Báo động tình trạng phá rừng tại Việt Nam

Đất nước Việt Nam nằm tại vùng nhiệt đới gió mùa nên thảm rừng từng hết sức xanh tốt, độ che phủ rừng khá rộng. Tuy nhiên suốt thời kỳ chiến tranh, rồi trong quá trình phát triển, diện tích rừng của Việt Nam bị phá hủy nhiều.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.06.21
Khai thác gỗ trái phép bị phát hiện ở tỉnh Hà Tĩnh hồi năm 2009. Khai thác gỗ trái phép bị phát hiện ở tỉnh Hà Tĩnh hồi năm 2009.
Photo courtesy of vtc.vn

Đến nay, tình trạng phá rừng ở Việt Nam ra sao khi mà nhu cầu về các loại gỗ rừng tiếp tục gia tăng để phục vụ nhiều mặt cuộc sống? Đây là đề tài chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ này.

Tan hoang rừng

Dư luận tại Việt Nam, nhất là cư dân ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trong những ngày tháng sáu này lại được đánh động nhờ vào những bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ về tình hình phá rừng tại địa phương để trồng cây cao su.

Tin cho hay khi mà vụ phá rừng tại huyện Nam Giang chưa được giải quyết xong, thì một vụ phá rừng nguyên sinh để trồng cao su khác lại nổi lên. Vụ việc diễn ra tại huyện Đông Giang, và theo báo Tuổi Trẻ thì mức độ của vụ mới này ở Đông Giang còn nghiêm trọng hơn tại Nam Giang.

Gỗ không thiếu, có thể mua của Kiểm lâm, và nhập từ Lào và Kampuchia về.

Thợ mộc miền Trung

Sự việc cụ thể được trình bày là hơn 30 héc ta rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ lớn đã bị chặt ngang lấy đất cho dự án trồng cao su của công ty cổ phần đầu tư và sản xuất Việt-Hàn. Việc phát quang rừng được phóng viên báo Tuổi Trẻ cho biết đã diễn ra hơn hai tháng nay, và còn tường thuật phát biểu của một nhân viên kiểm lâm nói, nếu khu rừng tự nhiên đã bị chặt trụi vẫn được duy trì thì trong chục năm nữa, thì sẽ phát triển thành một khu rừng giàu, do rừng này có đủ các nhóm gỗ từ tám cho đến một.

Chủ tịch xã Ba, huyện Đông Giang cũng thừa nhận cùng phóng viên báo Tuổi Trẻ là trong số 800 hécta đất của xã được giao cho Công ty Việt-Hàn, có không ít diện tích rừng tự nhiên thuộc hệ rừng phòng hộ đầu nguồn sông Vàng.

Tình trạng vừa nêu không chỉ xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, mà tin cho biết còn đang diễn ra ở nhiều địa phương khác, khi mà giá trị trước mắt do cây công nghiệp cao su mang lại khiến các nơi đua nhau chuyển đổi đất rừng cho loại cây này.

Tỉnh Bình Phước đã giao cho các doanh nghiệp một số khu vực rừng thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên để doanh nghiệp trồng cao su. Khu vực rừng này còn là rừng đầu nguồn của Sông Đồng Nai. Khi đã có phép, các doanh nghiệp tiến hành chặt hết những cây rừng tại khu vực được hạt Kiểm Lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên cho là còn giàu gấp chục lần những khu vực thuộc diện tích dự án trồng rừng của chính phủ hiện nay.

Khai thác gỗ, phá rừng ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hồi năm 2008. Photo courtesy of vfej.vn
Khai thác gỗ, phá rừng ở huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hồi năm 2008. Photo courtesy of vfej.vn
Song song với tình trạng phá rừng tự nhiên chuyển sang trồng cây cao su. Vô số vụ việc phá rừng riêng lẻ từng xảy ra ở khắp các địa phương trên cả nước đã diễn ra lâu nay và được truyền thông lên tiếng báo động. Xin được phép nêu lại một số vụ việc.

Hồi tháng hai năm nay, tờ Sài Gòn Tiếp Thị loan tin Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết có hàng chục ngàn héc ta rừng ở đó bị người dân địa phương phá trắng. Cụ thể số cây bị chặt nằm ở diện tích 70 héc ta trồng gỗ tech, mỗi cây đường kính từ 15 đến 30 centimét, và chiều cao từ 12 đến 15 mét. Đây là những cây có tuổi chừng 20 năm. Cơ quan này còn nói rõ số cây bị chặt phá trong khoảng thời gian hai tháng cuối năm 2009 và đầu năm nay là chừng 1200 cây.

Ngược lên mạn Tây Nguyên, nơi được xem là vùng đất rừng của Việt Nam, thì tình trạng phá rừng được cho là nghiêm trọng hơn cả.

