Người Việt ở Ba Lan: không hối lộ cảnh sát

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.11.20
Bài báo trên tờ Gazeta Wyborcza Bài báo trên tờ Gazeta Wyborcza
RFA

“ Sẽ Không Hối Lộ” là tựa đề một bài trên nhật báo Gazeta Wyborcza phát hành tại Warsaw, Ba Lan, số ra ngày 25 tháng Tám năm nay, liên quan đến hai người Việt Nam là anh Nguyễn Thanh Nam và anh Trần Mạnh, khởi kiện hai viên cảnh sát giao thông ra tòa vì tội đòi họ nộp tiền tiền hối lộ.

Thiệt thòi khi không thạo tiếng bản xứ

Bài báo của ký giả Aleksandra Szyllo đã khiến dư luận chú ý bởi nó rọi tia sáng vào tình trạng rất chung và rất khuất của người Việt ở Ba Lan bao năm qua, chuyện sẵn sàng nộp tiền cho cảnh sát khi bị chận lại trên đường để kiểm tra giấy tờ.

Người Việt không thạo tiếng Ba Lan, không thạo luật pháp, nói chung từ trước đến nay rất sợ liên quan đến giấy tờ tùy thân, sợ bị trục xuất về nước, sợ bị cảnh sát Ba Lan bắt nạt. Vì thế trên những con đường có nhiều người Việt qua lại, kể cả khi có những vi phạm rất nhỏ thôi, họ có thói quen là khi bị cảnh sát giữ thì họ muốn kết thúc nhanh nhất có thể, nạp cho cảnh sát số tiền mà cảnh sát đòi, gọi là nộp phạt, thì họ được đi và ít nhất không bị mất một ngày làm việc. Những câu chuyện như vậy xảy ra liên tục nhiều năm nay rồi nhưng không có người Việt nào dám chống lại hiện tượng đó.

Đó là lời cô Tôn Vân Anh, một cư dân Việt ở Ba Lan, thông thạo ngôn ngữ bản xứ và thường có những sinh hoạt xã hội được cộng đồng người Việt ở Warsaw biết tới.

Tháng Mười Hai năm 2012, chiếc ô tô chở 5 người Việt do anh Nguyễn Thanh Nam cầm lái, trên đường đến khu chợ có nhiều người Việt đang buôn bán ở Warsaw, bị hai cảnh sát Ba Lan chận lại để hỏi giấy tờ:

Người Việt không thạo tiếng Ba Lan, không thạo luật pháp, nói chung từ trước đến nay rất sợ liên quan đến giấy tờ tùy thân, sợ bị trục xuất về nước, sợ bị cảnh sát Ba Lan bắt nạt

Hôm ấy tôi là người lái xe, trên xe có 5 người, sau xe có một ít hàng người ta gởi, một vàì bao bỏ sau cốp thôi.

Đang đi trên đường thì có hai công an đi xe theo, giơ biển ra yêu cầu dừng xe. Kiểm tra thì tất cả mọi người đều có giấy tờ tùy thân đầy đủ cả.

Tuy nhiên khi thấy anh Nguyễn Thanh Nam sử dụng bằng lái xe của Việt Nam, dù đã được công chứng ở Ba Lan, cảnh sát vẫn phạt anh Nam 500 zloty, tên đơn vị tiền tệ Ba Lan mà người Việt Nam gọi là “zua”. Anh Nguyễn Thanh Nam chấp nhận trả số tiền phạt 500 zua này, trong lúc 3 người ngồi sau vì không cài dây an toàn thì bị phạt thêm mỗi người 100 zua:

Còn một số hàng đàng sau, là hàng hỏng chở đi trả và không có hóa đơn thì người ta phạt 1000 zua, tổng cộng là 1800 zua tiền Ba Lan, hồi đó là khoảng 600 đô. Họ đòi tiền mặt 1800 mà họ cũng không chịu viết hóa đơn.

Khi đó nhờ anh Trần Mạnh tương đối thạo tiếng Ba Lan và sau một hồi trao đổi thì:

Họ bảo với Trần Mạnh là nộp 1.000 zua thì cho đi nhưng mà bọn em vẫn không chịu, nói là đã nạp thì phải viết giấy phạt, nói lý do phạt.

