Chung tay giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2015.12.01
000_6650F Tổng thống Pháp Francois Hollande đọc diễn văn trong Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu COP21 tại Paris hôm 30/11/2015
AFP photo

Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21- gọi tắt theo tiếng Anh COP-21, hiện đang diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp. Đây là cuộc họp được cả thế giới chú ý vì mong đợi đạt được thỏa thuận về các biện pháp giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất ấm nóng lên.

Cam kết của lãnh đạo

Khoảng 150 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới vào ngày thứ hai 30 tháng 11 có mặt tại Paris chính thức khai mạc COP-21 ở Paris. Hai vị lãnh đạo của hai nước đang giữ kỷ lục phát thải hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có những kêu gọi hành động mạnh mẽ.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhắc đến vai trò đầu tàu nền kinh tế thế giới của nước Mỹ; tuy nhiên, ông thừa nhận Hoa Kỳ cũng là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đứng hàng thứ hai trên thế giới. Tổng thống Obama cho rằng nước Mỹ nhận thức được điều đó và nhận trách nhiệm có hành động.

Còn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng công tác giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu là sứ mệnh chung mà nhân loại phải cùng nhau chia sẻ. Ông này kêu gọi thế giới hãy chung tay đóng góp để thành lập một cơ chế toàn cầu hữu hiệu và hợp lý về tình trạng biến đổi khí hậu. Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi hãy hành động ở cấp cao nhắm đến phát triển bền vững toàn cầu, cũng như thiết lập những mối quan hệ quốc tế mới mang tính hợp tác cùng có lợi.

Tổng thống nước chủ nhà Pháp, Francois Hollande, nêu rõ để có thế giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, cần có thiện chí chứ những tuyên bố về ý định thực hiện vẫn chưa đủ.

Thái tử Charles của nước Anh thì cho rằng nhân loại đang phải đối diện với nhiều mối đe dọa; thế nhưng không có đe dọa nào lớn hơn tình trạng biến đổi khí hậu của Trái Đất. Thái tử Charles cho rằng khi gây hại cho thời tiết, con người chúng ta đang trở nên những kiến trúc sư cho chính sự hủy diệt của họ. Tuy nhiên vị thái tử của Xứ Sương mù tỏ ra lạc quan là con người có đủ kiến thức, công cụ và tiền bạc để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết kết quả mà nước ông đạt được khi giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là tổng sản phẩm nội địa GDP tăng lên gấp đôi. Ông Putin cho rằng Nga có thể chứng minh vừa đồng thời bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa chăm lo đến môi trường. Người đứng đầu nước Nga nói rằng thỏa thuận đạt được tại COP-21 phải mang tính ràng buộc pháp lý đối với cả khối nước phát triển và khối đang phát triển.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc lại mục tiêu của thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-21 là đạt cho được một thỏa thuận khung Liên Hiệp Quốc mang tính ràng buộc và một cơ chế xem xét cũng mang tính ràng buộc. Cả hai giúp san bằng khoảng cách giữa tác động ấm nóng toàn cầu của những biện pháp được hứa hẹn với những hoạt động cần thiết nhằm giới hạn nhiệt độ gia tăng.

Tổng thống Rafael Correa của Ecuador kêu gọi cần thành lập một tòa án công lý quốc tế về môi trường. Nợ môi trường phải được thanh toán.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, thì kêu gọi những vị lãnh đạo quốc gia tham dự thượng đỉnh hãy chỉ thị cho các nhà đàm phán của nước họ chọn con đường tương nhượng và đồng thuận. Những hành động vì khí hậu mạnh mẽ là vì quyền lợi của mỗi quốc gia tham dự thượng đỉnh Paris năm nay.

Bộ trưởng Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng Pháp Segolene Royal (giữa) và nhà hoạt động môi trường Pháp Nicolas Hulot (phải) tham dự một sự kiện tại Hội nghị biến đổi khí hậu Thế giới 2015 (COP21) 01/12/2015. AFP photo
Bộ trưởng Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng Pháp Segolene Royal (giữa) và nhà hoạt động môi trường Pháp Nicolas Hulot (phải) tham dự một sự kiện tại Hội nghị biến đổi khí hậu Thế giới 2015 (COP21) 01/12/2015. AFP photo
Bộ trưởng Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng Pháp Segolene Royal (giữa) và nhà hoạt động môi trường Pháp Nicolas Hulot (phải) tham dự một sự kiện tại Hội nghị biến đổi khí hậu Thế giới 2015 (COP21) 01/12/2015. AFP photo

Một chuyên gia về biến đổi khí hậu người Việt Nam từng tham gia vào nhóm soạn thảo báo cáo thứ tư của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC, ông Trần Việt Liễn, đưa ra nhận định về quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo thế giới về những biện pháp cần phải đạt được tại COP-21 như sau:

