Diễn đàn bảo tồn khu vực Châu Á lần thứ 6 của IUCN họp tại Bangkok

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.08.11
Giám đốc khu vực Châu Á IUCN Aban Marker Kabraji Giám đốc khu vực Châu Á IUCN Aban Marker Kabraji
RFA

Diễn đàn bảo tồn khu vực Châu Á của IUCN - International Union for Conservation of Nature ( Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên Nhiên) lần thứ 6 diễn ra hiện đang diễn ra tại thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 10 đến 12 tháng 8.

Mục tiêu của diễn đàn và những vấn đề môi trường cấp bách được đưa ra tại cuộc gặp khu vực này là gì?

Đại biểu tham dự

Có hơn 300 đại biểu tham dự đến từ 26 quốc gia Châu Á. Họ gồm các viên chức chính phủ, hay là thành viên của những tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu kinh tế và học thuật cũng như từ khu vực tư nhân.

Đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn có 10 người gồm 2 viên chức thuộc Bộ Tài Nguyên- Môi trường, 5 người thuộc các trung tâm môi trường hay viện nghiên cứu và 3 người thuộc doanh nghiệp và sáng hội tư nhân.

Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam và các trung tâm môi trường hay viện nghiên cứu tham gia diễn đàn đều là thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế IUCN.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng Đồng-CECR, một đại biểu của Việt Nam tham dự Diễn đàn Bảo tồn Khu vực Châu Á của IUCN lần thứ 6 cho biết việc tham gia của CECR vào tổ chức này và học hỏi cũng như đóng góp cho IUCN:

“ Chúng tôi mới trở thành thành viên của IUCN từ năm 2013; nhưng trước đó những viên chức của IUCN khi biết về chương trình ‘Thanh niên tiên phong trong bảo vệ môi trường’ thì ủng hộ rất cụ thể như đã hỗ trợ một quỹ nhỏ chừng 2-3000 USD cho trường Thanh niên Tiên phong đó khóa đầu tiên xây dựng. IUCN cũng giúp xây dựng cho Trung tâm của chúng tôi mặc dù rất non trẻ để có được những điều kiện cần thiết- cần và đủ để có thể trở thành một thành viên chính thức của IUCN. Khi quyết tâm để trở thành thành viên chính thức của IUCN, chúng tôi đã phấn đấu trong 3 năm. Mong muốn của chúng tôi là được tiếp cận với những thông tin, với những kiến thức từ bên ngoài phục vụ cho chương trình thanh niên tiên phong của chúng tôi, cho những chương trình giáo dục. Và đồng thời chúng tôi cũng kỳ vọng là có được những hợp tác sâu hơn trong tương lai với IUCN.

Lần này, lần đầu tiên tôi được tham gia vào cuộc họp khu vực IUCN tại khu vực Châu Á thì kỳ vọng của chúng tôi đến đây là để học hỏi để tìm hiểu nguồn kiến thức, nguồn tri thức, thông tin để hỗ trợ cho chúng tôi trong chương trình sắp tới giáo dục thanh niên tiên phong trong chương trình chống biến đổi khí hậu ở các tỉnh duyên hải Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi được tham gia vào cuộc họp khu vực IUCN tại khu vực Châu Á thì kỳ vọng của chúng tôi đến đây là để học hỏi để tìm hiểu nguồn kiến thức, nguồn tri thức, thông tin để hỗ trợ cho chúng tôi trong chương trình sắp tới giáo dục thanh niên tiên phong trong chương trình chống biến đổi khí hậu

Bà Nguyễn Ngọc Lý

Ngay trong sáng nay tôi rất mừng vì đã tìm được những chương trình sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ cho chúng tôi. Cho nên có thể nói tôi được lợi nhiều hơn từ IUCN; còn phần đóng góp cho IUCN thì chúng tôi cũng mới đang bắt đầu và chúng tôi cũng kỳ vọng là những công việc nhỏ bé ở địa phương của mình cũng được chia sẽ và cũng được lan tỏa, đối thoại với các chương trình tương tự của các thành viên khác của IUCN. Chắc đó cũng phải có một thời gian nữa.”

Mục tiêu diễn đàn

Diễn đàn được nói là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Châu Á nhằm giải quyết vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Tại diễn đàn kéo dài trong ba ngày những đại biểu tham dự thuộc các khu vực khác nhau tập trung thảo luận đề ra các cách thức giúp giải quyết những thách thức môi trường và phát triển cấp bách trong khu vực Châu Á.

Đây là châu lục được đánh giá là một trong những khu vực năng động nhất của thế giới với 60% dân số thế giới và 40% GDP của toàn cầu. Theo chủ tịch IUCN, Chương Tân Thắng (Zhang Xinsheng) thì, Châu Á đang đóng một vai trò đặc biệt đối với toàn thế giới:

Tuy nhiên có đến 800 triệu người tại Châu Á đang phải sống dưới mức nghèo đói mà dự báo nói cư dân đô thị của châu lục này sẽ tăng từ 1 tỷ 900 triệu như hiện nay đến 3 tỷ 300 triệu vào năm 2050.

Tốc độ phát triển nhanh như thế đang gây hại đến cho các loài và hệ sinh thái của khu vực dù rằng đây là lục địa có thiên nhiên vô cùng đa dạng. Tại Châu Á có 5 trên tổng số 17 quốc gia với siêu đa dạng của cả thế giới. Hiện đang có khủng hoảng về đa dạng sinh thái tại Châu Á. Tốc độ biến mất các vùng đất ngập nước cũng như độ che phủ của rừng ngập mặn tại Châu Á được cảnh báo là cao nhất thế giới.

