Không quên những người vô gia cư và cơ nhỡ khi xuân về

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.02.06
Những chuyến đi tặng quà Tết cho người vô gia cư của Chung Một Tấm Lòng Những chuyến đi tặng quà Tết cho người vô gia cư của Chung Một Tấm Lòng
Source Hoàng Anh Thơ của Chung Một Tấm Lòng

Nghe bài này

Đối với những người trẻ có tấm lòng ở Hà Nội, không phải bất cứ ai sống lang thang ngoài đường phố, những người vô gia cư lấy trời làm màn lấy đất làm chiếu và mượn bóng tối của phố thị để che dấu phần nào nỗi bất hạnh của đời mình, đều sẳn sàng chìa tay đón nhận của cho từ người hảo tâm, nhất là khi những người hảo tâm ấy lại là giới trẻ.

Tự trọng và không tự trọng

Đặng Ngọc Sơn: Nếu nhận xét về những người vô gia cư đấy thì thật ra có những người họ rất là tự trọng. Chẳng hạn như bọn Sơn đi vừa rồi có những người họ không nhận quà, họ nói rất thật một câu là tôi vẫn còn sức lao động, tôi cảm thấy tôi vẫn còn có đủ để nuôi sống bản thân vì vậy tôi không nhận quà. Mặc dù mình cũng nói đây chỉ là sự chia sẻ nho nhỏ, một cái động viên nhau trong cuộc sống nhưng họ cũng không nhận.

Nguyễn Tất Kiên: Có những người nói rằng họ còn đủ sức khỏe họ làm, những phần quà đó thì các anh các chị để cho những người khác thiếu ăn hơn mình. Họ lại càng không phải người hành khất, họ bỏ sức lao động ra . Phải nói họ đều là những người muốn phấn đấu vươn lên nhưng vì hoàn cảnh, vì nhiều yếu tố tác động trong cuộc sống nên là họ không được bằng những người bình thường.

Thế nhưng cũng có những người không thực sự là vô gia cư hay cơ nhỡ nhưng đã lạm dụng lòng tốt của người cho:

Nếu nhận xét về những người vô gia cư đấy thì thật ra có những người họ rất là tự trọng...có những người họ không nhận quà, họ nói rất thật một câu là tôi vẫn còn sức lao động, tôi cảm thấy tôi vẫn còn có đủ để nuôi sống bản thân vì vậy tôi không nhận quà

Đặng Ngọc Sơn

...Nếu nhận xét về những người vô gia cư đấy thì thật ra có những người họ rất là tự trọng. Chẳng hạn như bọn Sơn đi vừa rồi có những người họ không nhận quà, họ nói rất thật một câu là tôi vẫn còn sức lao động, tôi cảm thấy tôi vẫn còn có đủ để nuôi sống bản thân vì vậy tôi không nhận quà.

Hoàng Anh Thơ: Tại sao em phát hiện ra điều đấy? Bởi vì ngay trong quá trình bọn em đi khảo sát thì các nhóm khác thông thường người ta tặng quà khoảng lúc 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Bọn em thì đi hơi chậm, khoảng 3 hay 4 giờ sáng và em phát hiện ra rằng những người trong vai người vô gia cư bắt đầu cắp chiếu cắp chăn trở về nhà. Nghĩa là sau khi nhận được quà từ các nhóm khác thì họ cắp chiếu cắp chăn trở về nhà bình thường. Biết được những trường hợp đấy em cũng rất là trăn trở. Rõ ràng là khi em nhận tiền từ những người hay những nhóm ủng hộ người vô gia cư thì đúng người em mới phát, không phát hết thì em xin trả lại.

