Có dân chủ trong Đảng mới có thể đổi mới

Các nhân vật từng giữ chức vụ cao cấp trong Đảng và Nhà nước Việt Nam sau khi về hưu, lại thể hiện những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, nhiều khi khá khác biệt với thời kỳ họ còn nắm giữ trọng trách.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009.08.01
dai-hoi-dang-x-305.jpg Đại hội đảng CSVN diễn ra 5 năm một lần, quyết định tất cả mọi đường lối, chính sách cũng như thành phần lãnh đạo đất nước.
AFP photo

Trong vài năm gần đây, việc nói thẳng nói thật một cách cởi mở của những người không còn ở trong guồng máy chính quyền, được ghi nhận như một trào lưu khá phổ biến.

Đọc báo trên mạng kỳ này, chúng tôi trình bày một đề xuất khá táo bạo trong cơ chế một đảng lãnh đạo ở VN. Đó là ý kiến đầy bức xúc, đề nghị kỳ Đại Hội Đảng lần thứ XI sắp tới, phải được thực hiện một cách dân chủ thực sự, dân chủ trực tiếp, để có thể tìm ra những người tài đức lãnh đạo đất nước. Những ý kiến này được nêu ra trong cuộc tọa đàm do Vietnam Net thực hiện với sự tham dự của hai nhân vật đã rời chính trường, ông Vũ Khoan nguyên Phó Thủ Tướng, nguyên Bí Thư Trung Ương Đảng và ông Nguyễn Đình Hương nguyên Phó Ban Tổ Chức Trung Ương, nguyên Trưởng Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ Trung Ương Đảng. Cuộc tọa đàm chính trị này được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 27/7/2009 với tựa đề ‘Động lực để tiếp tục đổi mới: Quyết định là ở cán bộ lãnh đạo’.

Đổi mới cơ chế chính trị

Phát biểu trên Vietnam Net, ông Nguyễn Đình Hương nhận định rằng, cách chọn nhân sự trong các kỳ Đại Hội Đảng là chưa dân chủ, và chỉ có đổi mới mạnh dạn thì mới thực hiện được cơ chế dân chủ. Theo ông lâu nay ở Việt Nam công tác tổ chức cán bộ là công tác bí mật, giữ bí mật đến phút cuối cùng thì khi ra Đại Hội cứ thế mà bầu thôi. Ông Hương kêu gọi đổi mới, phải công khai minh bạch dân chủ sòng phẳng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Hương nhận định rằng, cách chọn nhân sự trong các kỳ Đại Hội Đảng là chưa dân chủ, … Theo ông lâu nay ở Việt Nam công tác tổ chức cán bộ là công tác bí mật, giữ bí mật đến phút cuối cùng thì khi ra Đại Hội cứ thế mà bầu thôi.

Ông Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh rằng, mọi vấn đề đều quyết định ở cán bộ. Mỗi lần Đại Hội Đảng ngoài văn kiện đại hội, Báo Cáo Chính Trị cũng như sửa đổi Điều Lệ Đảng thì việc quan tâm nhất của mọi người đều tập trung vào vấn đề nhân sự. Theo lời ông Hương, sắp tới để có thể tìm ra được nhân tài để giao việc nước. Đại Hội XI Đảng Cộng Sản Việt Nam phải được thực hiện một cách dân chủ, dân chủ thực sự, dân chủ trực tiếp. Ông Hương cho rằng dân chủ đó gồm 4 điều, trong đó quan trọng nhất là phải để đại hội trực tiếp bầu Tổng Bí Thư, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư. Ở tỉnh, Đại Hội trực tiếp bầu Bí Thư và Thường Vụ. Đây là một cơ chế hoàn toàn mới, mà ông gọi là sự đổi mới cơ chế chính trị.

