Những lớp học miễn phí ở Sài Gòn

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.08.18
[LHBM]_lop_hoc.JPG Học sinh trong Lớp Học Tình Thương Bà Mười
Hình do cô Mỹ Phượng gửi RFA

Sài Gòn có rải rác nhiều lớp học miễn phí và tự phát dành cho trẻ nghèo và trẻ thất học, điển hình như Lớp Tình Thương do ông Đoàn Minh Hùng, từ quê lên thành phố mưu sinh, cùng vợ con đứng ra đảm trách từ năm 2009 tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Đây là nơi qui tụ nhiều người lao động nhập cư từ những vùng khác đổ về thành phố.

Có một thời ấu thơ bất hạnh tôi mới cảm nhận được với những trẻ thất học. Hơn nữa vợ chồng tôi rất thương trẻ em nên sau một ngày mưu sinh thì tối đến tôi qui tụ các bé đi bán ve chai, bán vé số, một số đi làm ở các cơ sở sản xuất nhỏ. Tuy các bé chưa đến tuổi lao động nhưng phải đi phụ việc lặt vặt ở các cơ sở sản xuất để phụ tiền trọ với cha mẹ.

Chuyện này Thanh Trúc đã có bài viết từ năm 2014. Hiện tại, Lớp Tình Thương của ông Đoàn Minh Hùng đã dời về một địa điểm khác tương đối thuận lợi hơn:

Lớp Tình Thương của tôi dời về phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, cách địa chỉ cũ khoảng chưa tới một cây số. Dời qua bên này thì năm mấy nay có được quán cơm xã hội Nụ Cười 3 hỗ trợ, phụ cho phân nửa tiền thuê nhà, hỗ trợ thêm gạo. Bây giờ tôi có được hơn 150 em, tôi vẫn theo truyền thống bảy tám năm nay là chiều nào cũng cho các cháu bữa cơm chiều hết.

Trước ông Đoàn Minh Hùng khá lâu, từ năm 1999, một phụ nữ tên Lữ Thị Lệ Nương, mọi người quen gọi là bà Mười, đã lập ra một lớp miễn phí là Lớp Học Tình Thương Bà Mười tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, thành phố Sài Gòn:

Hồi 99 kinh tế còn khó khăn, nhiều mấy em không nhà, mồ côi, gia đình khó khăn, mấy em ở dọc theo bờ sông, sống lang thang đi ăn xin, đi lượm ve chai, đa số là như vậy. Nhìn mấy em thấy thương quá mà  không biết cuộc đời nó sẽ ra sao, nếu không học hành thì sẽ tiếp tục như vậy hoài. Mình có hỏi mấy em có chịu đi học không thì nó nói rằng con thích đi học lắm nhưng không được tại không có hộ khẩu, không có khai sanh, không có tiền. Mình mới nói thôi thì mấy con vô bà dạy.

Hồi đó chỉ nghĩ dạy cho nó biết chữ và đừng có đi lang thang ở ngoài, đừng có đi quậy phá, tánh tình nó tốt hơn chút. Vậy đó, vì thương mấy em đó thôi.

Ba  năm trở lại đây, Lớp Học Tình Thương Bà Mười càng ngày càng đã đi vào qui cũ và có định hướng rõ ràng so với hình thức một lớp học tự phát trong một xóm bình dân  chỉ dạy chữ cho trẻ nghèo hay thất học. Vẫn lời bà Lệ Nương:

Giờ có Phượng tới thì được cái là học trò nó theo qui tắc hơn. Phượng nó vận động thì bây giờ có nhiều nhà hảo tâm, nhiều mạnh thường quân tới. Còn hồi đó một mình tôi tiền bạc mình cũng khó khăn, muốn làm tốt lại không được. Giờ có điều kiện thì phải cho mấy em học nó có căn bản.

Ba năm nay, trực tiếp  trông coi và phát triển Lớp Học Tình Thương Bà Mười là cô Phượng, Huỳnh Thị Mỹ Phượng, mà bà Lệ Nương nhắc tới. Cô Huỳnh Thị Mỹ Phượng là cử nhân luật, đến với Lớp Học Tình Thương Bà Mười từ thưở còn sinh viên:

Phượng mới ra trường và đang là trợ lý cho một công ty Luật ở quận 3. Phượng đến Lớp Học Tình Thương Bà Mười từ năm 2013. Thời gian đầu chỉ có 20 học sinh trong một phòng nhỏ. Tâm lý đầu tiên khi Phượng đến lớp là nó có cơ sở vật chất tốt, phòng ốc tốt mà tại sao chỉ có một cô giáo dạy từ sáng đến trưa  với 20 đứa trẻ với tất cả trình độ khác nhau.

