Thiếu nữ Việt với sản phẩm tẩy rửa và bảo vệ tai

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.07.11
20140617153046-IMG_0583__1-305.jpg Lily Trương mang sản phẩm Clear Ear đến với các em học sinh làng Vinar, Ấn Độ qua chương trình mang tên Health Screening Camp And Ear Cleaning.
Hình do Lily Trương cung cấp

 

Một ngày nào, không may chuyện gì xảy ra cho đôi tai chúng ta, chỉ với lý do giản dị như bị nhiễm trùng do lấy ráy tai không đúng cách và không hợp vệ sinh, dẫn đến chuyện bị nhức óc, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, không còn nghe rõ được nữa, thậm chí có thể bị điếc bất chợt… Khi đó người ta mới thấy sức khỏe của đôi tai quan trọng như thế nào.

Đó là ý tưởng của Lily Trương với sản phẩm rửa tai Clear Ear. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cô gái Việt tên Lily Trương theo học ngành Biomechanical Engineering, tạm dịch là ngành Cơ Giới Sinh Hóa chuyên nghiên cứu để chế tạo dụng cụ y khoa, từ đại học Stanford nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Muốn giúp đỡ nhiều người

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần này mời quí vị nghe câu chuyện vui về Clear Ear, đang trong giai đoạn sản xuất đại trà, và tác giả của sản phẩm tiện ích này, cô Lily Trương, với giấc mơ mang Clear Ear về phục vụ cho trẻ em bên nhà như cô đã từng phục vụ trẻ em bên Ấn Độ trong thời gian qua và sẽ quay trở lại đó:

“Hồi nhỏ em thích máy móc, thích học toán và khoa học. Ba của em là kỹ sư, em thích vài ba thứ của con trai như học kỹ sư, toán, máy móc, nhưng cũng thích mấy thứ của con gái như chơi Barbie, nấu ăn và đi shopping.”

Năm 2005 Lily Trương tốt nghiệp trung học, được nhận vào đại học Stanford và quyết định theo ngành Biomechanical Engineering Cơ Giới Sinh Hóa, vốn ít người theo học hơn những phân khoa khác:

“Em học giỏi, thêm đó em cũng volunteer trong mấy cái club để giúp cộng đồng, mà trường Stanford thì thích nhận học sinh mà vừa có lòng để giúp thế giới, và hơn nữa phải học giỏi ở trong trường.

Mùa hè trước khi học ở Stanford University thì em quyết định là em vô Stanford để học bác sĩ. Nhưng mùa hè đó thì em được làm việc trong Alcon, hãng làm về máy móc y khoa cho những người không thấy đường khi bị cataract, cườm mắt hay còn gọi là đục thủy tinh thể.”

Nếu em nghĩ được ra cái máy móc nào mà mình làm được một triệu cái, mà cái máy đó ra cả thế giới được, thì mình giúp được một triệu người.
-Lily Trương

Nhìn thấy cái máy chữa cataract có thể trả lại thị nhãn bình thường cho người bị đục thủy tinh thể, Lily Trương chợt nghĩ có lẽ cô nên học cách chế tạo dụng cụ hay thiết bị y khoa thì đúng hơn:

“Em mới tính nếu em làm bác sĩ thì mỗi lần em làm surgery em chỉ giúp được có một người, nhưng nếu em nghĩ được ra cái máy móc nào mà mình làm được một triệu cái, mà cái máy đó ra cả thế giới được, thì mình giúp được một triệu người.

Suy nghĩ đó làm Lily rất vui, từ ngày đó vô Stanford thì em tính là em thích làm máy móc cho y khoa.”

Tại viện đại học Stanford, được tiếp xúc và học hỏi cùng các bác sĩ, chuyên gia, kỹ sư, doanh gia liên quan đến ngành Cơ Giới Sinh Hóa cô đang theo học, Lily Trương và các bạn trong nhóm bắt đầu chú ý và tìm hiểu những cái máy hay thiết bị dành cho người bị điếc, gọi là máy trợ thính:

“Sau khi học lớp này xong em mới thấy cái nguyên nhân đầu tiên làm con người không nghe được là ear wax, ráy tai. Team của em mới ra được một cái máy mà không cần nhiều huấn luyện, và cả thế giới thì em thấy là máy dành cho người bị điếc thì không có nhiều, nếu có thì mắc quá.”

Các thành viên Clear Ear trong một lần triển lãm sản phẩm. Từ trái sang: Dr. Carpenter, MD, Cô Lily Truong, Leland Stock và Gavin Ogami.
Các thành viên Clear Ear trong một lần triển lãm sản phẩm. Từ trái sang: Dr. Carpenter, MD, Cô Lily Truong, Leland Stock và Gavin Ogami.

