An toàn hạt nhân

Hôm nay, 26 tháng 4-2011, đánh dấu 25 năm xảy ra thảm hoạ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Nga.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011.04.25
000_DV940610-305.jpg Hoạt động phản đối nhà máy điện hạt nhân gần Unterweser, thành phố phía Bắc của Đức Kleinensiel ngày 25 tháng tư 2011.
AFP photo

Trong khi đó, toàn thế giới đang chú tâm theo dõi việc Nhật Bản giải quyết tai biến hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima do động đất và sóng thần hồi ngày 11 tháng 3 năm nay gây nên.

Nhân dịp này Tạp chí Khoa học- Môi trường mời quí thính giả cùng nghe trình bày của chuyên gia về điện hạt nhân kỳ cựu, tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn nói về những vấn đề liên quan ngành năng lượng mà khi có sự cố thì dường như vượt tầm kiểm soát của con người như hiện nay ở Fukushima và trước đây ở Chernobyl.

Chernobyl và Fukushima

Gia Minh : Thưa GS, khi xảy ra sự cố các lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima, người ta liên hệ ngay đến thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên lúc đầu độ nguy hiểm chỉ được thông báo ở mức năm trên thang bảy bậc về tai nạn hạt nhân; nhưng gần đây Nhật Bản nâng lên mức cao nhất bằng Chernobyl. Vậy theo giáo sư hai thảm hoạ tại hai nơi đó có như nhau hay không?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản (NISA), một tháng sau khi thảm hoạ bắt đầu mới đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của Fukushima cho lên mức 7 cao nhất, như Chernobyl .

Trước hết cần biết thang độ INES (International Nuclear Events Scale) là gì ? . INES do Cơ quan Nguyên tử Quốc tế ( AIEA ) ban hành từ năm 1990, dựa trên kinh nghiệm  về cách phổ biến thông tin  hạt nhân của Nhật và Pháp.  Hai nước này đã  đặt nền tảng cho thang đo INES một năm sau tai biến Chernobyl. Mục đích của AIEA không phải là để bảo vệ mà là để trấn an phần nào dân chúng và cho họ có một ý niệm về tầm quan trọng của sự cố. INES không phải là một dụng cụ khoa học chính xác đo mức độ nguy hiểm một cách  khách quan tuyệt đối.

Nó không cho phép ước lượng những rủi ro và so sánh những sự cố giữa các nước và ở thời kỳ khác. Có nhiều thay đổi từ khi INES ra đời. Góc nhìn cũng còn tùy ở trong hay ngoài địa điểm nhà máy. Cũng vì những lý do trên mà cơ quan an toàn Nhật Bản lúc đầu sắp Fukushima ở mức 4 để trấn an dân chúng,  sau đó cho lên mức năm như sự cố Three Mile Island, mà tâm lò bị nóng chảy gần 50%.

nguyenkhacnhan-200
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn
Hình GS Nguyễn Khắc Nhẫn gửi RFA
Lẽ cố nhiên, hai thảm họa Chernobyl va Fukushima khác nhau về phương diện lý do khoa học, kỹ thuật và cách diễn biến.

Lò số 4 Chernobyl, kiểu RBMK (1000 MW) không có vỏ bọc lò (enceinte de confinement ) đang vận hành thì bị hai tiếng nổ liên tiếp,  sáng sớm ngày 26-4-1986, vì nhân viên không áp dụng quy tắc căn bản, đã tách rời hệ thống làm lạnh và một số hiệu báo động cần thiết trong một thí nghiệm. Vụ nổ khí hydro kinh hồn đã làm tung ba nắp đậy (dalle) bê tông nặng trên 1200 tấn và đã cho bay lên cao hơn 1 km những hạt bụi, vô cùng nguy hiểm, kết quả của quá trình phân hạch, tạo nên đám mây phóng xạ Chernobyl, sau vài ngày, tuỳ theo hướng gió, lan tràn trên thế giới, từ Âu Châu, đến Ấn Độ, Trung Quốc...

