Tại sao gói kích cầu 30.000 tỷ thất bại?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.12.13
000_Hkg9227927-305.jpg Ảnh minh họa chụp ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013.
AFP PHOTO

 

6 tháng giải ngân 1,1%

Trong khi giới chuyên môn mô tả gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ thất bại “chết yểu”, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa lên tiếng yêu cầu giải ngân nhanh giúp cho doanh nghiệp và người dân vay để có thể phát triển nhà.

Trả lời Nam Nguyên vào tối 12/12/2013, ông Nguyễn Văn Đực phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành ở TP.HCM cho biết vì sao ông đã nói với báo chí là “Gói 30.000 tỷ đã thất bại vô cùng thảm hại”.

“Phải nhìn nhận gói 30.000 tỷ này xuất phát từ nghị quyết 2 của Chính phủ. Nghị quyết này có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phá băng bất động sản, tồn kho rất nhiều nợ xấu rất nhiều bằng nhiều biện pháp. Trong đó biện pháp vế mặt kỹ thuật là chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và chuyển nhà diện tích lớn sang nhà diện tích nhỏ bằng biện pháp tài chính, đó là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Như vậy ngay từ đầu mục đích của gói kích cầu này là để giải cứu thị trường bất động sản, giải cứu phá băng bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp là phát triển nhà ở xã hội, chứ ngay từ đầu không phải mục đích của gói 30.000 tỷ này là để phát triển nhà ở xã hội. Đấy là quan điểm của tôi nhìn về Nghị quyết 2 cũng như gói 30.000 tỷ đồng này.”

6 tháng rồi coi như cả năm 2013 Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ này bơm vào thị trường bất động sản chỉ có hơn 400 tỷ mà thôi. Tôi cho rằng đây là một sự thất bại.
-Ô. Nguyễn Văn Đực

Báo mạng Một Thế Giới trụ sở tại Hà Nội trích lời ông Nguyễn Văn Đực phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành nhận định rằng, nguyên nhân  khiến cho gói 30.000 tỷ thất bại là do Nghị quyết 02 và gói kích cầu này được ban hành trễ mất 2 năm. Ông ví von, lúc  bệnh nhân có sức khỏe thì thuốc còn có khả năng  trị được, vậy mà lúc đó chúng ta lại không chịu cho thuốc, ai nấy đều tự che dấu  bệnh tật của bất động sản, ai cũng lạc quan vượt qua khó khăn, chuẩn bị phát triển. Cho nên đợi đến khi bất động sản chìm nặng trong bệnh tật thì việc cứu chữa là cực kỳ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đực phân tích thêm khi trả lời chúng tôi:

“Quan điểm của tôi, 6 tháng rồi coi như cả năm 2013 Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ này bơm vào thị trường bất động sản chỉ có hơn 400 tỷ mà thôi. Tôi cho rằng đây là một sự thất bại của Nghị quyết 02 cũng như gói 30.000 tỷ. Còn chuyện giải ngân được bao lâu thì chúng tôi chưa biết, chỉ biết rằng gói 30.000 tỷ này hết năm 2014 là xong. Như vậy khả năng hết năm 2014 có thể giải ngân là không quá 15%, nếu như vậy thì tôi cho là cũng tiếp tục thất bại.”

Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành hồi đầu năm 2013 và một gói kích cầu bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2013. Thị trường bất động sản đóng băng từ vài năm qua đã chôn vùi 1 triệu tỷ đồng vốn, theo lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước Quốc hội ngày 16/10/2012. Báo Dân trí Online lúc đó trích lời ông nói rằng, không nhận diện nguồn vốn bị chôn vùi ở bất động sản thì không bao giờ  giải phóng được nợ ngân hàng.

Trước viễn cảnh khá u tối của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh những câu hỏi về nợ công, nợ xấu, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh ngân sách.  TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội từng đề cập tới con số nợ hơn 1,5 triệu tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp nhà nước, riêng về việc hỗ trợ thị trường bất động sản, TS Lê Đăng Doanh nhận định:

“Gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết bất động sản nhưng sau 6 tháng mới giải ngân được có 1,1%. Như vậy để giải ngân hết số tiền đó thì chúng ta cần 100 lần của 6 tháng, tức là cần 50 năm. Đó là một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với việc giải quyết bất động sản đó.”

Cần khắc phục lệch pha cung cầu

Ảnh chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 19 tháng 11 năm 2013. AFP PHOTO.
Ảnh chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 19 tháng 11 năm 2013. AFP PHOTO.

Báo điện tử VnEconomy ngày 11/12 trích lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho biết, thị trường bất động sản còn khó khăn nhưng đã có những chuyển biến tích cực, tồn kho bất động sản giảm 28.000 tỷ đồng tương đương 22% so với cuối quí 1/2013; tổng tồn kho bất động sản còn 100.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Dũng đưa ra những con số tốt đẹp mà các chuyên gia địa ốc cho là cách tính toán khó thể đồng ý. Ông Bộ trưởng Xây dựng đã loại bỏ phần tồn kho tất cả các dự án bất động sản đang dở dang, dù đây chính là tảng băng chìm lớn nhất, đó là những khu đô thị ma, bỏ hoang, những dự án dang dở đầy rẫy trên toàn quốc, đặc biệt là ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác…

Từ phần vốn vay ngân hàng đóng băng trong bất động sản khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm một nửa dư nợ ngân hàng tính đến tháng 10/2012 theo lời Chủ tịch Quốc hội, mà chỉ trong chưa đầy 14 tháng giảm còn 100.000 tỷ đồng thì thật là khó tin.

