Phụ nữ Việt tại Trung tâm cai nghiện bên Lào

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.01.08
Phụ nữ Lào và Việt Nam trong Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Nhân Phẩm Somsanga ở Lào.  Phụ nữ Lào và Việt Nam trong Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Nhân Phẩm Somsanga ở Lào.
Hình do bà Jackie Bong cung cấp

Cuộc sống bi đát trong trại cai nghiện

Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Nhân Phẩm Somsanga, nằm cách thủ đô Vientiane chừng 45 phút đường xe chạy, là nơi tập trung khoảng 1500 người nghiện ma túy ở nước Lào, trong đó 100 là phái nữ, và 1/3 trong số 100 đó là người Việt Nam:

Từ 14, 15 tuổi, học trung học nó bắt đầu hút rồi, rồi cha mẹ bỏ vào trong đó để cai nghiện. Người lớn có một bà 70 tuổi… .

Đó là lời bà Jackie Bông Wright, một nhà hoạt động xã hội tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, mà trong hai năm cùng chồng sang làm việc trong tòa đại sứ Mỹ tại Vientiane bà có điều kiện và cơ hội tiếp xúc giúp đỡ cách riêng những phụ nữ Việt nghiện ma túy bị đưa vào Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Somsanga ở Lào từ 2012 đến gần hết 2014.

Được cái may nhờ người chồng, ông Wright, sang Lào làm việc về Law Enforcement With Narcotics, Cơ Quan Chấp Pháp Chống Ma Túy trong đại sứ quán Mỹ, bà Jackie Bông mới biết đến Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Somsanga, biết là có phụ nữ Việt trong trung tâm này.

Không chỉ các thiếu nữ Việt mà cha mẹ sinh sống tại Lào, ma túy cũng chẳng tha những công nhân nữ di dân hoặc tự nguyện sang Lào lao động kiếm tiền mà hoàn cảnh đưa đẩy biến họ thành gái mãi dâm hoặc nô lệ của amphetamine, loại thuốc gây nghiện vô cùng phổ biến, gọi theo tiếng Lào hay tiếng Thái là “yaba”. Họ là những người trong độ tuổi ngoài 20 trở lên, bà Jackie Bông kể tiếp:

Ở đó có 1.500 người toàn những người trẻ Lào, một số người Việt Nam cũng bị vô trong đó. Nhiều người nghiện amphetamine là thuốc bây giờ bành trướng nhiều nhất và rất là rẻ. Chỉ một viên amphetamine mà làm tệ hại đầu óc của những phụ nữ đó. Người nghiện opium thuốc phiện hay nghiện yaba thì bị nhà cầm quyền Lào bắt vào trại, vào trong đó cho người ta bỏ nghiện rồi, huấn luyện cho người ta trở thành người tốt.

Mấy cô sống chung với chó, với mèo, với chuột, với gián. Vào trong đó rồi là khóa cửa không được đi ra ngoài, không đàng hoàng thì cũng bị đánh đập...Hội Phụ Nữ Quốc Tế chúng tôi vào vào thăm mà thấy dơ bẩn không chịu nỗi, toa lét khai rình vì không có nước.

bà Jackie Bông

Tiếng là cai nghiện và được phục hồi nhân phẩm, bà Jackie Bông nói tiếp, thế nhưng cuộc sống của hai trăm phụ nữ vừa Lào vừa Việt trong trại Somsanga là những chuỗi ngày vô vọng trong một môi trường bẩn thỉu, mất vệ sinh, chưa kể bị bạc đãi, bị đánh đập thường xuyên. Tắt một lời, họ không phải học viên cai nghiện mà là tù nhân không hơn không kém:

Trong đó không có làm gì hết, cả ngày không biết làm gì hết , rồi gây lộn đánh lôn với nhau thì lính trong đó mấy người quản lý trong đó đánh .

Chúng tôi đi xin mấy cái hãng xưởng gần đó nào là vải, kim, chỉ đủ thứ hết. Rồi chúng tôi vào trong những khách sạn lớn để xin xà bông, xin bàn chải đánh răng, xin gối để mang vào cho họ tại mấy người đó nằm trong những cái giường dơ bẩn, nhiều khi nằm dưới đất.

Mấy cô sống chung với chó, với mèo, với chuột, với gián. Vào trong đó rồi là khóa cửa không được đi ra ngoài, không đàng hoàng thì cũng bị đánh đập .

Hội Phụ Nữ Quốc Tế chúng tôi vào vào thăm mà thấy dơ bẩn không chịu nỗi, toa lét khai rình vì không có nước. Ông xã tôi nhờ một NGO khác bỏ ra chi phí đào bốn cái giếng để cho mấy người đó có nước đem vô tắm rửa này kia còn không thì dơ bẩn ghê lắm.

Để có thể tiến hành công việc giúp đỡ đều đặn, bà Jackie Bông mời gọi những phụ nữ ngoại quốc thuộc tổ chức NGO quốc tế Women International Group, gọi tắt là WIG, đã có mặt trước đó ở Lào. Và để có chi phí trang trải, bà Jackie Bông cùng hội Women International Group đứng ta tổ chức những buổi gây quĩ để có thể thực hiện những chuyến thăm viếng sinh hoạt một tuần hai ngày:

Mỗi một xứ đều có một Women International Group tự lập ra rồi tự làm việc xã hội. Có người Anh, người Đức, người Đại Hàn, người Nhật. Mỗi bữa thứ Hai và thứ Năm chúng tôi vào trong đó. Hồi tôi qua tuy là tôi làm việc trong tòa đại sứ mà khi nghe có cái trung tâm đó thì tôi xin tòa đại sứ cho tôi một ngày và ngày đó là ngày làm việc xã hội với bên ngoài.

