Công nghệ gây giống cây trồng MAS

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015.01.27
20140617065425images461724_6b-622.jpg Ảnh minh họa chụp tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM.
Courtesy SGGP

Trong một kỳ KHMT trước, chúng ta đề cập đến chủ đề công nghệ giống cây trồng biến đổi gien tại Việt Nam: thực tế triển khai và những quan ngại.

Tạp chí KHMT kỳ này, mời quí vị cùng theo dõi một công nghệ được nói có thể giúp giảm nhẹ những lo lắng mà công nghệ cây trồng biến đổi gien gây ra cho nhiều người hiện nay. Đó là công nghệ gì?

Lợi ích

Tổ chức Hòa Bình Xanh, Green Peace, vào tháng 10 năm ngoái có ý kiến cho rằng biện pháp chọn lọc có sự hỗ trợ của gien đánh dấu, viết tắt theo tiếng Anh là MAS (Marker Assisted Selection), là công nghệ gây giống cây trồng mà không cần theo kỹ thuật biến đổi gien khiến nhiều người lo âu.

Green Peace cho rằng công nghệ chọn lọc có sự hỗ trợ của gien đánh dấu là một ứng dụng khác của của công nghệ sinh học. MAS sử dụng phương pháp gầy giống truyền thống mà không phải theo kỹ thuật biến đổi gien. Theo Green Peace, việc MAS có ít quan ngại hơn như đối với cây trồng biến đổi gien lâu nay. Sự tôn trọng biên giới chủng loài của MAS khiến cho người tiêu dùng dễ chấp nhận phương pháp này.

Giáo sư Nông học Võ Tòng Xuân giải thích về công nghệ chọn lọc có sự hỗ trợ của gien đánh dấu như sau:

Gien đánh dấu là phương pháp mà người ta sử dụng máy PCR (Polymerase Chain Reaction) - máy phân tách các loại gien khác nhau trong một loại cây trồng để nhận ra loại gien nào mà người ta mong muốn ví dụ loại gien chịu được hạn hoặc kháng được bệnh gì đó.
-GS Võ Tòng Xuân

“Gien đánh dấu là phương pháp mà người ta sử dụng máy PCR (Polymerase Chain Reaction) - máy phân tách các loại gien khác nhau trong một loại cây trồng để nhận ra loại gien nào mà người ta mong muốn ví dụ loại gien chịu được hạn hoặc kháng được bệnh gì đó. Thế rồi người ta mới đánh dấu trên gien đó. Khi đánh dấu (marker) rồi thì người ta đưa gien đó vào trong cây trồng và vật nuôi mà người ta muốn cải tiến, bởi cây trồng đó mang thêm gien kháng đó.

Đơn cử hiện nay việc chọn gien như chọn gien cho cây lúa chịu ngập và cây lúa chịu mặn, người ta cũng sử dụng phương pháp đánh dấu (marker) để lai tạo giống.

Giáo sư Nông học Võ Tòng Xuân cũng nêu ra so sánh công nghệ chọn lọc có sự hỗ trợ của gien đánh dấu với các phương pháp khác trong cùng lĩnh vực như sau:

Thứ nhất nó rất đắt tiền: thiết bị đắt tiền và hóa chất cũng rất đắc tiền; nhưng nó lại cho kết quả tương đối chắc chắn. Mình biết chắc chắn cần gien gì để đưa vào giống đang thiếu ‘thứ’ đó. Ví dụ bây giờ cây lúa sẽ bị ngập vì nước biển dâng, thì cần phải có gien chịu ngập đồng thời chịu mặn. Thành ra nếu mình làm theo kiểu lai tạo thông thường là tìm cây bố, cây mẹ lai tạo bằng cách rắc phấn lên nuốm của nhị cây mẹ thì phải mất rất lâu, tốn nhiều năm hơn để ra được giống. Còn làm theo phương pháp marker sẽ giúp rút ngắn thời gian lại. Thời gian được rút ngắn tùy thuộc vào phương tiện mình làm có thể rút ngắn được 1/3- ¼ thời gian.

