Mở cửa thị trường nợ xấu: Thủ tướng vượt rào

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015.03.20
1-TTg-bat-tay-australia-622.jpg Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott tại Úc hôm 17/3/2015.
Courtesy chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo mở cửa thị trường mua bán nợ của Việt Nam cho doanh nghiệp Úc. Đây là một nội dung đáng chú ý trong dịp ông viếng thăm Australia từ 16-18/3/2015.

Chưa có khung pháp lý mua bán nợ xấu

Theo VnEconomy, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt-Úc ở Sydney hôm 17/3/2015, ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp Australia tham gia vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Một cách cụ thể ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư Australia tham gia thị trường mua bán nợ; thị trường năng lượng; tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; tham gia  đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; tham gia vào các kế hoạch  hiện đại hóa ngành than; tham gia công đoạn chế biến sâu  trong ngành công nghiệp bauxite – alumina – nhôm; đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến đầu khí; kế hoạch hiện đại hóa ngành ngân hàng, hàng không, viễn thông.

Tôi cho là lời mời vào dịp Thủ tướng đi thăm Úc cũng là một điều được thôi và hợp lý. Đây là một dịp để bày tỏ chủ trương của chính phủ Việt nam về việc đó, chứ còn thời gian để thực hiện thì chắc chắn cũng phải có thời gian để cho phía Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các qui định pháp lý.
-Phạm Chi Lan

Trên thực tế Việt Nam chưa có khung pháp lý cho vấn đề mua bán nợ xấu, đặc biệt với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Một chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối tháng 1/2015 cũng chỉ đề cập tới điều gọi là “hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu”. Vậy thì điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn sẵn sàng mời doanh nghiệp Australia tham gia mua bán nợ mang ý nghĩa gì. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội phát biểu:

“Tôi nghĩ Thủ tướng bày tỏ một ý chí về chính sách của Việt Nam. Thật ra việc đã được bàn nhiều ở Việt Nam, trong các hướng giải quyết nợ thì nên có cả việc bán nợ cho các tổ chức nước ngoài nếu như họ sẵn sàng mua. Còn việc xây dựng thể chế trong đó công cụ chính sách luật pháp liên quan thì chắc chắn chính phủ sẽ làm tiếp trong thời gian tới. Tôi cho là lời mời vào dịp Thủ tướng đi thăm Úc cũng là một điều được thôi và hợp lý. Đây là một dịp để bày tỏ chủ trương của chính phủ Việt nam về việc đó, chứ còn thời gian để thực hiện thì chắc chắn cũng phải có thời gian để cho phía Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các qui định pháp lý và cho phía Úc nếu có quan tâm thì họ phải tìm hiểu thông tin về Việt Nam, kể cả môi trường pháp lý cũng như những điều kiện cụ thể của các khoản nợ mà họ có thể quan tâm.”

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hà Nội
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hà Nội
RFA photo

Nợ xấu ngân hàng ở Việt nam là một con số đầy bí ẩn, các nhà lãnh đạo cao cấp nhất cũng đưa ra những con số khác nhau. Vào tháng 8/2014 Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu của các tổ chức tín dụng khoảng 162.000 tỷ đồng tương đương 8 tỷ USD chiếm 4,11% tổng dư nợ. Tuy vậy Fitch tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế cho rằng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam có thể lên tới 15%. Gần đây nhất vào đầu năm 2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn đưa nợ xấu về mức bình thường là 3%.

Ngay từ tháng 9/2013, Vnexpress dịch một bản tin của hãng tin Mỹ AP viết rằng: “Nợ xấu Việt Nam-món hời của nhà đầu tư ngoại. Rất nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội và sẵn sàng tham gia mua bán nợ xấu nếu được mở cửa, trong khi Việt Nam cần vốn để hỗ trợ các nhà băng cho vay trở lại, thúc đẩy nền kinh tế…các khoản nợ xấu đang bủa vây hệ thống ngân hàng và dãy dài những ngôi nhà bỏ hoang mốc meo, cỏ mọc um tùm ở Hà Nội là những dấu hiện của của một nền kinh tế ốm yếu. Tuy nhiên với các nhà đầu tư nước ngoài, đây lại là cơ hội kiếm lời béo bở nếu họ được chính phủ chào đón.”

Cần có thêm nhiều cải cách cụ thể

Ngày 17/3/2015 tại Sydney Australia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức ngỏ lời chào đón các doanh nghiệp Úc tham gia thị trường mua bán nợ của Việt Nam. Nhưng để mở cửa thị trường buôn bán nợ  đòi hỏi Việt Nam có thêm nhiều cải cách cụ thể.

