Nông dân Việt Nam sẽ "làm chơi, ăn thiệt"?

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2014.08.05
002_4646-13-600.jpg Nông dân miền Nam sau vụ mùa.
AFP photo

 

Gần đây một kỹ sư tư nhân cùng nông dân tại một số tỉnh ở khu vực miền bắc thử nghiệm phương pháp mới giúp giảm đầu tư chi phí, công cán, phân bón nhưng năng suất lại cao hơn. Tuy nhiên, bộ chủ quản vẫn chưa hay biết gì về phương pháp đó.

Nông dân phấn khởi

Rất nhiều nông dân Việt Nam cho đến thế kỷ 21 này vẫn còn phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’, dù rằng tại nhiều nơi trên thế giới các loại máy móc nông cơ có thể giúp giảm bớt công sức bỏ ra trên đồng ruộng mà năng suất mỗi ngày một cao hơn.

Mơ ước của bao người nông dân Việt là được cảnh ‘làm chơi, ăn thiệt’ như thế với công cán và đầu tư bỏ ra được bù đắp xứng đáng bằng những vụ mùa bội thu để có thể trang trải mọi chi phí, rồi còn dư mà nuôi sống gia đình và bán ra để đáp ứng những nhu cầu khác của cuộc sống.

Ba vụ mùa qua, một số nông dân trồng lúa tại xã Việt Đức, huyện Yên lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, vui mừng vì với phương pháp canh tác mới do kỹ sư Chu Văn Tiệp từ Hà Nội lên phổ biến, họ đã phần nào đạt được yêu cầu là giảm chi phí, công sức mà năng suất tăng lên chừng 20%.

Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Đức, nói về điều này:

Công nghệ tuyệt vời, đầu tiên chỉ có 3 hộ làm thôi nay mở rộng lên đến từ 550 đến 600 hộ. Diện tích đầu tiên chỉ có 0,2 héc ta còn bây giờ khoảng 150 héc ta. Năng suất thì cao hơn năng suất thông thường. Chi phí cấy giảm nhiều so với cấy bình thường. Khi cắt chỉ 3-4 khóm là một tay nặng, trước phải 8-9 khóm.

Ở đây đã thử nghiệm đến vụ thư tư rồi và dân mở diện tích. Chính quyền quá ủng hộ, huyện thấy hiệu quả nên đề xuất xin mở rộng diện tích. Chính chủ tịch huyện cũng phóng xe xuống xem mô hình này như thế nào và để nghị mở rộng ra toàn huyện.

Đầu tiên thì dân nghi ngờ vì đang cấy từ 45 đến 50 khóm một mét vuông nay chỉ cấy từ 12-16 khóm/mét vuông thì ai mà chẳng nghi ngờ! Giờ cấy trung bình 14 khóm/mét vuông mà năng suất tăng từ 10-20%.

Ở đây đã thử nghiệm đến vụ thư tư rồi và dân mở diện tích. Chính quyền quá ủng hộ, huyện thấy hiệu quả nên đề xuất xin mở rộng diện tích.
- Ông Nguyễn Văn Hà, xã Việt Đức

Chỉ có công nghệ mới thôi, còn giống nào làm cũng được, các giống thông thường. (Phương pháp) đơn giản ai làm cũng được, cứ người nọ chuyền tai và chỉ cho người kia là được.

Công nghệ này giúp giảm được nhiều yếu tố kể cả sâu bệnh, kể cả giống, kể cả công lao động, thuốc bảo vệ thực vật.

Tại hợp tác xã Sao Cát, ở An Lý, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cũng thuộc vùng đồng bằng bắc bộ, nông dân ở đó hiện ứng dụng phương pháp của kỹ sư Chu Văn Tiệp đang được bà con tại xã Việt Đức, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc  đang làm.

Ông Hoàng Công Thắng, phó chủ nhiệm hợp tác xã Sao Cát, thừa nhận sự hiệu quả của phương pháp mới do kỹ sư Chu Văn Tiệp nghiên cứu ra, dù rằng mức độ theo ông này chỉ khoảng 10% mà thôi:

Qua hai vụ thì thấy đúng là có hiệu quả, giảm nhiều chi phí và năng suất tăng 10%.

