Xung quanh việc Hội Địa lý Mỹ in sai bản đồ Hoàng Sa

Gần đây, báo chí cũng như nhiều diễn đàn và trang blog cá nhân đều lên tiếng phản đối việc Hội Địa lý Hoa Kỳ in sai bản đồ với ghi chú quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Nhật Hiên, thông tín viên RFA
2010.03.18
Trên bản đồ Google thì chỉ ghi Hoàng Sa và không chú thích. Trên bản đồ Google thì chỉ ghi Hoàng Sa và không chú thích.
Photo courtesy of Google

Sự việc Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society, NGS) ghi chú chữ “China” dưới địa danh quần đảo Hoàng Sa (nguyên văn “Xisha Qundao (Paracel Is.), China)– thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ – trong các bản đồ thế giới do họ ấn hành mới đây là vấn đề “nóng” trong dư luận những ngày vừa qua. Nếu theo dõi báo chí chính thống trong nước cũng như các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân…qua sự việc này, một lần nữa, chúng ta lại nhận ra nhiều điều.

Tinh thần yêu nước

Góp một tiếng nói trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là điều đáng hoan nghênh.

Blogger Mr. Do

Đối với người dân Việt Nam, dù đang sống ở trong hay ngoài nước, dù quan điểm chính trị khác nhau như thế nào, thì tình yêu đối với Tổ Quốc, sự quan tâm sâu sắc đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là trên hết. Khi phát hiện ra sự việc, một nhóm người dân Việt Nam đang sống ở nước ngoài đã ngay lập tức gửi thư đến báo chí trong nước cũng như trang bauxite vietnam để đăng lên rộng rãi cho mọi người trong và ngoài nước cùng biết, đồng thời viết một lá thư khuyến cáo khẩn cấp, gửi đến ông Chủ biên của Tập san National Geographic (NG), đề nghị ông xem xét loại bỏ việc ghi chú này vì không đúng sự thật. Bên cạnh đó, họ cũng đã gửi một thư kiến nghị khác đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đảng và Nhà nước Việt Nam có hành động chính thức phản đối công khai với National Geographic Society và trước cộng đồng quốc tế.

Blogger Mr. Do viết về tấm lòng yêu nước, thiết tha với vận mệnh đất nước của nhóm người phát hiện ra sự việc này: “Hôm qua và hôm nay, nhóm bạn đọc đầy trách nhiệm với tổ quốc ở trên đã gửi cho tôi những lời lẽ đầy tâm huyết. Họ-đang ở Úc - mong rằng báo chí và các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng như người Việt khắp năm châu hãy cùng lên tiếng.”

Trong một email, anh Nguyễn Hùng viết: “Tất cả dân Việt cần phải đặt sự an nguy của Tổ Quốc trên và trước tất quyền lọi cá nhân hay phe nhóm. Mất tổ quốc thì dầu cho chúng ta có mọi thứ thì cũng coi như không...

Bản đồ thế giới chú thích quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Photo: National Geographic Society
Bản đồ thế giới chú thích quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Photo: National Geographic Society
Mong anh liên lạc với các cơ quan truyền thông bạn trong nước để tin này được phổ biến rộng rãi tạo lên phong trào tuyên bố chủ quyền trong nước cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một việc mà toàn dân có thể làm và công khai lên tiếng vì chủ quyền biển đảo chống lại một tổ chức tại nước Mỹ.”

Đáp lại, trang bauxite vietnam đã nói lên quan điểm của mình trong lời dẫn khi đăng tải các bức thư này: “Quan điểm của Bauxite Việt Nam cũng đồng điệu với quan điểm của bất kỳ một người Việt nào có ý thức chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bauxite Việt Nam không những cực lực phản đối thái độ, hành vi hống hách, khiêu khích, trịch thượng của chính quyền Trung Quốc đối với lãnh thổ, ngư dân của Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam mà còn không tán thành với bất cứ quan điểm nào đề cập sai lệch sự thật về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì thế, Bauxite Việt Nam sẽ có một bức thư chính thức gửi đến Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ về sự sai sót này của họ.

