Học Và Dạy Tiếng Việt Ở Mỹ: Những Con Số Gây Ấn Tượng

Trẻ Việt Nam ở Mỹ đi học tiếng Việt, những lớp Việt ngữ hay những trung tâm Việt ngữ ở Hoa Kỳ không còn là chuyện mới mà đã trở thành một sinh hoạt cần thiết.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012.03.22
Lớp học Việt ngữ tại Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westminster. RFA Lớp học Việt ngữ tại Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westminster. RFA
RFA

Đưa con em đến lớp tiếng Việt  trở thành một nhu cầu không thể thiếu của từng gia đình người Việt ở Mỹ.

Thầy cô, học sinh, lớp học ngày một tăng


Chính vì thế bất cứ nơi nào, từ nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền, nhà văn hoá  vân vân, tại khắp các tiểu bang có người Việt, ít nhất đều phải có một lớp tiếng Việt hay một trung tâm dạy tiếng Việt, mở cửa vào mỗi cuối tuần để phụ huynh đưa con em tới học quốc ngữ.  

Nếu chỉ nói riêng các lớp hay các trường Việt ngữ ở Nam California, thủ đô tị nạn của người Mỹ gốc Việt, người ta có thể tìm thấy những con số đầy ấn tượng. Nam California có tám chục trường sở lớn nhỏ các cấp, mỗi cuối tuần khoảng mười lăm ngàn trẻ em Việt đi học tại các lớp Việt ngữ rải đều trong khu vực.   

Có nơi chỉ một trăm đến một trăm rưỡi học sinh, như lời bà Cao Ngọc Điệp,trung tâm trưởng Trung Tâm Việt ngữ Gia Đình Phật Tử Liên Hoa:

Trung tâm của chúng tôi thành lập được mười năm, hiện có khoảng một trăm năm mươi em, từ lớp vỡ lòng đến lớp Sáu. Vì có ăn trưa nên chúng tôi nhận lệ phí khiêm nhường là mười đồng một tháng để lo phần ăn trưa cho các em. Tất cả thiện nguyện viên, gồm các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử và thấy cô giáo, đều đến với tinh thần thiện nguyện có nghĩa là không có lương. Điều tôi muốn nói là chúng tôi muốn nhìn thấy thế hệ thứ hai vẫn nói, đọc và viết được tiếng Việt lưu loát để người ta không nhìn dân Việt Nam chúng ta với cái nhìn gọi là một dân tộc mất gốc.

Một lớp học tại Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westminster.
Một lớp học tại Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westminster.
RFA
Có nơi được bốn trăm học sinh như Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westminster. Ông hiệu trưởng Trần Hồng Chi của Trung Tâm Cộng Đoàn Westminster, hoạt động đã ba mươi năm nay:

Đây là nhà thờ của Cộng Đoàn Westminster hay Cộng Đoàn Thánh Phêrô. Ở đây chúng tôi có mười bốn, ba lớp Mẫu Giáo rồi dần dần lên tới lớp Bảy và môt lớp đặc biệt dành cho mấy em học sinh tương đối lớn mà chưa học Việt ngữ bao giờ. Trường này thì đa số là các em thuộc Cộng Đoàn Westminster, nhưng mà chúng tôi cũng nhận tất cả các em những nơi khác đến mà không phân biệt tôn giáo.

Tôi tên Nguyễn Kim Chi, tôi sinh hoạt ở đây tám năm rồi. Trường này có thu học phí, mỗi một năm bảy chục đồng một em. Chúng tôi lấy tiền đó để chi phí để mua sách vở, rồi phần thưởng cho các em, rồi tổ chức Tết, tổ chức lễ mãn khóa, phát thưởng cho các em. Còn các thầy cô tới đây là làm việc thiện nguyện không có lấy tiền gì hết cả.


Nam California còn có Trung Tâm Văn Hoá Hồng Bàng và Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, mỗi trường qui tụ trên dưới tám trăm học sinh. Đây là hai trung tâm độc lập, không thuộc một cơ sở tôn giáo hay tổ chức nào:

Trung Tâm Văn  Hoá Hồng Bàng thành lập từ niên học 92-93, mới đầu mở ra chỉ có sáu mươi em thôi, từ từ theo thời gian phong trào Việt ngữ nở rộ thì mấy em đi học nhiều hơn, thành từ 1993 khoảng dưới một trăm em giờ lên gần tám trăm em. Chúng tôi phải thuê  một trường Mỹ ở Garden Grove để đủ lớp cho mấy em học tại vì có tất cả hai mươi lăm lớp học. Thầy cô thì khoảng bảy mươi mấy tới tám chục người, tất cả đều là thiện nguyện, không có thù lao. Thành ra sự gắn bó của thầy cô với trường rất là đáng quí.

