Nông nghiệp không hấp dẫn nhà hoạch định chính sách

Thực trạng phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam còn nhiều bất cập, được phản ánh như một “căn bệnh âm ỉ” tại kỳ họp thứ 8 vừa qua của Quốc hội.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010.12.04
Gạo Việt Nam xuất khẩu đang xuống cảng Philippines Gạo Việt Nam xuất khẩu đang xuống cảng Philippines
AFP photo


Thời Báo Kinh Tế Saigon nhận định là vấn đề đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp, dù rằng tại kỳ họp này câu chuyện phát triển nông nghiệp nông thôn không “nóng” như Vinashin, không bức bối như khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Tờ báo ghi nhận các ý kiến đầy âu lo từ nhiều đại biểu Quốc hội, theo đó nông dân vẫn thuộc nhóm người nghèo nhất của xã hội, mặc dù từ nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản.

Ông Nguyễn Hữu Nhị đại biểu tỉnh Nghệ An được trích lời, mô tả sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thể hiện là nền kinh tế tiểu nông với ruộng đất manh mún. Hiện nay cả nước có đến 70 triệu thửa đất nông nghiệp, nhưng đất trồng lúa chưa đến 4 triệu héc-ta. Đất canh tác bị thu hẹp dần vì sự xâm lấn của sân golf, khu công nghiệp.

Trong 5 năm gần đây, khoảng 154.000 héc-ta đất nông nghiệp bị thu hồi, nghĩa là đất trồng lúa bị giảm với tỷ lệ 7,6%.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang tỉnh Bình Định dẫn các số liệu thống kê nhận định rằng, lãnh vực nông nghiệp không hấp dẫn ngay cả với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đều không chú trọng tới lãnh vực nông nghiệp.

Đầu tư mỗi năm mỗi giảm

Trả lời chúng tôi, Đại biểu Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh:

“Tôi có thống kê 20 năm qua, đầu tư nước ngoài đăng ký vào khu vực nông nghiệp chỉ vào khoảng 2,25%, rõ ràng là không hấp dẫn người ta, trong khi GDP của nông nghiệp trung bình của 20 năm vừa qua là khoảng 27%.

Hoạch định chính sách để đầu tư phát triển khu vực này theo tôi tính toán cũng rất thấp, cụ thể tiền Nhà nước đưa vào cụ thể nông nghiệp rất ít.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang

Hoạch định chính sách để đầu tư phát triển khu vực này theo tôi tính toán cũng rất thấp, cụ thể tiền Nhà nước đưa vào cụ thể nông nghiệp rất ít.

Khái niệm nông nghiệp ở đây bao gồm trồng trọt chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp, ưu tiên đầu tư vào khu vực này không nhiều. Người ta quan niệm có đầu tư vào nông thôn như giao thông, y tế, giáo dục, hay thủy lợi, còn đầu tư cụ thể cho sản xuất kinh doanh dành cho các doanh nghiệp.

Hiện nay quan điểm nhìn nhận có khác nhau như vậy, nhưng chúng tôi cho rằng, khi đời sống ở nông thôn thấp doanh nghiệp không đầu tư vào thì nhà nước phải có chính sách như hạ thấp lãi suất ngân hàng, bù lỗ lãi suất ngân hàng để người ta có thể vay vốn. Quá trình vay vốn như vậy cũng thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp cao lên.”

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang, theo sự trích thuật của báo chí xác định đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn mỗi năm mỗi giảm dần. Nếu năm 2.000, tỷ lệ tổng đầu tư cho nông nghiệp là 13,85% thì đến năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư toàn xã hội. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang cho rằng các nhà hoạch định chính sách đã tỏ ra không thỏa đáng trong công việc của mình.

Trước Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh đơn vị Hải Phòng khuyến nghị chính phủ cần triển khai đồng bộ các chính sách để điều tiết tốt hơn, tạo sự cân bằng ổn định cho nông nghiệp nông thôn. Đại biểu Vinh cho rằng những chính sách hiện hữu nặng về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà chưa chú trọng ưu tiên nông dân.

Nhìn sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản

Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.AFP photo
AFP photo
Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon, đại biểu Nguyễn Đăng Vang kêu gọi chính phủ không nên giảm tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp. Dẫn chứng rằng, ở Hàn Quốc, chi phí khuyến nông đầu tư cho 1 héc-ta làm nông nghiệp là 850 đô la Mỹ, trong khi ở Việt Nam mức đầu tư này chỉ là 1 đô la Mỹ/héc ta.

Đối với vấn đề diện tích canh tác của mỗi nông hộ quá nhỏ, trong khi việc tích tụ ruộng đất khó khăn và bất cập. Trả lời chúng tôi, đại biểu Nguyễn Đăng Vang đề cập tới kinh nghiệm khảo sát ở Đài Loan năm 1999, người nông dân cũng chỉ có 0,8 héc-ta. Đời sống ở Việt Nam chưa bằng Đài Loan hồi 1999, nhưng đất sản xuất thì tương tự và cùng thời gian này ở Nhật Bản cũng chỉ có 0,8 héc-ta cho một người.