Ông Hương kêu gọi đổi mới cách làm của mỗi kỳ Đại Hội Đảng, như phải có số dư trong bầu cử chọn nhân sự, tức là phải có nhiều ứng cử viên để Đại Hội chọn lựa. Tất cả các Ủy Viên Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương, kể cả thường vụ tỉnh ủy bên dưới, kể cả các vị chủ chốt cũng nên có số dư. Theo quan điểm của ông Hương, được như vậy, toàn Đảng, trước hết là Ban Chấp Hành Trung Ương mới có cơ hội lựa chọn những người xứng đáng nhất vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Hương nói trên Vietnam Net rằng, trong cơ chế hiện nay ở cấp huyện tỉnh và ngành đã có qui hoạch trước, nhưng ở Trung Ương thì không. Vì thế cứ mỗi lần Đại Hội là một lần khó khăn cho việc xác định vai trò chủ chốt của Đảng và Nhà nước, nhất là các thành viên Bộ Chính Trị và những người đứng đầu đất nước.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Hương đề xuất là phải cụ thể tiêu chuẩn tài đức với từng chức danh, không thể gộp từ Tổng Bí Thư đến Cán Bộ Xã đều cùng những tiêu chuẩn đức tài như nhau mà theo ông là rất không chuẩn xác.

Từng là Phó Ban Tổ Chức Trung Ương, ông Hương đặc biệt nhấn mạnh rằng, có thể chọn nhân sự sai ở một vài tỉnh, một vài Bộ, nhưng nếu chọn ở cấp chiến lược, cấp Trung Ương mà chọn sai thì hậu quả rất ghê gớm. Đối với những tiêu chuẩn tài đức mà nhà lãnh đạo nào cũng cần có, ông Hương nhấn mạnh tới vấn đề bản lĩnh chính trị, giữ vững độc lập chủ quyền, phải biết dựa vào dân, phải nghe dân.

Đồng thuận của toàn dân tộc

Những nhận định của ông Nguyễn Đình Hương trên Vietnam Net gây được sự chú ý của công luận, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay liên quan tới chủ quyền Biển Đông, ảnh hưởng đời sống của hàng chục ngàn ngư dân đánh bắt xa bờ. Cũng như kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bị đại biểu quốc hội lẫn giới khoa học trí thức và các cựu lãnh đạo phản bác.

Phát biểu trong cuộc tọa đàm, ông Vũ Khoan nói rằng Việt Nam đang bước vào thập kỷ cuối cùng trong mục tiêu đưa đất nước về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, đây là một quá trình lâu dài, nhưng sẽ đưa đến những biến đổi thực chất, từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Ông Vũ Khoan cho rằng, để đạt mục tiêu vừa nói trong vòng 10 năm tới, con át chủ bài của Việt Nam cần có là phải làm sao huy động được, khơi dậy được tính sáng tạo, lòng hăng say, niềm tin và sự đồng thuận của toàn dân tộc.

Xã hội công nghiệp

Đối với vấn đề giải phóng cơ chế, vào lúc Việt Nam chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, nguyên Bí Thư Trung Ương Đảng Vũ Khoan nhận định trong cuộc tọa đàm của Vietnamnet rằng, Việt Nam đã chuyển sang mô hình kinh tế nhiều thành phần, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh vẫn còn gặp khó khăn. Thực chất cơ chế độc quyền vẫn chưa thực sự được gỡ bỏ như mong muốn, còn là lực cản trong sự phát triển chung. Từ những khía cạnh vừa nói, Ông Vũ Khoan cho rằng cơ chế cần phải thay đổi một cách quan trọng.

Ông Vũ Khoan cho rằng, để đạt mục tiêu vừa nói trong vòng 10 năm tới, con át chủ bài của Việt Nam cần có là phải làm sao huy động được, khơi dậy được tính sáng tạo, lòng hăng say, niềm tin và sự đồng thuận của toàn dân tộc.