Đó là lời bà Huỳnh Thị Ngọc trong ban quản trị Trung Tâm Văn Hoá Hồng Bàng. Về phần Trung Tâm Văn Hoá Việt Nam, ông Huỳnh Phổ,  một trong những người sáng lập:

Trường thành lập tới nay là khoảng mười bảy năm rồi và con số học sinh bây giờ là trên dưới khoảng tám trăm em, cô và thầy khoảng ba mươi ba người và ban điều hành coi như tổng cộng khỏang năm chục người.  Trường nằm ở thành phố Westminster nên rất thuận tiện cho phụ huynh đưa con em đến trường. Đây là  một trường của học khu chính mà chúng tôi mướn lại.

Đạo đức, phong tục, truyền thống không thể mất


Đó là tiếng chuông báo hiệu giờ vào lớp của Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westsminster. Một em nhỏ chào Thanh trúc:

Con xin phép cô con vô trong lớp học. .

Một nam sinh biết thưa gởi thật lễ phép:

Cô giáo và các em học sinh cấp lớp 7 trong giờ học tại Trung Tâm Hồng Bàng  ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Cô giáo và các em học sinh cấp lớp 7 trong giờ học tại Trung Tâm Hồng Bàng ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Cô giáo và các em học sinh cấp lớp 7 trong giờ học tại Trung Tâm Hồng Bàng ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Vũ Nguyễn Henry:
Thưa cô em học lớp Năm ở trường ngoài, em  tên Vũ Nguyễn Henry.

Thanh trúc: Ai đưa em đến trường Việt ngữ này?

Thanh trúc: Tại sao em thích đi học trường này?

Vũ Nguyễn Henry: Tại vì em muốn giữ gìn tiếng Việt của em, em nghĩ khi còn người Việt thì vẫn còn có tiếng Việt.

Thanh trúc: Năm nay em bao nhiêu tuổi?

Vũ Nguyễn Henry: Thưa cô năm nay em mười một tuổi.

Một nữ sinh khác, em Thúy Vi:

Thúy Vi: Thưa cô em tên Phan Thúy Vi, em học lớp Bốn.

Thanh trúc: Em bắt đầu học từ năm nào?

Thúy Vi: Em bắt đầu học từ năm Mẫu Giáo. Em thích đi học và bố mẹ cũng bắt em đi học. Đi học nó vừa vui vừa được học ngôn ngữ thứ hai.

Thanh trúc: Tiếng Việt học có khó không em?

Thúy Vi: Cũng hơi khó, nếu mình không học bài, không học hỏi thì nó sẽ khó.

Nếu quí vị hiểu rằng để nói được  tiếng Việt rõ ràng, như các em học sinh vừa rồi, không phải chuyện dễ dàng đối với trẻ con Việt ở nước Mỹ. Có con em biết đọc biết viết tiếng Việt là niềm ao ước và cũng là niềm tự hào.   

Người Việt ở Hoa Kỳ đánh giá sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái bằng cách xem đứa trẻ  noí năng thưa gởi trò chuyện  bằng tiếng Việt như thế nào. Vào khi những lớp dạy tiếng Việt, những trường Việt ngữ tại các chùa,  các tự viện,  các nhà thờ, hoặc những trung tâm độc lập theo nhau được thành lập, hấp dẫn cha mẹ mang con đến học thì điều này cũng vô tình tạo áp lực lên những vị phụ huynh mà vì lý do này lý do khác không thể đưa con đi các lớp Việt ngữ được.

Có thể nói từ phong trào đi học chữ quốc ngữ, sinh hoạt này bây giờ trở thành một nền nếp không thể thiếu đối với những gia đình Việt có con em còn nhỏ tuổi. Không ai muốn con mình thua kém về mặt tiếng Việt so với con người khác. Hơn nữa, chừng như các phụ huynh hiểu rõ muốn học một ngôn ngữ cho có kết quả thì phải bắt đầu từ rất sớm.

Thanh Trúc lại mời quí vị đi thăm hai lớp học trong Trung Tâm Việt ngữ Cộng Đoàn Westminster :

Một điều rất đáng khích lệ ở đây, giáo viên chính tại hai lớp học, mà quí vị vừa nghe, là hai cựu học sinh của trung tâm. Đây là  hai sinh viên mới ra trường, nay quay về đứng lớp:   