Thế nhưng nông dân Đài Loan và Nhật Bản thống nhất được về mặt công nghệ, thí dụ cả một vùng trồng 1 loại giống do một ban kỹ thuật hướng dẫn, sau đó họ có nguồn vốn tín dụng có thể của hợp tác xã hay nhà nước, họ đưa ra nhà máy chế biến để nâng cao giá trị lên 50%, nhờ có thương hiệu và uy tín họ bán tăng lên 50% nữa, thành ra cùng một sản phẩm mà giá trị có thể tăng gấp đôi. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh:

“Như vậy ở đây có khái niệm thống nhất về mặt công nghệ hay tăng khâu chế biến để nâng cao giá trị thì như vậy bản thân người nông dân trên miếng đất của mình có thể đạt phần thu nhập cao hơn.”

Bất cập của tích tụ ruộng đất

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang nhận định về thực trạng lao động nông thôn và tính bất cập của quá trình tích tụ ruộng đất hiện nay. Theo đó lao động nông nghiệp ở Việt Nam chiếm tỷ lệ 51,7%, ở các nước phát triển công nghiệp lao động nông nghiệp chỉ khoảng 5%-6% thậm chí có nước chỉ 3%, trong tương lai Việt Nam sẽ đi theo qui luật này, lao động nông nghiệp sẽ giảm đi. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang phân tích:

... thì những người nông dân láng giềng đã không có việc làm lại cũng không có đất, họ trở thành tay trắng, ra thành phố không được mà ở nông thôn thì không có việc làm ...

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang

“Khi lao động nông nghiệp giảm đi thì tự nó sẽ dẫn tới việc chuyển nhượng đất đai cho nhau để thành qui mô đất cho một hộ ở nông thôn. Đó là một qui luật tự nhiên, nhưng bây giờ chúng ta chưa tạo ra việc làm bên công nghiệp, hiện có nhiều người không có việc làm ở nông thôn cũng như ở thành phố.

Thế nhưng bây giờ lại cho phép ở nông thôn tích tụ đất đai, như vậy một cá nhân nào đấy có thể có 10-20 héc-ta đất hay nói ít hơn chỉ độ 3 héc-ta đất thôi, thì những người nông dân láng giềng đã không có việc làm lại cũng không có đất, họ trở thành tay trắng, ra thành phố không được mà ở nông thôn thì không có việc làm cũng không có đất đai, tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Vì vậy cần có những bước đi thích hợp để đạt kết quả.”

Cần công nghiệp hóa nông nghiệp

kho-lua-gao-250.jpg
Kho chứa gạo tự xây của nông dân. RFA file photo.
Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa TP.HCM đề xuất cần tiếp tục công nghiệp hóa nông nghiệp. Theo đó, thực tế phát triển nông nghiệp trong thời gian qua, chỉ cần chọn một khâu đột phá để đầu tư cho nông nghiệp, sẽ tạo ra một bước chuyển lớn. Đại biểu Hòa nhận định, ở đồng bằng sông Cửu Long nếu đầu tư thích đáng cho công nghệ sau thu hoạch sẽ có thể giảm thất thoát khoảng nửa triệu tấn gạo xuất khẩu trong quá trình tồn trữ.

Nhận định về sự chọn lựa một khâu đột phá ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

“Theo tôi đột phá mà mang lại hiệu quả là thay đổi phương thức sản xuất, đó mới là điều quan trọng. Hiện nay, khâu sau thu hoạch có thất thu thất thoát, thí dụ thất thoát trong lúa gạo khoảng 12-14%, trên thế giới thì khoảng 6-8%, tính vậy thì cuối cùng ăn cơm còn mang đổ, tất nhiên đâu phải như thế.

Có thể mình giảm thất thoát sau thu hoạch thì cũng mang lại hiệu quả. Nhưng hiệu quả quan trọng nhất là vấn đề phương thức sản xuất, chính từ phương thức sản xuất thì mới nâng cao giá trị sản phẩm có thương hiệu thì mới mang lại hiệu quả. Còn công nghệ sau thu hoạch là hệ quả sau cùng thôi, sau khi đã phối hợp các khoản rồi thì xử lý sau thu hoạch không khó.”

Nhưng hiệu quả quan trọng nhất là vấn đề phương thức sản xuất, chính từ phương thức sản xuất thì mới nâng cao giá trị sản phẩm có thương hiệu thì mới mang lại hiệu quả.

TS Lê Văn Bảnh

TS Lê Văn Bảnh nói với chúng tôi là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, sản xuất hàng hóa nông nghiệp phải có số lượng lớn, chất lượng đồng đều, đạt tiêu chuẩn sản xuất như VietGap hoặc GlobalGap. Muốn làm được việc này cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất bao gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nông dân có thể tham gia công ty nông nghiệp để có thể sản xuất tập trung theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khi có khối lượng hàng hóa lớn có thương hiệu thì hiệu quả giá trị sẽ tăng cao và ổn định.

Để người nông dân an tâm sản xuất , chính phủ cần thực hiện những điều mà đại biểu quốc hội và các nhà khoa học khuyến nghị nhằm nâng cao thu nhập cho nông thôn. Ngoài việc tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cần có qui hoạch vùng nông nghiệp chuyên canh lớn và ổn định quĩ đất, không cho lấy đất trồng lúa sử dụng sang mục đích khác. Ngoài ra cần đầu tư vào con người ở nông thôn, đào tạo nghề một cách hiệu quả.

Nếu nông dân nẩy sinh tâm lý chán ruộng vì lợi tức quá thấp và tình trạng mất dần đất canh tác, thì trong tương lai sẽ có ngày Việt Nam không thể tự túc lương thực, nói chi tiếp tục giữ vai trò cường quốc xuất khẩu gạo.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.