Đồng tình với quan điểm cũng như góp ý của các ông Phùng Liên Đoàn, Lê Xuân Khoa và Thái Văn Cầu, chúng ta cần phải tỏ thái độ dứt khoát, nhưng phải dựa trên những chứng cứ xác thực có tính học thuật để có thể thuyết phục được những tổ chức nổi tiếng như NGS thay đổi quan điểm của họ.”

Cũng ngay tức thời, một trang thỉnh nguyện thư được lập ra để mọi người dân Việt Nam có thể ký tên phản đối sự việc vả gửi đến cho NGS. Chỉ trong vòng có mấy ngày, đã có hàng ngàn người ở khắp nơi trên thế giới tham gia.

Phản ứng của báo chí và chính quyền

Về phía báo chí chính thống, báo Thanh Niên là tờ báo lên tiếng đầu tiên và sau đó thì các báo khác cũng lên tiếng nhưng cũng có báo hoặc chỉ đăng lá thư phản đối của nhóm người bên Úc mà không trực tiếp bày tỏ ý kiến hoặc có báo thì làm chiếu lệ như blogger Mr.Do đã vạch ra: “Bài này trên báo CAND là một món lẩu thập cẩm được chế biến bằng nguyên liệu lấy từ các báo VN khác, thậm chí cóp nguyên cả câu (thậm chí một lần nữa: cóp nguyên cả hình do báo khác đã xử lý) rồi dán vào, chỗ này một ít chỗ kia một ít, thành ra bài của mình, ghi thêm chữ ‘tổng hợp’ phía sau là ổn. (Cụ thể trong bài này: Phần đầu cóp từ Thanh Niên, phần thứ hai cóp từ Tuổi Trẻ, phần thứ ba cóp từ TTXVN - phần thứ ba thì ai cũng thế cả).

Tất cả dân Việt cần phải đặt sự an nguy của Tổ Quốc trên và trước tất quyền lọi cá nhân hay phe nhóm. Mất tổ quốc thì dầu cho chúng ta có mọi thứ thì cũng coi như không.

Anh Nguyễn Hùng

Góp một tiếng nói trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là điều đáng hoan nghênh. Nhưng có một điều tôi cảm nhận, đó là, tờ báo này và một số tờ báo tương tự thường rất máu, rất chủ động, rất quyết liệt trong việc tầm diệt kẻ thù của chế độ, nhưng trong việc chống lại kẻ thù của tổ quốc thì họ rất thụ động, rất nhẹ tay và làm được chăng hay chớ.”

Có lẽ do bức xúc, nôn nóng trước sự việc, chỉ vài ngày sau báo Pháp luật đã cho đăng bài phía Mỹ đã sửa sai chi tiết không đúng này trên bản đồ châu Á, một số báo trang mạng khác như bee.net.vn, thậm chí đài RFI cũng đưa tin này. Ngay sau đó phóng biên Đoan Trang của báo Pháp luật tức blogger Trang The Ridiculuos đã phải viết bài cáo lỗi trên trang blog của mình: ‘Việc đưa tin NGS đã sửa sai là lỗi nghiêm trọng của tôi. Trên thực tế, đường link mà các báo dẫn là link vào bản đồ thế giới đăng tải trên NGS. Bản đồ này đến thời điểm này (9h sáng 14/3, giờ Hà Nội) vẫn ghi chú Hoàng Sa là ‘Xisha Qundao (China)’ tức: ‘Tây Sa quần đảo (Trung Quốc)’.

Còn bản đồ mà tôi đề cập là bản đồ châu Á của NGS: Bản đồ này ghi chú: ‘Xisha Qundao (Paracel Is.) administered by China, claimed by Vietnam’, nghĩa là: ‘Tây Sa (Hoàng Sa) được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền’. Khi viết bài tôi đã chỉ tham khảo bản đồ này, dòng chữ in đỏ nổi bật khiến tôi suy đoán là đã có sự thay đổi.

Bất luận lý do gì, đây hoàn toàn là lỗi của tôi. Sự thực là NGS chưa sửa lại chi tiết sai trên bản đồ thế giới mà các báo đã đề cập.”