Tổ chức quy củ hơn

Bữa cơm trưa trong Lớp Học Tình Thương Bà Mười. Hình do cô Mỹ Phượng gửi RFA
Bữa cơm trưa trong Lớp Học Tình Thương Bà Mười. Hình do cô Mỹ Phượng gửi RFA
Bữa cơm trưa trong Lớp Học Tình Thương Bà Mười. Hình do cô Mỹ Phượng gửi RFA

Làm thiện nguyện được một tuần, cô Mỹ Phượng nhận ra vấn đề là dù chỉ 20 em nhưng một cô giáo thì cũng không xuể và rất khó dạy cho có hiệu quả với những trẻ có trình độ khác nhau cũng như có hoàn cảnh sống bấp bênh như chính cha mẹ của các em.

Khi cô giáo lúc bấy giờ nghỉ dạy cũng là lúc Mỹ Phượng và hai người bạn bắt đầu nói chuyện với bà Lữ Thị Lệ Nương để tổ chức lại Lớp Học Tình Thương Bà Mười:

Lớp học của bà hoạt động theo kiểu khi nào bà mời được giáo viên hoặc có người dạy hoặc có sinh viên phụ bà thì lớp tiếp tục. Khi nào họ ngưng thì bà lại đi tìm người khác đến phụ bà, vì thế nó không duy trì sự ổn định.

Trong khi đó, vẫn theo sự tìm hiểu của cô Mỹ Phượng, có nhu cầu đến lớp hầu hết là trẻ hoàn cảnh thật khó khăn:

Mà như những bài báo hoặc chính người sáng lập lớp học là bà Mười đã chia sẻ là những đứa trẻ đến đây không có cái gì cả, không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu, không có điều kiện đến trường.

Sau đó mình sẽ cho các bạn thi, sau thời điểm của trường công một tuần, mình sẽ đưa bài thi cho giáo viên chấm rồi sau đó vào sổ học bạ, được thầy hiệu trưởng hay cô hiệu phó kiểm tra, sau đó ký chứng nhận và học bạ đó là học bạ phổ cập.  
- Cô Mỹ Phượng

Phượng bắt đầu làm việc với bà, mời gọi thêm bạn bè, những mối quan hệ mà Phương biết để xây dựng cái mô hình lớp học giống như bây giờ. Nói chung không thể một sớm một chiều mà phải xây dựng từ năm này qua tháng nọ, làm cách này không được phải bỏ và làm qua cách khác, lâu dần trở thành một cái gì đó mà mình không thể nào tách rời được. Đến nỗi bây giờ trong tuần đi làm mà ngày nào không đến lớp học Phượng nhớ không chịu nổi. Có khi đi làm giữa bữa, nghĩ trưa chỉ một tiếng rưỡi cũng phải chạy về để xem học sinh thế nào, ăn ngủ ra sao, giáo viên làm việc thế nào... rồi lại chạy đến công ty lại.

Từ lớp học một buổi, cô Mỹ Phượng chuyển sang cho các em học hai buổi, học sinh dù đến học miễn phí cũng được xem xét kỹ lưỡng hơn:

Từ Lớp Một đến Lớp Năm, sử dụng tối đa hai phòng học, một nhà kho và một nhà vệ sinh cho lớp học. Đối với trình độ Lớp Một khi nhận vào thì mình phải xem có phải độ tuổi từ 6 trở lên hay không. Đặc biệt cũng nói rõ là mình nhận học sinh từ 6 tuổi cho đến 15 tuổi. Có thể có những bé hơn 6 tuổ, quá 6 tuổi nhưng chưa học Lớp Một mình đều nhận hết. Lớp Một học 2 buổi sáng chiều, buổi trưa ăn cơm trưa và ở lại ngũ trưa. Lớp Hai và Lớp Bốn học buổi  chiều, Lớp Ba và Lớp Năm học buổi sáng. Cả hai lớp này phải học trong một phòng học lớn, phải dùng vách ngăn để ngăn đôi phòng học ra.

Lớp Học Tình Thương Bà Mười vận hành như một ngôi trường nhỏ, có 3 cô giáo chính phụ trách các lớp. Sĩ số học sinh lớn nhỏ cũng dao động trong khoảng sáu mươi mấy đến hơn bảy mươi em, tất cả đều miễn phí. Giáo viên chính của Lớp Học Tình Thương Bà Mười có lãnh lương như giáo viên bình thường, trợ giáo hoặc tình nguyện viên thì không ăn lương:

Điểm đặc biệt của lớp học mà Phượng nghĩ rất nhiều người bất ngờ là lớp học thuộc dạng phổ cập, tức là mình phải qua trường tiểu học Phù Đổng quận 7 là khu vực mà lớp đang hoạt động. Họ sẽ hỗ trợ cho mình đề thi, lịch thi, chất lượng chấm hoặc là những hỗ trợ về chuyên môn của giáo viên tại trường.

Sau đó mình sẽ cho các bạn thi, sau thời điểm của trường công một tuần, mình sẽ đưa bài thi cho giáo viên chấm rồi sau đó vào sổ học bạ, được thầy hiệu trưởng hay cô hiệu phó kiểm tra, sau đó ký chứng nhận và học bạ đó là học bạ phổ cập.