Tiến sĩ Đào Thế Anh, chuyên gia nông nghiệp khác từ Hà Nội cũng có so sánh giữa phương pháp biến đổi gien và chọn lọc có sự hỗ trợ của gien:

Biến đổi gien là có thể đưa gien của các loài khác vào; tuy nhiên nghiên cứu cũng chưa rõ ràng lắm. Ví dụ như cây lúa có thể dùng công nghệ sinh học đưa gien của cây khác vào chẳng hạn. Còn chọc lọc có sự hỗ trợ của gien chỉ có trong cùng loài thôi, nên mức độ gọi là ‘rủi ro’ ít hơn. Chọn lọc có sự hỗ trợ của gien có tính trội, tức là giữa cùng loài với nhau thì đỡ rủi ro hơn; thế nhưng cần nhiều thời gian hơn, phải qua nhiều thế hệ. Còn biến đổi gien có thể làm nhanh hơn nhưng phải mất nhiều kinh phí.

Theo tôi nghĩ thì sự chọn lọc có sự hỗ trợ của gien có thể giữ được sự đa dạng về di truyền rất tốt. Đối với cây trồng nó giữ được đa dạng về di truyền bền vững hơn. Giống ra bền vững hơn giống biến đổi gien.

Dư luận tại Việt Nam hiện đang quan tâm nhiều đến các loại thực phẩn biến đổi gien được phép lưu thông phân phối cho người tiêu dùng. Chuyên gia nông học Võ Tòng Xuân có ý kiến so sánh hai phương pháp như sau:

Ảnh minh họa. Photo courtesy of rauqua.com
Ảnh minh họa. Photo courtesy of rauqua.com

Nó cũng tương tự vậy thôi, nghĩa là mình gọi giống của công nghệ sinh học. Giống công nghệ sinh học là phải làm biến đổi gien bằng cách phương pháp kỹ thuật gien. Trong những phương pháp đó có phương pháp marker, phương pháp ‘bắn’ gien, phương pháp đưa con vi sinh ví dụ con VT vào trong gien để làm cây trồng mới đổi gien thì khác với giống lai tạo bình thường. Lai tạo bình thường cũng là biến đổi gien nhưng người ta không sợ lắm vì biến đổi theo cách tự nhiên; nghĩa là đưa phấn của nhị đực vào trong noãn của nhị cái để làm ra giống mới mà mang gien của cả cha lẫn mẹ. Thông thường mình cũng làm biến đổi gien nhưng làm theo kiểu thiên nhiên, người ta không nói gì; nhưng bây giờ sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ bắn gien, công nghệ dùng marker… người ta lại phê phán. Vì công nghệ gien này thì thứ nhất chắc chắn mình sẽ có được loại gien mà mình mong muốn vừa chống được sâu, bệnh, vừa chống được ngập lụt, hoặc khô hạn, ngập lụt… Mình làm được một cách chắc chắn nhưng lại rất đắt tiền. Cho nên khi làm ra rồi mà nếu do một tổ chức công, ví dụ như một viện nghiên cứu quốc tế hay một viện nghiên cứu trong nước, thì nông dân có được những giống đó mà không tốn tiền nhiều.

Nhưng thường người ta để cho những công ty giống tư nhân ví dụ như Monsanto hay bên Châu Âu là Bayer, Syngenta- Thụy Sĩ… Những công ty này bỏ ra triệu triệu đô la mướn những nhà lai tạo giống rất giỏi, rồi mua rất nhiều máy móc, thiết bị, hóa chất nên khi làm ra được giống họ phải bán để lấy vốn trở lại, họ không cho nên nông dân phải mua. Đây là điều mà nhiều nước đang phản đối. Họ làm ra giống và ‘thống trị’. Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng có thể đưa giống từ nước ngoài vào nhưng nông dân phải trả tiền tương xứng.

Một số thành công của MAS được Green Peace nêu ra là giúp giải quyết nạn rụi lá do vi trùng. Đây là một trong những mối nguy lớn nhất đe dọa cây lúa được trồng tại những vùng cánh tác có hệ thống thủy lợi, tích nước mưa tưới cho mùa vụ tại các quốc gia Trung Quốc, Ần Độ, Indonesia. MAS còn giúp giải quyết nạn rụi lúa ở Thái Lan và Hàn Quốc mà hằng năm năng suất bị thiệt hại từ 10 đến 30% do nạn này gây ra. Tại Bắc Ấn, MAS giúp kéo dài tuổi thọ của một loài kê bằng cách tạo sức chống chịu nấm mốc sương.

