Hội chợ Tết Ất Mùi ở Maryland

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.02.12
tet-2015-622.jpg Hội chợ Tết Ất Mùi ở Maryland hôm Chủ Nhật 9/2/2015.
RFA PHOTO/Thanh Trúc

Tết của người Việt ngoài này, nhất là ở Mỹ, rơi vào khoảng trung tuần tháng Hai Dương Lịch. Trong lúc người Việt ở miền Tây Hoa Kỳ như California tưng bừng đón Tết trong nắng ấm thì người Việt miền Đông như Virginia, Washington DC và Maryland chẳng hạn, có khi đón Tết Nguyên Đán trong tuyết phủ bốn bề.

Phiên chợ Tết lần thứ 28 của AVA

Năm nay, Tết Ất Mùi, Maryland là nơi mở hội chợ Tết sớm nhất hôm Chúa Nhật 9 tháng Hai vừa qua.

“Dù ở vùng này nói là địa phương nhưng thực ra có rất nhiều đồng hương các nơi khác đến đây. Rất phấn khởi vì đúng theo truyền thống người Việt Nam mình hễ mà có hội họp lại thì đồng hương đều quây quần với nhau, đó là điểm son mà chúng ta cố gắng duy trì.”

Đó là lời ông Đoàn Hữu Định, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại Virginia, Maryland và Washngton DC, có mặt tại hội chợ từ lúc sớm. Như lệ thường hàng năm qua, đứng ra kêu gọi và tổ chức hội chợ Tết hàng năm thường là Hội Cao Niên. Tuy nhiên theo ông Đoàn Hữu Định, chợ Tết Maryland năm nay gần như do người trẻ Mỹ gốc Việt nằm giữ, điều ông cho là một niềm hãnh diện:

Dù ở vùng này nói là địa phương nhưng thực ra có rất nhiều đồng hương các nơi khác đến đây. Rất phấn khởi vì đúng theo truyền thống người Việt Nam mình hễ mà có hội họp lại thì đồng hương đều quây quần với nhau, đó là điểm son mà chúng ta cố gắng duy trì.
-Đoàn Hữu Định

“Rất hãnh diện, giới trẻ nên dấn thân nên làm những chuyện đó, trẻ rất đặc biệt.”

Hội chợ Tết Ất Mùi năm nay do Hội Người Mỹ Gốc Việt Maryland AVA phối hợp cùng Hội Kết Đoàn qui tụ phần lớn sinh viên học sinh của Đại Học Maryland và Đại Học Virginia, đã kêu gọi được sự tham gia từ những đoàn thể và cơ sở kinh doanh, cơ sở tôn giáo của người Việt trong ba bang Maryland, Virginia và Washington DC. Một thành viên chính trong ban quản trị Hội Người Mỹ Gốc Việt mà tên gọi trước đó là Hội Ái Hữu Người Việt Maryland, anh Đặng Đức Hân Hoan, cho biết đây là phiên chợ Tết lần thứ 28 của AVA tổ chức:

“Hội Người Mỹ Gốc Việt sinh hoạt đã 35 năm, Hội Kết Đoàn thì sinh hoạt cũng hơn 10 năm rồi. Hội Kết Đoàn có nhiều người trẻ có sức và có năng lực, họ tổ chức rất hay. Về văn nghệ mấy em Kết Đoàn rất giỏi và rất có tài về nhạc về đóng kịch. Có mấy em tham dự thì cái đó là tốt tại vì những thế hệ khác nhau mà làm việc chung với nhau. Hai hội làm việc rất cực, rất khó khăn nhưng mình thấy mình phải làm tại vì cũng 40 năm rồi, mình phải ráng giữ cái phong tục Việt Nam của mình mà Tết là ngày quan trọng nhất trong năm. .

Một số hội tham dự bán chợ Tết để gây quĩ, có Hội Hướng Đạo Liên Đoàn Potomac, Hội Vovinam, Hội Cao Niên Maryland, Việt Toons , Nhà Thờ Giáo Xứ Mẹ Việt Nam, có chùa Xá Lợi, chùa Viên Ân, và cũng có đông những gian hàng bán sách Việt Nam, nhạc Việt Nam… Đồ ăn thì đủ thứ đồ ăn Tết.”

