung những người làm cửu vạn, những người nghiện ngập,những thợ xây... Họ tập trung về đó rất nhiều.

Lúc đó em 18 tuổi rồi, em nghĩ em chỉ nghĩ mình cần một chỗ để tiếp tục đi học được. Khi đó em phải đấu tranh rất nhiều với gia đình cho em ở lại Hà Nội.”

Đặng Thị Hương nhận  Giải Thành Tựu tại Đại Học Công Nghệ Swinburne, Australia.
Đặng Thị Hương nhận Giải Thành Tựu tại Đại Học Công Nghệ Swinburne, Australia.

Sau khi bị người môi giới gạt hết tiền mà không giúp cô có được một công việc nào, Đặng Thị Hương nghĩ cách đi bán hàng rong trên phố:

“Em quyết định mỗi sáng dậy sớm từ 2 giờ sáng để thổi xôi. Sáng nào em cũng dậy từ 2 giờ sáng, 6 giờ ra bán đến 8 giờ, cả ngày thì đi làm lau chùi dọn dẹp, đến chiều thì bán bánh khoai bánh chuối, đến tối thì đi học, quay về thì tiếp tục bán hàng đến 12 giờ đêm. Ngày nào cũng vậy, mỗi ngày em chỉ ngủ 2 tiếng.”

Vật lộn với cuộc sống cam go như vậy cho đến Lớp 11, vẫn là lớp bổ túc, tình cở Hương được bạn bè mách nước cho cô đến với KOTO ở Hà Nội:

“Lúc đầu bạn em nói đến với KOTO thì sẽ có một chỗ ở và được học tiếng Anh. Em rất thích tiếng Anh mặc dầu lúc đó em chưa từng học. Em cũng muốn có một nơi ở an toàn hơn là nơi em đang sống.”

Cô đã tìm đến KOTO và:

“Thì em biết được KOTO là một trung tâm dạy nghề nhân đạo dành cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em lang thang đường phố. KOTO có nghĩa là Know One Teach One Biết Một Dạy Một, tức là bạn biết một điều thì bạn có thể dạy cho người khác một điều hoặc bạn biết một người này thì bạn dạy cho một người này.

Em đã rất ngạc nhiên là nhân viên của KOTO ra nói chuyện với em. Đấy dường n hư lần đầu tiên ở Hà Nội mà em gặp một người nói chuyện với em một cách nhẹ nhàng , lắng nghe em và giải thích cho em một cách tường tận và tốt bụng. Sau đó em nộp hồ sơ vào KOTO và trong suốt mấy tháng đã chở đợi rất nhiều mà cũng hy vọng rất nhiều.”

Tháng Tư 2006, Đặng Thị Hương chính thức được KOTO nhận vào một chương trình nghiệp vụ 18 tháng về chuyên ngành nhà hàng và khách sạn, trong lúc vẫn tiêp tục học bổ túc Cấp Ba buổi tối:

“Thời điểm đó học ở KOTO thì chỉ học ở KOTO thôi chứ không đi học bên ngoài nữa. Nhưng em vẫn mong ước là học xong KOTO và học xong Cấp Ba thì em vào đại học. Sau đó anh (giám đốc) Jimmy cân nhắc rất kỹ và đồng ý cho em đi học hai nơi. Anh Jimmy cũng hỗ trợ em rất nhiều để em có niềm tin vào cuộc sống.”

Cuối 2007, Đặng Thị Hương tốt nghiệp lớp dạy nghề KOTO, cùng lúc tốt nghiệp bổ túc Cấp Ba. Với sự giới thiệu của KOTO, cô bắt đầu làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của khách sạn Hồ Tây 5 sao, Intercontinental Hanoi Westlake:

“Tiếng Anh của bọn em lúc đó cũng khá là ổn để có thể phục vụ trong ngành nhà hàng khách sạn. Có thể nói hành  trình 18 tháng ở KOTO làm thay đổi con người em nhiều nhất.Không chỉ cho em cơ hội học nghề, có một nghề ổn định sau đó mà còn khiến cho em có môi trường sống lành mạnh, một môi trường sống như một gia đình mà trước đó em chưa bao giờ được biết tới. Đó là 18 tháng em có những cơ hội mới và em tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống cũng như trong việc học.”

Vượt qua khó khăn

Không may bị tai nạn xe chiều 30 Tết 2008, Hương phải nằm nhà 3 tháng, một lần nữa cô lại được KOTO hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất để vượt qua khó khăn.

Giữa năm 2009, trở lại làm việc với KOTO, đến cuối 2009 Đặng Thị Hương được trao học bổng ACET Australian Centre For Education And Training, Trung Tâm Đào Tạo Anh Ngữ của Australia đang kết hợp với KOTO ở Hà Nội. Chương trình ACET giúp học viên lấy bằng IELTS (Internatioinal English Language Testing System), một điều kiện ắt cho những ai muốn đi du học Australia.

Đến cuối năm 2010, Đặng Thị Hương được chuyển lên làm phụ trách tiếp thị và giao tế cho KOTO Hà Nội.

