Xúc tiến luật cho phép hôn nhân đồng tính

Tại một cuộc hội thảo mới đây về vấn đề hôn nhân đồng giới, Bộ Tư Pháp Việt Nam loan báo rằng Luật Hôn Nhân Và Gia Đình ban hành từ năm 2000 có nhiều điểm bất cập, không sát với thực tế cuộc sống
Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2012.07.12
Cindy Thái Tài, người không dấu diểm mình đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ Cindy Thái Tài, người không dấu diểm mình đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ
Photo N.Long/yume.vn

vì thế việc sửa đỗi lần này tập trung vào vấn đề gây tranh cãi nhất là có nên tiếp tục cấm hôn nhân đồng tính hay không.

Luật Hôn Nhân Và Gia Đình của Việt Nam từ năm 2000, khoản 5 điều 10 qui định cấm hôn nhân đồng tính.

Đồng tính không phải là một chứng bệnh

Theo các viên chức Bộ Tư Pháp, xét về quyền tự do cá nhân thì sự kết hôn giữa hai người cùng giới tính cần được công nhận. Một thành viên trong ban soạn thảo Luật sửa đổi còn nhận định là mặc dù luật hiện hành không chấp nhận hôn phối giữa người cùng giới nhưng thực tế những đám cưới giữa người nam với người nam, người nữ với người nữ, đã và vẫn diễn ra mà thậm chí còn được tổ chức linh đình và đầy đủ lễ nghi, dưới sự chứng kiến của cha mẹ họ hàng bà con hai bên.  Phải chăng thực tế này khiến những người có trách nhiệm về mặt pháp luật cần nghĩ đến những qui định cụ thể hơn, một mặt không đi ngược truyền thống văn hóa, mặt khác dựa căn bản trên sự tôn trọng quyền tự do cá nhân.

Theo tiến sĩ Lê Quang Bình, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Xã Hội, Kinh Tế Và Môi Trường, gọi tắt là ISEE, người đồng tính xuất hiện ở mọi nền văn hóa, mọi tầng lớp, chiếm tỷ lệ xê xích 3 đến 5% dân số. Người đồng tính làm việc bình thường trong mọi ngành nghề. Ông nói nghiên cứu khoa học cho thấy đồng tính không phải là một chứng bệnh mà là một xu hướng tính dục tự nhiên như xu hướng dị tính và song tính.

...nghiên cứu khoa học cho thấy đồng tính không phải là một chứng bệnh mà là một xu hướng tính dục tự nhiên như xu hướng dị tính và song tính.

TS Lê Quang Bình

Đồng tính không phải là bệnh và gia đình hãy luôn luôn là chỗ dựa về tinh thần lớn nhất cho họ... (Ảnh minh họa)
Đồng tính không phải là bệnh và gia đình hãy luôn luôn là chỗ dựa về tinh thần lớn nhất cho họ... (Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Vẫn theo lời ông Lê Quang Bình, từ bao lâu nay những người được cho là khác người trong giới đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển đổi giới tính thường là những đối tượng bị kỳ thị và bị bị phân biệt đối xử.

Ngay khi bản tin có thể có luật cho phép người đồng tính kết hôn được đăng tải trên báo trong nước, một ký giả ở Hà Nội nói với Thanh Trúc cô thực sự ngạc nhiên và cảm kích về điều này:

Đây là một suy nghĩ rất mới và rất là mở. Chủ trương này tôi nghĩ là đúng đắn thôi bởi vì họ không làm ảnh hưởng đến người khác và không gây phiền toái cho người khác thì tôi nghĩ phải mở cho họ một con đường và tôi rất ủng hộ ý kiến này.

Không phải đây là lần đầu tiên vấn đề đồng tính luyến ái và hôn nhân giữa người cùng giới được công khai đề cập đến ở Việt Nam. Cách đây hơn hai năm chuyện này đã từng diễn ra ở quốc hội:

Em là Cindy Thái Tài, cách đây hơn hai năm thì quốc hội đã đưa trường hợp của em ra làm điển hình để muốn có sự thay đổi giấy tờ cho những người chuyển giới như em nhưng cuối cùng thì không thành.

Quí vị đang nghe Cindy Thái Tài, người không dấu diểm mình đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ theo  khuynh hướng  và khao khát tự nhiên của bản thân.Hiện Cindy Thái Tài là chuyên viên trang

Người nam yêu thương người cùng phái. Source medic-sex
Người nam yêu thương người cùng phái. Source medic-sex
Source medic-sex.net
điểm rất thành công ở Việt Nam:

Để mà thay đổi cái tư duy cái suy nghĩ của mọi người trong xã hội về những người như Cindy, những người tìm lại chính mình bằng sự quyết tâm của bản năng, thì Cindy nghĩ điều đó không đơn giản tí nào. Trước tiên Cindy phải đấu tranh với chính bản thân mình, phải vượt qua những rào cản của gia đình của xã hội và những sự kỳ thị.