Và như vậy những trẻ từ Lớp Một cho đến Lớp Năm thì sau Lớp Năm trẻ vẫn có thể đạt hết trình độ tiêu chuẩn tiểu học, vẫn có thể lên Lớp Bảy và học trường công lập bình thường.

Với câu hỏi là nếu đã tổ chức được như thế, có thể xin được giáo án và đề thi từ trường công, điển hình ở đây là trường Phù Đổng, có thể tổ chức kỳ thi và điểm thi được đưa vào học bạ, thì tại sao không thể xin cho các em này vào học hẳn trong trường công của nhà nước. Cô Mỹ Phượng giải thích rằng trở ngại ở đây chính là nhân thân của các em, trong lúc việc làm của Lớp Học Tình Thương Bà Mười muốn cho cho  quả cũng là chuyện không đơn giản:

Vào trường chính thức thì đòi hỏi giấy tờ tạm trú, tạm vắng mà thời gian đầu mới lên con em họ không có. Cái thứ hai là học trường công thì học phí cũng là vấn đề nan giải. Cái thứ ba, khi đứa trẻ học với mình vài năm, khảo sát lại gia đình thấy ổn hơn, tự  gia đình muốn xin đi trường công thì lớp học cũng giới thiệu và hướng dẫn để họ có thể tự xin cho con họ vô trường công được. Cái này thì lớp học không thể xin được vì vấn đề nhân thân là cha mẹ đưa bé phải đi.

Chi phí từ đâu?

Ông Đoàn Minh Hùng trong một giờ học ở Lớp học Tình thương Hòa Hảo. Courtesy LHTTHH
Ông Đoàn Minh Hùng trong một giờ học ở Lớp học Tình thương Hòa Hảo. Courtesy LHTTHH
Ông Đoàn Minh Hùng trong một giờ học ở Lớp học Tình thương Hòa Hảo. Courtesy LHTTHH

Chi phí của Lớp Học Tình Thương Bà Mười như thế nào là điều được cô Mỹ Phượng trình bày tiếp:

Thời gian đầu làm việc ở lớp học thì Phượng lệ thuộc chi phí nơi người sáng lập là bà Mười. Nhưng mà tấm lòng của bà mấy chục năm là đủ rồi, thì khi đó Phượng bắt đầu cam kết với bà là không nhận tiền bà nữa. Bà Mười đồng ý Phượng là người điều phối, phụ trách chính sau bà. Phượng bắt đầu đi huy động tiền bằng khả năng của Phượng.

Nhờ uy tín và tiếng tốt đã có từ trước, Lớp Học Tình Thương Bà Mười  kiếm được sự trợ giúp từ Trung Tâm Hỗ Trợ Phát Triển Cộng Đồng đang hoạt động tại Sài Gòn, kế đó nguồn hỗ trợ cao nhất là bên Quĩ Từ Thiện Tình Thương mà đơn vị tiếp một tay cho Lớp Học Tình Thương Bà Mười cũng chính là quán Nụ Cười 3 với chương trình Giúp Em Đến Trường.

Từ Quán Nụ Cười 3, hàng ngày hàng chục học sinh nghèo trong Lớp Học Tình Thương Bà Mười được ăn những bữa cơm trưa ngon lành, đầy đủ chất rau chất đạm.

Được biết Lớp Học Tình Thương Bà Mười nằm trong Trung Tâm Học Tập phường Tân Thuận Tây, nghĩa là được phường cho mượn địa điểm để tổ chức lớp. Đây là điều thuận lợi tình  đến lúc này song cũng là mối lo lắng của cô Mỹ Phượng trong tương lai:

Bà Mười đồng ý Phượng là người điều phối, phụ trách chính sau bà. Phượng bắt đầu đi huy động tiền bằng khả năng của Phượng.  
- Cô Mỹ Phượng

Đó là địa điểm mà lớp học được mượn là được chính quyền hỗ trợ và không phải trả tiền thuê. Trong thời gian gần đây Phượng biết tin khu đất đó chuẩn bị qui hoạch để xây dựng một cơ quan nhà nước. Hiện tại dự án đã được thông qua nhưng chưa thực hiện. Phượng đang lo lắng không biết khi nào lớp học sẽ bị chuyển đi, lớp học sẽ đi về đâu.

Rất khó khăn khi một lớp học chỉ mang tình cách cá nhân chứ không thuộc về chính quyền hoặc một tổ chức có tư cách pháp nhân nào cả. Việc lớp học không còn chỗ để hoạt động nữa là cả một vấn đề. Bắt buộc thì mình phải chuyển thôi và khi chuyển thì mình cũng lo lắng là phường có còn vị trí nào để hỗ trợ mình được nữa hay không.

Là một người có tấm lòng yêu trẻ như cô Mỹ Phượng và các bạn,  chưa kể với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự vô vị lợi ở Sài Gòn, trong tương lai những thiện nguyên viên của Lớp Học Tình Thương Bà Mười sẽ tìm được  giải pháp nào tốt đẹp nhất để có thể tiếp tục dạy dỗ và hướng dẫn  trẻ em nghèo thất học như tôn chỉ theo đuổi lâu nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.