Bầu cử Quốc hội mở ra một thời mới?

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016.03.21
000_8Y5WG Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự phiên họp cuối cùng của Quốc hội tại Hà Nội hôm 21 tháng 3 năm 2016.
AFP photo

Cuộc chiến truyền thông

Những người ủng hộ phong trào ứng cử tự do vào Quốc hội Việt Nam đã thành lập hẳn một trang mạng xã hội ngay từ lúc những người đầu tiên tuyên bố tự ứng cử để cổ vũ.

Từ đó trên các trang báo chí chính thống của đảng cộng sản cũng bắt đầu có những bài viết tấn công những người ứng cử độc lập.

Cuộc chiến truyền thông về bầu cử và ứng cử có lẽ lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nước Việt Nam cộng sản.

Bài báo gay gắt nhất tấn công những ứng cử viên độc lập trong tuần qua nói rằng đằng sau những ứng cử viên này là những tổ chức phản động trong và ngoài nước. Ngoài ra bài báo này còn trích lời một quan chức cho rằng sự hình thành một phong trào tự ứng cử là nguy hiểm.

Nhà báo Trương Duy Nhất trả lời:

Phong trào tự ứng cử. Phải xem đó là dấu hiệu vui, tiến bộ cần cổ suý, chứ không nên hoảng hốt nhìn đấy là nguy cơ "phức tạp". Rồi đổ vấy, vu vạ cho thế lực phản động, mà không chỉ ra được cái "tổ chức phản động" ấy là gì, ở đâu.
Nếu chỉ nhìn thấy ở những sự kiện tự ứng này "dấu hiệu phản động", để rồi vu vạ, bôi nhọ, dèm pha, cản ngăn, thì chính cách nhìn ấy mới là phản động!

Nhà văn Phạm Đình Trọng tiếp lời:

Đây là thông tin về phẩm giá con người của công dân và tư thế chính trị của những ứng cử viên sắp bước lên vũ đài chính trị. Vì thế không thể nói khơi khơi mà phải có bằng chứng hợp pháp và xác thực. Đưa tin khơi khơi, chung chung, không chứng cứ vừa là sự xúc phạm nặng nề đối với tất cả những người tự ứng cử vào Quốc hội lần này, vừa là đòn chí mạng đánh vào sinh mạng chính trị của họ, tung tin xấu, bôi nhọ danh dự nhằm ngăn chặn lá phiếu của cử tri dành cho họ.

Blogger Mạnh Kim giải thích rõ hơn tại sao những viên chức của đảng lại đưa ra những lời lẽ thiếu chứng cứ như thế, vì theo tác giả, những từ ngữ như là thế lực phản động, hay thế lực thù địch giống như lá bùa hộ mạng của các chế độ độc tài:

Trong hầu hết trường hợp, “thế lực thù địch” được hiểu như là những người dùng tiền mua chuộc người dân để kích động các phong trào “phá hoại xã hội”. Thành phần đối lập được miêu tả là những kẻ không yêu nước. Họ hoạt động chỉ vì tiền. Bất tuân dân sự được hiểu là chống đối chế độ. Đó là cách mà chính quyền tạo ra khoảng cách giữa những người hoạt động xã hội với số đông dân chúng còn lại. Được miêu tả như những kẻ quá khích cực đoan, thậm chí khủng bố, họ không có điểm chung với nhân dân trong mục tiêu tranh đấu của họ.

“Thế lực thù địch”, do đó, trở thành kẻ thù của nhân dân, của quốc gia và đương nhiên, của chế độ. Họ cần được lánh xa và loại trừ. Tuy nhiên, vì được dựng lên từ nỗi sợ hãi để miêu tả một kẻ thù không có thực nhằm gieo rắc hoang mang, trong hầu hết trường hợp, người ta không có chứng cứ cụ thể khi nói đến “thế lực thù địch”. “Thế lực thù địch” là một lá bùa được vẽ ra từ trí tưởng tượng của những kẻ dùng thuyết âm mưu để trấn yểm chính người dân của họ.

