Quán cơm xã hội và Tủ sách cho sinh viên xa nhà

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.11.13
quan-com-622.jpg Quán cơm xã hội Huế
Hình do quán cơm cung cấp

Ăn cơm giá rẻ

Sinh viên xa nhà, từ làng quê lên thành phố trọ học, mà kể cả sinh viên nghèo phố thị, ngoài học tập thì cơm áo là nỗi lo thường nhật. Chính vì thế nhiều em phải kiếm việc làm ngoài giờ để có thêm thu nhập và có thêm tiền cho sách vở.

Thành phố Huế có nhiều trường Cao Đẳng và Đại Học, có nhiều sinh viên từ vùng xa đến trọ học và có một nơi mang tên Quán Cơm Xã Hội Huế trên đường Đào Tấn. Đây là nơi sinh viên được ăn cơm với giá rẻ và được đọc sách miễn phí.

Đối với bạn trẻ từ Hà Tĩnh vào Huế trọ học, một suất ăn 5.000 đồng đều đặn 6 ngày trong tuần là điều vượt quá mơ ước của một sinh viên xa nhà:

Một suất ăn 5.000 mà có chất lượng như vậy thì rất tốt. Sinh viên tụi em buổi trưa đi học về mà có chỗ ăn như vậy thì chúng em góp được, tiết kiệm được một phần nào chi phí.
-Đặng Xuân Thắng

“Em tên Đặng Xuân Thắng, năm hai Khoa Cơ Khí trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế. Một suất ăn 5.000 mà có chất lượng như vậy thì rất tốt. Sinh viên tụi em buổi trưa đi học về mà có chỗ ăn như vậy thì chúng em góp được, tiết kiệm được một phần nào chi phí.

Sinh viên tới quán này rất đa dạng, các bạn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam Quảng Ngãi...”

Những ngày rảnh, Thắng kể, bạn thường đến quán để lau chùi, dọn dẹp, công việc nhẹ nhàng mà vui:

“Buổi nào không đi học thì em lên quán, sắp bàn ghế, lau khay cơm, sắp đũa, thìa các thứ ra bàn. Đến giờ thì chúng em bỏ thức ăn ra khay, chuyền cơm cho các bạn đến ăn cơm. Có một số bạn thì bán vé rồi là dọn dẹp trong bếp.”

Đó cũng là công việc mà cô sinh viên Lê Thị Lệ Như, quê ở Quảng Bình, sinh viên năm hai Cao Đẳng Công Nghiệp Huế, lấy làm thích thú vì:

“Khi vào Huế và đến với quán cơm thì em thấy mình có thêm một ga đình nữa. Ở đây mọi người sống với nhau rất tình cảm, chia sẻ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Lên quán thì có được sự đùm bọc của các cô với sự quan tâm của mấy bạn nên xa nhà cũng cảm thấy đỡ hơn. Lên phụ các cô nhưng mà phụ đó cũng là niềm vui. Ăn cơm một bữa 5.000 trong khi đó ăn ngoài môt bữa 15.000, 20.000 nghìn. Từ thứ Hai đến thứ Sáu bọn em tinh ra một tháng tiết kiệm được cũng khá.”

Chỉ mới ra đời từ tháng Ba 2014, qua khởi xướng và tài trợ tài trợ phần lớn từ một người Úc gốc Việt thành đạt, ông Hồ Quang Trung, chủ nhân cơ sở Trangs Group ở Australia, bên cạnh những nhà hảo tâm trong thành phố, Quán Cơm Xã Hội Huế trở thành nơi chốn gần gũi thân thuộc với những sinh viên xa nhà có tinh thần giúp đỡ phục vụ như tôn chỉ của quán.

Từ Sydney, Australia, ông Hồ Văn Trung nói về nguyên nhân thôi thúc ông thực hiện cho được điều ông gọi là món nợ ông mang từ thuở còn hàn vi ở Huế:

“Tôi lớn lên từ một cậu bé chăn trâu nghèo khổ và tôi lớn lên là nhờ ở quán cơm xã hội. Trước năm 75 thì những thành phố lớn có quán cơm gọi là Quán Cơm Xã Hội dành cho những người nghèo khổ, những người đi lượm ve chai hoặc những người nghèo khổ nói chung. Họ tới đó ăn với giá giống như những quán cơm xã hội ở Việt Nam bây giờ.

Tôi trưởng thành từ quán cơm xã hội đó. Bây giờ mình đã trưởng thành, về mặt kinh tế cũng tạm ổn định, chính vì thế mà tôi muốn trả lại cái ân tình đó và nối tiếp cái ân tình đó để cho thế hệ con em và những thế hệ kế tiếp nghĩ về những người thiếu sự may mắn. Đó là một trong những động lực thúc đẩy tôi đứng ra bảo trợ Quán Cơm Xã Hội Huế cho tới bây giờ mà tôi đã làm được. Hy vọng rằng việc làm đó sẽ được đồng cảm, được hỗ trợ cho những quán cơm kế tiếp.”

