Nghĩ về Pháp trị trong xã hội công an trị

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015.10.19
Gia đình bà Mai cầm biểu ngữ trước nhà tang lễ bệnh viện. Từ trái anh Đỗ Đăng Khoa (anh của Dư), bà Đỗ Thị Mai (mẹ của Dư), chị Đỗ Thị Trúc (chị của Dư) Gia đình bà Mai cầm biểu ngữ trước nhà tang lễ bệnh viện. Từ trái anh Đỗ Đăng Khoa (anh của Dư), bà Đỗ Thị Mai (mẹ của Dư), chị Đỗ Thị Trúc (chị của Dư)
File photo

Những cái chết trong xã hội công an trị

Lại thêm một người nữa thiệt mạng khi bị công an giam giữ. Một thiếu niên 17 tuổi tên Đỗ Đăng Dư chết vì bị đánh sau hai tháng bị công an giam giữ. Người bị chết trong đồn công an ở Việt nam không phải là chuyện lạ, cái chết của Đỗ Đăng Dư chỉ kéo dài thêm danh sách chết vì công an mà blogger Bạch Cúc cho đăng tải trên trang Dân Luận. Danh sách này đã lên đến 22 người từ năm 2010 đến nay.

Báo chí nhà nước cũng có đưa tin về cái chết của này, và bảo là Đỗ Đăng Dư bị thiệt mạng do bạn tù hành hung. Ngoài ra tất cả các báo còn nói đến chuyện nạn nhân có một thành tích trộm cắp.

Nhiều blogger cho rằng cái cách mà báo chí nhà nước đưa tin nhằm vào hai mục đích. Thứ nhất là phủi bỏ trách nhiệm của cơ quan công an, thứ hai là muốn hướng dư luận nghĩ rằng cái chết của một kẻ trộm cắp không phải là một vấn đề đạo đức gì lớn lao.

Blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng cái cách hướng dẫn dư luận như vậy là một kiểu ngụy biện nhằm làm mờ đi sai lầm của công an. Ông viết tiếp:

Một mạng người rất trẻ nữa đã chìm trong đất lạnh, góp thêm tầng cao ngất của những tượng đài oan khiên trên đất nước này.

Tôi cứ nghĩ về kẻ đã viết ra kịch bản giải quyết khủng hoảng cái chết của em Đỗ Đăng Dư. Thời đại đúng là của loài thú mang mặt người. Chúng như bọn khủng bố IS tàn bạo. Chúng ra sức cứu chiếc tàu hỏng đang đắm, nhưng không quên giãy đạp, khủng bố cả người chết, gia đình người chết. Thời đại của những kẻ muốn mình sống sót bằng cách phải hiến tế đồng loại.

Blogger Đoàn Hoa chỉ trích thái độ của báo giới chính thống khi đưa tin này, chỉ trích sự im lặng của giới y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai nơi Đỗ Đăng Dư trút hơi thở cuối cùng. Và Đoàn Hoa chỉ trích cả sự chỉ đạo truyền thông của ai đó được gọi là một kẻ bất nhân:

Chỉ với một cú điện thoại chỉ đạo của một kẻ bất nhân nào đó mà cả chục ngàn con cừu khoác cái vỏ phóng viên cùng hàng trăm tờ báo ở Việt Nam đều cúi gằm mặt im lặng làm như họ không hề biết, không hề nghe đến cái chết đáng thương của cháu thiếu niên 17 tuổi Đỗ Đăng Dư. Họ bịt tai, nhắm mắt để không nhìn, không nghe thấy một bà mẹ khóc hết nước mắt vì cái chết oan trái của con mình. Các bác sĩ, y tá trong bệnh viện, nơi cháu Dư nằm chờ chết cũng im lặng….

