Thủy điện lấy đất rừng

Vấn đề phát triển thủy điện lấy đất rừng từng là một chủ điểm gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam khi mà nhu cầu về năng lượng cho phát triển ngày một bức bách.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011.07.24
026_ks76923-305.jpg Đập Thủy điện, ảnh minh họa.
AFP photo

Ảnh hưởng hệ sinh thái

Việc phải xây thêm nhiều công trình thủy điện lại sẽ ‘ăn’ vào nguồn tài nguyên rừng không còn nhiều tại Việt Nam. Gần đây rộ lên thông tin sẽ có hai dự án thủy điện mới lấn vào đất rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên khiến giới bảo vệ môi trường hết sức quan ngại.

Hai dự án thủy điện đang khiến dư luận chú ý đó là Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Dự án Thủy điện Đồng Nai 6A. Hai dự án này do Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.

Một trong hai dự án có công suất thiết kế 135 MW với bờ trái thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và bờ phải thuộc huyện Dak Rlấp, tỉnh Dak Nông. Phạm vi chiếm đất lâm nghiệp của dự án này là 200 hécta. Dự án kia có công suất thiết kế 106MW, phạm vi chiếm đất lâm nghiệp chừng 175 hécta; trong đó nhiều diện tích thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Thông tin này do mạng Sài Gòn Tiếp Thị đưa ra hôm đầu tháng bảy vừa rồi.
Qua trả lời phỏng vấn báo mạng Dân Trí vào ngày 17 tháng 7, ông Trần Bá Hiệp, giám đốc hai dự án vừa nói, cũng thừa nhận là hai dự án do Công ty Cổ Phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư sẽ chiếm hết 372 hécta đất rừng, trong số đó có chừng 173 hécta thuộc đất Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Cứ mỗi dự án thủy điện triệt phá một số héc ta rừng, từ đó gây nên mất đa dạng sinh học, không bảo đảm nguồn nước: khi mưa bị lũ quét, xói mòn, vào mùa kiệt sông ngòi cạn trơ đáy.

Ông Vũ Văn Triệu

Ông này so sánh rằng trong tổng diện tích gần 72 ngàn héc ta của Vường Quốc gia Cát Tiên thì con số 173 héc ta là quá nhỏ không đáng kể, và ông Trần Bá Hiệp nói thêm khu vực 173 héc ta đó là rừng trung bình và hỗn giao, không có các loài động thực vật quí hiếm cần được bảo vệ; chỉ có hơn 4 hécta là rừng giàu mà thôi.

Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, Trần Văn Thành thì cho rằng 173 héc ta sẽ bị công trình thủy điện lấy mất thuộc vùng lõi của vườn, tức khu phục hồi sinh thái và phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Trần Bá Hiệp lại lập luận so với 143 vườn quốc gia của Việt Nam mà trong đó đến 45 vườn có xây dựng thủy điện thì hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A dù có ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên vẫn là ít nhất so với những dự án khác.

Chưa nói đến việc lấy đất rừng để làm những thủy điện lớn như Dự án Đồng Nai 6 và 6A vừa nói mà tình trạng nhiều chủ đầu tư các nơi bằng mọi giá tiến hành các dự án thủy điện nhỏ bất chấp những tác động hủy họai môi sinh được ông Vũ Văn Triệu, chuyên gia cố vấn cho Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN đánh giá:

"Thông tin báo chí cho biết việc phát triển thủy điện nhỏ khá rầm rộ. Cứ mỗi dự án thủy điện triệt phá một số héc ta rừng, từ đó gây nên mất đa dạng sinh học, không bảo đảm nguồn nước: khi mưa bị lũ quét, xói mòn, vào mùa kiệt sông ngòi cạn trơ đáy. Đó là những vấn đề hết sức bức xúc."
Bức xúc đối với những dự án lấy đất rừng của khu Vườn Quốc gia cần được bảo vệ như cát Tiên lại nhiều lần hơn những dự án thuỷ điện nhỏ mà ông Vũ Văn Triệu vừa nêu ra.

Cần đánh giá toàn diện

Một giám đốc vườn quốc gia và cũng là người rất trăn trở với tình trạng rừng tại Việt Nam là ông Nguyễn Đình Xuân cho biết những mặt hạn chế của những dự án thủy điện như sau:

2392008163920_Nam-cat-tien4-250.jpg
Thú rừng Nam Cát Tiên. Photo courtesy of cattien.vn
Thú rừng Nam Cát Tiên. Photo courtesy of cattien.vn
"Việc lăng xê thủy điện không phải lỗi của các nhà khoa học Việt Nam, mà trên thế giới có thời người ta cho rằng thủy điện là năng lượng xanh- sạch, không khói, không ô nhiễm môi trường... Bây giờ nhiều người cũng nói như vậy.

