Biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường ĐBSCL

Gia Minh, biên tập viên RFA
2015.02.11
Nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có hiện tượng sạt lở ven biển ngày càng lấn sâu vào đất liền Nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có hiện tượng sạt lở ven biển ngày càng lấn sâu vào đất liền
Tài nguyên môi trường

Trong các bài kỳ trước, ba chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày những ghi nhận về thay đổi mà vùng đồng bằng này đang trải qua bởi những tác động bất lợi từ thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu gây nên.

Tiếp theo mời các bạn cùng theo dõi những cách thức ứng phó trước những đổi thay như thế.

‘Sống chung với lũ’ là câu nói được sử dụng lâu nay về tình trạng nước dâng hằng năm tại vùng sông nước Cửu Long. Thế nhưng lâu nay nước không còn về theo chu kỳ mà lượng nước và phù sa ngày càng ít đi. Trong khi đó nước biển tại nhiều khu vực ngập sâu hơn vào nội đồng.Tình trạng này khiến tập quán canh tác của người nông dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long bị thay đổi.

Cần nâng cao nhận thức của người dân

Trước những bất thường của thiên nhiên như thế bản thân người dân và cơ quan chức năng tại Việt Nam đang có những biện pháp gì đề vượt qua tác động bất lợi môi trường đối với hoạt động canh tác và đời sống.

Chuyên gia nghiên cứu Đồng bằng Sông Cửu Long, tiến sĩ Nguyễn Phong Phú từ An Giang trình bày về điều này:

Bây giờ các cơ quan chức năng đang tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu thông qua các dự án phi chính phủ tài trợ. Hiện nay các dự án đó đang tập trung làm tại khu vực Thanh Bình của Cao Lãnh, Đồng Tháp; khúc ở Chợ Mới- An Giang; khúc ở Long Xuyên. Họ cũng đưa tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu cũng như tác động của những đập thủy điện. Họ nêu những ảnh hưởng của các đập thủy điện đối với dòng sông Mê kong, đưa ra những giả thuyết nếu khi đập thủy điện xây dựng thì sẽ tác động đến nguồn sinh thái cũng như nguồn tài nguyên nước đối với khu vực hạ lưu sông Mê kong.

Bây giờ các cơ quan chức năng đang tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu thông qua các dự án phi chính phủ tài trợ.

Tiến sĩ Nguyễn Phong Phú

Có đưa ra dẫn chứng nhưng chưa thuyết phục gì mấy vì người dân vẫn chưa có nhận thức về thủy điện vì tại Đồng bằng Sông Cửu Long họ chưa thấy hệ thống thủy điện như thế nào nữa. Chỉ qua là qua hội thảo với nội dung chiếu trình bày thôi. Người dân chưa thấy thực tế nên chưa có động thái nào của các đập thủy điện đối với Sông Mê kong.

Vừa rồi Mạng lưới Sông Ngòi đưa lên trang Don Sahong với thông điệp phản ánh việc xây dựng đập này trên dòng chính sông Mê kong. Hưởng ứng chỉ được vài trăm người ‘like’ phản hồi ý kiến đó. Còn như hầu như không mấy ai phản hồi. Lý do vì có những ‘tế nhị’ về chính trị cũng như về hiểu biết của người ta nên họ không dám vào để có ý kiến.

Phó giáo sư- tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Biến Đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ, nói về ý thức của người dân trong việc thực hiện những biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu:

Thực ra người nông dân họ nhìn vấn đề ở tương lai gần hơn là tương lai xa. Lý do trình độ của người nông dân không phải cao lắm. Họ chỉ lo trong năm nay hay năm tới giá lúa lên hay giá lúa xuống, rồi thị trường đang cần cây gì, con gì. Đó là vấn đề cụ thể hơn là chuyện vấn đề biến đổi khí hậu hay đập thủy điện xảy ra trong vòng 10, 15 hay 20 năm nữa. Đó là khó khăn khi thuyết phục người nông dân. Mặc dù trong những cuộc thảo luận do chúng tôi tổ chức với người nông dân thì người ta cũng bày tỏ quan ngại khi những đặc điểm tự nhiên thay đổi sẽ có ảnh hưởng đến họ. Thế nhưng ảnh hưởng đến mức nào thì họ không thể đánh giá được. Bây giờ chúng tôi đang tìm cách trước mắt là tăng nhận thức của họ về nguy cơ để họ có ý kiến trong đợt này.