Thu hút nhiều quan khách

Quả thật khách đi chợ Tết phải lấy làm thích thú khi thấy một số đông quan khách người Mỹ là viên chức địa phương, thích thú khi nhìn thấy rất nhiều giới trẻ Mỹ gốc Việt là những người có thể giải thích tường tận cho người Mỹ hiểu thế nào là ý nghĩa của Tết Việt Nam.

Hội chợ tưng bừng khai mạc với màn múa lân truyền thống, kế đến là những màn ca múa do Hội Kết Đoàn trình bày, rồi thì xổ số lấy quà, thi Trẻ Em Đẹp và thi Hoa Hậu Áo Dài.

Bạn Trẻ Phan Đình Hào Kiệt, hiện là chủ tịch Hội Kết Đoàn:

“Năm nào người trẻ cũng đông hết tại vì Tết Maryland có đặc điểm so với Tết bên Virginia hay ở DC thì Tết Maryland có chương trình ca nhạc và giải trí. Có hội NOVA Thường thường nếu mà chuẩn bị Tết là bắt đầu từ thang Chín năm vừa rồi. Năm nào cũng có đầu tiên là thi Trẻ Em Đẹp tại vì hội chợ Tết thì lúc nào cũng có gia đình mà gia đình đi thì lúc nào cũng có trẻ em thì cái này là một sinh hoạt mà trẻ em có thể tham gia được.

Contest thứ nhì là Miss Áo Dài, những sinh viên Việt Nam ở Mỹ lên thi về ý nghĩa áo dài Việt Nam, tượng trưng cho cái gì. Đó là phong tục tập quán của Việt Nam luôn luôn, bao nhiêu ngàn năm rồ lúc nào cũng có áo dài.

Hội chợ Tết nào cũng phải có kế hoạch, sắp đặt cái gì cũng khó khăn, nhưng mà thấy quan khách thích thú thì mình cũng thấy đúng vì cuối cùng là cho cộng đồng Việt Nam của mình.”

Bé Nathan và phong bao lì xì Tết  tại Hội chợ Tết Ất Mùi ở Maryland hôm Chủ Nhật 9/2/2015. RFA PHOTO/Thanh Trúc.
Bé Nathan và phong bao lì xì Tết tại Hội chợ Tết Ất Mùi ở Maryland hôm Chủ Nhật 9/2/2015. RFA PHOTO/Thanh Trúc.

Điều đáng nói của hội chợ Tết Maryland năm nay là sự có mặt của nhiều gia đình không hoàn toàn Việt Nam, điển hình như một gia đình 4 người sau đây:

Mike: “Tôi tên Mike ở Maryland, đây là gia đình tôi gồm vợ tôi là Michel, con gái tôi là Grace và con trai là Nathan. Vì mẹ tôi là à người Việt Nam, tôi mang giòng máu Việt Nam nên tôi nghĩ tôi phải dạy cho con tôi hiểu Việt Nam là gì, chỉ có vậy thôi.”

Michel: “Chúng tôi ăn Tết mỗi năm vì Tết nhắc cho các con tôi về văn hóa và nguồn gốc của chúng. Chợ Tết năm này thật đông quá đi nhưng cái quan trọng là nó mang lại cho Mike, cho chúng tôi và cho mấy đứa nhỏ cảm giác gần gũi với nguồn cội và văn hóa của mình.

Chúng tôi thích tận hưởng Tết mà cũng mong muốn hòa hợp nếp văn hóa và truyền thống của Mike cũng như của tôi khi cùng tham dự những sự kiện ý nghĩa như thế này.”

Grace: “Tôi tên Grace, với tôi Tết là dịp để nối kết mình lại một lần nữa vơi nguồn gốc Việt mà tôi nghĩ nó như một huyền thoại mà tôi cần phải học hỏi. Với lại tôi thấy Tết cũng vui lắm vì người ta thích cho nhau sự may mắn.”

Riêng với cậu bé Nathan thì Tết Việt Nam đối với em có một ý nghĩa đặc biệt:

Nathan: “Xin chào, tên em là Nathan, em nhớ năm ngoái khi còn đi Vườn Trẻ, cô giáo đã chọn em ra nói chuyện với các bạn là em từ đâu tới, cô giáo bảo em dạy cho các bạn chúc Tết Happy New Year bằng tiếng Việt như thế nào. Em cũng phát cho các bạn mỗi đứa một phong bao, trong đó là tiền lì xì, để cho ai cũng được may mắn.”