Khi sinh ra Cindy là một đứa con gái bị nhốt trong cơ thể của một đứa bé trai. Không cần nói thì chắc chị và mọi người cũng hiểu điều đó không dễ dàng cho Cindy. Tại vì một người bình thường, ví dụ như chị đi, bây giờ Cindy muốn chị mặc đồ và cư xử như một người đàn ông, chị phải chịu như vậy trong vòng một ngày hay một tuần thì cảm xúc của chị như thế nào, chị có muốn hay không? Câu trả lời của Cindy là Cindy không muốn mặc đồ của người khác, phải đeo mặt nạ khi ra đường cũng như trong cuộc sống của mình. Cindy muốn làm đúng con người của mình là một đứa con gái khi bé và lớn lên là một người đàn bà, muốn tìm lại sửa lại cái cơ thể cho đúng với giới tính của mình. Bởi vì cơ thể là cơ thể của Cindy và Cindy chỉ muốn tìm lại chính mình thôi.

Không chỉ một mình Cindy Thái Tài, chịu hoàn cảnh bất ưng mà ngay cả người em trai cũng đồng cảnh ngộ. Trong sự chịu đựng và ức chế họ phải tìm lối thoát cho chính mình:

Cindy là người phải nói như thế nào nhỉ… nói đúng ra là một người điều chỉnh lại cơ thể mình cho phù  hợp với giới tính của mình. Cindy có một người em trai là người đồng tính. Tháng Hai vừa qua Cindy đã qua Đức dự đám cưới của cậu ta với một thanh niên người Đức. Cindy cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy em mình được sống với người mình yêu thương. Những người bình thường họ hạnh phúc như thế nào trong ngày quan trọng của họ thì người đồng giới khi được sánh đôi cùng nhau trên đường phố hoặc là được kết hôn thì niềm hạnh phúc đó nhân lên gấp trăm gấp ngàn lần hơn người bình thường khác.

Những người bình thường họ hạnh phúc như thế nào trong ngày quan trọng của họ thì người đồng giới khi được sánh đôi cùng nhau trên đường phố hoặc là được kết hôn thì niềm hạnh phúc đó nhân lên gấp trăm gấp ngàn lần hơn người bình thường

Cindy Thái Tài

Cindy vẫn chờ và những người như Cindy vẫn chờ, mong rằng một ngày nào đó sẽ có một luật thay đổi giấy tờ cho Cindy để chứng minh bây giờ Cindy đã là phụ nữ và có thể xã hội, nhà nước, luật pháp chấp thuận cho Cindy được phép kết hôn với người mình yêu.

Cần một cái nhìn khách quan và dung hòa

Những đau khổ hay thiệt thòi mà người đồng tính phải chịu đựng, những lời ong tiếng ve những sự dè bỉu của người

Cindy Thái Tài đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Courtesy netlife
Cindy Thái Tài đã chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Courtesy netlife
Courtesy netlife
chung quanh  là chuyện mà xã hội, báo chí, những cơ quan nghiên cứu những tổ chức tâm lý xã hội đề cập tới rất nhiều bao năm qua. Có lẽ điều cần tìm hiểu rõ hơn ở đây là khía cạnh pháp lý và tư duy từ những người có thẩm quyền có trách nhiệm và có cái nhìn khách quan hoặc dung hòa trước vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân giữa người đồng giới, một quan điểm được coi là táo bạo trong xã hội Việt Nam tính đến lúc này.

Theo ông Phạm Quốc Anh, chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam, tiếp tục cấm đoán  những cuộc hôn nhân đồng tính là không phù hợp với xu thế quốc tế. Ông nói việc này không thể khuyến khích nhưng trong khi sửa đổi Luật Gia Đình Và Hôn Nhân thì nên có những qui định nới hơn và phù hợp hơn.

Trong khi đó, nguyên vụ trưởng Vụ Trợ Giúp Pháp Lý thuộc Bộ Tư Pháp, tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, cho rằng thực tế đã chứng minh nhu cầu chung sống và lập gia đình của người đồng giới,  nếu tiếp tục cấm cản thì có nghĩa  là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân không được pháp luật bảo vệ.

Chính vì thế, tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý khẳng định, cho phép người đồng giới kết hôn thì mới có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn và hiểu biết rõ hơn việc chung sống như thế có bảo đảm về mặt sức khỏe và hạnh phúc gia đình hay không.

