Hiệp định Geneva 1954 - Vết cắt 60 năm

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014.07.28
000_APP2000031088914-600.jpg Thiếu tướng Delteil, thay mặt cho Tổng Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, và ông Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký một thỏa thuận ngừng bắn ngay trước nửa đêm 20 tháng 7 năm 1954 tại Geneva.
AFP photo

Đối với những cây bút và blogger Việt Nam, chuyện đáng chú ý trong tuần qua là một câu chuyện xưa cũ, tưởng chừng như đã bị quên lãng trong đám bụi bặm chính trị 60 năm qua: Hiệp định Geneva 21/7/1954.

Nước Việt bị chia đôi

Trên trang blog của mình, nhà báo Đoan Trang, người sinh ra sau hiệp định Geneva hơn một thế hệ, chiêm nghiệm lại suy nghĩ của cô vài năm trước về sự kiện đó, trong bài viết mang tựa đề Hy sinh lợi ích nước nhỏ.

Hội nghị Geneva thực chất đã là cuộc đàm phán của các nước lớn, và là nơi chứng minh một sự thật: Nước nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ và luôn đặt lợi ích đó lên hàng đầu khi cần thương thảo.

60 năm trước, số phận của một quốc gia nhiệt đới của rừng rậm và đồng lúa được quyết định bởi các cường quốc tại một thành phố nhỏ yên tĩnh ở Trung Âu. Trong cuộc thương thảo ấy, nước Trung quốc cộng sản của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nhanh chóng nắm lấy cơ hội giải quyết số phận một quốc gia nhỏ để bước ra trường quốc tế.

Luật sư Lưu Tường Quang từ Úc viết:

Đây là một tầm nhìn chiến lược mà Bắc Kinh không thay đổi trong 60 năm qua. Trong chiến lược nầy, quyền lợi của Việt Nam là thứ yếu. Nhân cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979, Hà Nội lần đầu tiên và chỉ một lần thôi, dám lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã phản bội VNDCCH tại Hội Nghị Genève.

Hội nghị Geneva thực chất đã là cuộc đàm phán của các nước lớn, và là nơi chứng minh một sự thật: Nước nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ và luôn đặt lợi ích đó lên hàng đầu khi cần thương thảo.
- Nhà báo Đoan Trang

Trên 60 năm qua, Việt Nam Thống Nhất hoặc Việt Nam chia đôi đều đã là nạn nhân của ván bài chính trị đại cường. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục vướng mắc trong chính trị nước lớn, nếu Hà Nội tiếp tục gắn bó trong mối quan hệ đặc biệt và bất bình đẳng với Bắc Kinh như được diễn đạt dưới chiêu bài 16 chữ vàng và 4 tốt. Trong thế giới đa cực ngày nay, quyền lợi lâu dài của tổ quốc Việt Nam là bang giao độc lập và bình đẳng với tất cả các cường quốc.

Sử gia Phạm Cao Dương, từ California trả lời Gia Minh trong một lần phỏng vấn gần đây về sự kiện 60 năm trước:

Trong những hoạt động bang giao quốc tế, các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, kể cả đồng minh cũng đứng hàng thứ không quan trọng. Nếu bên Trung Quốc vì quyền lợi riêng mà hy sinh đồng minh là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thì đó cũng là điều tự nhiên mà thôi. Nhưng Hà Nội không thấy điều đó!

Và nằm bên cạnh các âm mưu địa chính trị của các cường quốc, bắt đầu một cuộc di cư vĩ đại của dân tộc Việt nam, đến nay vẫn chưa kết thúc.

Gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam trong những ngày này 60 năm trước.

Một chú bé người miền Nam tên là Tuấn Khanh, khi lớn lên nhìn những đồng bào Bắc Kỳ di cư ấy với những lời trêu chọc trẻ con. Mấy mươi năm trôi qua, bây giờ nhạc sĩ Tuấn Khanh lại nhìn về sự kiện quá khứ ấy như một bản di chúc vĩ đại của Tự do. Anh viết:

60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.

Vết thương chưa lành

Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh sinh ra trong một gia đình Bắc kỳ di cư như thế. Trên trang blog của mình bà viết bài 60 năm Geneva, nghĩ về cuộc hội ngộ vẫn còn dang dở. Trong bài viết đó bà chia sẻ những cảm xúc chia lìa của đại gia đình mình trong mấy mươi năm qua của sự chia cắt, bắt đầu từ cái ngày định mệnh 21/7/1654 ấy.

Tất cả những gì mình nghe về cuộc di cư thì mình không trải nghiệm qua mà qua cảm xúc của người khác. Nhiều khi không trải qua, mà nghĩ về nó, nhớ về nó thì cái cảm xúc nó còn đậm đặc hơn giống như những người xa hương vậy đó.”

Hội nghị Geneva họp vào ngày 27/4/1954. AFP photo
Hội nghị Geneva họp vào ngày 27/4/1954. AFP photo
Hội nghị Geneva họp vào ngày 27/4/1954. AFP photo

Một đồng nghiệp của nhà giáo Vũ Thị Phương Anh là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu lại có một số phận gia đình ngược lại. Gia đình bà bị chia lìa theo những con tàu chở cán bộ Việt minh tập kết ra Bắc. Kỷ niệm sự chia lìa năm xưa bà viết

Từ vết cắt 1954 biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến tuyến, biết bao gia đình không thể sum họp vì vợ, chồng đã có gia đình khác trong những năm dài không hẹn ngày gặp lại, biết bao nhiêu gia đình tiếp tục tan vỡ vào những ngày ngỡ đã bình yên… Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 20 năm mà hình như, 60 năm rồi vẫn chưa lành.