Thế nhưng, và cũng rất tình cờ, một nguyên do khác dẫn cô đến việc chế tạo sản phẩm Clear Ear và Oto Tip dùng để làm sạch tai là vì:

“Một ngày má em thức dậy với một cái lỗ tai không nghe được, kêu là sudden hearing lost, tự nhiên bị ù tai bên trái, không nghe được, không biết tại sao. Lúc đi tìm mấy cái máy trợ thính không mắc tiền quá thì em mới thấy thính tai quan trọng như thế nào. Khi mà tự nhiên mình hay gia đình của mình bị mất thính giác thì mình mới thấy nghe hoặc trò chuyện với người thân của mình là cả một vấn đề. Thực sự đó chỉ là chuyện đơn giản mà không ngờ nó lại quan trọng như thế. Em thấy mấy cái máy trợ thính mắc quá, ba ngàn, bốn ngàn, năm ngàn đồng thì cũng không giúp được cái gì nhiều.”

Tốt nghiệp kỹ sư ngành Cơ Giới Sinh Hóa đại học Stanford, Lily Trương không ra đi làm ngay mà ở lại xin tiếp tục công cuộc nghiên cứu Người dì ruột thân cận nhất của em, bà Thu Hiền, kể lại với Thanh Trúc:

“Khi ra trường, nhất là trường đại học Stanford rất nổi tiếng thì chắc chắn sẽ có công việc tốt, nhưng thay vì đi kiếm việc làm liền thì cô bé ở lại làm việc với các giáo sư, các bác sĩ các ông thầy trong trường để có những công trình nghiên cứu cũng như sáng tạo để giúp những người bị điếc một cách bất ngờ như vậy.”

Clear Ear và Oto Tip

Khi mà tự nhiên mình hay gia đình của mình bị mất thính giác thì mình mới thấy nghe hoặc trò chuyện với người thân của mình là cả một vấn đề.
-Lily Trương

Trong lúc chú tâm nghiên cứu để chế tạo những máy trợ thính gọn nhẹ và những dụng cụ y khoa khám chữa cho những người cô gọi là bị điếc một cách bất thình lình như mẹ của mình, Lily Trương khám phá ra hai điều giản dị nhưng vô cùng quan trọng. Thứ nhất là lấy ráy tai, ngoáy tai không đúng cách, không giữ vệ sinh tai là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng nhiễm trùng gây điếc tai. Thứ hai, rất nhiều người, không kể trẻ con hoặc người lớn, không nhận thức được là thỉnh thoảng phải lấy ráy tai để giữ cho tai sạch sẽ. Lại nữa, nếu dùng những dụng cụ ngoáy tai thông thường bằng kim sắt hoặc kể cả đầu tăm quấn bông gòn đi nữa, thì cũng có thể đẩy ráy vào xa trong tai hơn. Nếu vật cứng chạm đến và làm thủng màng nhĩ là bộ hận trọng yếu để nghe được, thì sinh chứng ù tai, lùng bùng lỗ tai hoặc điếc hẳn.

Từ đó, Lily Trương đã sáng chế ra dụng cụ rửa tai Clear Ear và dụng cụ ngoáy tai Oto Tip vừa có thể làm sạch tai mà không làm tổn thương màng nhỉ. Với một số người cộng tác gồm bác sĩ mắt, bác sĩ chuyên môn về giài phẩu đầu và cổ, bác sĩ về tai mũi họng, bên cạnh vài kỹ sư bạn, công ty Clear Ear mà Lily Trương là co founder, tức người đồng sáng lập, ra đời sau đó.

Về công dụng của Clear Ear và Oto Tip, Lily Nguyễn cho biết đây là một máy nhỏ, đúng hơn là một dụng cụ nhỏ như ống chích cầm vừa gọn trong tay, một đầu có thể bắn ra bốn tia nước ấm vào tai rồi hút hết chất bẩn trở lại trong ống của dụng cụ đó:

“Nếu nước không đúng độ thì bị chóng mặt, bác sĩ làm thì lâu lâu nó bị như vậy. Vì vậy em thấy nếu mình muốn làm ở nhà thì mình để nước vào để nó tự động lên 37% thì nó ngừng. Sau đó, bỏ một đầu vô lỗ tai thì cái máy đó bắn vô lỗ tai mình bốn cái tia nước, nó làm cho có bốn tia nước để xịt vô lỗ tai, làm cho cái ráy tai mềm hơn. Sau đó, máy hút nước và ráy tai ra trở lại . Đó là dụng cụ thứ nhất.