Có lẽ điều cần tìm hiểu rõ hơn ở đây là khía cạnh pháp lý và tư duy từ những người có thẩm quyền có trách nhiệm và có cái nhìn khách quan hoặc dung hòa trước vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân giữa người đồng giới, một quan điểm được coi là táo bạo trong xã hội Việt Nam tính đến lúc này.

Ý kiến này phần nào phản ảnh suy nghĩ của người trong cuộc, Cindy Thái Tài:

Nếu như luật pháp cho ra cái luật về hôn nhân đồng tính thì điều đó rất tốt ví ít ra những người đồng tính sẽ được chính thức hợp pháp với người mình yêu thương, và cái quan trọng hơn nữa là nhà nước có thể quản lý họ.

Sau khi có tin Bộ Tư Pháp đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan về nội dung cần sửa đổi trong Luật Hôn Nhân Và Gia Đình năm 2000, Viện Nghiên Cứu Xã Hội, Kinh Tế và Môi Trường liền tiến hành một cuộc khảo sát với kết quả 71,1% người đồng tính mong muốn được luật pháp thừa nhận và cho phép hôn nhân đồng tính.

Tự giới thiệu mình không phải người đồng tính nhưng hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Bộ Tư Pháp, từ Hà Nội bạn Vũ Thành Long chia sẻ:

Em cũng là một nhà nghiên cứu về xã hội, mảng mà em nghiên cứu chuyên tâm là mảng về giới, về vấn đề bình đẳng giới, về những vấn đề xã hội khác như HIV/AIDS.

Về mảng hôn nhân đồng tính thì nói thực lòng em không chuyên lắm nhưng theo quan điểm của em về chuyện nhà nước mình thảo luận để ra luật công nhận hôn nhân đồng tính  là một điều tốt. Theo như các nước khác thì cũng có một số nơi người ta bắt đầu công nhân hôn nhân đồng tính giữa nam với nam hay giữa nữ với nữ. Nếu nước mình có một bước tiến như thế thì rất là hay. Em không rõ liệu người ta có thể quản lý được hôn nhân nam với nam và nữ với nữ ở mức độ cao hơn hay là không, nhưng em nghĩ nếu như cái hôn nhân đó được pháp luật đứng ra bảo hộ thì những vấn đề như bạo lực  gia đình hoặc những vấn đề quyền lợi trước mắt về mặt pháp luật giữa hai người đấy được bảo vệ nhiều hơn.

Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu của mình, Vũ Thành Long còn phân tích thêm về một hệ lụy mà ít ai nghĩ tới nếu cứ tiếp tục coi hôn nhân đồng tính là bất hợp pháp:

...khi mà sự kỳ thị về những người có HIV còn rất là nặng đến nỗi những người có HIV không dám bộc lộ không dám thưa nhận tình trạng có HIV của mình. Họ vẫn tiếp tục quan hệ với những người khác một cách bình thường như là họ không bị HIV, dẫn đến chuyện lây lan HIV nhiều hơn.

anh Vũ Thành Long

Cũng giống như nhiều năm trước khi mà sự kỳ thị về những người có HIV còn rất là nặng đến nỗi những người có HIV không dám bộc lộ không dám thưa nhận tình trạng có HIV của mình. Họ vẫn tiếp tục quan hệ với những người khác một cách bình thường như là họ không bị HIV, dẫn đến chuyện lây lan HIV nhiều hơn. Thì bây giờ chuyện gần như là tương tự như vậy giữa những người có chuyện quan hệ tình dục đồng giới chẳng hạn. Họ rất lo ngại xã hội phán xét về đạo đức về lối sống và người ta cứ phải khép mình lại không dám bộc lộ cái giới tính của họ ra. Có thể họ vẫn tiếp tục quan hệ với cả nam giới và nữ giới , với bạn gái hoặc lập gia đình chẳng hạn . Những cái đó kéo theo một hệ lụy khác,  thứ nhất là về tâm lý của bản thân họ, rồi thì tâm lý cho bạn đồng tính hoặc bạn khác giới tính của họ một khi vấn đề vỡ lở ra chẳng hạn, hoặc là vấn đề về gia đình và rất nhiều thứ khác.

Nếu nhẹ nhàng hơn, thoáng hơn và chấp nhận hơn thì người ta có thể đảm bảo được cái chuyện là quyền được thỏa mãn nhu cầu tình dục quyền được yêu thương của những người đồng tính sẽ tốt đẹp hơn. Đối với là người làm nghiên cứu về mảng giới hay là giới tính thì nếu bộ luật ấy ra đời thì rõ ràng đó là cái nhìn và sự công nhận chính thống từ nhà nước, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của nhà nước mình.