“Tình thế bất buộc, đứng về mặt chính trị họ phải kiên quyết ủng hộ chuyện đó. Tuy nhiên để có thể quyết được như tiêu chí hay không thì còn vấn đề quốc gia của họ nữa. Theo tôi nghĩ thì kỳ này sẽ khá hơn so với COP-20 và COP-19. Nhưng đối với tham vọng trong kỳ này có thể đạt được tiêu chí quốc tế đề ra thì sẽ chưa đạt được đến, dù sẽ đạt những mức cơ bản. Trên cơ sở đó những COP sau sẽ hoàn thiện thêm. Đó cũng là lời bàn của nhiều nhà khoa học, và hy vọng kỳ này sẽ được những bước cơ bản. Toàn cầu có thể có được hiệp định tương tự như hiệp định Kyoto để thay cho Kyoto. Kỳ này chắc ký được. Nhưng tiêu chí bỏ tiền ra để ủng hộ cho các nước thì đó là chỗ mà khó nhất, khó đạt được chỉ tiêu. Việc cam kết thì các nước nay sẵn sàng cam kết, nhưng cam kết giảm đến mức nào thì vẫn có thể chưa đạt được yêu cầu như người ta  mong muốn.”

Kinh phí đối phó biến đổi khí hậu

Giới nghiên cứu cho rằng gần 50 quốc gia nghèo nhất thế giới cần đến một ngàn tỉ đô la trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2030 để có thể đạt được mục tiêu giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Tính toán vừa nêu được dựa trên những chương trình do chính những quốc gia kém phát triển nhất thế giới đệ trình. Theo đó để có thể giúp giảm hiện tượng ấm nóng toàn cầu, thì những quốc gia này cần có chừng 94 tỷ đô la mỗi năm trong thời gian 10 năm như vừa nêu. Trong số này hơn phân nửa được sử dụng cho công tác giảm phát thải và số còn lại được dùng để đối phó với tình trạng thời tiết cực đoan hơn và nước biển dâng.

Giám đốc Viện Quốc tế Phát Triển và Môi trường, trụ sở tại London, ông Andrew Norton cho biết hiện nay những quốc gia kém phát triển nhất thế giới chỉ mới nhận được ít hơn một phần ba nguồn tài trợ quốc tế về môi trường từ chính quyền các nước giàu có.

Chuyên gia Trần Việt Liễn đưa ra ý kiến về vấn đề đóng góp cho quỹ khí hậu:

“Cái cam kết đóng góp cho quỹ khí hậu để giúp cho các nước đang phát triển để khắc phục thì tôi cho rằng chỗ này còn yếu hơn. Khả năng đóng góp không đạt yêu cầu mà người t among muốn là hằng năm phải có 100 tỷ đô la để giúp cho các nước đang phát triển. Nhưng tôi hy vọng cũng sẽ khá hơn.”

Theo nhận định thì những quốc gia kém phát triển nhất thế giới từ Ethiopia đến Zambia ở Phi Châu, rồi Yemen và các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang phải chịu những tác động tệ hại nhất của tình trạng hạn hán, lụt lội, bão tố, sạt lở bờ biển… Những quốc gia này lại không phải là những tác nhân lớn phát thải khí dẫn đến tình trạng ấm nóng toàn cầu. Trong khi đó những quốc gia như thế còn rất thiếu thốn các nguồn lực và kỹ năng giải quyết những bất lợi do biến đổi khí hậu tác động đến đất nước họ.

Tin được đưa ra vào ngày khai mạc thượng đỉnh khí hậu hôm thứ hai 30 tháng 11 là có 11 chính phủ tài trợ cam kết gần 250 triệu đô la giúp cho các quốc gia nghèo nhất thế giới trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Andrew Norton phát biểu rằng tạo ra nguồn tài chính là một chuyện còn bảo đảm cho những nơi cần nhất có được nguồn quĩ đó hay không lại là chuyện khác.

Trở ngại

Chuyên gia Trần Việt Liễn đưa ra một số trở ngại khiến cho khó có thể đạt được những mục tiêu đầy tham vọng tại thượng đỉnh biến đổi khí hậu COP-21 ở Paris hiện nay:

“Tôi cho rằng đó cũng là tình hình thực tế về kinh tế của các nước và quyền lợi của các quốc gia. Ví dụ như Trung Quốc bây giờ mà thực sự giảm phát thải của họ theo yêu cầu thì kinh tế của họ sẽ giảm nhiều hơn nữa. Thậm chí cả Mỹ nếu giảm tích cực như Nhật Bản và một số nước Châu Âu thì kinh tế bị ảnh hưởng. Chính vì vậy tôi cho rằng họ sẽ cam kết vì tình hình cho đến lúc này không thể nào không dừng được nữa, nhưng chưa thể đạt theo yêu cầu ngay mà tiến trình này phải tiến thêm nữa. Sau COP-21 sẽ tiếp tục có những bổ sung và hoàn thiện dần để đạt mức dưới 2 độ C. Đó là mục tiêu toàn cầu đang hướng đến.”

Tin cho biết có chừng 180 quốc gia đã đưa ra kế hoạch cắt giảm hay khống chế mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây được cho là một bước tiến lớn. Tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề phải được giải quyết trước khi đạt được thỏa thuận tại COP-21 Paris lần này.

Ấn Độ và nhiều nước khác đưa ra mong muốn thỏa thuận đạt được phải nêu rõ ràng trách nhiệm lớn hơn của các quốc gia phát triển trong công cuộc chống tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Ả rập Xê Út không muốn thỏa thuận có những từ ngữ nêu rõ việc loại trừ nhiên liệu hóa thạch.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.