Sau một lúc giằng co, hai người cảnh sát, một tên Tomasz M. và một tên Stefan G., yêu cầu anh Nam lái xe theo họ về đồn. Trên xe có anh Mạnh đi theo để thông dịch, ba người ngồi băng sau được thả cho bắt xe buýt đi tiếp:

Đi được nửa đường, hai người công an rẻ vô trong một cái hẻm, vẫn đòi đưa tiền phạt 1.000 zua còn không thì lấy hàng. Em vẫn chấp nhận cho lấy hàng nhưng họ không lấy hàng, họ chỉ đòi tiền mặt. Em không chịu bảo nạp phạt thì phải có hóa đơn.

Thấy không thể buộc anh Nam và anh Mạnh đưa tiền mặt, cảnh sát bảo hộ tiếp tục đi về đồn. Đến trụ sở, vì không đồng ý bỏ hết vật dụng cá nhân ra mặt bàn, anh Trần Mạnh bị túm áo và dí đầu xuống bàn cho đến khi làm theo lời họ. Anh Nguyễn Thanh Nam, sau khi để điện thoại, chìa khóa và ví tiền ra bàn thì bị nhốt chung vào phòng cách ly cùng với anh Trần Mạnh.

Biên bản có tên 2 nhân viên cảnh sát giao thông Ba Lan đòi anh Manh Tran và anh Nam Nguyen Thanh nộp tiền hối lộ
Biên bản có tên 2 nhân viên cảnh sát giao thông Ba Lan đòi anh Manh Tran và anh Nam Nguyen Thanh nộp tiền hối lộ

Vài phút sau, viên cảnh sát tên Tomasz vào phòng nói rằng nếu hai người không có tiền thì hãy gọi điện cho người quen mang tiền tới nộp. Số tiền phạt khi đó không còn là 1.000 mà được nâng lên thành 2.000 zua, nếu không chịu đóng thì bị giam đến ngày mai.

Riêng anh Trần Mạnh, được coi là đi theo để thông dịch giúp anh Nam, còn bị dọa là vì anh nằm trong danh sách những người bất hợp pháp nên nếu muốn được giúp đỡ thì phải nộp thêm 1.000 zua nữa:

Sau nói chung thì em bảo Mạnh thôi chấp nhận nộp phạt vì trong người không có điện thoại không có chi cả mà trong phòng thì lạnh. Chấp nhận nạp mỗi người một nghìn zua mà phải có hóa đơn nhưng người công an vẫn không chịu, bảo không có viết cái phiều gì hết.

Cảnh sát đã thành công trong việc bắt hai người nộp tiền phạt nhưng tiếp tục giữ họ lại trong phòng giam thêm một lúc nữa.

Tiếp đến, anh Nguyễn Thanh Nam được cho về trước, anh Trần Mạnh còn bị giữ lại một hồi lâu với lý do giấy tờ có vấn đề. Khi ra ngoài, anh Nam mới phát hiện ngoài số tiền phạt 2.000, cảnh sát còn lục ví lấy thêm của anh số tiền tương đương 100 đô la nữa:

Đòi hỏi hóa đơn mà không có thì phải chấp nhận. Lúc em ra thì em lấy ví và điện thoại với chìa khóa, trong ví em còn bốn năm trăm zua thì cũng bị lấy mất khoảng hai trăm rưỡi hay ba trăm gì đấy, khi người ta giữ ở ngoài người ta lấy mình không biết được. Sau Mạnh cũng bảo là Mạnh cũng bị móc mất mấy trăm zua.

Quyết định can đảm sáng suốt

Ức lòng vì bị nhân viên công lực hà hiếp, dọa nạt, anh Nguyễn Thanh Nam và anh Trần Mạnh gọi điện cho cô Tôn Vân Anh, một nhà hoạt động xã hội ở Ba Lan, thành viên của Hội Tự Do Ngôn Luận, một tổ chức phi chính phủ ở Ba Lan:

Kể cả khi có những vi phạm rất nhỏ thôi, họ có thói quen là khi bị cảnh sát giữ thì họ muốn kết thúc nhanh nhất có thể, nạp cho cảnh sát số tiền mà cảnh sát đòi, gọi là nộp phạt, thì họ được đi và ít nhất không bị mất một ngày làm việc

Nói chuyện với cô Vân Anh thì cô Vân Anh bảo điện lên Phòng Chống Tham Nhũng của Ba Lan, phòng pháp lý đấy. Nhờ cô Vân Anh điện lên đó thì mấy ngày sau bên Phòng Pháp Lý người ta mời Nam với Mạnh lên hỏi và lấy lời khai, mời lên mấy lần để điều tra.