Vào tháng 5/2013 Chính phủ Việt nam thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC với số vốn ban đầu là 500 tỷ đồng để mua nợ xấu ngân hàng. Đến tháng 12/2014 Ngân hàng Nhà nước cho biết VAMC đã mua lại lượng nợ xấu khoảng 90.000 tỷ đồng tương đương 4,2 tỷ USD. VAMC không có vốn, nợ xấu được bán lại theo cách thức nhận trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng bán nợ xấu cầm trái phiếu đặc biệt này đến Ngân hàng Nhà nước thế chấp và được vay với trị giá 70%.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

Mục tiêu phấn đấu để 2015 này đưa nợ xấu xuống mức 3% thì tôi nghĩ  là về hình thức thì có thể có nhưng bản chất của nó cục máu đông vẫn hoàn toàn chưa tan, chưa xử lý được.
-PGS Ngô Trí Long

“Thực chất giải quyết vấn đề nợ xấu là một bài toán nan giải, nợ xấu là một cục máu đông, nó là bệnh nan y bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù đã thành lập Công ty VAMC Quản lý Tài sản với mục đích xử lý nợ xấu, nhưng xử lý bằng hệ thống trái phiếu, trái phiếu đặc biệt. Vừa qua Thống đốc có nâng lên 8.000 tỷ đồng để xử lý, tôi nghĩ cũng không phải tiền tươi thóc thật, không có nội lực kinh tế thật sự thì chắc chắn khó giải quyết. Cái đó chẳng qua là chuyển từ túi này qua túi kia, hay nói cách khác gom nợ từ các tổ chức tín dụng chuyển sang một công ty mà công ty này không giải quyết không xử lý được và thực chất nợ xấu vẫn còn đó. Cho nên mục tiêu phấn đấu để 2015 này đưa nợ xấu xuống mức 3% thì tôi nghĩ  là về hình thức thì có thể có nhưng bản chất của nó cục máu đông vẫn hoàn toàn chưa tan, chưa xử lý được.”

Chúng tôi nêu câu hỏi với chuyên gia Phạm Chi Lan, vai trò của VAMC và điều kiện minh bạch về nợ xấu, có thể cản trở việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài hay không? Bà Phạm Chi Lan nhận định:

“Tôi nghĩ việc Việt Nam thành lập cơ quan VAMC thì cũng tương tự như nhiều nước đã làm, đấy là một công cụ cần thiết để giải quyết vấn đề nợ nần và tôi nghĩ nó không cản trở các đối tác khác tham gia mua bán nợ; bởi vì họ có thể mua chính các món nợ mà bản thân VAMC mua lại và cũng đang muốn bán ra thị trường. Tôi nghĩ là việc VAMC có những lúng túng trong xử lý những khoản nợ họ đã mua vào, là điều cũng có thể hiểu được trong điều kiện của Việt Nam. Vừa là các khoản nợ ở Việt Nam rất phức tạp, rồi xác định quyền sở hữu các tài sản nợ đó cũng là một việc hết sức phức tạp mà nhiều khi nó vượt khỏi thẩm quyền của VAMC giải quyết. VAMC cũng là mô hình tương đối mới ở Việt Nam, dù có học hỏi các nước cũng vẫn cần thời gian để Việt Nam thực sự áp dụng được vào trong hệ thống của mình và thúc đẩy tạo năng lực cho nó có thể hoạt động được thực sự. Tôi tin nếu có sự tham gia thêm của các công ty nước ngoài, thì chính bản thân những hoạt động đó sẽ giúp thêm cho VAMC học hỏi và làm tốt hơn chức trách của mình.”

Để mở cửa thị trường nợ xấu cho doanh nghiệp nước ngoài như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo ở Sydney ngày 17/3/2015, thì Việt Nam phải cải cách luật pháp vượt qua những rào cản rất phức tạp mà thể chế kinh tế và chính trị của Việt Nam đã tạo ra. Một thí dụ hiển nhiên, rất nhiều khoản nợ xấu ngân hàng là vì cho doanh nghiệp nhà nước vay để phát triển bất động sản hoặc đầu tư ngoài ngành. Rất khó nếu không muốn nói là vô phương thu hồi nợ từ những con nợ quốc doanh này. Bản thân con nợ, cùng các tổ chức Đảng liên quan, có thể cản trở việc định giá tài sản thế chấp theo đúng giá trị thị trường. Ngoài ra còn cần khung pháp lý cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu bất động sản hay tài sản thế chấp.

Tiến độ cải cách thể chế của Việt Nam được ghi nhận là quá chậm chạp và chắc hẳn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận thức chuẩn xác, khi bà cho rằng Thủ tướng Việt Nam mới chỉ bày tỏ với nước bạn một ý chí của chính phủ về chính sách của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.