Đập thủy điện tiếp tục được xây dựng trên sông Mekong bất chấp cảnh báo

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016.01.26
000_Hkg10094998-622 Các nhà hoạt động Campuchia phản đối việc xây dựng Đập Don Sahong, ảnh minh họa chụp ở Phnom Penh trước đây.
AFP

Họat động xây dựng các đập trên dòng chính Mekong vẫn được triển khai tại các nước trong lưu vực dù giới khoa học môi trường từng đưa ra cảnh báo về những tác động bất lợi.

Lào khởi công tiến đến đập thứ hai: Don Sahong

Trong tuần đầu tháng giêng vừa qua, tờ Vientiane Times loan tin trong tháng tới cơ quan chức này sẽ tiến hành khởi công đê quai ngăn nuớc, công trình mở đầu cho việc xây dựng đậy Don Sahong. Đây là con đập thứ hai trên đất Lào sau đâp thủy điện Xayaburi mà lâu nay giới chuyên gia môi truờng cũng như các nuớc trong khu vực chưa đồng thuận; thậm chí còn phản ứng gay gắt nữa. Tuy nhiên thông tin cho biết đến nay đập Xaxaburi xong đến 6o% rồi.

Vào ngày 5 tháng giêng vừa qua thứ truởng bộ năng luợng và mỏ của Lào ông Viraphonh Viravong, cùng với chính quyền địa phương chủ trì một buổi lễ theo nghi thức Phật giáo tại làng Hua Sadam nhân dịp khởi công xây đê quai ngăn nước phục vụ cho công tác xây dựng đập Don Sahong sắp tới.

Tại buổi lễ, một lần nữa ông thứ truởng năng luợng và mỏ Viraphonh Viravong, người luôn ủng hộ việc xây dựng đập thủy điện trên dòng chính Mekong của Lào, nhắc lại thủy điện rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước Triệu Voi.

Ông này còn cho rằng cư dân địa phương, cả cư cư nước ngoài, các nhà khoa học và giới chuyên gia đều ủng hộ cho các dự án thủy điện như thế của chính quyền Lào.

Theo ông những người phản đối là do không có được những thông tin chính xác về các dự án của Lào.

Lập luận này của vị thứ truởng năng luợng và mỏ của Lào cũng tương tự như quan điểm của nhưng cơ quan chức năng từng triển khai dự án thủy điện lớn.

Tác động

Bây giờ nó ảnh hưởng về nguồn sinh lợi: cá trên khu vực Sông Tiền, Sông Hậu bây giờ là không còn. Họ tốn công đóng cọc, đóng cây xuống sông, rồi rải thức ăn dụ cá vào, nhưng nay đâu còn cá nữa để mà vào.
-TS Nguyễn Phong Phú

Theo đánh giá được 39 nhà sinh thái thủy học hàng đầu thế giới đưa ra trong tạp chí Science (Khoa học) thì đơn cử như Đập Tam Hiệp trên Sông Dương Tử của Trung Quốc: các nhà lập dự án trị giá đến 20 tỷ đô la này lúc đầu tính toán rằng khi hoàn tất vào năm 2012 nó sẽ cung ứng 10% điện năng cho nhu cầu của Hoa Lục. Thế nhưng thực tế cho thấy đến lúc này nó chỉ cung ứng chưa đến 2%, tức chỉ chừng 1/5 theo kế họach đưa ra. Một con số cũng đuợc tiết lộ là cơ quan chức năng Trung Quốc đang phải chi ra đến 26 tỷ đô la trong vòng 10 năm qua nhằm giảm thiểu những tác động môi truờng bất lợi do xây đập gây nên.

Giới chuyên gia cũng từng đưa ra cảnh báo những đập trên dòng chính Me kong chảy qua địa phận Trung Quốc, và nay là những đập trên con sông này thuộc địa phận Lào sẽ làm dòng chảy con sông bị thay đổi, luợng phù sa và cá giảm đi, đường đi của cá vào mùa sinh đẻ bị chặn dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Thế rồi việc phá rừng để xây dựng đập và hồ chứa nước của công trình thủy điện cũng gây ra bao tác hại cho môi truờng sống của cư dân bản địa, muông thú trong rừng…

Biển Hồ tại Kampuchia, hồ tự nhiên lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, nơi mà vào mùa mưa hằng năm nước về mở rộng diện tích mặt nước lên 4 lần so với mùa khô, tạo nên vùng đất ngập nước tuyệt vời làm nơi sinh sản cho các loài cá cũng như bồi đắp phù sa cho một vụ mùa lúa bội thu vào năm sau. Ngoài ra một khi nước rút từ Biển Hồ ra lại Dòng Mekong thì cá từ đó cũng đi theo- một nguồn thủy sản dồi dào cho cư dân sinh sống dọc theo sông.