Huyện đồng lòng thực hiện

Phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hà Thái Nguyên, sau khi xuống thực tế tại địa phương ứng dụng phương pháp mới trong canh tác lúa, cũng có đánh giá về phương pháp này như sau:

Tại huyện Yên Lạc cũng ba vụ rồi, như thế hiệu quả tốt. Đầu vào của sản xuất giảm đi và sâu bệnh cũng hạn chế. Dù chưa được công nhận nhưng tại Yên Lạc vẫn tiếp tục triển khai đến vụ mùa này là vụ thứ tư.

Việc này không có gì vì làm có hiệu quả thì anh em làm thôi. Chúng tôi đang triển khai đến một số xã khác nữa. Cái gì thấy có hiệu quả cho dân thì triển khai thôi.

Bà con nông dân ra ruộng đối chứng luôn. Mô hình này có đối chứng giữa cấy thông thường và cấy theo ‘mô hình’ của ông Tiệp: năng suất hơn, quả chắc hơn,  đầu vào giống ít hơn, sâu bệnh chống chọi tốt hơn vì nó hấp thụ năng lượng tốt hơn.

Áp dụng thực ra không biết các nhà nghiên cứu như thế nào để ra được, anh em  không nắm được, nhưng rõ ràng dễ dàng thôi. Tác giả còn ký với nông dân mà không bằng thì đền!

Thông tin cho hay còn có một số địa phương khác thuộc Thái Bình cũng đang thử nghiệm phương pháp canh tác mới của Kỹ sư Chu Văn Tiệp.

Tác giả giới thiệu

Một nông dân trên cánh đồng miền Bắc Việt Nam. AFP photo
Một nông dân trên cánh đồng miền Bắc Việt Nam. AFP photo
Một nông dân trên cánh đồng miền Bắc Việt Nam. AFP photo

Vậy phương pháp canh tác mới mà cả nông dân và cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện đều thừa nhận có hiệu quả như vừa nêu như thế nào?

Chính tác giả là kỹ sư Chu Văn Tiệp trình bày về phương pháp đó như sau:

Vừa rồi tôi công bố thêm một phương pháp gieo cấy lúa mới: cấy từ 8-16 khóm trên một mét vuông mà năng suất tăng tối thiểu 20% và tối đa 60% so với IPM và SRI. Khi triển khai rất được nông dân hoan nghênh vì giảm 50% giá thành.

Tại đồng bằng Sông Hồng hiện nay để trồng ra một cân lúa, nông dân phải chi từ 4500 đến 5000 đồng/kg; bán chỉ được 6000-6500 đồng/kg. Nhưng với công nghệ này thì chỉ còn 2200-2500 đồng/kg lúa.

Công nghệ này tôi đã đăng ký độc quyền sáng chế tháng 8 năm 2012. Cục Sở hữu Trí Tuệ đạ chấp nhận đơn và chờ đủ 36 tháng người ta cấp bằng độc quyền sáng chế.

Công trình này có hai phát minh khoa học, đó là ứng dụng công nghệ mới vào phương pháp gieo cấy hoàn toàn mới trong lịch sử thế giới về công nghiệp cấy lúa. Phát minh thứ nhất là định luật hiệu ứng hàng biên tối ưu; định luật thứ hai là sức đẻ bông tối ưu trên khóm.

Phải dựa vào uy tín cả nhân để đưa vào địa phương và chỉ cần lúc đầu 2-3 hộ làm thì vụ sau có hằng trăm rồi đến hằng ngàn hộ làm theo. Người ta bỏ hẳn công nghệ của ông Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp, đang làm.
- Kỹ sư Chu Văn Tiệp

Khi ứng dụng hai định luật này thì các khóm lúa tôi trồng đều to bông, to khóm và không có sâu bệnh giống như hàng đầu bờ, chứ không phải chỉ có hàng đầu bờ mới có.