Trong khi đó phản ứng của Nhà nước Việt Nam ra sao? Sau vài ngày thì Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng nhưng với một tinh thần như lời bình của anhbasam: “Vậy là Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã lên tiếng, trong chương trình Thời sự 19h, với vẻn vẹn 2 câu: chủ quyền không thể tranh cãi, và yêu cầu NGS sửa lại bản đồ. Và TTXVN cũng đã đưa: VN khẳng định Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ ‘sai’.

Trái bóng hiện đã sang chân NGS. Hy vọng tổ chức nầy không tuyên bố rằng đã hỏi ý kiến các bên hữu quan, nhưng phía VN lại … im, nên họ mới mặc nhiên ghi tên “China” theo yêu cầu của phía Trung Quốc” . Blogger Mr. Do cũng bình về toàn văn tuyên bố rất ngắn này của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam: “Hơi yếu, nhưng có còn hơn không.”

Xin hãy ghi nhận thêm một này giỗ những người con của Tổ Quốc đã hy sinh trong trận chiến chống lại quân đội của Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa.

GS Vũ Cao Đàm

Không có gì đáng ngạc nhiên, từ bao lâu nay thái độ của nhà nước Việt Nam trong những vụ việc liên quan đến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, từ chuyện ngư dân bị tàu Trung Quốc đánh chìm, cướp bóc đối xử tàn tệ cho đến những tranh chấp chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải hay cuộc chiến tranh Việt Trung năm 1979… luôn luôn ở thế yếu, khác hẳn với sự mạnh bạo, lớn tiếng, bằng mọi cách hướng dân dư luận trong nước và quốc tế theo kiểu “cả vú lấp miệng em”của phía chính quyền Trung Quốc.  Người dân do vậy càng thêm bức xúc.

Trang bauxite vietnam nói về điều này: “Nhân sự kiện sai sót của NGS này, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Trên nhiều vấn đề có ý nghĩa quốc sách, về đối nội cũng như đối ngoại, chúng tôi nghĩ, chủ trương của Nhà nước cần phải nhất quán, có tầm nhìn xa, có tính chiến lược, được hoạch định một cách rõ ràng và cụ thể hơn, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa bằng nhiều biện pháp, thông qua các dự án, chương trình nghiên cứu khoa học về chủ quyền không thể phủ nhận của Việt Nam đối với hai quần dảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đó mới là điều kiện quan trọng bậc nhất không phải chỉ để tranh thủ được quốc tế đứng về phía mình mà còn để người dân thật sự tin cậy vào người cầm quyền. Nếu không làm được như vậy mà chỉ bạ đâu hay đấy, nóng đâu phủi đấy, lại còn ra tay đàn áp người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của nước ta, như cốt để dập tắt đi một mối lo nào đấy ở trước mắt, còn hiểm họa tiềm ẩn ghê gớm thì cứ tạm cho qua, thì quyết không thể nào đối phó lại với những kẻ đầy dã tâm và nổi tiếng mưu mô như Trung Quốc, không những thế, lâu dần rồi dân chúng trong nước cũng đâm nghi ngờ và nản chí.”

Chủ quyền lãnh thổ

Đảo Trường Sa nhìn từ trên cao. Photo courtesy of bee.net.vn
Đảo Trường Sa nhìn từ trên cao. Photo courtesy of bee.net.vn
Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ luôn là nỗi quan tâm của mọi người dân. Cũng từ sự việc này, vấn đề chủ quyền về lãnh thổ trên hai quần đảo Trường Sa Hoàng Sa lại được nhiều nhà trí thức, nhà dân báo nhắc đến. Trên trang blog của mình, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng lại một loạt tư liệu, từ “Tuyên cáo của Chính phủ và Bộ ngoại giao Việt Nam cộng hòa về những hành động gây hấn của Trung cộng trong khu vực đảo Hoàng Sa (ngày 19.1.1974)”, “Tuyên cáo của chính phủ Việt Nam cộng hòa về chủ quyền của chính phủ Việt Nam cộng hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam cộng hòa”, “Những sử liệu Tây phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay”, và tư liệu về “Hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa giữa Đông Hải” từ thời xa xưa chứng minh “những quần đảo Hoàng Sa, Côn Lôn (có cả Trường Sa) nguyên là địa bàn ngư nghiệp của người Chiêm mà người Việt là kẻ thừa kế hay thừa hưởng đương nhiên khi lãnh thổ nước Chiêm sáp nhập vào dư đồ nước Việt.”