Tôi là Community Liaison Officer Nhân Viên Liên Lạc Cộng Đồng, tôi chuyên tổ chức những events những sinh hoạt trong tòa đại sứ Mỹ thành ra tôi cũng đi liên hệ với những cơ quan chánh quyền cũng như những tòa đại sứ khác. Được tòa đại sứ Mỹ cho tôi một chiếc xe, tôi đi rước hết tất cả mấy bà trong Women International Group rồi sáng sớm 8 giờ là đi tới 12 giờ về. Phải biết bên Lào đường đường đất không hà, khi trời mưa xe nhỏ không có đi vô được, phải đi xe van mới được.  Mỗi tuần có hai ngày, chúng tôi vào ngày thứ Hai và ngày thứ Năm, trong hai năm trời tôi sinh hoạt với họ.

Hồi tôi đi nghĩa là tôi khóc khóc vậy đó. Cái cảm xúc mạnh nhất đối với tôi là tạo một niềm hy vọng cho họ. Với những người đó, vào trong tù là vào trong chỗ đen tối, người ta bị bạc đãi, người ta bị đánh đập. Khi chúng tôi tới thì những nhân viên quản giáo hay những người coi tù nhân cũng nhẹ tay hơn

bà Jackie Bông

Giúp đỡ cải thiện sinh hoạt

Chỉ một ít lâu đến với những phụ nữ Việt và Lào trong Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Somsanga, nơi ăn chốn ở nhớp nháp của khu vực nữ được sơn sửa tân trang lại, mọi người được khuyến khích học tập và sinh hoạt theo một lịch trình bận rộn hơn:

Chúng tôi dạy họ làm bánh, dạy họ nấu ăn, dạy họ may vá, thêu, dạy họ vẽ. Trong phòng nhà bếp rất rộng thành ra chúng tôi cho họ cả trăm cái lockers ngăn khóa để bỏ đồ riêng, còn không trước kia là mạnh ai nấy để, chuột mèo chun vô, chó chun vô ….mạnh ai nấy sống trong nhà bếp trong phòng ngủ cũng như mấy đứa chó mèo chuột đó.

Nhưng sự giúp đỡ về vật chất như vậy chưa thể gọi là đủ, bà Jackie Bông khẳng định, bởi đối với những người chẳng may vướng vào đường nghiện ngập thì giáo dục tâm lý và hướng dẫn nhân cách là công việc quan trọng nhất:

Người ta bị đánh đập bị ờ tù mà. Thường thường có một người counselor nhân viên tư vấn người Lào để cải huấn họ, còn mình khuyên họ ráng học nghề để khi nào ra thì có thể tự lập chứ khôngđể bị lệ thuộc vào gia đình hay lệ thuộc đàn ông, mỉnh luôn luôn đề cao tự lập.

Cá nhân tôi dạy họ line dancing mà họ thích thật là thích tại vì nó lạ mà nó vui vẻ. Rồi tôi dạy họ yoga, khí công, trước khi đi về 15 phút thì ngồi tham thiền . Tôi luôn kêu gọi mấy người phải tập khí công mỗi ngày, tôi để lại những băng nhạc cho người ta múa hát cho vui, thành ra mấy người đó phải thực hành. Còn những bà phụ nữ quốc tế thì mỗi người có một tài năng, mỗi người thay phiên nhau dạy làm bánh, dạy Anh văn, dạy họ hát nữa. Trong 4 tiếng đồng hồ là chúng tôi dạy những việc đó.

Hai năm sinh hoạt với những phụ nữ trong Trung Tâm Cai Nghiện Và Phục Hồi Somsanga, trong đó một phần ba là phụ nữ Việt, bà Jackie Bông không dấu được sự lưu luyến khi chia tay:

Hồi tôi đi nghĩa là tôi khóc khóc vậy đó. Cái cảm xúc mạnh nhất đối với tôi là tạo một niềm hy vọng cho họ. Với những người đó, vào trong tù là vào trong chỗ đen tối, người ta bị bạc đãi, người ta bị đánh đập. Khi chúng tôi tới thì những nhân viên quản giáo hay những người coi tù nhân cũng nhẹ tay hơn. Chúng tôi nói chuyện nhiều với những người đó. Khi chúng tôi làm bánh chúng tôi cũng cho mấy người đó ăn và trong lúc ăn chúng tôi nói với họ về những luật lệ, về nhân quyền, nhân phẩm, về phải đối đãi với họ tử tế .Chúng tôi đem lại niềm hy vọng cho tất cả những người tù cũng như những người giữ tù, họ không bị bạc đãi như lúc trước.

Đem lại cho họ niềm vui, cho họ thấy một con đường sáng lạn khi ra khỏi nhà tù đó chính là niềm vui sâu sắc trong lòng tôi.

Khi tôi về thì có một bà người Thái Lan mà chồng cũng làm việc trong tòa đại sứ, tôi giao cho bà thế tôi để điều hợp tất cả và bà cứ liên hệ với tôi. Hai tuần thì bà báo cáo cho tôi biết tin tức, thành ra tôi vẫn giữ liên hệ và có gì cần thì tôi giúp.

Vừa rồi là câu chuyện về những phụ nữ Việt Nam đang cai nghiện ma túy tại một trung tâm trên đất nước Lào, bên cạnh những người phụ nữ bản xứ cũng bị nghiện ngập và cần được giúp đỡ như họ.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào, xin hẹn lại quí vị tuần tới.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : nguyent@rfa.org

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.