Thực tế trong quá trình phát triển thủy điện của Việt Nam cho thấy thủy điện không vô hại như người ta từng nghĩ. Ví dụ thứ nhất, thủy điện làm mất một diện tích đất rất đáng kể, trong diện tích này nhắm vào rừng đầu nguồn vì rừng chỉ còn trên thượng nguồn và khi hồ ngập lên sẽ làm ngập diện tích rừng. Dự án thủy điện cũng lấy đất canh tác của người dân, và khi người dân mất đất canh tác họ lại phải phá rừng; như vậy đó là tác động kép. Ngoài ra thủy điện còn làm thay đổi dòng chảy và tạo nên xung đột lợi ích.

Những người làm thủy điện luôn đề cao tác dụng phát điện, lợi ích kinh tế mà nhà đầu tư nào cũng nhắm tới; trong khi đó có những nhiệm vụ khác mà lẽ ra thủy điện phải gánh như chống hạn, ngăn bớt lũ lụt đôi khi họ lại lơ là ngay cả trong thiết kế và vận hành, cho nên người dân ở hạ nguồn chịu nhiều tác động xấu. Tất nhiên chưa kể đến việc mất phù sa về hạ nguồn, chưa kể đến việc ngăn chặn dòng cá di cư, ảnh hưởng đến sản lượng cá, thay đổi chế độ dòng chảy của sông...

Khi tính giá thành của một kw điện phải tính tất cả những yếu tố đó vào; những chi phí bù đắp. Như thế theo tôi thủy địên không rẻ lắm như hiện hay, vì chưa tính đúng, tính đủ."

Từng là một đại biểu quốc hội, nên ông Nguyễn Đình Xuân đưa ra ý kiến về các dự án thủy điện nhất là hai dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A dưới góc độ một nhà lập pháp như sau:

"Thông tin báo chí nói theo nhiều hướng khác nhau; nhưng như phát biểu của tôi đối với báo chí là những dự án lấy từ 50 héc ta đất vườn quốc gia trở lên buộc phải trình ra Quốc hội có ý kiến mới quyết định được, còn ai đó quyết định cho tiến hành xây dựng dự án mà không thông qua quốc hội là sai luật, bởi luật đã qui định như thế.

Còn muốn trình Quốc hội phải có đánh giá tác động môi trường, có những điều tra hết sức tỉ mỉ mới có thể thuyết phục được quốc hội. Quốc hội phải cân nhắc việc lấy 50, 100 héc ta đất rừng đó đem lại lợi ích lớn hơn hay không, để rồi có quyết định.

Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra mà chỉ là ý kiến đồng tình của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn  cho trình thủ tướng về dự án này. Có thể nói dự án đã qua được cửa của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn. Còn phải qua cửa thủ tướng và quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề được phản ánh kịp thời, đúng nguyện vọng của người dân, cũng như nguyện vọng của các nhà khoa học muốn giữ gìn, bảo tồn khu này. Nhưng chắc chắn cơ quan quyết định không phải Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn có quyền quyết định vụ việc này, chỉ là một cơ quan có ý kiến mà thôi.

Thực tế trong quá trình phát triển thủy điện của Việt Nam cho thấy thủy điện không vô hại như người ta từng nghĩ, thủy điện không rẻ lắm như hiện hay, vì chưa tính đúng, tính đủ.

Ông Nguyễn Đình Xuân

Quan điểm của tôi tất cả những khu đã được qui họach là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng và vườn quốc gia hiện nay đều có lý do để người ta quy họach cả. Tức nó có những giá trị nhất định và đáng giá mà phải hy sinh những dự án kinh tế khác để giữ gìn nó. Mục đích lập vườn quốc gia cũng vì mục đích bảo vệ những dự án như vậy. Ví dụ có những dự án thủy điện, dự án khai khóang nằm trong khu rừng đặc dụng cần phải cân nhắc có nên khai thác hay không. Nếu khai thác cấp nào quyết định và phải có biện pháp bảo vệ thế nào.