Trong suốt 10 ngày tâm lò với 192 tấn nhiên liệu với hằng trăm tấn graphite (chất điều độ – moderateur) bị hoàn toàn nóng chảy.

Ở Fukushima, ngày 11-3-2011, trận động đất hết sức lớn (8,9 ° Richter) theo sau một tsunami ồ ạt cao trên 10 m (có nơi lên đến 23 m) đã làm tê liệt hệ thống làm lạnh. Khác với Chernobyl, chất điều độ ở Fukushima là nước, không có graphite chảy. Cũng rất may là các lò Fukushima tự động ngưng vận hành. Nên biết rằng kiểu lò BWR (Boiled Water Reactor) ở Fukushima chỉ có một hệ thống làm lạnh thay vì 2 như ở các lò PWR (Pressurized Water Reactor). Tổng công suất của 6 lò Fukushima lên đến 4680 MW, gần 5 lần công suất lò Chernobyl. Tình hình biến chuyển rất nhanh. 3 tâm lò bị nóng chảy (77% va 33%), 2 hỏa hoạn ở hồ chứa nước (piscine) và 5 vụ nổ khí hydro.

Số nhiên liệu, dãy phóng xạ, tích trữ nước trong các hồ nước bị rạn nứt, bằng 4 lần số nhiên liệu trong các lò. Đặc biệt, lò số 3 có 32 bó nhiên liệu MOX, rất nguy hiểm, vì có plutonium. Ngay 26-3 TEPCO  hết sức lo sợ vì ở lò 3, khối macma nhiên liệu và kim loại nóng chảy (corium 2200° - 2500°) có thể làm thủng lò và cái đáy bê tông (radier) ở dưới lò, dày 8 m.

Hết bơm nước biển vào các lò và hồ nước trong nhiều ngày liên tiếp, thì nay TEPCO bơm azote vào các lò 1-2- 3 để ngăn cản vụ nổ khí hydro. Lẽ cố nhiên đất và nước biển trong vùng nhà máy bị ô nhiễm trầm trọng. TEPCO có vẻ lạc quan khi tuyên bố rằng tình hình sẽ ổn định trong vòng 9 tháng tới !

Theo TEPCO luồng phóng xạ thải ra biển hiện nay từ Fukushima chỉ bằng 10% lượng thải ra từ Chernobyl, nhưng trong tương lai có thể đảo ngược lại.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học New York, có 2 triệu nạn nhân vì Chernobyl, trong số đó có gần 600.000 đến 800.000 liquidateurs đã hy sinh tính mạng bị tàn phế suốt đời. AIEA và lobby hạt nhân đưa ra những con số 100 lần ít hơn. Tại sao ? Sau 25 năm, Chernobyl vẫn còn nguy hiểm. Ngày 19-4 vừa qua, ở Kiev đã khai mạc một hội nghị quốc tế để tìm nguồn tài chính cho việc xây dựng quan tài thứ hai (sarcophage) mà chi phí cần thiết đã lên đến 1,54 tỷ dola. Còn thiếu cả thảy 740 triệu, trong số này có 140 triệu dành cho việc xây cất nhà chứa nhiên liệu đã sử dụng ở các lò của nhà máy Chernobyl.

Quan tài số 2  này, cao 110 m , dài 164 m , rộng 257m và nặng 30.000 tấn sẽ hoàn thành năm 2015 và sẽ sống lâu một thế kỷ thôi, có nghiã sau đó, con cháu chúng ta sẽ phải quyên tiền xây cất quan tài thứ 3 và các thế hệ khác cũng phải tiếp tục làm tròn bổn phận để chặn phóng xạ ra ngoài. (Đừng quên rằng chu kỳ giảm một nửa phóng xạ của Plutonium là 240 thế kỷ!) Quan tài số 1 xây dựng cấp tốc, cẩu thả, đã rạn nứt hư hỏng nhiều nơi từ mấy năm nay.