Thiết bị OTO-TIP.
Thiết bị OTO-TIP.

Dụng cụ thứ hai gọi là Oto Tip, cái đó giống Q Tip, nhưng mà mấy loại Q Tip này nếu đẩy vô thì mình đẩy cái ráy tai vô sâu hơn, có thể làm tai bị nhiễm trùng. Nếu muốn giải quyết vấn đề với những người thích làm sạch tai hàng ngày thì em mới làm cho cái Oto Tip nó giống hệt cái Q Tip nhưng nó quay chậm và kéo ráy tai ra thay vì đẩy thêm vô.”

Clear Ear và Oto Tip chỉ là hai sản phẩm đơn giản bên cạnh những thiết bị y khoa khác về tai mà Lily Trương làm ra cho công ty do co đồng sáng lập.

Tháng Mười Hai năm 2013, cùng với các bác sĩ và người đầu tư vào Claear Ear và nhóm thiện nguyện Healthy Scholars do Clear Ear lập ra, Lily Trương kể là cô và đoàn đã sang Ấn Độ, tới làng Vinar, mang sản phẩm Clear Ear đến với các em học sinh qua chương trình mang tên Health Screening Camp And Ear Cleaning. Được tiếp xúc, làm việc và giúp trẻ em thôn quê có đôi tai sạch sẽ là công việc hoàn toàn miễn phí mà Lily Trương rất thích. Cô dự định trở lại Ấn một lần nữa vào tháng Tám năm nay.

Bà Thu Hiền, người dì thường hướng dẫn và chia sẻ cùng Lily Trương những khó khăn vui buồn trong công việc, chính là người đã nhắc nhở cô về trẻ em Việt Nam:

“Khi mà Lily nói với tôi về cái project này cùng với một phái đoàn bác sĩ bên Mỹ qua bên Ấn Độ để mà khám tai cho các em, cái đó gọi là Health Screening Camp And Ear Cleaning For The Students, thì tôi có hỏi Lily là con có muốn về Việt Nam không tại vì trẻ em Việt Nam, học sinh Việt Nam rất cần những dịch vụ như thế này. Lily nói rằng chắc chắn sẽ về Việt Nam trong một ngày rất gần. Em đã đi Trung Quốc rồi và đã học tiếng Tàu để nói chuyện với các học sinh Tàu. Đối với Việt Nam, vì Lily nói tiếng Việt rành, thì chỉ một bước qua Việt Nam để có cơ hội phục vụ cho người Việt Nam vì chính em cũng là người Việt Nam.”

Để qua Ấn Độ, Lily Trương có một đối tác đầu tư là người Ấn Độ. Như vậy, để qua Việt Nam trong bước kế tiếp, cô tìm đối tác người Việt cho công ty Clear Ear và chương trình Healthy Scholars của mình:

“Em không chỉ tập trung vào Ấn Độ hay Mỹ , em rất thích làm chung với những đối tác thật tốt, tại có đối tác tốt mới làm được chuyện. Hơn nữa vì em là người Việt Nam nên em hy vọng có thể quay về đó để giúp người ở bên đó nữa. Em vẫn nghĩ em sẽ đem chương trình sức khỏe này đi quanh thế giới, nhưng đất nước Việt Nam rất gần gũi với em vì ba mẹ em ra đi từ đó.

Và vì ba cô là người Nha Trang, Lily thổ lộ, vì thế nơi chốn cô muốn trở về trước tiên là thành phố Nha Trang:

“Em thích nhất là đi tìm ý tưởng mới rồi làm cho nó thành công, thành sản phẩm mới về y khoa hay là về khoa học để giúp thay đổi cuộc sống của con người. Em thấy chỗ nào mà có học sinh thì em sẽ giúp được.

Má em luôn luôn nói là hãy đi theo cái đam mê của mình rồi tiền sẽ theo sau. Tại vì nếu mình chỉ để ý đến tiền thì mình sẽ không có đủ tâm trí để thành công, nhưng nếu mình yêu cái trách nhiệm của mình và mình có niềm đam mê thì mình mới qua được thử thách, mình sẽ hạnh phúc để làm việc suốt đời mình.”

Thanh Trúc vừa cống hiến đến quí vị câu chuyện của bạn trẻ Lily Trương và sản phẩm Clear Ear cũng như dự án thiện nguyện Healthy Scholars do cô sáng lập.

Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tới đây tạm ngưng. Thanh Trúc xin chào và hẹn lại quí vị sáng thứ Sáu tuần tới.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.