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân thuộc Nhóm Nghiên cứu Đồng Nai- Cửu Long Úc Châu đưa ra ý kiến về biện pháp ứng phó trước những thay đổi về môi trường, thủy văn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long:

Trước khi nói đến việc trong tình hình hiện nay những quốc gia dưới hạ du như Việt Nam (có cách thức vượt qua) thì cần nhìn qua hai điểm. Thứ nhất trong chiến lược xây dựng năng lượng Tiểu vùng Sông Mê kong mở rộng, người ta nói chỉ dùng tài nguyên trong khu vực để cung cấp năng lượng không mà thôi. Người ta nói xài điện gió, xài điện mặt trời, điều đó có nghĩa rất có thể người ta sử dụng nguồn nước Sông Mê kong ở những đập thủy điện, và xây những đập thủy điện ở hạ lưu Sông Mê kong.

Thực ra người nông dân họ nhìn vấn đề ở tương lai gần hơn là tương lai xa. Lý do trình độ của người nông dân không phải cao lắm. Họ chỉ lo trong năm nay hay năm tới giá lúa lên hay giá lúa xuống, rồi thị trường đang cần cây gì, con gì

Phó GSTS Lê Anh Tuấn

Điểm thứ hai nữa là Ngân Hàng Phát triển Á Châu lúc trước họ đầu tư xây dựng những đập thủy điện nhưng bây giờ Ngân hàng Phát triển á châu không đầu tư xây dựng đập thủy điện nữa mà để những công ty ngoại quốc ở ngoài đầu tư vào đó. Việc mà Ngân hàng Phát triển Á châu chuyển sang đầu tư thiết lập mạng lưới điện cao thế bao trùm toàn thể Tiểu vùng Sông Mê kong mở rộng. Và toàn thể lưới điện cao thế đó sẽ tiếp nhận nguồn điện từ đâu? Chính là từ nguồn điện thủy điện: thủy điện từ sông Irrawady của Miến Điện, thủy điện ở thượng nguồn Mê Kong và có thể thủy điện ở hạ lưu Sông Mê kong. Nói như thế để thấy nhiệm vụ chống việc xây đập ở hạ lưu Sông Mê kong ngày càng khó khăn hơn. Đây là viễn tượng không tốt đẹp cho hai nước ở cuối nguồn Sông Mê kong là Kampuchia và Việt Nam, sẽ gây ảnh hưởng đến nông nghiệp và cuộc sống người dân tại đây. Chúng ta thấy GMS ( Tiểu vùng Sông Mê kong mở rộng) đã có sẵn hành lang kinh tế thiên nhiên là Sông Mê kong rồi. Không thể chấp nhận việc xây dựng những hành lang kinh tế khác để phát triển những vùng xa xôi hẻo lánh như vùng đông bắc Thái Lan, vùng thượng Lào, vùng thượng du Bắc Việt hay hai tỉnh Vân nam, Quảng Tây để rồi tiêu hủy vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Điều này đi ngược lại lợi ích phát triển bền vững của toàn bộ khu vực.

Theo chúng tôi nghĩ, về phương diện chính phủ, hai chính phủ Kampuchia và Việt Nam nên kết hợp lại để tiến hành những chương trình nghiên cứu khoa học để hiểu và nắm bắt rõ ràng những tác động của những đập thủy điện đó và sử dụng những kết quả này mà có tính cách thuyết phục đúng đắn tại những diễn đàn trong GMS nói với Lào phải nghiêm túc xem xét lại kế hoạch phát triển thủy điện này.

Ngoài ra Việt Nam không có lý do gì khi lo ngại những tác động tiêu cực của các đập thủy điện tại hạ lưu mà nhà thầu của Việt nam lại đi tham gia xây dựng đập thủy điện ở Luang Prabang ( bên Lào). Đó là điều không nhất quán trong đường lối của Việt Nam, và không nên làm chuyện đó.

Đồng thời Kampuchia cũng không thể để xây hai đập trên đất nước họ; không thể cho xây rồi đi ‘kêu Trời, than Đất’ là không thể được. Đồng thời với những kết quả nghiên cứu đó mà không thuyết phục được những quốc gia khác thì cũng phải xây dựng được chiến lược sử dụng nguồn nước Sông Mê kong, soạn ra những chiến lược đối phó với những tác động tiêu cực của những đập thủy điện đó.

Sự tham gia của công chúng là thiết yếu

Vào đầu tháng 12 năm ngoái, Dự án Đối tác Me kong về Môi trường- MPE và Mạng lưới Thực Thi và Tương thích Môi trường Châu Á đồng tổ chức hội nghị mang tên ‘Chính sách và Thực hành Đánh giá Tác động Môi trường: Bảo vệ Phát triển Bền vững’ diễn ra ở Bangkok, Thái Lan.

Đại diện của hơn 50 chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đã tham dự hội nghị nhằm thảo luận cách thức có thể bảo vệ cộng đồng cũng như môi trường tốt hơn trước những nguy hại do không đưa ra được những dự án ứng phó tốt.