Không lò nào an toàn tuyệt đối

000_Was3839774-250.jpg
Bức vẽ trên tường trong thành phố ma Pripyat gần lò phản ứng hạt nhân thứ tư tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cũ hôm 04/4/2011. AFP photo.
Gia Minh: Hai nhà máy ở hai nơi có công nghệ khác nhau, thế nhưng mức độ khi xảy ra thảm hoạ vẫn rất nguy hiểm. Cơ quan chức năng ở những nơi xảy ra thảm hoạ có trấn an dân chúng, rồi những nơi muốn phát triển loại năng lượng này cũng hưá hẹn công nghệ tiên tiến sẽ loại trừ thảm hoạ, vậy theo ông có thể tin cậy vào mức an toàn được cho là tuyệt đối như hứa hẹn hay không?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Anh cũng thừa biết là chẳng có lò nào tuyệt đối an toàn. Các công ty và lobby hạt nhân quốc tế hứa hẹn hão huyền, ru ngủ các nước đang phát triển như Việt Nam, không ngoài mục đích bán cho kỳ được những lò họ sản xuất ra. Nếu cứ tiếp tục nhẹ dạ, nghe lọt tai luận điệu tuyên truyền của họ, thì sớm muộn bao thảm họa khác cũng tuần tự diễn ra.

Từ lâu nhiều chính phủ và chuyên gia đã khẳng định là các lò Âu Mỹ hay Nhật bản hết sức an toàn nhờ sự hiện diện của vỏ bọc lò (enceinte de confinement) trong nhà máy điện hạt nhân. Pháp thì quá tin tưởng vào lò thế hệ 3 EPR (uropean Pressurized Reactor hoac Evolutionary Power Reactor) 1600 MW. Hiện nay có 4 lò EPR đang được xây cất : 1 ở Finlande (Olkiluoto) trễ hơn 3 năm trời vẫn chưa xong, 1 ở Pháp (Flamanville) cũng bị trễ, 2 ở Trung Quốc (Taishan).

Lẽ cố nhiên, lò thế hệ 3 hay 3+ , trên lý thuyết an toàn hơn lò thế hệ 2 hay 2+ . Nhưng lò thế hệ 3 nào đi nữa, hết sức đắt tiền (trên 3 ty euros), cũng chỉ là một kiểu lò tiến hoá (evolutionnaire) vừa dựa trên kinh nghiệm lò thế hệ 2, vừa được bổ sung, nhờ tiến bộ khoa học, chứ không phải là loại lò cách mạng, hoàn toàn đổi mới. Ví dụ lò Fukushima áp dụng nguyên lý an toàn chủ động (Active Safety Features) cần nguồn điện cấp cứu Diesel (bị tê liệt ở Nhật bản) cho hệ thống làm lạnh. Loại lò nào có hệ thống làm lạnh (dư thừa - redondant) vẫn cần có điện mới chạy được thì cũng không thể gọi là an toàn.

Các chuyên gia thường tuyên bố xác suất một biến cố lớn có thể xảy ra là 1 trên 1 triệu. Nhưng Chernobyl và Fukushima diễn ra lúc tổng số lò trên toàn cầu chưa quá 300  hay 440.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Càng rườm rà bao nhiêu càng khó khai thác bấy nhiêu. Đem theo bốn bánh secours trên xe, cũng không ảo đảm sẽ đến nơi đến chốn được, vì cả bốn bánh có thể bị đinh đâm thủng cùng một lúc, nếu người ta cố ý rải đinh khắp xa lộ. Toyota, nổi tiếng thế giới, mà gần đây, phải thu hồi hằng triệu xe để điều chỉnh những thiếu sót không ngờ có thể xảy ra.
Lò thế hệ 3 AP 1000 của Westinghouse áp dụng nguyên lý an toàn thụ động có bảo đảm hơn không ? Với lò EPR, dùng uranium làm giàu đến 5% và nhiên liệu MOX (nguy hiểm hơn) sẽ có 4 hệ thống an toàn độc lập,  một cendrier xây dưới lò để đón nhận tâm lò, nếu bị nóng chảy và có thể chịu đựng sức mạnh của một máy bay lớn rơi xuống nhà máy. Xây trước để đề phòng, một cendrier như thế có nghĩa là tâm lò thế hệ 3 vẫn có thể bị nóng chảy. Và nếu có phóng xạ lan tràn trong vỏ bọc lò dày 2  hay 3 lớp bê tông nhiều mét đi nữa thì nhốt chất phóng xạ được bao nhiêu thế kỷ mà vẫn không có vấn đề ?