Trong tâm trí người Việt Nam, nỗi đau mất Hoàng Sa 36 năm về trước hay sự hy sinh của các chiến sĩ trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988 chưa bao giờ nguôi ngoai, mà có thể những sự việc như Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ ghi chú không đúng về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa càng khiến cho nỗi đau đó lại trở lại. Điều đáng mừng là sau nhiều năm, cái nhìn về lịch sử của nhiều người Việt đã thay đổi, không còn hẹp hòi như trước.

 Trên trang bauxite vietnam, trong bài “Nhân ngày các chiến sĩ Việt Nam bị hài quân Trung Quốc bắn giết ở Trường Sa: hãy cho các anh một ngày giỗ” kỹ sư Vi Toàn Nghĩa, một người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc Việt Nam đã viết: 

“Tôi biết có một công dân vừa đề đạt ý tưởng xây đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên đảo xa trong hai năm 1974 và 1988. Tôi nghĩ việc này là điều phải làm từ lâu rồi mới đúng. Hãy có một tấm bia khắc tên các Anh (có cả quê quán) để có chỗ mà nhang khói cho các Anh và cái chính là: ‘Nhắc nhở thế hệ mai sau’ biết được cái giá phải trả cho sự toàn vẹn của Tổ quốc, để khi thế hệ ta mất rồi con cháu chúng ta vẫn phải giữ gìn không thể đổi chác hoặc bán (dù bằng ngoại tệ mạnh). Việc làm này là đạo lý của người Việt Nam không mang màu chính trị.”. Và trong phần tái bút anh còn tha thiết đề nghị: “Tôi được biết có một số chiến sĩ ta bị thương trở về sau sự kiện này, đời sống họ rất khó khăn – liệu chúng ta có làm gì giúp họ được không? Cũng như chắc chắn những chiến sĩ Việt Nam cộng hòa đã ngã xuống năm 1974, số phận gia đình con cái họ sau này không phải ai cũng gặp điều may mắn. Có thể tìm lại tung tích của họ và gia đình họ để viếng thăm, an ủi được không?”

Tiếp theo bài viết này , giáo sư Vũ Cao Đàm cũng lên tiếng: “Vậy có cần ghi nhớ ngày giỗ những người con của Tổ Quốc đã bảo vệ Hoàng Sa năm 1974? Tôi thật xúc động khi đọc bài viết của Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa về “Nhân ngày các chiến sĩ Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắn giết ở Trường Sa: Hãy cho các anh một ngày giỗ”.

Vâng, quả thật, chúng ta có quá nhiều ngày để giỗ chạp hội hè, nhưng chúng ta chưa nhớ hết những người con đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những người con trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị hải quân Trung Cộng giết hại trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.

Cuộc chiến tranh Nam – Bắc đã lùi xa vào lịch sử. Bây giờ đã đến lúc chúng ta bình tâm nhìn nhận lại. Sau khi trích dẫn lại những chi tiết về trân hải chiến bi hùng này từ blog của nhà báo Bùi Thanh, giáo sư Vũ Cao Đàm kết luận: “Nhắc lại những tư liệu này, tôi xin góp thêm một tiếng nói: Xin hãy ghi nhận thêm một này giỗ những người con của Tổ Quốc đã hy sinh trong trận chiến chống lại quân đội của Trung Cộng xâm lược Hoàng Sa”.

Lịch sử đã bao nhiêu lần chứng kiến lòng yêu nước, thiết tha với vận mệnh đất nước, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thồ của người Việt Nam. Đó là một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn. Bất cứ một nhà nước nào, một đảng cầm quyền nào cũng cần phải hiểu rõ điều này cũng như họ phải làm gì để xứng đáng với một dân tộc như vậy.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.