Các món ăn tại Quán cơm xã hội Huế.
Các món ăn tại Quán cơm xã hội Huế.

Thoạt đầu, mỗi ngày quán chỉ cung cấp 200 suất ăn, dần dần số sinh viên tăng lên nên số lượng cũng tăng lên thành 220 rồi 230 suất. Trưởng ban điều hành Quán Cơm Xã Hội Huế, chị Đặng Thị Thanh Nhã, cho Thanh Trúc biết như vậy:

“Quán mở từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần vào buổi trưa. Các em chỉ mua một phiếu ăn 5.000 đồng nhưng suất ăn của mình trị giá 20.000 Đồng, tức là mình hỗ trợ 15.000 cho các em. Có hai món kho, một món xào, một món canh. Cơm thì không hạn chế, các em cảm thấy ăn chưa đủ no thì cứ lấy thêm cơm, canh không hạn chế.

Hiện tại là 250 nhưng vẫn thấy chưa đủ nên chắc còn phải thêm, không biết có được hay không vì còn tùy thuộc vào kinh phí. Cũng mong có thể tăng lên để đủ nhu cầu phục vụ cho các em. Đa số ở đây là những sinh viên khó khăn, xa nhà, đến đây trọ học...Cho nên quán cơm mở ra là lợi ích cho các em bởi vì tiết kiệm cho em một khoản chi phí, thời gian và một nơi cho các em đến để gặp gỡ, trao đổi, giao lưu.”

Đọc sách miễn phí

Mỗi tháng, sinh viên đến Quán Cơm Xã Hội Huế còn được phục vụ thêm hai buổi ăn chay. Không dừng lại ở những bữa ăn đủ chất, Quán Cơm Xã Hội Huế còn một món ăn tinh thần nữa là tủ sách Trung Thực:

“Trong khi chờ giờ ăn, chờ có bữa cơm thì các em có thể lấy sách ngồi đọc tại chỗ. Muốn mượn về các em chỉ việc ghi trong sổ họ tên em là gì, học trường nào, ngày mượn, ngày trả. Qui định tối đa là một tuần thì các em trả. Khi trả các em chỉ cần ghi vào trong sổ là đã trả và các em ký vô.

Một trong những ước ao của tôi là mở thêm quán cơm ở tại Sài Gòn. Sở dĩ chưa hình thành được bởi vì chi phí ở Sài Gòn nặng hơn chi phí ở Huế. Khi đã tự nguyện thì bắt buộc mình phải thực hiện cho bằng được.
-Ông Hồ Văn Trung

Nhã không quản lý gì hết, tủ sách có tên Trung Thực là vì như vậy, nó tạo cho các em một tinh thần tự giác, một tinh thần trung thực. Cũng có một số em có thể làm mất sách hoặc có thể quên vì lý do nào đó, nhưng đa số đều trả đầy đủ.

Bây giờ các em hay đọc sách trên mạng nhiều cho nên mình suy nghĩ không biết cái văn hóa đọc của mình còn có thể phát huy được qua tủ sách này hay không. Nhã thấy từ khi tủ sách thành lập tới giờ, mới có mấy thàng thôi, nhưng lượt đọc cũng lên tới gần 10.000 lượt, có nghĩa các em cũng thích thú với việc đóc sách như vậy.”

Tủ sách Trung Thực của Quán Cơm Xã Hội Huế đang có chừng 2.000 đầu sách, tuy nhiên diện tích quán chỉ đủ chỗ cho khoảng bảy đến tám trăm quyển. Vì lẽ đó, sách được luân phiên thay đổi để sinh viên có đủ đọc mọi cuốn sách.

Được biết Hồng Đức và Tường Tâm là hai tiệm sách trong thành phố Huế, chuyên cung cấp nhiều đầu sách cho Quán Cơm Xã Hội Huế, còn lại là từ những nhà hảo tâm khác. Bà Tuyết, chủ nhân tiệm sách Hồng Đức:

“Học sinh nó cần thì mình san sẻ thôi chứ cũng không có điều chi mà to lớn lắm, khoảng chừng ba bốn chục đầu sách thôi chứ không nhiều. Ở Huế cũng rất nhiều người tặng sách hay ví dụ như sách văn học, sách học làm người. Mỉnh thấy các em hiếu học mà hắn chọn lựa sách đàng hoàng hắn đọc. Cách đây khoảng chừng 10, 20 năm thì bọn trẻ hay sinh viên gì nó chỉ thích truyện tranh., nó nhác đọc truyện chữ, giờ thấy trong quán cơm xã hội các em hắn đọc sách văn học nhiều và ít đọc truyện tranh như hồi xưa.”