Năm 2012, cánh cửa đời thênh thang rộng mở cho Đặng Thị Hương bước vào với chiếc vé du học tại Box Hill Institute ở Melbourne, Australia:

“Đầu năm 2013 em được chọn làm Đại Sứ Sinh Viên Quốc Tế tại học viện Box Hill Tech, đại diện cho sinh viên Việt Nam tại học viện đó. Cùng thời điểm thì em nhận tiếp một học bổng 2 năm nữa về Associate Degree In Commerce, Cao Đẳng Thương Mại chuyên ngành Kinh Doanh Quốc Tế.”

Năm nay em xa nhà là 16 năm, với rất nhiều người có thể đó là chặng đường không dài lắm trong thời gian tuổi trẻ của mình, nhưng đối với em có đôi lúc em thấy mình đã sống cả một cuộc đời rất là dài rất là thú vị và rất là nhiều thử thách.
-Đặng Thị Hương

Bất kể mọi khó khăn trở ngại trong việc học tập trên xứ người, cũng không muốn dừng lại ở cấp cao đẳng Associate Degree  mà phải cố lấy cho được bằng cử nhân Bachelor Degree, Đặng Thị Hương chú tâm tìm kiếm thêm học bổng khác để học lên cao hơn.

Cuối năm 2013, cô sinh viên Đặng Thị Hương kể tiếp, là cô may mắn được vinh danh cùng lúc 2 giải thưởng Sinh Viên Quốc Tế Xuất Sắc Bang Victoria-Hệ Đại Học và Giải Thưởng Sinh Viên Nước Ngoài Xuất Sắc Nhất Bang Victoria do vị Thủ Hiến Victoria, Sir Denis Napthine trao tặng.

Đây là hai bằng khen nằm trong khuôn khổ các giải thưởng giáo dục quốc tế của bang Victoria, lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Melbourne, mang về cho Đặng Thị Hương số tiến thưởng 20.000 Úc Kim:

“Em nghĩ em rất may mắn bởi vì đó là lần đầu tiên bang Victoria tổ chức phát giải thưởng giáo dục quốc tế của chính tiểu bang. Em nghĩ những nỗ lực của mình cũng đến ngày có thành quả, giải thưởng đó khích lệ em rất nhiều trong việc học.”

Những lý do chính đáng khác để được tưởng thưởng, Đặng Thị Hương bày tỏ tiếp, là trong suốt quá trình học tập ở Melbourne, ngoài thời gian làm việc thêm tại khách sạn Sofitel Melbourne On Collins để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt phí, cô còn dành thời giở cho những hoạt động từ thiện trong cộng đồng dòng chính.

Dù sống xa nhà, cô vẫn là tình nguyện viên trung thành của KOTO Quốc Tế có trụ sở tại Melbourne. Đặng Thị Hương đã tham gia những chương trình gây quĩ thiện nguyện cho KOTO, chưa kể làm Đại Sứ Nón Hồng của Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam.

Và như đã thưa cùng quí vị từ đầu, đến 2015 thì Đặng Thị Hương tốt nghiệp Học Viện Box Hill, khởi sự học Thạc Sĩ Khởi Nghiệp Và Đổi Mới Kinh Doanh tại Đại Học Công Nghệ Swinburne (SwinburneUniversity Of Technology):

“Hiện tại thì em sắp sửa kết thúc chương trình Thạc Sĩ Khởi Nghiệp Và Đổi Mới. Em thường tham gia những workshops liên quan đến sinh viên quốc tế. Những lễ trao giải thì em được mời đi nói chuyện như những Inpirational Talks, và em cũng tham gia vào nhiều hội thảo hoặc là những hoạt động như là chào đón sinh viên quốc tế.”

Nếu được dịp tâm tình cùng những bạn trẻ có hoàn cảnh giống mình lúc lên Hà Nội để kiếm sống và giúp gia đình, điều Đặng Thị Hương ao ước nói ra là:

“Năm nay em xa nhà là 16 năm, với rất nhiều người có thể đó là chặng đường không dài lắm trong thời gian tuổi trẻ của mình, nhưng đối với em có đôi lúc em thấy mình đã sống cả một cuộc đời rất là dài rất là thú vị và rất là nhiều thử thách.

Em đã luôn nỗ lực hết mình, luôn nắm bắt những cơ hội mà em được trao tặng. Mẹ em có dạy em một điều là “Có Phúc Có Phần” nó cũng giống như là mình hãy cố gắng hết mức có thể thì tự nhiên phúc nó sẽ tới. Em luôn mong muốn gởi một thông điệp đến các bạn là còn trẻ mình cần phải thách thức bản thân, cần bước ra vùng an toàn của mình để tìm kiếm những cơ hội khác nhau. Một điều em luôn mong các bạn hiểu là không được đổ lỗi cho hoàn cảnh của mình, mỗi người sinh ra đã có những hoàn cảnh riêng và được trao những thách thức riêng, nên việc đổ lỗi cho hoàn cảnh chính là hạn chế bản thân để có thể bước tiếp tới những thành quả khác.”

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi chấm dứt ở đây. Thanh Trúc xin hẹn thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.