Nếu chỉ nhìn thấy ở những sự kiện tự ứng này "dấu hiệu phản động", để rồi vu vạ, bôi nhọ, dèm pha, cản ngăn, thì chính cách nhìn ấy mới là phản động!
- Nhà báo Trương Duy Nhất

Blogger Viết từ Sài gòn viết bài Thế nào là phản động, trong đó tác giả đề cập đến các tổ chức chính trị mà hiện nay đảng cộng sản Việt Nam liệt vào danh sách phản động như là đảng Việt Tân, Khối 8406, Tổ chức dân tộc cứu nguy tổ quốc,… và bình luận rằng:

Họ có thể là phản động đối với đảng Cộng sản nhưng họ không phản động với nhân dân, họ không bán nước cầu vinh, không tham nhũng, không làm lũng đoạn tài sản của nhân dân, không làm xói mòn tài nguyên quốc gia, không nhu nhược trước kẻ ngoại xâm, không lấy tiền xương máu, thuế của nhân dân để xây biệt thự hay biến rừng của quốc gia thành nhà riêng, thành biệt thự nghỉ mát.

Nhưng blogger Kami lại có một cách giải thích khác hơn về những lời lẽ mà giới chức của đảng cộng sản dùng để tấn công những ứng cử viên độc lập:

Cần hiểu rằng, trong một thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo, khi chính trị là sân chơi riêng của một nhóm người trong đảng và tâm lý xã hội vẫn chưa thật sự cởi mở cho các cá nhân tự ứng cử, thì có lẽ đây không phải là chủ trương chung, mà chỉ là sự lạm quyền cũng như phản ứng của một bộ phận bảo thủ trong chính quyền hiện nay.

Sự bất đồng trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN, mà phần thắng đã thuộc về phe Đảng của TBT Nguyễn Phú Trọng, với đỉnh cao là việc hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội 12 cũng là một vấn đề mà người ta cho rằng, ban lãnh đạo Việt Nam khó có thể đồng nhất trong việc triệt tiêu những người tự ứng cử.

Tham gia bầu cử hay không

Tuy vậy cũng có những ý kiến khác nhau về việc có tham gia vào cuộc bầu cử sắp tới này không.

Một trong những người đề nghị tẩy chay cuộc bầu cử là blogger Người Buôn Gió, lý do ông đưa ra là cuộc bầu cử này chỉ là giả tạo, không có giá trị:

Cuộc bầu cử quốc hội tới đây ở Việt Nam không còn giá trị, bởi tất cả những ứng cử viên đã được đảng chỉ định rồi. Thế nhưng tới đây toàn dân Việt Nam vẫn phải lùa đi bầu cử, dù lá phiếu có ghi tên ai hoặc gạch tên ai cũng không quan trọng nữa. Nhưng đảng muốn tất cả người dân phải đi để diễn với quốc tế rằng ở Việt Nam nhân dân cũng có bầu cử.

Ngược lại tác giả Đinh Xuân Quân lại viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng ông ủng hộ mạnh mẽ những người tự ứng cử:

Chúng ta cần phải hoan hô những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016 vì họ đã đưa ra một giải pháp ôn hòa, có trật tự để thực thi quyền công dân. Đường vẫn còn dài và còn nhiều khó khăn, nhưng không lý nào một dân tộc như Việt Nam lại không thể hiện nổi quyền công dân của chính mình?

Thật mới mẻ với người Việt, khi chứng kiến một người tù oan quyết đi đến tận cùng của sự việc, so với thói quen cam chịu, im lặng và dễ dàng chấp nhận từ nhiều năm nay.
- Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Một nhà hoạt động cho dân chủ người Việt tại hải ngoại là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập Tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên, có một quan điểm khác, một mặt ông cho rằng những ứng cử viên độc lập dù có vào được quốc hội thì cũng không làm được gì, mặt khác ông tôn trọng ý kiến của một số nhà hoạt động dân chủ rằng dịp bầu cử này là cơ hội để lên án chế độ độc tài. Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời nhà báo Trần Quang Thành:

Đó là về nguyên tắc, nhưng về mặt thực tế cũng có những anh em nghĩ rằng cuộc bầu cử này dù sao cũng là cơ hội để chúng ta lên án chế độ độc tài, để chúng ta nói lên nguyện vọng dân chủ, trước hết là để nói lên sự giả tạo của cuộc bầu cử này. Cho nên họ ra ứng cử để nói lên tiếng nói đó. Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện nay khi mà đối lập dân chủ Việt Nam chưa có được một chiến lược thống nhất, chưa đồng ý được trên một lập trường chung thì chúng ta nên tôn trọng ý kiến của mỗi người.

