Báo động tình hình biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.11.18
Đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ những năm 1940. Đập Pereiras, 275 km về phía nam Lisbon bị khô cạn hồi năm 2005. Đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ những năm 1940. Đập Pereiras, 275 km về phía nam Lisbon bị khô cạn hồi năm 2005.
AFP

Báo cáo tổng hợp về tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới vừa được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu- IPCC, công bố vào ngày 2 tháng 11 vừa qua.

Báo cáo này có tầm quan trọng ra sao và tình hình liên quan của Việt Nam thế nào?

Thông điệp

Hiện tượng biến đổi khí hậu đang tiếp tục diễn tiến và sẽ mang lại những tác động đáng lo ngại; tuy nhiên vẫn còn thời gian để có thể hạn chế những nguy hại do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.

Đây là thông điệp chính được nêu ra trong báo cáo thứ năm của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu- IPCC vừa được công bố. Báo cáo này là tổng hợp của ba nghiên cứu đánh giá cũng được ủy ban này đưa ra trong thời gian một năm qua.

Chủ tịch của IPCC, tiến sĩ Rajendra Pachauri, ra thông cáo nêu rõ báo cáo thứ năm này cho thấy con người vẫn còn có phương thế nhằm hạn chế lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Còn có nhiều giải pháp cho phép kinh tế và chính bản thân con người phát triển. Tuy vậy, tất cả những việc mà con người cần là ý chí muốn đổi thay mà chúng ta tin rằng ý chí này sẽ được cổ xúy bởi kiến thức và sự hiểu biết về khoa học biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, John Kerry, trong thông cáo đưa ra về báo cáo lần thứ năm của IPCC, cũng cho rằng đây là một cảnh báo sớm nữa. Theo ông Kerry thì phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người đang ở mức cao hơn bao giờ hết, và chúng ta đang chứng kiến ngày càng có nhiều những hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan. Đó có thể là những đợt bão tố, hay những đợt nắng nóng chết người, những trận mưa trút nước xảy ra khắp nơi trên thế giới.

IPCC cảnh báo con người trên thế giới đến cuối thế kỷ này phải chấm dứt sự lệ thuộc vào những loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ. Nếu không thì những tác động của biến đổi khí hậu sẽ nghiêm trọng, tràn lan khắp nơi và không thể nào đảo ngược lại được

Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, Ban Ki-moon, trong phát biểu tại cuộc họp báo công bố báo cáo ở Copenhagen nói rằng các vị lãnh đạo quốc gia phải đi đầu, hiện nay thời gian không còn ủng hộ cho chúng ta nữa đâu.

Chủ tịch Trung tâm về Biến đổi khí hậu và giải pháp năng lượng tại bang Virginia, Hoa Kỳ, ông Bob Perciasepe, cho rằng những phát hiện chính trong báo cáo thứ năm của IPCC không mới, tuy nhiên chúng được nêu ra một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, và đáng phải xem trọng. Thông điệp chính mà IPCC đưa ra là mức độ gia tăng của tính khẩn cấp phải ra tay hành động. Giới khoa học đã thực hiện nhiệm vụ của họ, nay đến lúc tùy thuộc vào các chính phủ .

Báo cáo của IPCC cảnh báo con người trên thế giới đến cuối thế kỷ này phải chấm dứt sự lệ thuộc vào những loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ. Nếu không thì những tác động của biến đổi khí hậu sẽ nghiêm trọng, tràn lan khắp nơi và không thể nào đảo ngược lại được. Thay bằng các loại nhiên liệu hóa thạch đó, hầu hết các loại năng lượng sạch vào năm 2050 phải đáp ứng cho được nhu cầu của con người. Hiện nay mới chỉ có chừng 30% nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu con người được sản xuất ra bằng những phương cách bền vững mà thôi. Mức này đến năm 2050 phải lên đến 80%.

Đánh giá

Chuyên gia biến đổi khí hậu Trần Việt Liễn của Việt Nam có một số nhận định về báo cáo thứ năm của IPCC vừa được công bố hồi đầu tháng 11 vừa qua như sau:

“Báo cáo lần thứ năm cũng tiếp tục báo cáo lần thứ tư thôi. Tuy nhiên người ta muốn nhấn mạnh mấy điểm. Điểm quan trọng nhất đối với báo cáo lần này là người ta chuyển đổi mô hình để có thể đánh giá điều kiện khí hậu sát hơn thông qua việc xây dựng kịch bản. Có thể nói kịch bản biến đổi khí hậu trong báo cáo lần thứ năm khác hẳn với các lần trước. Nên đây cũng là cách để các nước phải chỉnh lại cái nhìn đối với dự báo về tình hình biến đổi khí hậu sau này thông qua kịch bản. Đó là thay đổi lớn nhất về mặt kỹ thuật mà IPCC kỳ này công bố mà các nước cần phải theo.

Thông qua báo cáo lần này để khẳng định nếu như không kịp thời giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu, không thống nhất được ở các COP tới ở Paris sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng

Chuyên gia Trần Việt Liễn

Đó là điểm quan trọng đầu tiên bởi vì dự báo mà không đúng thì các giải pháp sẽ bị lệch lạc đi. Theo tôi cách đánh giá như thế này thì thích hợp hơn, hợp lý hơn.

Điểm thứ hai là điểm mà có lẽ qua nhiều COP ( Hội nghị Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu) vừa rồi vẫn còn tồn tại là không thống nhất được với nhau về những giải pháp làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu.  Đó là điều mà IPCC cảnh báo là nếu giới hạn 2 độ C không đảm bảo được thì có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, và cũng muốn thông qua báo cáo lần này để khẳng định nếu như không kịp thời giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu, không thống nhất được ở các COP tới ở Paris sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Lần này, họ có nêu ra một số vấn đề mà cần phải đặc biệt lưu ý. Như thế là thông báo nói đến khả năng ứng phó biến đổi khí hậu nếu không được xử lý một cách khẩn trương.