Tại Sudan Phi Châu, MAS giúp giải quyết tình trạng mà người dân địa phương gọi là ‘cỏ dại phù thủy’ gây hại cho vụ mùa lúa miến của nông dân. Thông tin cho biết MAS sẽ sớm được ứng dụng tại những quốc gia Phi Châu khác. Hiện nay, MAS cũng được sử dụng để tạo ra giống sắn (mì) chống chịu bệnh khảm tại Nigeria và Tanzania. Loại bệnh này trên cây sắn ở hai nước này khiến sản lượng giảm từ 20- 90%.

Tại Bắc Mỹ, MAS được ứng dụng giúp chống lại các bệnh nấm lúa mì cho nông dân. Ngoài ra còn có những giống có thể chống chịu hạn hán, ngập nước được lập ra nhờ phương pháp MAS.

Có thể nói MAS đang mang lại nhiều ích lợi cho các loại vụ mùa trên đồng ruộng của nông dân ở các đại lục trên thế giới. Cách đây 10 năm MAS còn trong giai đoạn phôi thai, nhưng nay đã trở nên phổ biến rộng rãi. Nhiều người không còn phân biệt được đâu là những giống do phương pháp truyền thống tạo ra và đâu là những giống hình thành từ phương pháp chọn lọc có sự hỗ trợ của gien được đánh dấu.

Mặc dù MAS trở thành công cụ gây giống có giá trị với những thành tựu như vừa nêu, thế nhưng việc ứng dụng MAS vẫn còn gặp trở ngại như chi phí cao hoặc những dấu gien của các giống thân thiện.

Tuy nhiên theo nhìn nhận thì những trở ngại như thế sẽ sớm được hóa giải. Những tiến bộ khoa học gần đây có thể hổ trợ MAS trở nên lựa chọn cho ngành gây giống cây trồng công. Như thế nhiều chủng loại cây trồng tại nhiều quốc gia sẽ được gây giống để trồng đại trà.

MAS tại Việt Nam

Còn tại Việt Nam, công nghệ chọn lọc có sự hỗ trợ của Gien đánh dấu được ứng dụng triển khai ra sao?

Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long ở Cần Thơ cũng có một số thiết bị để làm về kỹ thuật gien này (MAS). Người ta cũng đang làm những giống hợp tác với Viện Lúa Quốc tế để làm ra mấy giống mang gien marker để sẵn sàng cho tình trạng nước biển dâng.
-GS Võ Tòng Xuân

Tiến sĩ Đào Thế Anh cho biết về việc chọn giống của Việt Nam:

Vấn đề chọn lọc các giống lúa, Việt nam nay tay nghề chọn lọc rất cao. Các nguồn gien của Viện Lúa Quốc tế đưa về Việt Nam được khai thác cao nhất trong khu vực.

Giáo sư Nông học Võ Tòng Xuân trình bày về điều này:

Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long ở Cần Thơ cũng có một số thiết bị để làm về kỹ thuật gien này (MAS). Người ta cũng đang làm những giống hợp tác với Viện Lúa Quốc tế để làm ra mấy giống mang gien marker để sẵn sàng cho tình trạng nước biển dâng, ví dụ như thế. Tuy nhiên công tác này cũng chưa thành công lắm, cũng ‘trật giuột’ lắm.

Hiện nay tài trợ quốc tế thường theo ‘fashion’, mà ‘fashion’ bây giờ là ‘biến đổi khí hậu’. Làm gì mà có cụm từ ‘biến đổi khí hậu’ thì mới dễ có tiền, chứ không thì lâu lâu mới làm được. Do đó bây giờ các trung tâm quốc tế họ cũng ‘ào’ vào các đề tài như thế, họ qua mình và trang bị thiết bị và mua hóa chất để làm. Tại Việt Nam thì Viện Lúa ở Ô Môn, Cần Thơ đang làm. Thế nhưng kết quả chưa mỹ mãn lắm nên họ chưa công bố gì nhiều.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân tại Việt Nam hoạt động nghiên cứu lai tạo đưa ra các giống cây trồng, vật nuôi có lợi cho nông dân vẫn còn nhiều điều bất cập. Trong khi đó vì lợi ích riêng người ta sẵn sàng cho nhập những giống lúa lai từ Trung Quốc về với giá cả đắt gấp đôi những giống lúa được lai tạo trong nước. Ngoài ra còn có lập luận có sản phẩm do nước ngoài làm ra rồi thì tại sao lại phải mất công nghiên cứu, tìm tòi ở trong nước.

Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.