Điểm được ông Vũ Khoan đặc biệt nhấn mạnh là tạo động lực con người phải bằng các vấn đề xã hội. Nhà nước phát triển, công nghiệp hóa hiện đại hóa gì đi chăng nữa cuối cùng cũng là để phục vụ con người. Nếu phát triển công nghiệp nhưng chất lượng cuộc sống không cải thiện thì cũng không phải là mục tiêu của đất nước này. Do vậy theo ông, phải nâng cao phúc lợi cho người dân, đặc biệt về giáo dục y tế.

Theo lời ông Vũ Khoan trên Vietnamnet, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội công nghiệp đòi hỏi phải có con người công nghiệp chứ không thể là con người nông nghiệp. Trong một xã hội hiện đại mà con người lạc hậu thì làm sao có thể làm cho xã hội tốt lên được. Vì thế ông cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là phải tạo ra được nguồn nhân lực tương xứng với một xã hội công nghiệp hiện đại. Mục tiêu phải chú trọng đến lĩnh vực giáo dục là đúng, nhưng chưa phải là tất cả. Theo ông Vũ Khoan giáo dục phải được hiểu theo nghĩa rất rộng là giáo dục 90 triệu con người Việt Nam thành những con người của xã hội công nghiệp và hiện đại. Ông Vũ Khoan nhấn mạnh khi nói đến con người thì không chỉ nói đến lãnh đạo, không chỉ nói đến cán bộ mà phải nói đến toàn xã hội, toàn thể đội ngũ đảng viên, làm sao những con người ấy thích ứng được với một xã hội mới là xã hội công nghiệp, và một nền văn minh mới là một nền văn minh hiện đại. Phải hiểu theo nghĩa rộng như vậy chứ không nên giới hạn trong vấn đề trình độ giáo dục, trình độ chuyên môn hoặc trình độ chính trị chung chung mà phải thay đổi một cách toàn diện thì mới có thể thích ứng được.

Tự do, minh bạch

Trước khi kết thúc mục Đọc Báo Trong Nước Trên Mạng, trình bày cuộc tọa đàm trên Vietnam Net với chủ đề ‘Động lực để tiếp tục đổi mới: Quyết định là ở cán bộ lãnh đạo’, chúng tôi xin trích lời TS Lê Đăng Doanh nhận định về nhu cầu đổi mới của Việt Nam trong bối cảnh tình hình hiện nay, TS Lê Đăng Doanh là chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội, ông từng có thời gian dài là cố vấn cao cấp tại Bộ Kế Hoạch Đầu Tư:

“Hiện nay có những tiếng nói đề nghị chính phủ nhân tác động của cuộc khủng hoảng này mà có cuộc đột phá cải cách giống như 10 năm trước đây. Thời điểm đó trước khủng hoảng khó khăn, lãnh đạo Đảng đã chấp nhận Luật Doanh Nghiệp năm 1999. Trong đó có những tư tưởng đột phá được thực hiện trong thực tế quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, hạn chế quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước là chủ tịch tỉnh, không có quyền cho phép hay không cho phép người dân được lập doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không có quyền chấp nhận hay không chấp nhận, người nào mà làm đủ thủ tục thì phải được đăng ký, chứ không có quyền tiền kiểm tức là kiểm soát trước rồi mới cho phép mà chuyển sang là hậu kiểm. Cũng thời kỳ đó đã kiểm kê được tất cả là 303 cái giấy phép và đã bãi bỏ chuyển đổi 186 cái giấy phép, làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam lành mạnh hẳn lên.

Nhưng bây giờ trong tình hình khủng hoảng như thế này, liệu Việt Nam có thực hiện được sự đột phá như thế hay không. Đạt được sự cải cách rất cơ bản, chống tham nhũn,g chống lãng phí, chống tiêu xài từ nguồn quĩ ngân sách, thực hiện công khai minh bạch, thực hiện được một nền báo chí tự do và có trách nhiệm đối với đất nước. Theo tôi đấy là các yêu cầu đang được đặt ra.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.