Vụ kiện hai viên cảnh sát giao thông đòi hối lộ, mà người Việt ở Ba Lan gọi là “ăn bẩn”, ký giả Aleksandra Szyllo của nhật báo Gazeta Wyborcza tường thuật tiếp, khởi sự với một trong những người theo đuổi vụ kiện ngay từ đầu là cô Tôn Vân Anh:

Khi thấy các anh ấy tỏ ra quyết tâm muốn giải quyết việc này một cách rạch ròi thì tôi đã tìm sự hỗ trợ ở bạn bè và những người hoạt động. Trên hết tôi có hỏi quĩ La Strada mà tôi cũng là một thành viên làm việc trong đó. Bà xếp của tôi có hướng dẫn là liên hệ với một cơ quan chuyên giám sát những hoạt động của cảnh sát. Tôi đã dẫn hai anh Mạnh và anh Nam tới đồn cảnh sát đặc biệt chuyên theo dõi các vấn đề không hay hoặc là những mặt trái của ngành công an.

Tới đó chúng tôi được ban ngành này quan tâm và ngay lập tức lập biên bản, lấy lời khai. Sự việc được đưa lên tòa, các anh Nam và anh Mạnh vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng trong vụ việc xảy ra cuối tháng Mười Hai năm 2012.

Tại phiên tòa diễn ra tháng Tám năm nay, hai nhân viên cảnh sát giao thông Stefan và Tomasz bị phán quyết các tội danh hối lộ, lạm quyền nhưng nặng nhất là tội tước đoạt tự do của hai người Việt khi giam giữ họ trong phòng giam 30 phút. Chưa hết, cả hai còn bị tuyên phạt án treo và bị đình chỉ công tác:

Mức án tạm gọi rất là nhẹ nhưng chi tiết rất quan trọng là mặc dù trong quá trình hai năm liền theo phiên tòa và các anh đã phải thuê riêng luật sư người Ba Lan, phải trải qua rất nhiều khó khăn, các anh hoàn toàn có rất ít bằng chứng và kinh nghiệm trước tòa, thế nhưng chính vì việc các anh ấy tin tưởng vào pháp lý, vào tòa án của quốc gia dân chủ mà đã khiến cho các anh mạnh mẽ hơn trong việc trình bày trước tòa.

Trong quá trình hai năm đó tòa cũng có hỏi một vài nhân chứng trong đó có tôi. Tòa đã xem xét rất nhiều khía cạnh của câu chuyện và cuối cùng tuyên án bất lợi cho hai viên cảnh sát.

Xin được kể thêm là tại phiên tòa xử đơn thưa của bên nguyên là anh Nam và anh Mạnh thì thoạt đầu bên bị tức cành sát Stefan Grudzinski và Tomasz Matyjasek đã sử dụng quyền được từ chối giải trình vụ việc mà chỉ trả lời những câu hỏi do luật sư của họ đưa ra.

Những chi tiết thể hiện cái yếu thế của người Việt Nam, ít nhất trong mắt hai viên cảnh sát Ba Lan, là khi họ khai rằng không thể nhớ hai anh Nguyễn Thanh Nam và Trần Mạnh là ai bởi người Việt nào nhìn cũng giống nhau. Cả hai còn khẳng định người Việt ở Ba Lan thường dùng giấy tờ giả nên phải giữ lại để xác minh danh tánh, rằng vụ việc bị cô Tôn Vân Anh cố tình làm lớn chuyện vì cô ta không thích cảnh sát. Luật sư của bên bị kiện thậm chí còn nại lý do vì cô Vân Anh sẽ là nhân chứng sau này nên trong tư cách đó cô không thể có mặt trong phòng xử.

Với những luận cứ sắc bén, đúng luật, nhóm của cô Tôn Vân Anh và phía nguyên đơn đã thuyết phục quan tòa chú ý cũng như cân nhắc ý kiến giải trình của họ, đưa phiên tòa đến kết quả tốt đẹp sau cùng như đã nói. Anh Nguyễn Thanh Nam:

Hai người ni có làm giả một hóa đơn em nập phạt 500 zua tiền không có bằng đấy, thế nhưng chữ ký giả, coi như tự tạo chữ ký. Nên người làm giấy nớ thì bị hai năm tù, người kia hình như một năm mấy tháng.