Vườn quốc gia cũng phá

Có những công ty mượn danh xây dựng đường xá đã ngang nhiên xâm phạm vào diện tích đất rừng, ngay cả những nơi được nhà nước khoanh vào diện rừng quốc gia.

Báo chí trong nước đề cập đến Công ty Quản lý và Xây dựng Đường bộ tỉnh Daklak đã mang máy móc vào phá Rừng Quốc gia Yok Don ở tỉnh này. Giám đốc công ty này là nhân vật được dư luận biết đến, do ông cũng là chủ nhân của rẫy cà phê từng xua chó ra cắn chết một người dân đi mót cà phê, và đựơc toà án miễn tội.

Hiện trường một vụ lâm tặc phá rừng ở Quảng Ngãi. Photo courtesy of vfej.vn
Hiện trường một vụ lâm tặc phá rừng ở Quảng Ngãi. Photo courtesy of vfej.vn
Tờ ‘Người Lao Động’ nêu rõ, chưa đầy một năm qua, ‘Công ty Quản lý và Xây dựng Đường bộ’ và ‘Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Nông thôn số 6’ tỉnh Dak Lak đã làm hư hại hằng trăm héc ta rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Yok Don. Trong khi đang còn chờ đợi quyết định của các cấp cao hơn và của chính thủ tướng trong việc mở đường qua khu vườn quốc gia này, thì hai công ty vừa nên đã cho thực hiện việc san ủi trong rừng.

Không chỉ rừng quốc gia Yok Don ở Dak Lak mà rừng quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh nơi phát hiện ra loài sao la nổi tiếng cũng bị ‘làm thịt’ một cách không thương tiếc. Nhóm phóng viên Báo Lao Động trong bài viết đăng hồi tháng 11 năm ngoái nhận xét, khi càng đi sâu vào Vườn Quốc gia Vũ Quang thì thấy nạn chặt phá rừng càng trầm trọng. Nhiều héc ta trong những khu rừng nguyên sinh bị chặt phá một cách nham nhở. Trong rừng, phóng viên nhận thấy chi chít rãnh vết chân trâu; đó là đường mòn kéo gỗ đã chặt hạ ra khỏi rừng. Những kẻ phá rừng sử dụng thiết bị hiện đại để khai thác gỗ; sau khi được một lượng đủ lớn mới tổ chức vận chuyển ra đến bìa rừng rồi tìm mối chuyển về xuôi.

Những loài cây gỗ quí bị chặt để đem bán làm nguyên liệu sản xuất ra các mặt hàng đồ mộc cao cấp hay sử dụng trong xây dựng. Bên cạnh đó nhiều loài khác cũng được khai thác phục vụ sở thích, thị hiếu của con người. Lâu nay có những lực lượng vào rừng kiếm các loài lan về bán cho các vườn cây cảnh hay những nhà sưu tầm. Hoạt động tìm kiếm đó cũng tương tự như người đi tìm trầm, họ sẵn sàng chặt bỏ những thứ ngáng đường đạt đến đích của họ.

Một thú chơi, nhất là của những người mới giàu lên cũng gây hại cho rừng. Đó là việc đưa những cây rừng về trồng trong vườn nhà, cơ quan. Hồi năm ngoái, báo Tuổi Trẻ cũng có bài nói về tình hình ấy ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nơi mà việc bứng cây rừng về làm đẹp đã trở thành “mốt.” Báo này trích dẫn phát biểu của một người dân địa phương từng có thời vào rừng săn lùng các loài cây cảnh về kinh doanh, nói rằng loài cây được săn lùng ở Đồng Hới là cây mưng với niềm tin trồng cây này mang lại ‘lộc’ cho họ. Cây mưng là loài cây mọc bên bờ suối, ven sông có bộ rễ chùm dày bám vào đất có thể giúp giữ khỏi xói lở. Ngoài cây mưng dân địa phương còn chơi những loại cây rừng cổ thụ khác như sanh, si, đa, đùng đinh, cây lội…

Ra miền bắc, Cục Lâm Nghiệp cho biết trong 11 tháng của năm ngoái có hơn chục ngàn vụ vi phạm quản lý và bảo vệ rừng tại các tỉnh phía bắc đã bị phát hiện. Nơi nào càng có nhiều rừng càng có nhiều vụ vi phạm. Ngoài ra, kiểm lâm các tỉnh phía Bắc cũng phát hiện hơn một ngàn vụ phá rừng, gây hại cho hơn 350 héc ta rừng.

Đánh giá của ngành lâm nghiệp cho rằng hoạt động phá rừng, vận chuyển gỗ lậu.. đang ngày càng tinh vi hơn.