Các bệnh nhân tâm thần ở Châu Quy, Gia Lâm, Hà Nội thưởng thức bánh chưng Tết. Courtesy Nguyễn Tất Kiên
Các bệnh nhân tâm thần ở Châu Quy, Gia Lâm, Hà Nội thưởng thức bánh chưng Tết. Courtesy Nguyễn Tất Kiên
Courtesy Nguyễn Tất Kiên

Đó là những lời chia sẻ đầu tiên từ Đặng Ngọc Sơn của Hạnh Phúc Sẻ Chia, Nguyễn Tất Kiên của Mắt Thương Nhìn Đời, Hoàng Anh Thơ của Chung Một Tấm Lòng, những nhóm thiện nguyện tự phát ở Hà Nội, quảng bá công khai hoạt động trên các trang mạng xã hội và bây giờ đang đồng hành cùng nhau để giúp người không nhà hay người lang thang cơ nhỡ dịp Tết vừa qua.

Hôm nay mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay chỉ muốn trình bày về tình cảnh những số phận bị lãng quên đó qua mắt nhìn của các bạn trẻ Hà Nội mà lúc nào cũng ấp ủ giấc mơ góp một bàn tay cho những ai đúng là cơ nhỡ và xứng đáng được hỗ trợ bằng đồng tiền chắt chiu của các bạn.

Họ là những người sống tại bãi giữa sông Hồng, Hoàng Anh Thơ của nhóm Chung Một Tấm Lòng, mà từ ba năm nay cứ đến những ngày cận Tết lại gói bánh chưng để tặng các hộ nghèo ở đó:

Khoảng 3 hay 4 giờ sáng và em phát hiện ra rằng những người trong vai người vô gia cư bắt đầu cắp chiếu cắp chăn trở về nhà. Nghĩa là sau khi nhận được quà từ các nhóm khác thì họ cắp chiếu cắp chăn trở về nhà bình thường

Hoàng Anh Thơ

Dân ở bãi giữa không được cấp hộ khẩu, họ là dân thuyền chài sống lênh đênh sông nước nên là tính ổn định của họ cũng không cao. Tình hình ở đấy thì nói chung là dân trí rất thấp. Bà con ở ven sông thí không bao giờ có nước sạch và điện, nước là nước giếng khoan ở sông.

Còn các trường hợp lang thang cơ nhỡ theo như năm nay thì tăng lên bởi vì có những người bị đẩy ra sống ở rìa sông hoặc trên sông nước như thế là không có khả năng để có thể mua một mảnh đất hoặc là thuê một mái nhà.

Người vô gia cư ngày càng trẻ ra?

Nét đặc thù của người vô gia cư ở Hà Nội là ban ngày đi lao động, đi nhặt đồng nát, chạy xe ôm, làm thuê vác mướn hoặc đi gánh hàng rong:

Nhiều người hoàn cảnh rất éo le và họ cảm thấy chán cuộc sống nên thường tìm đến rượu, vài trường hợp thì lại có vấn đề về tâm thần. Càng ngày thì những người vô gia cư đấy em so với hai năm trở lại đây thì càng trẻ ra, nghĩa là những thanh niên chỉ khoảng 30 tuổi mà đã lang thang thành người vô gia cư rồi.

Cũng có người nhiều tuổi cũng có người ít tuổi. Đa số là những thành phần rất khó khăn, 100% là khó khăn. Số lượng năm nay ở bốn quận nội thành thì các bạn cứ đi bốn nhóm cơ, khảo sát thì được sáu mươi mấy người thôi, còn rất là nhiều ở các thị trấn và nhiều vùng ven đô chẳng hạn như bến xe Mỹ Đình, bến xe Yên Nghĩa, bến xe Lương Yên và bến xe Gia Lâm…Ít nhất phải ba đến bốn trăm người. Thế còn số người vô gia cư theo gia đình thì cũng rất nhiều như là bãi giữa sông Hồng, họ cũng làm những túp lều ở ven sông, cũng là những người có thể gọi là vô gia cư được.