Em tên là Minh Thư, em mới ra trường ở UCLA. Lúc em đi học đại học nhiều người hỏi em là ai, em người gì? Vì có nhiều người nói em giống người Tàu nhưng em nói em không phải người Tàu mà em là người Việt Nam.
Hai cô giáo trẻ Đan Vy và Ngọc Hiếu, dạy lớp 1A4 của Trung Tâm Hồng Bàng, hai bạn trẻ này đã từng là học sinh của Trung Tâm Hồng Bàng, nay quay về dạy lại các em nhỏ - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Hai cô giáo trẻ Đan Vy và Ngọc Hiếu, dạy lớp 1A4 của Trung Tâm Hồng Bàng, hai bạn trẻ này đã từng là học sinh của Trung Tâm Hồng Bàng, nay quay về dạy lại các em nhỏ - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Khi đó họ hỏi em nước Việt Nam ở đâu, nguồn gốc của em ở đâu. Em cảm thấy nguồn gốc của mình rất quan trọng. Với lại sau khi em đi học đại học thì em mới biết được một ngôn ngữ rất quan trọng là tiếng mẹ đẻ của mình. Để giúp đỡ người Việt ở bên Mỹ này thì mình phải vừa biết tiếng Mỹ vừa biết tiếng Việt.  

Như đã nhắc ở đầu bài, Nam California có một Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ,  một tổ chức không có tính cách ràng buộc hay kiểm soát đối với các trường hay các trung tâm Việt ngữ trong vùng. Ra đời từ năm 1989 với nhiệm kỳ đầu tiên 1989-1991, tháng Mười Hai năm ngoái vừa bầu lại một nửa thành viên Hội Đồng Quản Trị cho nhiệm kỳ 2012-2015, từng mở hai mươi mấy khoá huấn luyện tu nghiệp sư phạm trước giờ.    

Giáo sư Quyên Di, giảng viên ngôn ngữ chuyên về Việt Nam tại hai đại học Cal State Long Beach và UCLA ở California:   

Tôi là cố vấn của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California. Tại California từ lâu lắm rồi, tôi nghĩ phải đến ba chục năm nay, có rất nhiều những cố gắng của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức nhằm thành lập những lớp dạy Việt ngữ cho con em. Cho tới khi các cố gắng đó cần một sự thống nhất để giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm dạy học về phương pháp giảng dạy về sách giao khoa thì có sự ra đời của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California. Tôi nghĩ đó là điểm qui tụ các nỗ lực khác nhau về cùng một mối theo một mục đích chung.

Tôi có cơ hội đi giúp cho nhiều thầy giáo cô giáo ở các địa phương xa, tôi thấy có nhiều trường Việt ngữ mà số học sinh nhiều lắm. Thí dụ Denver Colorado có một trường Việt ngữ tám trăm năm chục học sinh. Bên New Orleans tiểu bang Louisiana thì có hẳn một trường do chính người Việt xây, vừa để dạy giáo lý vừa để dạy tiếng Việt. Tôi cũng đến Portland Oregon và cũng biết được ở đó nhiều  trung tâm.

Một số trường trung học miền Bắc và miền Nam California đã có chương trình dạy tiếng Việt chính thức như một ngoại ngữ. Các đại học lớn như UCLA hay Cal State Long Beach tôi đang dạy và rất nhiều trường đại học khác cũng đang có chương trình tiếng Việt. Bởi vậy học và dạy tiếng Việt trở nên một sinh hoạt văn hóa  quan trọng của người Việt hải ngoại.


Nhưng nếu chỉ học hai ba tiếng một tuần thì liệu có đủ không, dù như tuần nào các em cũng mang bài tập về nhà? Người băn khoăn với vấn đề này nhất là cô Bạch Huệ, thư ký Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California nhiệm kỳ 2012-2015, đang là cô giáo lớp Năm của Trung tâm Việt ngữ Gia Đình  Phật Tử Liên Hoa. Cô cũng là tác giả của bộ CDs Mang Cô Giáo Về Nhà, thực hiện dựa theo sách giáo khoa của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ, :

Tôi thấy các em gặp thầy cô có hai tiếng một tuần, về nhà quên hết, ba tháng hè coi như không nhớ gì hết. Khi  phụ trách một lớp đặc biệt ở trường Hồng Bàng thì tất cả những bài học Huệ thâu lại hết, đó là những cái CD slide show. Tôi thấy có một nhu cầu là phụ huynh muốn giúp cho các em học tiếng Việt nhưng mà ở những tiểu bang xa không có người Việt nhiều mà phụ huynh không có tài liệu không có sách vở nhiều thì bây giờ đây là câu giải đáp. Mỗi lần phụ huynh gọi em thì không phải mua một hai cuốn mà mua nguyên một bộ từ lớp Một cho tới lớp Bảy  vừa sách vừa đĩa luôn, dù con mới có sáu tuổi.   

Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, dạy và học tiếng Việt ở Mỹ, kết thúc ở đây. Xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
25/03/2012 06:54

Chò tôi xin số phone hay email của Ban Ðại Diện Việt Ngữ để gởi mua CD và Sách