Anh Toàn, đi cùng vợ là Heather người Mỹ, mang con nhỏ đến dự chợ Tết Maryland, hãnh diện khoe là gia đình ăn Tết Việt Nam, Tết Kampuchia và cả Tết Mỹ vì:

Toàn: “Em lai Việt Nam với Kampuchia. Ba Kampuchia, mẹ Việt Nam, mà ở xứ Mỹ này thì mình là Mỹ rồi.”

Tiếp lời ông chồng người Việt lai Kampuchia của mình, Heather nói:

Heather: “Chúng tôi ăn Tết mỗi năm vì Tết là tục lệ tôi học được từ chồng tôi. Nhà của gia đình chồng tôi khá lớn nên chúng tôi có thể tiếp đón khách đến ăn Tết. Chúng tôi bày những trò vui trong mấy ngày Tết và tôi thực sự thích không khí Tết ở nhà.”

Chúng tôi ăn Tết mỗi năm vì Tết nhắc cho các con tôi về văn hóa và nguồn gốc của chúng. Chợ Tết năm này thật đông quá đi nhưng cái quan trọng là nó mang lại cho Mike, cho chúng tôi và cho mấy đứa nhỏ cảm giác gần gũi với nguồn cội và văn hóa của mình.
-Michel

Thế còn không khí của hội chợ Tết năm nay thì sao? Heather trả lời:

Heather: “Ồ tôi thực sự rất thích. Tôi thích tất cả thức ăn bày bán ở đây, thích những màn ca múa, đặc biệt múa lân là cái mà tôi thích nhất, rồi tới cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài nữa. Con trai chúng tôi mới 9 tháng tuổi, đây là Hội Tết đầu tiên của cháu. Cô thấy cháu đang mặc bộ cánh truyền thống Việt Nam mà tôi sắm cho cháu không. Hôm nay không chỉ có tôi với Toàn mà cả đại gia đình nội ngoại cùng tới đây ăn Tết.”

Có thể nói năm nay số khách người Mỹ đi dự chợ Tết nhiều hơn mọi năm, và hình như càng ngày những hội chợ Tết của người Việt ở Mỹ càng lúc càng đông vui hơn so với những cái Tết chân ướt chân ráo đến xứ người ba bốn chục năm về trước.

Cô Mỹ Ly, theo chồng mới cưới người Mỹ về Maryland năm ngoái, bày tỏ:

Mỹ Ly: “Đây là lần đầu tiên ông xã mình biết về Tết Việt Nam, mình muốn chỉ cho ông xã biết thế nào là Tết Việt Nam. Hôm nay mình cũng tới đây để trang điểm và làm tóc cho các cô thi Miss Áo Dài. Không khí rất vui nhộn, mình cảm giác là rất gần quê hương của mình, một không khí giống như là Tết ở Việt Nam vậy đó. Ông xã cũng rất nôn nóng khi mà mấy ngày trước mình nói mình sẽ tới đây dự chợ Tết.”

Và đây là ông chồng tên Scott của Mỹ Ly:

Scott: “Theo tôi hiểu đây là Tết Âm Lịch, là dịp quan trọng ở Việt Nam. Với tôi buổi hôm nay giống như một phiên chợ, mọi thứ hãy còn quá mới đối với tôi nên cái gì cũng khiến tôi chú ý, thực sự tôi thấy cũng vui.

Đương nhiên tôi thích dù như tôi không biết nhiều lắm nhưng tôi tin chợ Tết phản ảnh văn hóa Việt Nam. Vả lại tôi cần học hỏi, ủng hộ và yêu mến nét văn hóa của vợ tôi. Mọi sự còn mới quá nhưng thời gian sẽ trả lời.”

Bao lì xì mang văn hóa của người Việt

Tại chợ Tết Maryland hôm Chúa Nhật ngày 9 vừa qua, người ta có thể thấy mình đi giữa một không gian bát ngát âm thanh nhạc xuân từ trên sân khấu xuống đến những gian hàng bánh chưng, bánh tết, dưa món, một rừng hoa thật chen vai thích cánh bên những cành hoa giả đủ màu sắc.