Một nhà tài trợ không ở thành phố Huế, chị Ngọc Hân, nhà xuất bản Fist News Saigon, người đầu tiên đã trao hết bao nhiêu cuốn sách chị nâng niu cất giữ chỉ vì tâm đắc với Quán Cơm Xã Hội Huế cũng như tôn chỉ giáo dục của tủ sách Trung Thực:

Tủ sách tại Quán cơm xã hội Huế.
Tủ sách tại Quán cơm xã hội Huế.

“Dùng chữ tâm đắc rất đúng, đó là một mô hình mà mình rất ủng hộ. Mình gom hết toàn bộ những cuốn sách từ thời sinh viên mà trong bao nhiêu năm mình nghĩ mình có thể mở một thư viện, bây giờ may quá có người làm thì mình góp vào. Bởi vì nó không phải chỉ giúp cho các em sinh viên, không phải chỉ là tình cảm mà nó là sự nâng đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần.

Các em sinh viên đến ăn tự phục vụ tự rữa chén rữa khay của mình, góp sức lặt rau, phụ bếp cho tới dọn dẹp bàn ăn. Qua những việc đó thì các em học được là tuy người khác giúp mình nhưng mà mình cũng phải có sự đóng góp và thể hiện rằng mình xứng đáng được giúp chứ không phải như người ngữa tay xin người khác bố thí. Đây là sự tương trợ và các em có một môi trường để sinh hoạt với nhau, những điều đó vượt hơn cả vấn đề hỗ trợ về mặt vật chất, từ đó ươm mầm có thể năm bảy năm sau khi các em ra trường các em trở thành những người có thu nhập, góp vào dòng chảy chung trong việc làm nhân ái, giúp đỡ người gặp khó khăn. Giáo dục lao động, giáo dục lòng nhân ái, giáo dục sự đoàn kết, giáo dục cách làm việc nhóm... là những giá trị mà mình vẫn theo đuổi. Bởi vậy mình không phân vân khi đem cái tủ sách 20 năm tích lũy giao cho chị Ẩn và chị Nhã.”

Trong khi vẫn mong ước làm sao có đủ chỗ cho ngân ấy cuốn sách học đủ loại, thì dự định tới của ban điều hành Quán Cơm Xã Hội Huế là một quầy thuốc miễn phí trong thời gian tới. Theo lời chị trưởng ban điều hành Đặng Thị Thanh Nhã, quầy thuốc miễn phí rất cần thiết để sinh viên nghèo mà chẳng may đau ốm sẽ có được viên thuốc dùng qua cơn bệnh:

“Sẽ làm một tủ thuốc sơ cứu thôi, em nào cần đến thì mình cho thuốc các em. Bởi vì đến đây ăn cơm thì nhiều khoa lắm, Đại Học Sư Phạm, Y Khoa, Công Nghiệp, Nông Lâm. Nói chung là đủ các thanh phần mà đặc biết là các sinh viên Đại Học Y. Nhã cũng đang dự định là khi lập được tủ thuốc đó thì mình sẽ nhờ một em sinh viên Y năm cuối giúp cho mình trong việc hỗ trợ thuốc cho các em. Nếu sinh viên Y năm thứ 5 hay năm thứ 6 thì cũng đi nội trú ở bệnh viện rồi, cho nên các em cũng rành những chuyện như vậy.”

Đó là hiện tại và tương lai của Quán Cơm Xã Hội Huế đối với sinh viên nghèo đang theo học tại các Cao Đẳng và Đại Học của thành phố Huế.

Ước mơ nào rồi cũng sẽ thành tựu nếu có tấm lòng và có sự quyết tâm, là lời sau cuối mà người khởi xướng Quán Cơm Xã Hội Huế, ông Hồ Văn Trung, chia sẻ:

“Một trong những ước ao của tôi là mở thêm quán cơm ở tại Sài Gòn. Sở dĩ chưa hình thành được bởi vì chi phí ở Sài Gòn nặng hơn chi phí ở Huế. Khi đã tự nguyện thì bắt buộc mình phải thực hiện cho bằng được.

Hiện tại tôi đã hứa với cuộc đời là tôi sẽ cống hiến mãi mãi cho quán cơn Huế. Tuy nhiên quán cơm ở Sài Gòn thì sự cam kết của tôi nó có giới hạn, do đó tôi đang tìm những người đồng cảm, những người đồng hành, những người có thề chia sẻ với tôi trong quán cơm ở Sài Gòn.”

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng, Thanh Trúc kính chào, xin hẹn tái ngộ kỳ tới.

Trao đổi góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.