Có những dự án sân golf cũng rất thích vườn quốc gia, vì cảnh trí đẹp, trống trải; rồi những dự án du lịch sinh thái trong vườn quốc gia... Tất cả những loại dự án đó có thể mang lại lợi ích kinh tế rất cao nhưng phải ưu tiên mục tiêu bảo tồn vì những khu đó không còn nhiều và những loài nguy cấp đang trên bờ tuyệt chủng như voi, tê giác, gấu, hổ... nên phải giữ một môi trường đủ rộng lớn và ít có tác động của con người để chúng có cơ hội tồn tại và con cháu chúng ta còn có thể chiêm ngưỡng chúng trong tự nhiên."

Cần xem xét thận trọng

Ông Nguyễn Đình Xuân nêu ra những công việc liên quan lĩnh vực thủy điện và rừng đã thực hiện được, cũng như những công tác cần phải tiến hành trong thời gian tới:

cattien.vn-250.jpg
Rừng Nam Cát Tiên. Photo courtesy of cattien.vn
Rừng Nam Cát Tiên. Photo courtesy of cattien.vn
"Vừa qua có những đánh giá cụ thể cho từng dự án. Đối với dự án ở Sông Đồng Nai chiến hơn 300 hécta không phải chiếm nhiều đất. Nhưng vấn đề là luật pháp đã quy định như thế. Tôi lật lại vấn đề là những dự án khác cũng lấy diện tích rừng bằng như thế, với cách nào đó họ đã có thể qua được cửa quốc hội, nghĩa là họ không trình ra quốc hội. Theo ông chủ dự án Đồng Nai 6 và 6A có phân bì là dự án khác lấy rừng nhiều hơn khiến tôi thắc mắc không biết làm sao họ có thể lấy nhiều rừng như vậy được.

Tôi không muốn Vườn Cát Tiên là một tiền lệ để những dự án khác có thể xâm phạm những vườn quốc gia khác. Nếu có những biện pháp kịp thời làm chặt chẽ dự án này thì sẽ là bài học tốt trước khi tiến hành các dự án đầu tư khác.Trong nhiệm kỳ quốc hội vừa rồi tôi biết chính phủ cho ngưng chừng 100 dự án thủy điện.

Việc này là của Bộ Tài nguyên- Môi trường nên phải vào cuộc. Cần phải đánh giá toàn diện chứ không phải đánh giá từng dự án, ví dụ trên một dòng sông có ba bốn bậc thủy điện phải đánh giá toàn diện, toàn lưu vực sông đó. Rồi phải đánh giá cả về xã hội và tự nhiên. Tôi nghĩ việc làm này phải có cơ quan cấp bộ tham gia, và có sự giám sát của Ủy ban Khoa học- Môi trường của quốc hội mới có thể làm được việc lớn như vậy.

Vừa rồi bắt đầu có xây dựng những qui trình vận hành liên hồ chứa, nhưng chưa tương xứng với những đòi hỏi của thực tế; tức phải làm nhiều hơn."
Một đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai là ông Dương Trung Quốc, cũng cho biết sẽ nêu vấn đề xây dựng thủy điện Đồng nai 6 và 6A lên quốc hội như là một trách nhiệm của ông:

"Chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ. Hiện ý kiến của người dân là một phía, nhưng ý kiến của các cơ quan chức năng chưa thống nhất ví dụ liên quan thẩm định môi truờng bảo vệ khu rừng, con sông. Thông tin chưa đầy đủ. Báo chí loan tin những báo cáo của cơ quan chức năng chưa đầy đủ. Với chức năng tôi sẽ đề đạt ý kiến trên cơ sở thông tin đầy đủ."

Nếu có những biện pháp kịp thời làm chặt chẽ dự án này thì sẽ là bài học tốt trước khi tiến hành các dự án đầu tư khác.Trong nhiệm kỳ quốc hội vừa rồi tôi biết chính phủ cho ngưng chừng 100 dự án thủy điện.

Ông Nguyễn Đình Xuân

Xin phép đuợc nhắc lại Vườn Quốc gia Cát Tiên thuộc địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Đây là khu được đánh giá là rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng thấp. Thống kê hệ thực vật của rừng hơn 1300 loài bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quí, hằn trăm loài dược liệu, hơn 130 loài phong lan... Hệ  động vật có 62 loài thú, 121 loài chim với những loài quí hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, voi, tê giác một sừng... Thế nhưng vừa qua tin cho biết một con tê giác một sừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên chết vì đạn săn!

UNESCO công nhận đây cũng là một khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.