Giám đốc của MPE cho rằng tốc độ phát triển tại khu vực Mê kong nhanh đáng kể; do đó thật cần thiết cho tất cả các bên gồm chính quyền, các nhóm công dân và khu vực tư nhân cùng nhau chung tay hợp tác vì lợi ích của cộng đồng và môi trường.

Đại diện tham gia hội nghị đều công nhận rằng sự tham gia của công chúng vào tiến trình đánh giá tác động môi trường là rất thiết yếu đối với những dự án phát triển qui mô lớn như xây đập thủy điện, hải cảng hay khu công nghiệp

Đại diện tham gia hội nghị đều công nhận rằng sự tham gia của công chúng vào tiến trình đánh giá tác động môi trường là rất thiết yếu đối với những dự án phát triển qui mô lớn như xây đập thủy điện, hải cảng hay khu công nghiệp. Sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự là một cách thực hành tốt nhất khắp thế giới. Một ví dụ được nêu ra là tại Hoa Kỳ vấn đề tư vấn xã hội dân sự là phần chính yếu và bắt buộc phải có trong tiến trình đánh giá tác động môi trường từ đó đưa ra được những dự án tốt hơn.

Phó GS- TS Lê Anh Tuấn cho biết kết quả mà nhóm làm việc của ông đạt được trong việc tham vấn cộng đồng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và hợp tác của những nhóm xã hội dân sự đối với những dự án xây đập trên dòng chính Sông Mê kong dẫn đến những tác động dưới hạ du:

Trong quá trình tham vấn cộng đồng người ta cũng rất chú ý là người dân có đồng tình hay không đồng tình trong chuyện này. Kết quả mà chúng tôi thu nhận được trong thời gian hơn một tháng qua, tất cả những người dân từ nhiều nhóm cộng đồng khác nhau mà chúng tôi mời đến tham dự cuộc hội thảo đều phản đối chuyện xây dựng đập thủy điện và họ bày tỏ lo ngại với những đập thủy điện này cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu mà họ cảm nhận được thì đúng là nguy cơ cho họ. Và hầu hết đều có ý kiến là chính phủ Việt Nam phải có ý kiến phản đối đưa đến cho chính phủ các nước ở phía thượng nguồn Sông Mê kong.

Quá trình đó cũng đang chờ thêm nghiên cứu từ các mô hình khoa học hay các mô hình số mà người ta phỏng đoán ra những tác động có thể định lượng được. Đó là cơ sở để Việt Nam có ý kiến về vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Phong Phú thì thừa nhận vấn đề tư vấn và tham gia của người dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vào tiến trình đánh giá tác động môi trường của các dự án đập thủy điện lớn trên dòng chính sông Mê kong còn rất hạn chế:

Chỉ có tổ chức hội thảo để nâng cao nhận thức cho người dân thôi, chứ người dân thì không dám lên tiếng. Người dân cũng chưa hiểu vấn đề thủy điện cho lắm vì chỉ mới trong thời gian 2012-2013 gần đây thôi mới có những đợt hội thảo như vậy. Những dự án trước năm 2012, người ta chỉ nói về lượng phù sa hay nguồn lợi thủy sản mà thôi chứ không đề cập đến vấn đề thủy điện đối với lưu vực Sông Mê kong.

Từ khi có sự kiện đập Xayaburi, đập Don Sahong của Lào thì tất cả những dự án phi chính phủ tập trung về khu vực hạ lưu Sông Mê kong để lên án các đập.

Tại hội nghị ‘Chính sách và Thực hành Đánh giá Tác động Môi trường: Bảo vệ Phát triển Bền vững’, một viên chức Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ EPA, ông Davis Jones, lên tiếng kêu gọi các quốc gia tham dự gồm Lào, Kampuchia, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam hãy tiếp tục cải tổ luật pháp và qui định . Theo ông này thì nếu các bên càng được tham dự trong quá trình đánh giá tác động môi trường càng sớm và xuyên suốt, thì dự án sẽ càng tốt hơn.

Đại diện một tổ chức xã hội dân sự tại Kampuchia, Nhóm Luật Vishnu hiện đang tham gia với chính quyền Phnom Penh soạn thảo luật mới về đánh giá tác động môi trường cho rằng nếu để cho các cộng đồng bị tác động được tham gia vào dự án phát triển thì có thể giúp tránh được những xung đột. Bất cứ ai được giao làm công tác đánh giá tác động môi trường đều phải đến nói chuyện với cộng đồng chịu tác động; không thể ngồi tại bàn giấy mà vẽ ra những tác động mà dự án sẽ gây ra c ho môi trường được.

Đánh giá cho thấy khắp khu vực Mê kong đang có làn sóng về nổ lực cải cách liên quan đến chính sách đánh giá tác động môi trường. Đơn cử như dự thảo luật đánh giá tác động môi trường của Kampuchia và luật bảo vệ môi trường của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay.

Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.