Cái câu hỏi nghi ngờ về sự tổn thương trong 60 năm chứ không phải là 20 năm ấy chính là sự hình thành một cộng đồng Việt Nam hải ngoại sau biến cố lịch sử 1975. Một cộng đồng được hình thành từ một cuộc di cư vĩ đại của dân tộc thấm đẫm máu và nước mắt.

Trong những ngày này, một nhà văn của cộng đồng tha hương ấy là giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết trên trang Fb của mình:

Không ai có thể rời bỏ được quê hương. Sống trong nước, quê hương nằm dưới chân. Sống ở nước khác, quê hương nằm trong đầu. Cái dưới chân, tuy mênh mông, nhưng rất nhẹ nhàng; cái trong đầu, tuy vô hình và không có diện tích nhất định, nhưng lại nặng trĩu và chật cứng, không thể thoát được. Khi quê hương dưới chân và quê hương trong đầu khác nhau, người ta liền tự biến thành những kẻ vượt biên liên tục, lúc nào cũng chòng chành ở giữa. Giữa quê nhà và đất khách. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hoài niệm và dự phóng. Và, luôn luôn, giữa các biên giới.

Sự ám ảnh của nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, người định cư ở nước Úc mấy chục năm nay cũng là nỗi niềm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy trên chuyến bay đưa bà rời Việt nam trong tháng bảy này

Một vài người bạn nói rằng như vậy là tôi đã thoát. Thoát đi ư? Đúng không? Phải chăng cứ ra khỏi một vùng không gian là có thể thoát khỏi nó? Hãy hỏi những người Việt tha hương để biết cái khoảng không gian được gọi là Việt Nam đã và đang ám ảnh họ như thế nào?

Cái gọi là Việt Nam ấy ám ảnh mọi người không chỉ bằng quá khứ mà bằng cả hiện thực bề bộn của nó.

Từ vết cắt 1954, biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến tuyến...Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 20 năm mà hình như, 60 năm rồi vẫn chưa lành.
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Trên blog Bách Việt, cây bút Baron Trịnh, xoay qua xoay lại với bao chuyện của đất nước hiện tại, từ chuyện Quốc hội và biển Đông cho tới giá xăng dầu. Baron Trịnh viết:

Một quốc gia mà có “một bộ phận không nhỏ” quan chức lấy chuyện chủ quyền đất nước nói cho sướng miệng, báo chí tát nước theo sự kiện, dân tình a dua bầy đàn chém gió cho bằng anh bằng em,… thì có nghĩa, mối nguy mất chủ quyền đã rất cận kề.

Một quốc gia mà người dân chỉ còn biết sớm nắng chiều mưa, nai lưng ra kiếm từng đồng nuôi thân, nộp thuế và giơ đầu chịu báng cho những việc làm sai trái, yếu kém của chính quyền nói chung và quan chức thực thi nói riêng thì rất hiếm người đứng ra gánh vác cái gọi là “trách nhiệm” trước đất nước, trước nhân dân. Và đó không phải là một quốc gia vững mạnh, dân chủ và văn minh.

Và sự bề bộn ấy còn đáng ngại hơn khi mọi người trông vào quan hệ hiện tại của Việt nam với láng giềng phương bắc Trung quốc. Cây bút Từ Linh viết trên trang blog của nhà văn Phạm Thị Hoài:

Quan hệ Việt-Tàu mất 4.000 năm rồi, nhưng vẫn cứ lụi đụi ở vị trí chủ-tớ với tên đầy tớ chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời cả đời, hoặc ở vị trí vật-chủ với tay chủ muốn nắn đồ vật kiểu gì thì nắn. Vị trí cha-con thì sao? Việt là “con” thật, nhưng Tàu chỉ xem là “con hoang”.

Từ Linh đã nhắc lại lời ông Dương Khiết Trì một nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc gọi nước Việt Nam ngay sau khi người Trung quốc kéo giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam.

Sự đáng ngại ấy lại càng kinh khủng hơn khi mọi người nhớ lại cách đây 60 năm nước Trung Quốc đã dàn xếp thế nào cho đồng minh cộng sản Việt Nam của họ ở phương Nam. Nhìn lại sự kiện ấy Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu viết:

Tôi vẫn luôn tự hỏi, nếu ngày ấy bản đồ Việt Nam không bị một vạch đỏ cắt ngang sông Bến Hải thì bây giờ đất nước sẽ thế nào?

Lịch sử thì không có chữ “nếu”. Chính vì vậy cần minh bạch tất cả những gì đã làm thay đổi số phận đất nước và số phận của từng gia đình, để thế hệ sau không phải đặt ra một chữ “nếu” đau xót như thế hệ hôm nay!

Và để kết thúc  chúng tôi cũng xin nói rằng chúc tôi mượn tựa đề của Tiến sĩ Hậu Vết cắt 60 năm để đặt tên cho bài điểm blog này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.