Sau Fukushima, nhiều yếu tố căn bản và định đề (postulats) sẽ phải duyệt lại.

Đối với những lò thế hệ 4, sẽ xuất hiệu sau 2030-2035 cũng không ai dám bảo đảm tuyệt đối an toàn đâu. Nhược điểm quan trọng cần biết của các lò là rất khó ngưng cấp tốc các lò đang vận hành, một khi phản ứng dây chuyền hạt nhân đang tung hoành.

Vấn đề an toàn không phải lệ thuộc vào máy móc mà thôi. Chủ yếu vẫn là ở con người, cần có trình độ, tinh thần kỷ luật, lương tâm nhà nghề, phương pháp làm việc, đủ sức bình tĩnh đối phó với mọi tình huống. Có ai tưởng tượng được rằng nhân viên vận hành ở Chernobyl, đã cố tình gỡ bỏ hệ thống làm lạnh qua một bên trong lúc lò máy đang chạy.

Các chuyên gia thường tuyên bố xác suất một biến cố lớn có thể xảy ra là 1 trên 1 triệu. Nhưng Chernobyl và Fukushima diễn ra lúc tổng số lò trên toàn cầu chưa quá 300  hay 440. Xác suất trúng số độc đắc Euroloto hàng tuần ở Âu Châu là 1 trên 75 triệu, thế mà vẫn có người trúng (lẽ cố nhiên có hằng triệu người mua vé).

Fukushima thay đổi tương lai ngành điện?

Gia Minh : Nhiều nước trên thế giơí như Đức ở Châu Âu, rồi Ấn Độ ở Châu Á... sau khi xảy ra tai biến ở Fukushima có cho biết sẽ xem xét lại kế hoạch điện nguyên tử của họ; trong khi đó một số nước khác như Việt Nam vẫn khăng khăng sẽ triển khai điện hạt nhân vì họ bảo đảm được vấn đề an toàn; theo ông trong tình hình thực tế đã xảy ra tác động ra sao đến tương lai của ngành điện hạt nhân trên thế giơí?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Từ  khi Three Mile Island xảy ra ngày 28-3-1979 đế nay đã 32 năm trời mà Mỹ vẫn  không xây cất thêm một nhà máy điện hạt nhân nào khác. 25 năm sau Chernobyl, số lò trên thế giới vẫn không tăng là bao, 34 nuớc chia nhau khai thác khoảng 440 lò, vì sự chống đối và nghi ngờ của dư luận còn mạnh.

Tỷ lệ điện hạt nhân so với tổng sản lượng toàn cầu là 15% tương đương với tỷ lệ thuỷ điện. Và tỷ lệ năng lượng hạt nhân so với bản tổng kết nhu cầu thế giới về nguồn năng lượng sơ cấp ( energie primare )  bao gồm tất cả các nguồn năng lượng hoá thạch, là rất thấp. Con số này sẽ không thay đổi bao nhiêm đến chân trời 2030-2040. Nói như vậy có nghiã là nếu phải bỏ điện hạt nhân thì nhân loại cũng sẽ tìm ra được chiến lược thay thế, không có gì khó lắm, trái với lý luận xuyên tạc, không đứng vững của lobby hạt nhân.