Càng ngày thì những người vô gia cư đấy em so với hai năm trở lại đây thì càng trẻ ra, nghĩa là những thanh niên chỉ khoảng 30 tuổi mà đã lang thang thành người vô gia cư rồi

Hoàng Anh Thơ

Họ cũng có quê có quán nhưng họ phải chấp nhận như thế vì thu nhập của họ không đủ để thuê nhà , bắt buộc họ phải mưu sinh bằng tất cả mọi thứ . Cái tiết kiệm nhất của họ để giảm chi phí là họ phải ngủ ở những ngõ phố, phải ngủ ở những cái hành lang, cực kỳ vất vả như vậy để mà tiết kiệm đồng tiền lo cho gia đình ở quê. Đa số là như vậy.

Thực chất những người vô gia cư trong độ tuổi còn trẻ ấy, Hoàng Anh Thơ khẳng định, cũng đều ít nhiều có đi làm nhưng không đủ tiền thuê nhà để ở.

Hoạt động truyền thống của chương trình là tặng bánh nóng cho bà con, mỗi hộ gia đình là hai cặp bánh chưng, tất cả là bãi giữa và bãi ven sông và bà con lang thang cơ nhỡ ở khu vực gần sông . Tất cả là 59 hộ dân, tương đương 236 bánh, mỗi hộ 4 bánh. Riêng nhóm em cũng có hỗ trợ thêm mỗi hộ 5 cân gạo tám. Em kêu gọi ở bên khác vào thì bên đấy cũng có ủng hộ thêm mỗi hộ gia đình một thùng nước ngọt, một phong bao lì xì 100.000 và một gói bánh ngọt.

Bắt đầu từ năm thứ hai thì em cũng mở rộng khuôn khổ của em ra, không chỉ là bãi giữa sông Hồng mà cả những người lang thang cơ nhỡ vòng quanh khu vực Hà Nội. Nhóm em gần như là nhóm đầu tiên làm những trường hợp không có nhà và sống ở các vĩa hè Hà Nội. Năm nay trong quá trình khảo sát thì được 63 trường hợp, tuy nhiên đến ngày mà bọn em đi tặng thì chỉ có 50 trường hợp, lý do là những ngày cận Tết thì chính quyền muốn làm sạch phố phường, dẹp những người lang thang sống dưới hiên nhà đấy hay những nơi khác. Nên khi bọn em quay lại thì họ không còn ở đấy nữa.

Chung Một Tấm Lòng của Hoàng Anh Thơ và các bạn không hoạt động riêng lẻ mà mời gọi những nhóm khác góp sức như Hạnh Phúc Sẻ Chia của Đặng Ngọc Sơn và Mắt Thương Nhìn Đời của Nguyễn Tất Kiên.

Ngoài chuyện để dành những ngay trước Tết để lên miền núi phát quả cho trẻ em các xã huyện nghèo, rồi hỗ trợ với Chung Một Tấm Lòng tặng bánh chưng nóng và quà cho người vô gia cư, anh Nguyễn Tất Kiên của Mắt Thương Nhìn Đời, tổ chức từ thiện có xuất xứ từ Canada, cũng ra phố rất muộn đêm 30 để trao một ít quà cho những người bán hàng rong muốn kiếm thêm ít thu nhập cho gia đình:

Ở Việt Nam người ta nói vùng đất nào mà chiều 30 Tết chợ mới đông thì vùng đất ấy rất nghèo. Chiều 30 Tết mà chợ đông là những người rất khó khăn, họ phải quay quắt đến chiều 30 Tết mới ra được chợ

Đêm 30 thì người bán mía này, người bán hàng ăn này, người giữ xe , người bán bóng bay.. rất nhiều thứ. Bởi vì trong những ngày Tết thì công an cảnh sát không đuổi không dẹp, họ cũng thoải mái hơn một chút, chứ trong mấy năm gần đây thì chương trình lập lại trật tự đô thị, chống tắt đường ở Hà Nội và các thành phố lân cận thì hầu như là những người hàng rong không có cơ hội để kiếm tiền, cho nên những ngày gần Tết thì họ bùng phát rất là nhiều, mình cũng phải thông cảm là cuộc sống mưu sinh bây giờ rất khó khăn.