Bao lì xì do Việt Toons làm tại Hội chợ Tết Ất Mùi ở Maryland hôm Chủ Nhật 9/2/2015. RFA PHOTO.
Bao lì xì do Việt Toons làm tại Hội chợ Tết Ất Mùi ở Maryland hôm Chủ Nhật 9/2/2015. RFA PHOTO.

Thế nhưng có hai gian hàng mời gọi được sự chú ý của mọi người là một bàn của Việt Toons với tranh ảnh lịch sử và những bao lì xì hoàn toàn mang chất Việt Nam. Họa sĩ Hoàng Vi Kha, người anh cả của Việt Toons, một tổ chức văn hóa và nghệ thuật trong vùng, giải thích:

Hoàng Vi Kha: “Anh em chúng tôi có được sự gợi ý từ các vị thân hữu là nhân dịp Tết mình làm những phong bao lì xì mang văn hóa của người Việt để thứ nhất là mình vận động bà con không dùng bao lì xì của người Tàu. Do đó dùng bao lì xì màu vàng thay vì màu đỏ thường thấy của Tàu, thừ nhì là hình ảnh thể hiện những tranh vẽ thuần tuy như cảnh bà mẹ nấu bánh chưng, chủ đề Hoàng Sa Trường Sa, bên cạnh những mẫu lịch sử chẳng hạn như Vua Hùng, Mỵ Châu, và những anh hùng lịch sử mà Việt Toons đã thực hiện hơn 70 bức tranh trải từ đời Âu Lạc cho tới thời kháng chiến chống Pháp Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Mới lần đầu tiên làm mà rất được sự ủng hộ của bà con, phải nói là khắp mọi nơi chứ không riêng gì Hoa Kỳ mà từ Úc, Canada, Âu Châu và cả Việt Nam. Đây là cả một sự phấn khích.”

Tại bàn đọc sách tiếng Việt gần đó, nhà văn Cung Lan, một trưởng Hướng Đạo vùng thủ đô, một nhân viên của chương trình giáo dục Head Start và cũng là một người nặng lòng với tiếng mẹ đẻ, cho rằng tiếng Việt và trẻ em là hai yếu tố quan trọng đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà nhất là trong những dịp lễ Tết như những kỳ hội chợ này:

Cung Lan: “Năm nay trong quầy sách của Cung Lan thì sách thiếu nhi bằng tiếng Việt rất nhiều. Cung Lan để cái bảng là “Nếu bé muốn một cuốn sách thiếu nhi thì hãy viết một câu tiếng Việt nơi đây”. Lan chuẩn bị giấy và viết cho các em thì nãy giờ các em viết rất là nhiều và mỗi em chọn một cuốn sách. Đó là cách động viên các em học tiếng Việt.

Bất kể các em học tiếng Việt ở trường nào và ở nơi đâu, nhưng khi các em viết được tiếng Việt chứng tỏ ba mẹ các em muốn các em biết tiếng Việt, nói tiếng Việt và yêu mến tiếng Việt. Như vậy chứng tỏ tiếng Việt vẫn sống tại đất Mỹ này.”

Trong không khí bổng dưng ấm áp hẳn lên của một ngày mùa đông vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, hội Tết Maryland kéo dài cho tới chiều mà vẫn thu hút đông đảo khách từ mọi nơi.

Có rất nhiều bậc ông bà cha mẹ, tuy không mặc áo dài mà chỉ đóng bộ âu phục, nhưng lại cho con trai hoặc con gái xúng xính trong những chiếc áo dài lụa hoa hoặc gấm thật xinh xẻo và thật bắt mắt.

Đó là những nét lạ trong cái thân quen của những hợp chợ Tết Việt Nam ở Mỹ, ở đây là hội chợ tết vùng Maryland. Từ giờ cho đến ngày 19 tháng Hai, chạy ngày mùng Một Tết Ất Mùi, bà con ở Maryland lại có dịp đi trẩy hội Tết ở Virginia, do Hội Người Việt Cao Niên cũng như Cộng Đồng Việt Nam vùng DC thay nhau tổ chức.

Bốn mươi năm xa nhà, trong cái mới của Tết truyền thống còn gói ghém tâm tình và sự cố gắng thu vén cho mình một cái Tết tươm tất, an toàn và thắm đượm tình quê hương đối với nhau.

Thanh Trúc chân thành gởi về bà con bên nhà một cái Tết đầy đủ, an toàn và cũng thắm đượm tình quê như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.