Bền vững môi trường - một dấu lặng buồn

Bộ Kế Hoạch Đầu Tư nhìn nhận Việt Nam khó hoàn thành mục tiêu thứ 7 trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là ‘Đảm bảo sự bền vững của môi trường’.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.09.24
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội Nghị Cấp Cao Về Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ trong trụ sở Liên Hợp Quốc - New York, ngày 20 tháng 09 năm 2010. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội Nghị Cấp Cao Về Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ trong trụ sở Liên Hợp Quốc - New York, ngày 20 tháng 09 năm 2010.
AFP PHOTO/ Emmanuel Dunand

Vn Express đưa tin này trích báo cáo của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư phổ biến ngày 20/9 nhân đánh dấu 10 năm Liên Hiệp Quốc công bố tuyên ngôn Thiên Niên Kỷ.  

Vì phát triển kinh tế?

Như vậy sau 2/3 chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề xuất, Việt Nam nhận thức rõ là trong 5 năm còn lại trước thời điểm 2015 chính phủ chưa thể giảm thiểu tổn thất môi trường, cũng như tích hợp nguyên tắc phát triển bền vững trong các chính sách và chương trình quốc gia.

Trả lời chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định rằng, về tình hình môi trường thì hiện nay chưa có một hệ thống số liệu quốc gia đầy đủ. Những con số mà Bộ Kế Hoạch Đầu Tư đưa ra là những chỉ tiêu cần đạt được, còn Bộ Tài Nguyên Môi Trường đưa ra những con số khác nhiều so với con số đó trên cơ sở là điều tra chọn mẫu chứ chưa phải điều tra một cách toàn diện. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:

Tình hình môi trường ở Việt Nam khá là gay gắt, thứ nhất do khai thác nước quá nhiều cho việc trồng cà phê, cho phá rừng nên mực nước ngầm giảm, ô nhiễm ở các sông suối.

TS Lê Đăng Doanh

“Nói chung tình hình môi trường ở Việt Nam khá là gay gắt, thứ nhất do khai thác nước quá nhiều cho việc trồng cà phê, cho phá rừng nên mực nước ngầm giảm, ô nhiễm ở các sông suối, ao hồ rất nghiêm trọng và việc thải nước chưa được xử lý ở các thành phố, các khu công nghiệp là rất cao. Chỉ có một tỷ lệ rất ít của 1 triệu mét khối nước của các khu công nghiệp hàng ngày thải ra là được xử lý, cũng như chỉ có một tỷ lệ rất ít nước thải ở các thành phố được xử lý. Điều đó cần phải làm nhanh hơn nhiều, nếu không thiệt hại môi trường ở Việt Nam sẽ bị trả giá rất cao, do khai thác mỏ và ở các làng nghề do người dân đầu tư và muốn có được sản phẩm cho nên họ ít đầu tư vào việc bảo vệ môi trường, tình hình đó cũng khá là gay gắt.”

Phải chăng Việt Nam đang trả giá về ô nhiễm môi trường sau hai thập niên nỗ lực phát triển kinh tế? Giáo Sư Tiến Sĩ Lâm Minh Triết nguyên Viện Trưởng Viện Tài Nguyên Môi Trường Đại Học Quốc Gia TP.HCM nhận định về vấn đề vừa nêu:

“Là một thực tế, khi kêu gọi đầu tư, rõ ràng nhận thức thời gian đầu còn bị hạn chế cho nên đã có những hậu quả không mong muốn, tức là hiện trạng ô nhiễm tương đối trầm trọng ở một số nơi. Nhưng rút kinh nghiệm từ đó, đã đến lúc dù muốn hay không cũng phải cải thiện thay đổi nhận thức về chuyện này.

Hiện tại theo tôi nghĩ các địa phương đã nhận thức sâu sắc về chuyện này. Nhưng vấn đề ở chỗ nó là một bài toán rất tổng hợp, đó là nhận thức của cộng đồng, nhận thức của doanh nghiệp, tính tự giác và sự quan tâm tới vấn đề, rồi kiểm soát thanh tra, dù chính sách chủ trương nhà nước rất rõ ràng, nhưng tính tự giác của doanh nghiệp nhiều nơi mang tính đối phó. Do vậy chuyển biến về tư tưởng hoàn toàn không đơn giản.” 

Một nông dân ở vùng ngoại ô Hà Nội đang cuốc đất trên mảnh ruộng khô thiếu nước vào ngày 21 tháng 9 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Một nông dân ở vùng ngoại ô Hà Nội đang cuốc đất trên mảnh ruộng khô thiếu nước vào ngày 21 tháng 9 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
GSTS Lâm Minh Triết cho biết Việt Nam có nhiều nỗ lực sau thông điệp thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Thủ Tướng chính phủ đã có những quyết định về việc bảo vệ lưu vực các dòng sông lớn, như lưu vực sông Cầu ở phía Bắc, lưu vực sông Đồng Nai bao gồm 12 tỉnh thành ở phía Nam. Có những dự án tổng thể, ngoài ra nhiều địa phương có đề án bảo vệ đoạn sông chảy qua địa phận mình. Tuy nhiên GSTS Lâm Minh Triết cho rằng, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ môi trường lưu vực sông, xã hội hóa vấn đề này và kêu gọi đầu tư nước ngoài trên lãnh vực bảo vệ môi trường.