Nhà văn Mai Tú Ân mô tả thảm cảnh xã hội nằm dưới sự bạo hành xảy ra liên tục, mà ông thấy là lần sau lại còn dữ dội hơn lần trước:

Những hình ảnh ghê rợn, những thân người bầm giập, những dấu vết khủng khiếp của bạo hành, sự gào thét vật vã của người thân của nạn nhân, cùng một màn im lặng đáng sợ của những người thực thi pháp luật và sự im lặng khó hiểu của các cơ quan thông tin đại chúng là những đặc điểm giống nhau của những vụ việc này. Điều giống nhau nữa là sự tái diễn, lập đi lập lại, khi dư luận về vụ chết người trước chưa dịu đi thì lại có vụ sau lại bùng lên dữ dội hơn….

Còn tác giả Mạnh Kim thì cho rằng những hình ảnh mà Mai Tú Ân vừa mô tả là sự thể hiện sự lộng quyền xem thường pháp luật của cơ quan công an:

Vấn đề là công an đã nhổ vào mặt hệ thống pháp luật như thế nào. Công an đã thách thức toàn bộ giá trị pháp chế “nhà nước XHCN” như thế nào. Và công an chà đạp như thế nào giá trị nhân bản của “nhà nước pháp quyền” trong đó “công lý, công bằng dựa trên sự công nhận và tiếp nhận hoàn toàn giá trị tối thượng của nhân cách con người, được bảo đảm bởi các thể chế làm khuôn khổ của trật tự tự do, dân chủ và quyền con người, an toàn cho các công dân”

Đoạn nói về giá trị nhân bản của nhà nước pháp quyền mà Mạnh Kim vừa đề cập được tác giả trích ra từ những văn bản của Tạp chí cộng sản, cơ quan lý luận của đảng cầm quyền.

Nhưng cũng trong lý luận của đảng cầm quyền, những người cộng sản từ khi mới bắt đầu nắm quyền cũng đã không ngần ngại cho rằng cơ quan công an chính là công cụ để trấn áp của họ. Và điều này được nhiều người cho rằng là một lý do quan trọng để cho các xã hội cộng sản cũng chính là những xã hội được gọi là công an trị. Điều nguy hiểm của xã hội này là bạo lực sẽ được sử dụng để đối với bạo lực, như lời nhận xét của nhà văn Phạm Đình Trọng trong một lần trao đổi với chúng tôi: dân chúng sẽ dùng bạo lực chống lại nhà nước, và chống lẫn nhau.

Em Đỗ Đăng Dư được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai (danluan.org)
Em Đỗ Đăng Dư được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai (danluan.org)

Pháp trị

Nhận xét về tính chất của nhà nước Việt nam hiện nay cũng như xu hướng của nó, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết trên trang của ông rằng Nhà nước VN đã, đang, và sẽ hướng đến một nhà nước mà trong đó cán bộ nhà nước cậy quyền cậy thế, sử dụng quyền lực (mà họ nghĩ là do đảng giao phó) để mưu đồ cho quyền lợi cá nhân và dòng tộc.

Cũng đã có những ý tưởng muốn sự cai trị ở Việt nam phải hướng tới một xã hội có kỷ cương pháp luật hơn. Trong hơn 10 năm qua người ta bắt đầu nói đến xã hội pháp trị hay pháp quyền ở Việt nam.

Để đạt được một xã hội như thế người ta cho rằng phải từ bỏ ý thức hệ cộng sản, mà những người sáng lập ra nó vốn không coi trọng pháp luật được cho là sản phẩm của xã hội tư sản. Những phép tắc của tòa án, những qui chế về tranh tụng của luật sư cũng chỉ mới được thiết lập trong thời gian gần đây ở Việt nam.

Trên trang Bauxite Việt nam trong tuần qua độc giả gặp lại Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người thẳng thắn đặt vấn đề từ bỏ ý thức hệ Mác Lenin bấy lâu nay.