Hiện nay có đến 95% các rạn san hô của vùng Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ hủy hoại. Có 10 quốc gia Châu Á đang phải chịu áp lực cao hoặc rất cao về nguồn nước. Có hơn 1400 loài thực và động vật tại Châu Á được đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng.

Tại Châu Á có 5 trên tổng số 17 quốc gia với siêu đa dạng của cả thế giới. Hiện đang có khủng hoảng về đa dạng sinh thái tại Châu Á. Tốc độ biến mất các vùng đất ngập nước cũng như độ che phủ của rừng ngập mặn tại Châu Á được cảnh báo là cao nhất thế giới

Trong tình hình khủng hoảng về đa dạng sinh thái như thế, hằng trăm triệu người dân Châu Á phải trực tiếp hay gián tiếp sống nhờ vào thiên nhiên; cũng như những cộng đồng dân cư tại những vùng có khả năng tổn thương được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu và thiên tai.

Diễn đàn bảo tồn khu vực Châu Á của IUCN - International Union for Conservation of Nature - 2015 - Bangkok
Diễn đàn bảo tồn khu vực Châu Á của IUCN - International Union for Conservation of Nature - 2015 - Bangkok

Theo chủ tịch IUCN Chương Tân Thắng thì những thách thức mà Châu Á phải đối mặt hiện nay lại là cơ hội để tạo nên cầu nối giữa các hoạt động toàn cầu và địa phương hướng đến phát triển bền vững. Ông này nhắc lại an sinh của con người cả về mặt xã hội cũng như kinh tế tùy thuộc vào tình trạng tốt đẹp của các hệ sinh thái tự nhiên. Mà an sinh xã hội và kinh tế của con người là yếu tố chính để thích ứng của các xã hội. Ông này kêu gọi mọi người cần có hành động ngay để bảo vệ thiên nhiên; cần phải sáng tạo để phát hiện ra lại những giải pháp mà chính thiên nhiên đã có; đồng thời mọi người thuộc mọi khu vực khác nhau cần phải chung tay hợp sức để có thể có được những giải pháp như thế. Ông này cho rằng thời điểm hiện nay là bước ngoặt của IUCN.

Còn bà giám đốc khu vực Châu Á của IUCN, Aban Marker Kabraji thì cho rằng với triết lý sinh thái các quốc gia trong khu vực cần phải có sự hợp tác xuyên biên giới với nhau để có thể mang lại những giải pháp chung cho các vấn đề môi trường hiện nay:

Diễn đàn Bảo tồn Khu vực Châu Á lần thứ 6 ở Bangkok với chủ đề ‘Ứng biến trong hành động: tạo ra giải pháp cho con người và thiên nhiên’ như đã nêu là nơi để các đại biểu tham dự thảo luận đưa ra các giải pháp để đối phó với những thách thức xã hội do tình trạng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thiên tai cực đoan gây nên.

Đây cũng là nơi mà các đại biểu đóng góp những ý kiến cho đường hướng hoạt động của IUCN trong thời gian 4 năm đến như lời của giáo sư Suh Young-bae, chủ tịch Ủy ban Khu vực IUCN, trong diễn văn khai mạc hội nghị:

Những đóng góp đề ra tại Diễn đàn Bảo tồn Khu vực Châu Á lần thứ 6 sẽ được đưa vào Hội nghị Bảo tổn IUCN sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 sang năm tại Hawaii, Hoa Kỳ.

Ý kiến nhà báo

Tại cuộc họp báo của diễn đàn, chúng tôi nêu câu hỏi IUCN đóng vài trò gì trong việc đưa ra những tác động bất lợi làm suy thoái đa dạng sinh thái tại những khu vực xây dựng đập thủy lợi dọc các dòng sông, nhất là Sông Mê kong mà nhiều nước vẫn tiến hành lâu nay; thứ hai là điểm yếu nhất trong công tác chống buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã nhất là tại các nước Châu Á.

IUCN- Liên Minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên, là tổ chức môi trường toàn cầu lớn nhất và được thành lập lâu nhất vào năm 1948...IUCN giúp cho các nước tìm ra những giải pháp thực tế để giải quyết những thách thức về môi trường và phát triển

Bà giám đốc khu vực Châu Á của IUCN, Aban Marker Kabraji trả lời:

Đại ý theo bà này thì tùy thuộc vào các dự án đập thủy điện mà những tác động có lợi cũng như bất lợi sẽ khác nhau. IUCN luôn có ý kiến đối với những dự án thủy điện gây hại nhiều hơn có lợi.

Còn đối với tội phạm về động vật hoang dã thì bà này cho rằng vấn đề là người ta vi phạm luật chứ các qui định đều có sẵn; và cách thức duy nhất để giải quyết tình trạng này là tiệt trừ cầu thì sẽ không còn cung nữa.

Đại diện của Thái Lan tại cuộc họp báo cho rằng nước này luôn có những biện pháp tích cực để chống các tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Hiện nay Thái Lan cũng đang xem xét để thay đổi một số luật về việc sử dụng các cơ phận của động vật hoang dã như ngà voi như là một trong những biện pháp nhằm thực thi các yêu cầu về loại trừ nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.

Xin được nhắc lại IUCN- Liên Minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên, là tổ chức môi trường toàn cầu lớn nhất và được thành lập lâu nhất vào năm 1948. Hiện IUCN có hơn 1200 thành viên chính phủ và phi chính phủ cùng 15 ngàn chuyên gia tình nguyện tại chừng 160 quốc gia.

IUCN giúp cho các nước tìm ra những giải pháp thực tế để giải quyết những thách thức về môi trường và phát triển.

Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.