Còn ứng dụng kết hợp qui luật sức đẻ bông tối ưu vào thì số bông đạt gấp hai đến ba lần số bông trên khóm theo các công nghệ ngoài ( công nghệ) mà tác giả đang triển khai kể cả IPM và SRI. Số bông theo phương pháp của tác giả ( tôi) bằng với phương pháp của các vị ấy nhưng ăn đứt ở chỗ hiệu ứng hàng biên, tức tăng số hạt bình quân tối thiểu 20% và tối đa 60%, phổ cập 25-30%. Do đó giảm chỉ còn từ 8 đến 16 khóm, từ đó mạ giảm, công cấy giảm, công cắt giảm, công làm mạ giảm, chi phí thóc giống giảm, giảm 30% phân bón các loại, giảm 100% thuốc trị bệnh và giảm 50% thuốc trừ sâu. Sản phẩm sạch hơn tất cả các phương pháp gieo cấy hiện trên thế giới có. Tôi đã công bố tại nhiều hội nghị khoa học trong nước. Ở Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc làm, Thái Bình bắt đầu ứng dụng, Hà Nội cũng bắt đầu ứng dụng.

Tôi làm chui, vì Nhà nước họ có công trình quốc gia với kinh phí lớn theo chương trình SRI và IPM. Công nghệ SRI xuất phát từ Madagascar, gọi là biện pháp thâm canh tổng hợp bền vững sinh thái, gồm cả chục biện pháp nhưng chỉ tăng chừng trên dưới 10% năng suất. Sau đó người ta sáng chế ra IPM tức công nghệ hữu cơ xanh sạch, không dùng phân hóa học, không dùng phân chuồng mà dùng phân hữu cơ. Đại khái như thế nhưng cuối cùng cũng chỉ tăng được trên dưới 10% so với lúa cấy 35-50 khóm của cuộc cách mạng xanh khởi xướng bởi Viện Lúa Quốc tế vào thập niên 60 thế kỷ trước. Bây giờ đó vẫn là phương pháp gieo cấy phổ cập tại các nước, trong đó có Việt Nam. Vì tôi là nhà khoa học độc lập, không có phòng thí nghiệm, không có trung tâm- trạm- trại, không có bộ máy, không có người giúp việc, không có kinh phí mà dùng kinh phí của gia đình thôi.

Phải dựa vào uy tín cả nhân để đưa vào địa phương và chỉ cần lúc đầu 2-3 hộ làm thì vụ sau có hằng trăm rồi đến hằng ngàn hộ làm theo. Người ta bỏ hẳn công nghệ của ông Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp, đang làm.

Bộ chưa rõ

Vấn đề được nêu ra với ông Phạm Đồng Quảng, cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn, thế nhưng ông này cho biết vẫn chưa nghe nói gì về phương pháp mà nông dân một số tỉnh tại khu vực đồng bằng bắc bộ đang thử nghiệm thành công như thế:

Chúng tôi không nắm được thông tin này. Muốn áp dụng, phổ biến thì phải được công nhận, phải được thử nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá có hiệu quả trong sản xuất.

Nông dân Việt Nam lâu nay được ngành nông nghiệp chỉ dẫn ứng dụng các mô hình canh tác do các cơ quan quốc tế phổ biến như Quản trị Vụ mùa Tổng hợp ICM (integrated crop managememt), quản trị sâu bệnh tổng hợp IPM (intergrated pests management), hoặc hệ thống thâm canh lúa SRI ( system of rice intensification)… Tất cả cũng đều mục đích giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, không sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu….

Đối với phương pháp của một kỹ sư nông nghiệp như ông Chu Văn Tiệp mà qua đối chứng của chính người nông dân tại một số vùng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ cho thấy có hiệu quả hơn những cách thức họ ứng dụng lâu nay; hẳn cần có sự theo dõi, đánh giá kịp thời của ngành chủ quản là Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam. Mục đích để có kiểm chứng khoa học chứ không thể để như hiện nay cho nông dân và ông Chu Văn Tiệp tự thân mày mò thực hiện.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.