Dư luận thế giới ít hoang mang lo sợ lúc xảy ra tai biến Chernobyl so với Fukushima . Điều ấy cũng dễ hiểu vì trong sáu tuần liên tiếp, mỗi giờ đều có tin tức của Fukushima qua các đài truyền hình, đài phát thanh hay báo chí. (Thú thật với các bạn là cá nhân tôi cũng theo dõi tình hình bi đát ở nhà máy Nhật Bản từng giờ từng phút ). Ở Chernobyl các phương tiện truyền tin vừa ít, vừa bị chính phủ Liên xô hạn chế tối đa, để che lấp, giấu diếm sự thật của một thảm hoạ rùng rợn, đang lung lay một quốc gia, dọn đường cho sự sụp đổ của một chế độ độc tài.

000_Hkg4738695-250.jpg
Một người đeo mặt nạ khí để phản đối nhà máy hạt nhân trước trụ sở TEPCO (Tokyo Electric Power Co) tại Tokyo ngày 27 tháng 3 năm 2011. AFP photo
Một người đeo mặt nạ khí để phản đối nhà máy hạt nhân trước trụ sở TEPCO (Tokyo Electric Power Co) tại Tokyo ngày 27 tháng 3 năm 2011. AFP photo
Với Fukushima , phong trào chống đối điện hạt nhân trên toàn cầu bùng nổ nhanh chóng, xem như cùng lúc với các cuộc biểu tình đẫm máu tại nhiều nước ở Bắc Phi và Cận Đông, vẫn đang còn tiếp diễn. Cộng đồng Âu châu (143 lò) phản ứng rất mạnh, đang quyết tâm thống nhất các tiêu chuẩn an toàn. Ngay lúc đầu, bà Angela Merkel quyết định đóng cửa tạm thời bảy nhà máy điện hạt nhân của Đức xây cất trước năm 1981, tạm đình chỉ việc cấp giấy phép cho gia hạn thời gian vận hành của nhiều nhà máy khác và đã tỏ ý sẽ dần dần từ bỏ điện hạt.

Hàng trăm ngàn dân Đức đã biểu tình dữ dội. Fukushima đã làm dư luận thế giơí hết sức lo sợ, nghi ngờ và sự chống đối đã lan tràn. Trung Quốc, Mỹ, Nga , Pháp, Ấn Độ và nhiều nước khác đã ra lệnh phải kiểm soát chặt chẽ và củng cố tất cả các nhà máy điện hạt nhân để đối phó với mọi tình huống. Vài công ty ở Mỹ vừa tuyên bố sẽ bỏ các dự án điện hạt nhân. Thụy Sĩ,  Venezuela cũng sẽ hoãn lại các dự án. Nước Ý cdự định tổ chức trưng cầu dân ý (referendum) vào tháng 6 này nhưng có lẽ cũng khỏi cần vì chính phủ đã tỏ ý rút lui có trật tự.

Vừa qua dân chúng ở Jaitapur (Ấn Độ) biểu tình ồ ạt vì họ quyết liệt chống đối dự án xây cất 2 lò EPR của Areva (dự án gồm 6 lò cả thảy).
Fukushima sẽ làm tỷ lệ điện hạt nhân trong thời gian tới sẽ hạ thấp dần dần, đồng thời  giá điện hạt nhân sẽ lên cao vì phải cần nhiều kinh phí để đầu tư mạnh vào khâu an toàn.

Tìm đất để xây một nhà máy điện hạt nhân mới sẽ gặp nhiều cản trở và xin giấy phép gia hạn thời gian vận hành cũng sẽ rất khó khăn.

Với Fukushima, phong trào chống đối điện hạt nhân trên toàn cầu bùng nổ nhanh chóng. Cộng đồng Âu châu (143 lò) phản ứng rất mạnh, đang quyết tâm thống nhất các tiêu chuẩn an toàn.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Fukushima không phải là một tai biến mới bắt đầu mà là một Chernobyl đang tiếp diễn.  Vết châm kim nhắc nhở mối nguy ác nghiệt này cho cả nhân loại, sau 25 năm, liệu có đủ không hay phải chờ đợi vài Chernobyl khác, mới dẹp tan được sự điên cuồng của một lobby vô trách nhiệm, để tiền bạc trên tính mạng con người. Theo cá nhân tôi, Fukushima sẽ chặn đứng việc bành trướng của công nghiệp hạt nhân. Họ đã mơ ước một muà xuân tươi đẹp cho lĩnh vực này, nhờ giá dầu mỗi ngày một tăng . Với hiện tượng thay đổi khí hậu, họ cũng biết lợi dụng triệt để thời cơ, đề cao quá đáng vai trò điện hạt nhân. Họ sẽ thất vọng vì số lò trên thế giới sẽ không thể nhân lên gấp đôi từ nay đến năm 2030 như họ mong muốn.