Sự phát triển văn minh ở mức độ cao hơn của xã hội

Góp tiếng với Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, giám đốc Trung Tâm Dư Luận Xã Hội thuộc Viện Xã Hội Học, ông Trình Hòa Bình, phát biểu:

Nếu mà thừa nhận tốt hơn cấm đoán là ý muốn thừa nhận một cái thực tế không thể chối bỏ. Không chỉ là những ý tưởng đơn lẻ mà gần đây cái xu hướng tình dục rồi hôn nhân đồng tính càng ngày càng nhiều hơn lên nếu không muốn dùng chữ phổ quát.

Ở đây nó liên quan đến việc gọi là quyền con người. Vấn đề quyền con người ở xã hội Việt Nam là vấn đề rất nhậy cảm và trong một thời gian dài thì Việt Nam rất ngại bàn cãi đến vấn đề nhân quyền với quyền con người.

Nhưng trong ánh sáng của giai đoạn lịch sử mới thì Việt Nam không ngại đề cập đến vấn đề đó nữa bởi vì bây giờ là hội nhập và mở cửa, và một luật chơi chung của thế giới hiện đại chúng tôi cũng phải thừa nhận.

Nếu mà thừa nhận tốt hơn cấm đoán là ý muốn thừa nhận một cái thực tế không thể chối bỏ. Không chỉ là những ý tưởng đơn lẻ mà gần đây cái xu hướng tình dục rồi hôn nhân đồng tính càng ngày càng nhiều hơn lên nếu không muốn dùng chữ phổ quát.

ông Trình Hòa Bình

Ông Trịnh Hòa Bình nói tiếp là việc có những gợi ý, những kiến giải và bình luận của các nhà khoa học và các nhà  làm luật về vấn đề luật chấp nhận hôn nhân đồng tính có thể được xem là những tín hiệu mới, cho thấy việc triển khai những bộ luật như vậy sẽ khách quan hơn, cập nhât hơn, đồng thời thể hiện sự phát triển văn minh hơn và ở mức độ cao hơn của xã hội:

Bằng những tiếp cận định tính  bằng những khảo sát ở cấp cá nhân chúng tôi cũng thấy rằng số lượng người dân đồng tình với ý kiến này cũng là đáng kể, và càng đáng kể hơn nữa ngay trong bộ phận xã hội thường khát khao vươn đến  trạng thái hôn nhân đồng tính như vậy.

Được hỏi ông  dự kiến là điều khoản chấp nhận hôn nhân giữa hai người đồng giới,  trong bộ Luật Hôn Nhân Và Gia Đình được sửa đỗi, có gặp kháo khăn nào không, giám đốc Trung Tâm Dư Luận Xã Hội Viện Xã Hội Học thận trọng giải thích:

Qúa trình chuyển đổi, thậm chí thay đổi ở mức khá căn bản xung quanh quan điểm thưa nhận hay không thừa nhận đồng tính là câu chuyện dài có tính lịch sử. Tôi cho rằng không phải dễ gì đi đến sự thay đổi nó quá lớn như vậy mà nó liên quan đến tập quán của cả cộng đồng, thế rồi những vấn đề tôi cho là nhậy cảm về mặt chính trị về mặt nhân quyền,  những giềng mối phức hợp về phương diện văn hóa, tinh thần. Tôi không dùng chữ lạc quan nhưng tôi không tin chắc sự thay đổi đó diễn ra thật nhanh được. Đương nhiên khi có sự thay đổi lớn lao như vậy thì cái sức ì, cái lực cản nó vẫn có ở đâu đó và có ngay trong cộng đồng của dân cư của nhóm những người quản lý cộng đồng. Ở đây còn có hiện tượng như thế này, rất nhiều người khối kẻ sẵn sàng nói dễ dãi trên diễn đàn này diễn đàn khác trong trao đổi cá nhân, thế nhưng trong hoạt động hàng ngày sự kỳ thị, dè bỉu, khu biệt với nhóm cộng đồng nhỏ kia nó vẫn hiện hữu, đặc biệt trong cái văn hóa chịu ảnh hưởng Á Đông và Nho giáo như chúng tôi.

Số liệu do Ban Soạn Thảo Sửa Luật Hôn Nhân Và Gia Đình đưa ra trước buổi hội thảo về hôn nhân đồng tính cho thấy  đã có mười chín quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhân kết hôn đồng giới. Một thành  viên trong ban soạn thảo, bà Ngô Thị Hường, Đại Học Luật Khoa Hà Nội, cho rằng Việt Nam nên cho phép người đồng tính chung sống hợp pháp và cần có qui định luật pháp để bảo vệ quyền lợi một khi người đồng tính không còn chung sống với nhau nữa.

Câu chuyện hôm nay tạm chấm dứt ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.