Cần giải pháp đồng bộ

Nước sạch lúc nào cũng cần, giải quyết được một số nơi, có những nơi chưa được đầy đủ lắm. Bởi vì nhiều nơi không có nguồn nước ngọt mà chỉ có nước lợ nước mặn.

GS TS Lâm Minh Triết

Trả lời chúng tôi GSTS Lâm Minh Triết phân tích, hiện tại đối với những dự án lớn, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ. Thí dụ bảo vệ một dòng sông rõ ràng phải đầu tư cùng một lúc, nghiên cứu cùng một lúc, đề xuất cùng lúc hai giải pháp công trình và phi công trình. Giải pháp công trình theo sự giải thích là áp dụng công nghệ thích hợp hay tiên tiến tùy thuộc đối tượng gây ô nhiễm của các loại công nghiệp khác nhau. Còn giải pháp phi công trình là những lãnh vực trong đó có chính sách nhà nước pháp luật về môi trường và đặc biệt là nhận thức cộng đồng. GSTS Lâm Minh Triết tiếp lời:

“Theo tôi nghĩ, giải pháp công trình là quyết định tất cả, nhưng nó có mâu thuẫn vì kinh phí đầu tư rất lớn và nếu làm một cách nghiêm túc,   các nguồn gây ô nhiễm của xí nghiệp công nghiệp thì họ phải tự bỏ vốn ra làm. Hiện tại đang xúc tiến như thế, vấn đề ở chỗ họ làm cho nghiêm túc, bài bản không có tính cách đối phó, làm theo đúng qui định của nhà nước tức là đầu ra xả như thế nào để dòng sông có thể tiếp nhận và tự làm sạch tiếp theo. Đây là những việc cần phấn đấu rất lớn, đòi hỏi tính tự giác vì liên quan tới kinh phí và lợi nhuận của họ. Cho nên nhận thức chuyển biến một cách sâu sát để gọi là bảo vệ môi trường ngành công nghiệp của họ cũng là một vấn đề không phải một ngày một buổi mà có thể làm được. Hiện tại ở Việt Nam, những nhà khoa học chúng tôi tham gia rất tích cực để giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường trong bối cảnh những việc Việt Nam có thể làm được.”

Cá chết nằm đầy bờ sông Trà Khúc, đoạn qua Tịnh Long - Quảng Ngãi hồi tháng 5 năm 2010. Photo courtesy of quangngai.com.vn
Cá chết nằm đầy bờ sông Trà Khúc, đoạn qua Tịnh Long - Quảng Ngãi hồi tháng 5 năm 2010. Photo courtesy of quangngai.com.vn

Một trong các nội dung quan trọng của mục tiêu đảm bảo sự bền vững của môi trường, là việc đến năm 2015 các quốc gia đang phát triển giảm được một nửa tỷ lệ người không được tiếp cận thường xuyên với nước sạch và hợp vệ sinh. Một nông dân trồng lúa vùng sông nước Cửu Long mô tả cho chúng tôi về thực trạng nước sạch nông thôn:

“Nước sạch do nhà máy nước dẫn về nhưng mới đáp ứng chừng 30%, xã có xã không đa số dùng nước dưới sông. Nước sông thì ô nhiễm, người dân có tập quán tất cả những gì thải ra họ đổ xuống sông, không thấy chính quyền tuyên truyền ý thức người dân. Súc vật chết cũng quăng xuống sông, cái gì bỏ đi ném xuống sông, rồi cứ dẫn nước đó lên xài. Những người khá giả có bồn chứa nước mưa xài suốt mùa nắng, còn đa số dùng nước bẩn nước ô nhiễm.”      

GSTS Lâm Minh Triết cũng nhìn nhận sự hạn chế của chương trình nước sạch đặc biệt ở nông thôn, nhưng ông cho rằng Việt Nam có nhiều nỗ lực về vấn đề này. Ông nói:

“Việt Nam hiện tại cũng hết sức bức xúc về vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đã có những chương trình rất cụ thể phối hợp giữa UNICEF và chương trình nước sạch của Việt Nam, có tính chất hệ thống và đóng góp đáng kể. Tuy nhiên nước sạch lúc nào cũng cần, giải quyết được một số nơi, có những nơi chưa được đầy đủ lắm. Bởi vì nhiều nơi không có nguồn nước ngọt mà chỉ có nước lợ nước mặn, nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn và khó xử lý, theo tôi đang từng bước khắc phục vấn đề nước sạch.”

Do quá tự hào sau khi thống nhất đất nước năm 1975, nhà nước cộng sản Việt nam đã bỏ qua nhiều cơ hội để sớm hội nhập thế giới. Công cuộc đổi mới kinh tế chỉ bắt đầu gần 15 năm sau vào cuối thập niên 1980, sự hối hả phát triển kinh tế với một số thành tựu như tăng mức thu nhập đầu người từ hơn 300 USD/năm vào năm 1976 đạt mức 1050 USD năm 2009 đã khiến người Việt Nam phải trả giá. Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra khắp nơi, ở khắp các lưu vực sông trên toàn quốc. Vụ Công ty bột ngọt Vedan hơn 10 năm bức tử sông Thị Vải là một thí dụ cay đắng.     

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.