Khi tòa cho nói lời sau cùng thì em cảm ơn công lý và pháp luật của Ba Lan là đúng việc, đúng người, đúng tội. Người ta thì ai cũng có sai lầm cả nên mong tòa xem xét và giảm nhẹ hình phạt để hai người công an có cơ hội làm lại.

Nói chung từ lúc em bắt đầu khởi kiện vụ án này đến giờ thì không phải nói điêu chứ từ khi nớ đến chừ rất ít người bị công an ăn bẩn. Từ khi khởi kiện đến giờ hầu như đi lại là người Việt Nam mình đỡ được cái khoản ấy, không có công an giựt kéo trừ trường hợp anh đi sai là anh phải chấp nhận thôi. Sau này thì nhà báo cũng mời em lên phỏng vấn để viết một bài trên báo Ba Lan. Nói chung cũng được người dân Ba Lan đọc, người dân Ba Lan quen biết trong chợ họ cũng chức mừng mình thắng vụ kiện này.

Nói chung từ lúc em bắt đầu khởi kiện vụ án này đến giờ thì không phải nói điêu chứ từ khi nớ đến chừ rất ít người bị công an ăn bẩn. Từ khi khởi kiện đến giờ hầu như đi lại là người Việt Nam mình đỡ được cái khoản ấy, không có công an giựt kéo

Anh Nguyễn Thanh Nam

Là người sinh sống tại Ba Lan hơn 30 năm nay, thường hoạt động xã hội và từng viết báo, anh Ngô Văn Tưởng cũng đồng ý phiên tòa đang nói tới ở đây có tác động tích cựcvà làm thay đổi cái não trạng sót lại từ trước:

Đây không phải lần đầu tiên mà năm 2009, tức là cách đây 5 năm, cảnh sát thành phố có thể nói là đã cướp tiền của một người Việt Nam buôn bán ở chợ Sân Vận Động. Người này cũng đi báo cảnh sát và hai cảnh sát thành phố bị đuổi việc. Tất nhiên ra tòa thì họ cũng phải bồi thường lại cho người Việt Nam.

Tôi nói đến vấn đề đấy là bởi vì sự hình thành cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan nó cũng gắn liền với việc Ba Lan xóa bỏ chế độ cộng sản và đi theo nền tảng dân chủ tự do. Sau năm 89-90 thì càng ngày càng nhiều người Việt Nam sang sinh sống ở Ba Lan, trong đó có những người đã từng cộng tác, học tập ở các nước chung quanh như nước Nga là Liên Xô cũ, hoặc Đông Đức hoặc Tiệp Khắc. Rất nhiều người sinh hoạt không có cơ sở pháp lý nào cả. Đó cũng là cơ sở để chúng ta thỉnh thoảng nghe thấy việc công an Ba Lan hay những lực lượng vũ trang khác như lính gác thành phố hay biên phòng có vẻ như bắt nạt hay là ăn hối lộ của người Việt.

Xuất phát từ cái đặc thù của cộng đồng Việt Nam từ trong nước đi ra là một ý, và thứ hai cũng phải nhắc lại ngành công an Ba Lan, một nước xã hội chủ nghĩa cũ, ngay khi chuyển đổi sang thể chế mới thì rất nhiều tàn du trong lực lượng vũ trang và biên phòng vẫn còn lại, kỷ luật kỷ cương không phải lúc nào cũng được như ở các nước Tây Âu hay ở Mỹ. Cộng lại với việc mà người Việt Nam muốn xuề xòa muốn được việc của mình mà hơn nữa làm việc ở đây không hợp pháp. Cảnh sát Ba Lan hay biên phòng Ba Lan sẵn sàng nhận tiền của người Việt Nam để bỏ qua những lỗi mà người Việt Nam phạm phải.

Điều quan trọng hơn nữa, mà anh Nguyễn Thanh Nam và anh Trần Mạnh thổ lộ với phóng viên tờ Gazeta Wyborczia, là từ vụ kiện được xử thắng mà niềm tin của hai người vào nền công lý và pháp luật của đất nước sở tại đã khôi phục. Cả hai người đều mong mỏi người Việt ở Ba Lan tin tưởng rằng quyền lợi của mình được bảo vê, không còn phải lo lắng và sống trong cảnh lúc nào cũng phải sẵn tiền đút lót khi bị cảnh sát chận hỏi giấy tờ.

Phải chăng một góc tối trong đời sống của người Việt ở Ba Lan, mà ai cũng biết nhưng không dám nói, nay đang dần hé lộ dưới ánh mặt trời? Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.