Tuy vậy chu kỳ đặc trưng bao đời đó đang bị đảo lộn bởi những con đập xây trên Sông Mekong từ bên Trung Quốc xuống cho đến những nước trong khu vực.

Chuyên gia địa chất- thủy điện Mark Goichot, ngưòi đang làm việc cho tổ chức bảo vệ thiên nhiên WWF, nêu rõ rằng Biển Hồ là trái tim của Kampuchia. Ông này nhắc lại đó là nơi sản sinh của hầu hết các lọai cá ở xứ này. Một khi nước về giảm đi bởi những con đập ngăn lại thì cá không thể di cư ngược về thượng nguồn. Nguồn cá ít đi tác động đến nguồn lương thực của hằng triệu người.

Theo ước tính của giới chuyên môn nếu như 11 trên 12 con đập trên dòng chính sông Mekong được xây dựng thì tổng lượng cá bị mất đi mỗi năm sẽ là từ 550 ngàn đến 800 ngàn tấn. Tổ chức Phi chính phủ chuyên bảo vệ môi truờng có tên International Rivers (Các Dòng Sông Thế giới) thì hơn 100 loài cá trong khu vực có thể đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

Tiến sĩ Nguyễn Phong Phú, một chuyên gia tại An Giang, nêu ra vài hiện tượng ghi nhận được tại khu vực châu thổ Cửu Long của Việt Nam dưới tác động của ngày càng nhiều đập thủy điện được xây trên dòng chính Sông Mekong:

“Bây giờ nó ảnh hưởng về nguồn sinh lợi: cá trên khu vực Sông Tiền, Sông Hậu bây giờ là không còn. Muốn kiếm cá to hay làm ‘chài’; tức để những cây me, cây dưới sông để cá lội vào trú ẩn trong đó, rồi mỗi tháng họ dở chài một lần, bắt bằng lưới vây. Hoạt động này ở Đồng Tháp, An Giang trong những năm trước còn nhiều nhưng năm nay cá không còn nên mô hình đó dần dần gần như ‘tuyệt chủng’ luôn. Họ tốn công đóng cọc, đóng cây xuống sông, rồi rải thức ăn dụ cá vào, nhưng nay đâu còn cá nữa để mà vào!”

Đập Tam Hiệp ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc, ngày 28 tháng 5 năm 2011.
Đập Tam Hiệp ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc, ngày 28 tháng 5 năm 2011.
AFP PHOTO

Một tác động bất lợi của việc xây dựng các công trình thủy điện lớn dù đây từng được cho là năng lượng sạch không thải khí làm ấm nóng bầu khí quyển làm cho Trái Đất ấm nóng lên được giới khoa học nêu ra. Đó là các công trình thủy điện lớn có phát ra một luợng khí CO2 lớn từ khối bê tông sử dụng để xây đập. Bên cạnh đó là luợng khí methane khổng lồ phát ra từ những câu cối thối rửa duới long hồ thủy điện và vùng đất bị ngập duới hồ.

Hơn 33 ngàn hồ thủy điện lớn có đăng ký trên toàn thế giới có thể phát ra đến chừng 4% tổng luợng phát thải các lọai khí gây hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu Trái Đất.

Một bài viết trên tờ The Guardian của Anh đưa ra kết luận thế giới đúng khi đi tìm các nguồn năng lượng sạch; tuy thế tác động ngoài ý muốn của việc chạy theo các dự án đập thủy điện tại vùng nhiệt đới có thể sẽ nguy hiểm không khác gì biến đổi khí hậu.

Giải pháp

Tờ The Nation tại Thái Lan vào trung tuần tháng giêng vừa qua có bài viết của chuyên gia Marc Goichot với kêu gọi sau khi thế giới đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc ở COP- 21 tại Paris, nay là lúc mà các nước trong lưu vực Tiểu Vùng Mekong phải tăng gấp đôi nổ lực bảo vệ vựa lúa của khu vực Đông Nam Á.

Ông này nhắc lại Ủy hội Sông Mekong mà theo ông đó là cơ chế tạo điều kiện cho việc hợp tác cho phát triển bền vững giữa bốn nước Kampuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Vào ngày 13 tháng giêng vừa qua, Ủy hội Sông Mekong tiến hành một phiên họp tại thủ đô Phnom Penh của Kampuchia. Đại diện của bốn nước thảo luận những thách thức mà vùng này đang đối mặt, dù rằng có những điều mà các bên vẫn chưa thống nhất được với nhau vì quyền lợi riêng.

Trong thế kỷ 21 này, Thỏa Thuận Mekong cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra hiện đang có giải pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông-UNWC1997. Trong 4 quốc gia của Ủy hội Sông Mekong đến nay mới chỉ có Việt Nam phê chuẩn công uớc này.