Trong bài Góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị đại hội 12 của đảng cộng sản, ông Nguyễn Đình Cống cho rằng nếu muốn có sự chính danh để xã hội có thể ổn định, thì đảng cộng sản nên tổ chức các cuộc đối thoại với các tổ chức xã hội dân sự đang phát triển hiện nay, và điều quan trọng là phải từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê, thiết lập một nhà nước theo qui chế dân chủ tam quyền phân lập.

Cũng trên trang blog chính trị xã hội này lần đầu tiên người ta thấy cây bút Thiện Tùng công khai gốc gác xuất thân của mình trong bài viết Có phải do đa đảng (mà) bất an về chính trị?

Thiện Tùng nói rằng ông từng là một đảng viên cộng sản, vì không tán thành sự độc tài đảng trị nên từ năm 1986 ông đã từ bỏ đảng. Thiện Tùng cũng nói rằng ông là người cổ xúy cho khuynh hướng dân chủ và đa nguyên về chính trị lẫn kinh tế. Đối đáp với ý kiến chỉ trích cho rằng đa đảng sẽ mang đến sự rối loạn, ông nêu ý kiến rằng chuyện độc đảng hay đa đảng nên được đưa ra tranh luận.

Mặc khác trong bài viết này, để trả lời cho câu hỏi rằng ai sẽ nắm quyền sau đại hội đảng sắp tới, ông cho rằng điều đó không phải là quan trọng:

Trước thềm đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người giục tôi tham gia dự đoán về những người chủ tương lai của những chiêc ghế quan trọng cấp trung ương và địa phương, tôi chỉ đơn giản với họ một câu cho qua chuyện: “Không phải ai, mà thể chế chính trị nào”

Cũng nhận xét về báo cáo chính trị của đại hội đảng, một trí thức khác là Giáo sư Tô Văn Trường, lại phát hiện ra rằng trong báo cáo ấy vẫn còn đề cập đến khái niệm Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà theo ông thì về Thực chất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự lai tạp vô lý của hai loài không cùng hệ gene, chỉ là sự nguỵ biện, duy ý chí, lạc lõng.

Trở lại câu chuyện người thiếu niên Đỗ Đăng Dư thiệt mạng sau thời gian bị công an tạm giam, nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối. Một nữ công dân mạng cho đài Á châu tự do biết:

“ Lý do mà tôi cũng như những anh em tham gia thứ nhất là ( đòi hỏi) cho em Dư, thứ hai để phản đối việc nhà cầm quyền đánh đến chết công dân mà trở thành một tình trạng chung trong rất nhiều năm nay do nhà cầm quyền này làm rồi. Dân vào đồn công an bị đánh chết rồi họ đưa ra nhiều lý do để bao biện cho việc làm đó, nên đó là lý do mà tôi quyết định đến đó để đồng hành cùng gia đình em.”

Chị nói thêm rằng cái chết của công dân Đỗ Đăng Dư là một lời cảnh tỉnh cho tất cả những người Việt nam, vì ai cũng có thể trở thành một nạn nhân như thế trong xã hội hiện nay.

Trả lời Nam Nguyên của đài Á châu trự do về những hy vọng cải cách sắp tới, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội, nói rằng có một nhu cầu phải cải cách chính trị, thể chế một khi Việt nam ngày càng tham gia vào cuộc sống quốc tế. Ông nói:

Câu chuyện đó ở Việt Nam nếu mà Đại hội Đảng kỳ này cũng quyết đi theo con đường ấy, mà chắc cũng phải đi thôi chứ không còn con đường nào khác. Chắc là tất cả thực hiện được, mà muốn thực hiện được thì dĩ nhiên phải sửa luật. Kể cả nếu cần thiết phải sửa Hiến pháp thì cũng phải sửa.

Ông Trần Quốc Thuận nói về những định chế và cải cách kinh tế, nhưng hy vọng về việc sửa đổi Hiến Pháp của ông cũng chính là hy vọng của nhiều người Việt nam, trong đó có những công dân mạng biều tình phản đối sau cái chết của Đỗ Đăng Dư, để cho xã hội không còn là một xã hội công an trị nữa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.