Chợ chiều ba mươi

Một lý do nữa để gọi những người bán hàng rong lang thang trong những ngày Tết là những người thực sự có cuộc sống chật vật:

Ở Việt Nam người ta nói vùng đất nào mà chiều 30 Tết chợ mới đông thì vùng đất ấy rất nghèo. Chiều 30 Tết mà chợ đông là những người rất khó khăn, họ phải quay quắt đến chiều 30 Tết mới ra được chợ, họ phải cân đo đong đếm, mua tấm áo cho con hay mua miếng thịt cho gia đình, cho nên đến giao thừa mà vẫn phải lang thang như thế.

Được biết Tết Giáp Ngọ vừa qua, những bạn trẻ Hà Nội đang cùng anh Nguyễn Tất Kiên lên chương trình ta85nh bánh chưng, tiền lì xì và bánh kẹo cho người vô gia cư, người cơ nhỡ và những người bán hàng rong muộn ngoài phố, cũng mang bánh chưng đến một trại tâm thần ở Châu Quỳ, Gia Lâm, nơi không mấy ai quan tâm:

Đang tuổi lao động mà bị tâm thần hết, nhìn rất thương, vào cắt bánh cho họ họ ăn rất là sung sướng, họ ăn bánh của mình trông rất ngon. Hình ảnh đó làm anh em mọi người xúc động.

Năm nay là năm đầu tiên bạn trẻ từng có lúc du học nước ngoài, Đặng Ngọc Sơn của nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia, đi cùng Hoàng Anh Thơ của Chung Một Tấm Lòng và mang quà đến cho người không nhà trong đêm trừ tịch :

Thông qua anh Kiên mình mới đi thử cùng nhóm Chung Một Tấm Lòng thì mình thấy anh chị em bên đấy rất nhiệt tình, họ trẻ nhưng mà họ có tâm. Tựu chung mình thấy là được, tất nhiên bên cạnh đó mình thấy vẫn còn nhiều cái hạn chế. Mình cũng có nói với Thơ là bắt đầu từ năm nay thì nhóm của Thơ kết hợp thêm cả nhóm của mình nữa là nhóm H2S Hạnh Phúc Cùng Sẻ Chia, sẽ sinh hoạt cùng trong đấy.

Người vô gia cư ở Việt Nam này cũng có nhiều bất cập lắm, họ luôn luôn thay đổi vị trí thành ra việc mình cố gắng giúp họ một cách triệt để cũng rất là khó. Bên này thì nhóm của Sơn cũng đã cùng với anh Kiên, vừa rồi cũng đã nói chuyện với Thơ là đang muốn có một kế hoạch nào đó để mình có thể giúp đỡ họ một cách lâu dài. Giống như kiểu là mình giúp họ thoát nghèo chứ không phải chỉ là vài ba dịp mình đến chọ họ đồ ăn và quà thì cái đấy nó không sâu. Mình phải cho họ cái cần câu cơm, cho họ điều kiện để họ thoát nghèo chứ không phải chỉ giúp đỡ họ trong nhất thời.

Những ước muốn này có thể là cao vời quá, mà có thể cũng như một cây làm chẳng nên non thì ba cây chụm lại thành hòn núi cao, huống chi cả ba nhóm thiện nguyện nhiệt thành Chung Một Tấm Lòng, Hạnh Phúc Sẻ Chia và Mắt Thương Nhìn Đời đã ngồi lại được với nhau trong một mục đích san sẻ nâng đỡ công việc của nhau cũng như san sẻ và nâng đỡ những người kém may mắn hơn mình để cuộc đời này xem ra nhẹ nhàng hơn, tươi đẹp hơn và đáng sống hơn.

Năm Giáp Ngọ, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi và Thanh Trúc thất lòng chúc các bạn thành công trong tôn chỉ phục vụ cao đẹp của mình.

Xin hẹn lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới. Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.