Những nguyên nhân và ước vọng

Tác giả Hồ Văn Ngự cho rằng muốn cho nước Việt Nam ngày càng phát triển và được cộng đồng thế giới chấp nhận thì những nhà tranh đấu cho dân chủ phải cương quyết đấu tranh một cách chính danh, dấn thân vào chính trị, điều mà xã hội Việt Nam hiện còn rất lo ngại. Ông Hồ Văn Ngự viết trên trang Ba Sàm:

Có một thực tại ít người để ý: tất cả mọi người Việt Nam từ già đến trẻ, ai nấy đều mắc một chứng bệnh tâm lý (để lâu trở thành bệnh tâm thần, di truyền thành bệnh tinh thần) đó là bệnh sợ… chính trị! Người ta thường hãi sợ khi chạm đến những phạm trù như: phạm chính trị, đấu tranh chính trị, làm chính trị… Và tự giới hạn trong những hoạt động đồng dạng như phản biện, xã hội dân sự…

Về phía đảng, nhà nước, người ta cũng sợ chính trị nhưng theo một nghĩa khác. Rốt cuộc, từ trước đến nay, có rất nhiều bản án trong thể loại nầy, nhưng chẳng thể thấy ai bị phạt vì tội làm chính trị! Đơn giản, chính trị là quyền chứ không phải là tội. Ai cũng hiểu điều đó, ngay cả chính quyền cũng buộc phải tránh né.

Hơn nữa, một cuộc bầu cử dân chủ nghiêm túc còn mở ra một hướng đi cho dân tộc hướng đến các cải cách chính trị nhằm đưa đất nước thoát khỏi những bế tắc hiện nay.
- SV Nguyễn Huy Vũ

Nhiều người ngại hoạt động chính trị một cách chính danh, điều này vô tình tạo thuận lợi cho chính quyền trong việc cơ cấu tùy tiện các án tù cho những người đấu tranh đòi hỏi dân chủ nhân quyền, hoạt động với danh nghĩa một đảng chính trị sẽ có lợi thế trong việc bảo vệ mình khỏi bị quy kết những tội danh vớ vẩn.

Do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đồng nghĩa áp lực tôn trọng dân chủ nhân quyền càng gia tăng, nhưng để tranh thủ được áp lực đó, tự thân nhà tranh đấu phải có tính chính danh, đó là điều kiện tiên quyết.

Chứng bệnh tâm lý mà ông Hồ Văn Ngự nêu ra có lẽ đang dần dần nhẹ đi. Ông Nguyễn Gia Kiểng, trong bài trả lời nhà báo Trần Quang Thành, nhìn nhận rằng phong trào tự ứng cử chứng tỏ xã hội Việt Nam đang thay đổi lớn.

Điều này nói lên rằng xã hội Việt Nam đang chuyển động. Nhưng cái chuyển động đó khác với sự cảm nhận mà các mạng xã hội cho chúng ta. Tức là đây không phải là sự chuyển động của môi trường dân chủ đâu mà là sự chuyển động của cả xã hội Việt Nam.

Blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng cho rằng nhiều điều mới mẻ đang xuất hiện trong cách phản ứng hành xử của người dân chống lại sự áp bức. Ông viết về sự phản kháng của một người bị tù oan:

Thật mới mẻ với người Việt, khi chứng kiến một người tù oan quyết đi đến tận cùng của sự việc, so với thói quen cam chịu, im lặng và dễ dàng chấp nhận từ nhiều năm nay.

Hy vọng những phản kháng và dấn thân vào chính trị đó của người Việt Nam có thể làm thay đổi tương lai, anh sinh viên Nguyễn Huy Vũ viết thư ủng hộ những người tự ứng cử và kêu gọi những người đang cầm quyền ở Việt Nam hãy thực hiện mộtcách nghiêm chỉnh cuộc bầu cử lần này vì đó là một cơ hội đổi thay cho dân tộc.

Tôi cũng mong rằng các vị lãnh đạo chính quyền, vì trách nhiệm của chính mình với lịch sử, hãy bảo đảm rằng một cuộc bầu cử công bằng và nghiêm túc được thực hiện. Một cuộc bầu cử nghiêm túc trước hết là một cơ hội để lấy lại uy tín của chính quyền với nhân dân rằng đây là một cuộc bầu cử dân chủ và chính quyền là do dân bầu lên, đúng nghĩa một chính quyền của dân, do dân, và vì dân. Hơn nữa, một cuộc bầu cử dân chủ nghiêm túc còn mở ra một hướng đi cho dân tộc hướng đến các cải cách chính trị nhằm đưa đất nước thoát khỏi những bế tắc hiện nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.