Điện hạt nhân ở VN

Gia Minh : Là một người lâu nay trăn trở về vấn đề phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, ông nghĩ sao về quyết định của cơ quan chức năng trong nước vẫn cho triển khai kế hoạch với sự trợ giúp của Nga và ngay cả Nhật nữa? Nếu không làm điện hạt nhân thì phải làm gì để có thể bù đắp cho khoản thiếu hụt điện năng rất cần cho phát triển tại Việt Nam?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Từ nhiều năm nay anh đã có nhã ý phỏng vấn tôi. Chắc anh có thể thay tôi trả lời dùm câu hỏi này cho các bạn thính giả trung thành bốn phương. Lập truờng của tôi vẫn không đổi, không bị lay chuyển bởi động đất, sóng thần, vì nó xuất phát tận đáy lòng của một người dân nhiệt tình với quê hương, xứ sở, biết lo sợ cho miền Trung Đất Việt mến yêu. Vùng Ninh Thuận cũng có thể bị động đất hay sóng thần. Năm 1935 ở Điện Biên đã có trận động đất lên đến 6,8 ° Richter, ở Tuần Giáo năm 1983 cũng như thế. Trong năm 2010, trong nước cũng đã có hằng chục cơn dưới 5, 5° Richter.

vn-nuclear-power-250.jpg
Mô hình của lò phản ứng hạt nhân Mitshubishi của Nhật Bản tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28 Tháng 5 năm 2010. AFP photo
Mô hình của lò phản ứng hạt nhân Mitshubishi của Nhật Bản tại một cuộc triển lãm về điện hạt nhân được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28 Tháng 5 năm 2010. AFP photo
Nhưng sự thật, vấn đề không phải chỉ biết ghép rủi ro, mà đáng sợ hơn, chính là ở con người. Theo nhà xã hội học Anh Quốc Anthony Giddens, ta nên chia ra 2 loại nguy cơ (risque): nguy cơ bên ngoài (externe) liên quan đến thiên nhiên (lũ lụt, động đất …) mà tổ tiên chúng ta đã biết từ thời xa xưa, thời kỳ chưa bị kỹ thuật- khoa học ‘đô hộ’, và nguy cơ do chính chúng ta ngày nay tạo ra, liên quan mật thiết đến các hoạt động chạy theo lợi nhuận, không có giới hạn của con người (thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi truờng, biến cố hạt nhân ...). Chúng ta chưa có kinh nghiệm về các loại nguy cơ thư hai này vì chúng ta đang tạo ra nó và đơn giản hoá bằng cách cho đó là do tạo hoá để an lòng. Đổ lỗi cho thiên tai như thế là hoàn toàn vô trách nhiệm. Sự thiếu năng lực, tính kiêu ngạo, tự đắc- tự phụ, tham nhũng của một số người có chức vụ, chưa kể dối trá, làm tăng các nguy cơ này.

Tôi đã bao lần lên tiếng không ủng hộ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam vì rất nhiều lý do dễ hiểu : nhân sự, trình độ chuyên viên, kinh tế, tài chính, thời gian xây cất kéo dài, lệ thuộc uranium làm giàu, máy móc dụng cụ và chuyên gia ngoại quốc, môi trường, cơ cấu pháp lý, tinh thần kỷ luật và trách nhiệm văn hoá an toàn, tham nhũng, lưu trữ chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy. Nói rằng giá thành kWh điện hạt nhân ở nước ta sẽ kinh tế là nói láo, thiếu cơ sở khoa học, không biết tính toán tỉ mỉ.