Ngoài việc phá rừng nhân danh công tác làm đường hay phát triển nông thôn như hai công ty tại Dak Lak vừa nêu trên, cũng như việc những đối tượng gọi là lâm tặc sống ký sinh vào rừng, rừng còn bị phá biến hóa thành đất riêng của những cán bộ địa phương nơi có rừng.

Khai thác gỗ trái phép bị phát hiện ở tỉnh Hà Tĩnh hồi năm 2009. Photo courtesy of vtc.vn
Khai thác gỗ trái phép bị phát hiện ở tỉnh Hà Tĩnh hồi năm 2009. Photo courtesy of vtc.vn
Thanh tra chính phủ Việt Nam kết luận từ năm 1985 tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, ủy ban nhân dân huyện ra quyết định giao cho đơn vị có tên gọi là Trạm Trồng rừng Thống Nhất, nay là Xí nghiệp nguyên liệu giấy miền Đông Nam Bộ hơn 2400 héc ta đất để trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau hơn một chục năm, đến năm 1999, xí nghiệp này khai chỉ còn quản lý hơn 890 héc ta, tức hơn 1/3 diện tích ban đầu. Diện tích ấy đi đâu?

Thanh tra cho thấy từ năm 1985 đến năm 1999, hơn 1500 héc ta đất để trồng rừng do Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đông Nam Bộ đã bị biến mất. Thanh Tra chính phủ kết luận Ủy ban Nhân dân huyện Thống Nhất và các cá nhân liên quan không thực hiện những qui định trong việc giao đất đưa đến tình trạng hơn 2400 héc ta đất đã giao hồi năm 1985 nay trở thành đất của cán bộ lâm trường, cán bộ chính quyền địa phương…

Mua gỗ của kiểm lâm?

Hàng của chúng tôi làm từ gỗ nhóm một và cả gỗ sưa cũng có. Các loại gỗ này là nguồn thanh lý của Kiểm lâm, gỗ mua từ rừng Lào và Kampuchia.

Chủ xưởng mộc

Do tình trạng phá rừng như đã nêu trên, diện tích rừng của Việt Nam bị thu hẹp đáng kể. Các cây gỗ tự nhiên đủ qui cách khai thác không còn bao nhiêu, số trồng mới ít ỏi thì chưa đủ lớn để  khai thác lấy gỗ. Trong khi đó nhu cầu ngày càng gia tăng nhất là nền kinh tế phát triển, cuộc sống khá lên nhiều sản phẩm gỗ tốt được ưa chuộng trong nội địa cũng như ở nước ngoài.

Một người ở Châu Đốc chuyên làm nghề đóng bè cá hơn chục năm qua thừa nhận khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng Việt Nam:

Như gỗ cà chít của Việt Nam cũng chỉ còn những cây nhỏ thôi.

Để đáp ứng nhu cầu, các cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng, mỹ nghệ, cũng như mộc xây dựng tìm đến với một nguồn hiện còn dồi dào chưa bị khai thác cạn kiệt như tại Việt Nam, đó là gỗ từ rừng hai nước Lào và Kampuchia.

Điều này được chính các người trong ngành thừa nhận khi chúng tôi đến tại cơ sở của họ hay qua điện thoại. Một người ở miền Trung chuyên phục dựng nhà rường Huế cho biết:

Gỗ không thiếu, có thể mua của Kiểm lâm, và nhập từ Lào và Kampuchia về.

Điều này cũng được một chủ một cơ sở sản xuất hàng mộc mỹ nghệ ở Bắc Ninh xác nhận:

Hàng của chúng tôi làm từ gỗ nhóm một và cả gỗ sưa cũng có. Các loại gỗ này là nguồn thanh lý của Kiểm lâm, gỗ mua từ rừng Lào và Kampuchia.

Tất cả những nhà sản xuất đồ mộc, sử dụng nguyên liệu gỗ đều biết tình trạng khai thác cạn kiệt rừng Việt Nam. Tình hình khai thác bừa bãi ở Lào và Kampuchia cũng đều đã bị những cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc lưu ý đến và đề nghị không được vi phạm vào các khu vực rừng cấm, bởi có thể đưa đến tình trạng suy thoái trầm trọng như nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam. Dẫu vậy, do nguồn lợi kinh tế trứơc mắt, người khai thác vẫn bằng mọi cách vào rừng chặt phá và tìm cách tuồn đến tay người mua; cụ thể là các cơ quan quản lý vẫn lên tiếng về những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn chặt phá bừa bãi.

Còn biện pháp giúp duy trì những khu rừng còn lại, khôi phục những diện tích bị xâm phạm, và trồng mới rừng ra sao? Đó là đề tài trong chuyên mục kỳ tới.

Đến đây, Gia Minh chào tạm biệt quí vị.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.