Thứ ba, đối với các quốc gia, giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể hơn, thích hợp hơn. Đặc biệt là các giải pháp đối với các nước đang phát triển. Kỳ này cũng nhấn mạnh về điều đó.

Kỳ này

Vấn đề biến đổi khí hậu tai Việt Nam

Vừa qua, Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam cũng đưa ra báo cáo nêu rõ vào những năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây nên. Theo báo cáo này thì trong vòng nửa thế kỷ qua, mối nguy biến đổi khí hậu trở nên ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Riêng trong hai thập niên qua, thiên tai gây thiệt hại chừng 1,5% tổng sản phẩm nội địa GDP.

Cụ thể thì nhiệt độ trung bình ở Việt Nam gia tăng chừng nửa độ C, mực nước biển dâng lên hơn 0.2 met. Báo cáo đưa ra cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn thích hợp thì đến năm 2030 chừng 45% nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn.

Ông Hoàng Đức Cường thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu, Viện Khí tượng- Thủy văn Việt Nam cho biết tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với công tác dự báo trong nước như sau:

Về cơ bản biến đổi khí hậu có những tác động rất rõ đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam trong dài hạn cũng như trong ngắn hạn, đặc biệt là tính bất thường của các hiện tượng cực đoan cho nên dẫn đến khó khăn hơn trong công các dự báo các hiện tượng này.

Khi có những biến đổi như thế thì quan trắc phải theo hướng tự động hóa hơn và phương pháp hiện đại hơn thì con người phải được đầu tư về nhân lực, đào tạo. Đào tạo mới và đào tạo lại để tiếp cận với phương tiện và mô hình dự báo hiện đại

Ông Hoàng Đức Cường

Nhận xét về báo cáo của Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của quốc hội Việt Nam, chuyên gia Trần Việt Liễn có ý kiến như sau:

Theo tôi báo cáo vừa rồi bước đầu có cập nhật, nhưng tất nhiên ở Việt Nam thì cũng có phần trễ hơn so với báo cáo 5 của IPCC. Thực ra việc cập nhật với báo cáo 5 của IPCC cũng đang bắt đầu thôi. Một trong những trọng tâm là người ta đang tìm cách cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu. Cái này là chỗ dựa, là xương sống. Tuy chưa có kết quả chính thức, nhưng kết quả tham khảo bắt đầu có. Cho nên có thể thấy Việt Nam có cập nhật bước đầu nhưng chưa có kết quả đầy đủ. Còn cập nhật về chính sách thì Việt Nam có những cập nhật tương đối đầy đủ so với những kết luận của IPCC. Tôi có tham gia COP 19 thì những vấn đề mà Việt Nam nêu ra thì những nước khác cũng rất quan tâm. Bản thân Việt Nam là nước cũng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Những điều đó phải đưa ra nhưng nguồn lực tại Việt Nam dành cho vấn đề biến đổi khí hậu cũng còn nhiều khó khăn. Trước đây có nhiều nguồn hổ trợ nhưng nay không còn mạnh mẽ như trước nữa.

Báo cáo của Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường cũng tiếp tục thực hiện Mục tiêu Quốc gia về Biến đổi Khí hậu. Có một số kết quả bước đầu nhưng cũng còn đang tồn tại một số vấn đề, và nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Đức Cường cho biết một số biện pháp khắc phục khó khăn cần thực hiện:

Chủ yếu là đầu tư và nghiên cứu sâu hơn về các qui luật gây ra những tác động cụ thể của thay đổi khí hậu đến các hiện tượng thay đổi khí hậu cực đoan hay hiện tượng hằng ngày để từ đó có thể cải tiến lại, bổ sung thêm các thông số và các phương pháp dự báo, đưa ra những nhận định khách quan hơn. Vì biến đổi khí hậu làm thay đổi một số qui luật thường có của các hiện tượng dẫn đến các mô hình dự báo cần thiết phải thay đổi lại. Đặc biệt các mô hình thống kê theo quán tính của qui luật phải có những thay đổi. Đó là về  mặt phương pháp, còn rõ ràng việc nhận biết những hiện tượng này dài hơi thì cần đầu tư bồ sung vào thiết bị và các trạm dày hơn để không sót những biểu hiện của những hiện tượng đó trên các vùng lãnh thổ của Việt Nam. Đó là hai điều cơ bản nhất: đầu tư trang thiết bị về quan trắc, thứ hai thay đổi, bổ sung về phương pháp luận và các vùng dự báo. Khi có những biến đổi như thế thì quan trắc phải theo hướng tự động hóa hơn và phương pháp hiện đại hơn thì con người phải được đầu tư về nhân lực, đào tạo. Đào tạo mới và đào tạo lại để tiếp cận với phương tiện và mô hình dự báo hiện đại.

Thông tin cho biết vào tháng tới, các quốc gia trên thế giới sẽ có cuộc họp tại Peru để bàn thảo nhằm có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12 năm tới ở hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc bàn về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra ở Paris.

Nhiều người quan ngại lo lắng liệu báo cáo thứ năm của IPCC có thể giúp vượt qua những rào cản về chính trị, kinh tế mà lâu nay khiến không thể có được những chuyển động lớn trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay không.

Báo cáo do hơn 800 nhà khoa học trên thế giới tham gia trong suốt hơn một năm qua. Họ xem xét tác động của phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và hoạt động của con người đối với tình trạng ấm nóng của Trái Đất trong thế kỷ vừa qua.

Mục Khoa học- Môi trường tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.