Trước thảm hoạ Fukushima, từ lâu, tôi đã từng cho biết là điện hạt nhân ở nước ta sẽ không thể nào kinh tế đưọc, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, lúc tôi còn làm ở EDF. Ta thường coi nhẹ một vấn đề nan giải, vô cùng nguy hiểm, quan trọng nhất đối với hằng trăm thế hệ con cháu sau này : đó là việc lưu trữ chất thải phóng xạ mà chưa có một cường quốc nào tìm ra được giải pháp thỏa đáng. Còn việc tháo gỡ một nhà máy điện hạt nhân, kéo dài hằng chục năm vì mức phóng xạ còn cao, tuy lò đã nghỉ hưu trí! Có mấy ai biết được số tiền khổng lồ cần cho hai khâu lưu trữ chất thải phóng xạ và tháo gỡ.

Ta tìm đâu ra hằng chục tỷ, chưa kể 30 tỷ đô là dành cho việc xây cất 8 lò từ năm 2014 đến 2031 ! Các nước như  Anh, Pháp, Mỹ, Nga sẽ cần hàng trăm tỷ và thế giới tổi thiểu trên 1000 tỷ! Có công nghiệp nào ác nghiệt mà kinh phí và thời gian tháo gỡ cao hơn kinh phí và thời gian xây cất nhà máy không ? Làm một lò điện hạt nhân là ta kẹt một thế kỷ (50 năm vận hành và 50 năm tháo gỡ). Sao người ta gấp rút đi ra mình lại cứ muốn đi vào ?

Anh hỏi phải làm gì để có thể bù đắp sự thiếu hụt điện năng?

Chính sách năng lượng của Việt Nam cũng như của tất cả các nuớc trên thế giới phải dựa trên việc tiết kiệm năng lượng (économie d'énergie et sobriété énergétique), sử dụng có hiệu quả năng lượng (efficacité énergétique) và triệt để khai thác năng lượng tái tạo. Nếu đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu thì đến chân trời 2030 năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân. Tạo hóa đã cho nhân loại nhiên liệu dồi dào (mặt trời, gió ...) không tốn một xu nhiên liệu mà sao không biết lợi dụng, cứ đi ngược dòng sông ? Điện hạt nhân đã lỗi thời và không sạch chút nào. Làm điện hạt nhân đối với tôi là khiêu khích tạo hoá.

Tôi thiết tha đề nghị chính phủ Việt Nam, vì sự sống còn của dân tộc và để bảo vệ sức khoẻ của những thế hệ con cháu sau này, nên huỷ bỏ ngay chương trình điện hạt nhân, để tránh những thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra trên lãnh thổ.

GS Nguyễn Khắc Nhẫn

Hiện nay tình hình kinh tế đất nước đang rất nóng hổi. Những khó khăn đang chồng chất: PIB sẽ hạ thấp, lạm phát tiếp tục tăng (4 tháng đầu năm đã gần 10% !), đầu tư ngoại quốc xuống dốc, thợ thuyền đình công ở nhiều xí nghiệp ...Mà dù ta có muốn mua lò, trong cơn khủng hoảng trầm trọng hiện nay, rất ít công ty có đủ khả năng chào hàng, kể cả Nga, Nhật bản, Pháp hay Trung Quốc.

Để kết luận, một lần nữa, tôi thiết tha đề nghị chính phủ Việt Nam, vì sự sống còn của dân tộc và để bảo vệ sức khoẻ của những thế hệ con cháu sau này, nên huỷ bỏ ngay chương trình điện hạt nhân, để tránh những thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra trên lãnh thổ. Kinh phí nên tập trung ngay vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để khỏi phụ thuộc lâu dài các nước như Đức, Danemark, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ , Espagne.

Grenoble 24 - 4 - 2011
Nguyễn Khắc Nhẫn,
Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble, GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.