Liên Hiệp Quốc thông qua công ước vào năm 1997, trong đó có đề ra những nguyên tắc cơ bản và thực hành về luật nguồn nuớc quốc tế. Công ước được sọan thảo để đặc biệt củng cố thêm cho những thỏa thuận đang hiện có.

Theo chuyên gia Marc Goichot thì nếu như ba nước còn lại trong Ủy hội Sông Mekong phê chuẩn UNWC thì căng thẳng về tình hình nguồn nuớc trong khu vực có khả năng được giảm bớt do theo những chuẩn mực cao hơn mà công uớc đề ra các quốc gia phê chuẩn có nghĩa vụ cân nhắc một cách rất cẩn trọng các dự án liên quan, trong khi đó có thể xem xér những giải pháp năng lượng xanh thay thế.

Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước là khẳng định rõ lập trường của VN, để cho các đối tác biết và tạo thêm sức mạnh của VN trên bình diện luật pháp quốc tế.
-TS Tô Văn Trường

Tiến sĩ Tô Văn Trường qua email cho biết về Công ước Liên Hiệp Quốc UNWC 1997 và vấn đề liên quan thủy điện tại lưu vực Sông Mekong. Phần đọc trình bày của TS Tô Văn Trường do Kính Hòa thực hiện:

“Theo tôi biết, Việt Nam là nước thứ 35 phê chuẩn Công ước UNWC. Công ước đã chính thức có giá trị hiệu lực và trở thành nguồn luật quốc tế áp dụng cho các nguồn nước quốc tế.

Ngay từ khi Công ước còn đang ở dạng dự thảo, 4 nước hạ lưu sông Mekong (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ) đã nghiên cứu, vận dụng nhiều quy định và đưa vào Hiệp định Mekong (MRC) ký năm 1995 (Ví dụ quy định về "notification, prior consultation...."). Do đó, tinh thần cơ bản của các quy định của Công ước hoàn toàn có thể áp dụng trong lưu vực sông Mekong. Riêng về thủy điện trên dòng chính Mekong, MRC đã có các bộ Thủ tục là các quy đinh rất cụ thể về khối lượng nước và chất lượng nước mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ.

Theo tôi biết Convention 1997 đối với Việt Nam là công ước thứ 35 được phê chuẩn và trở nên có hiệu lực. Theo luật, chỉ có hiệu lực với những nước nào đã ký và phê chuẩn, còn với những nước ký mà chưa phê chuẩn thì việc ràng buộc của Convention 1997 không rõ như Hiệp định Mekong, mặc dù Convention 1997 sẽ được dùng làm tài liệu tham khảo khi có mâu thuẫn hơn là Quy ước Helsinki.

Do đó, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước là khẳng định rõ lập trường của VN, để cho các đối tác biết và tạo thêm sức mạnh của VN trên bình diện luật pháp quốc tế.

Trong Mekong thì ngay từ khi thương lượng MRC 1995 vẫn viện dẫn Convention UN và Helsinki rules, không ai phản đối việc viện dẫn, nhưng các bên đều hiểu rõ tinh thần của Convention 1997 và không ai chống đối với tinh thần đó trong khi muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ.

Do đó, việc áp dụng Convention 1997 vào các dự án Mekong cần phải khôn khéo mà hướng MRC 1995 vào chỗ đồng thuận. Vì các nước khác chưa phê chuẩn Convention 1997, MRC không thể trực tiếp qui hoạch các dự án Mekong theo Convention 1997. Mọi quốc gia MRC đều hiểu rõ Hiệp định Mekong 1995 có thể giúp các quốc gia MRC dung hòa lợi ích hợp tác của nhau. Convention 1997 có hiệu lực đã tạo thêm sức mạnh tinh thần cho VN trong khi thương lượng với các nước MRC.

Nói tóm lại: Các nước chưa phê chuẩn công ước, thì họ sẽ dựa vào lý do là chính phủ họ chưa chấp thuận thì các điều khoản của UNWC 1997 khác các điều khoản của Hiệp định MRC 1995 chỉ có thể dùng để tham khảo chứ không ràng buộc được việc tuân thủ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Campuchia, Lào và Thailand đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định MRC 1995, như vậy đã được coi là tán thành tinh thần của Convention 1997 trong các quy định nêu tại Công ước.”

Theo chuyên gia Mark Goichot thì cần phải có tầm nhìn rộng vượt khỏi những lợi ích quốc gia hẹp hòi mà phải nhận thấy rằng chiến lược xây đập thủy điện trên sông Mekong không phải là hướng phát triển đưa đất nước đến thịnh vuợng và bảo đản tương lai ổn định cho 60 triệu ngưòi dân hiện sống dọc sông.

Tạp chí Khoa học-Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Gia Minh hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.