Đáp câu hỏi của chúng tôi về ước lượng tổng trị giá tồn kho bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành nhận định:

“Thống kê hiện nay chưa rõ ràng, mỗi người lượng tính theo nhận định chủ quan của mình. Nhưng theo tôi con số đó có thể cao hơn 100.000 tỷ nợ xấu bất động sản, có thể là 500.000 tỷ chẳng hạn.”

Theo Vn Economy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày với Chính phủ rằng, chủ trương hỗ trợ thị trường bất động sản là đúng đắn, có chăng là do khâu thiết kết chính sách chưa hiệu quả. Theo lời ông Bộ trưởng, để tháo gỡ thì phải khắc phục lệch pha cung cầu, hàng phân khúc cao cấp thì cung nhiều, cầu thấp, trong khi đó nhà ở qui mô trung bình và nhỏ cung thiếu mà cầu cao.

Tác động rất lớn là ngân hàng có sở hữu chéo, một số người bỏ tiền ra mua các dự án chết và cho dự án đó tái sinh lại thì đấy là điều rất đáng mừng.
-Ô. Nguyễn Văn Đực

Theo báo chí, người dân muốn vay tiền của gói 30.000 tỷ để mua nhà ở xã hội nhà ở thương mại hoặc các doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản chuyển đổi công năng gặp nhiều trở ngại. Tình trạng giải ngân ít và quá chậm là do cơ chế chính sách có rất nhiều rào cản. Đầu tiên người dân phải chứng minh có thu nhập thấp và chưa có nhà, vấn đề này gặp cản trở ở các địa phương và đang được điều chỉnh. Ngoài ra hạn cho vay 10 năm là quá ngắn và người vay sẽ phải trả góp hàng tháng quá lớn so với thu nhập. Đây là một gút thắt cần được giải tỏa.

Chuyên gia Tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội phân tích:

“Ở các nước như bên Mỹ hay bên Châu Âu, tiền trả góp mua nhà không thể quá 30% thu nhập của cá nhân mua nhà. Ở Việt Nam  Quốc hội qui định thu nhập dưới 9 triệu là thu nhập thấp hay thu nhập trung bình… thì với 3 triệu có đủ trả góp mua nhà hay không. Vấn đề là như thế, nếu cho người ta vay 50%-60%-70% thu nhập hàng tháng thì người ta lấy cái gì để sống và người ta sẽ đi tới chỗ không trả được nợ.”

Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc có tia sáng nào le lói cuối đường hầm về việc phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đực nhận định:

“Về hỗ trợ của Nhà nước, gói 30.000 tỷ không tác động nhiều. Tuy nhiên có tác động rất lớn là ngân hàng có sở hữu chéo, một số người bỏ tiền ra mua các dự án chết và cho dự án đó tái sinh lại thì đấy là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên cái tái sinh này nó có thể tồn tại tiếp, có thể phát triển được hay không thì xin để thời gian trả lời. Bởi vì những dự án tái sinh này mới khởi động từ phần bê tông cốt thép và nó phải chấp nhận sự thử thách, sự chấp nhận của thị trường hai năm nữa. Trong hai năm đầy rủi ro này có thể có nhiều biến động về thị trường, về giá vật tư và giá nhân công cũng như về lãi suất, cho nên tôi chưa tin tưởng rằng sự tái khởi động này có thể thành công. Thôi thì chúng ta hãy chờ đợi một, hai năm nữa để trả lời những sự tái khởi động này có thể thành công hay không.”

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước về giải ngân cho vay thuộc gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/11/2013 có 1.236 khách hàng được giải ngân 470,8 tỷ đồng, trong đó có 10 doanh nghiệp được giải ngân khoảng 176 tỷ đồng cho các dự án bất động sản.

Những con số vừa nêu là quá khiêm tốn cho cả gói 30.000 tỷ và nói như nhà địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực trên báo điện tử Một Thế Giới, người dân đã mất niềm tin vào doanh nghiệp địa ốc vì thất hứa. Hơn nữa người dân không tin rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn và và người ta bắt đầu dự trữ tiền mặt, hàng hóa còn ế ẩm nói gì đến mua nhà trả góp, vừa phải trả trước 30-40% còn lại phải góp hàng tháng ít nhất 5-7 triệu một tháng. Trong khi đó đi thuê nhà thì chỉ cần 2- tới 3 triệu 1 tháng.

Cứu bất động sản không phải bằng tiền mà bằng chính sách và những luật lệ thì cần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực kết luận: “bây giờ chẳng còn gì để cứu chữa nữa vì đã quá trễ. Trí tuệ của cả nước đều tập trung  để cho ra đời Nghị quyết 02, giống như một liều thuốc để cho rất nhiều người hy vọng, nhưng cuối cùng lại thất bại.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.