Việt – Mỹ hợp tác giải quyết vấn nạn môi trường

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014.04.27
esth-conf121213_305 Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực dành cho các cán bộ chuyên trách về môi trường, khoa học, công nghệ và y tế, tháng 12 năm 2013.
Courtesy vietnam.usembassy.gov

 

Kể từ khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam hồi năm 1995 cho đến nay, hợp tác giữa hai phía được thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa -xã hội… Một trong những lĩnh vực hợp tác được tiến hành tốt đẹp, đó là bắt tay chung giải quyết một số vấn nạn môi trường tại Việt Nam.

Đánh giá từ bên ngoài

Tác giả Green Liver trên mạng tin tức có tên ImperialValleyNews hồi cuối năm ngoái có bài viết tổng kết những hợp tác chính giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó hai phía bắt đầu làm việc chặt chẽ nhằm giải quyết một số thách đố môi trường khó khăn trong thời kỳ hiện nay. Nổ lực hợp tác được tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững, biện pháp quản trị nguồn nước và hệ sinh thái cũng như đối phó với nạn buôn bán trái phép các loại động vật hoang dã.

Theo tác giả Green Liver, một hợp tác đáng chú ý giữa hai phía là việc Hoa Kỳ và Việt Nam đồng chủ trì Mảng Nước và Môi trường của Sáng Kiến Hạ lưu Sông Mekong do Hoa Kỳ khởi xướng hồi năm 2009. Sáng kiến này là một nổ lực đa quốc nằm giải quyết vấn đề phát triển xuyên biên giới và các vấn đề chính sách đối với năm quốc gia đối tác hạ nguồn Sông Mekong.

Trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong, chương trình do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAD, tài trợ mang tên Cơ sở Hạ tầng Thông Minh-SIM, được triển khai nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách trên cơ sở khoa học và có đủ thông tin về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Chương trình này được khởi động hồi tháng 11 năm ngoái.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID, khởi xướng Dự án Các Châu Thổ và Rừng từ tháng 9 năm 2012 đã giúp cho Việt Nam gia tăng tính linh hoạt và nâng cao cuộc sống của người dân tại hai đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long. Các biện pháp thực hiện cụ thể của dự án này là hổ trợ cho người dân địa phương tại hai châu thổ vừa nói thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu và quản trị rủi ro thiên tai.

Một hội thảo về các dụng cụ điện tử thải bỏ, và một hội thảo nữa về thủy ngân sẽ tổ chức vào tháng bảy. Qua thảo luận thì trong tương lai USEPA sẽ có những hỗ trợ khác nữa cho Việt Nam.
-Ông Bùi Cách Tuyến

Chương trình Năng lượng Sạch của USAID giúp Việt Nam trong các sáng kiến sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn và giảm phát thải khí carbon liên quan đến ngành năng lượng.

Việt Nam được đánh giá là một đối tác giá trị trong trong sáng kiến của Hoa Kỳ có tên Tăng cường Năng lực Cho Chiến lược Phát Triển Carbon Thấp, viết tắt theo tiếng Anh là (EC-LEDS). Phía Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để phát triển và thực hiện chiến lược về lâu về dài trong lĩnh vực này.

Phía Hoa Kỳ cũng làm việc chặt chẽ cùng các cơ quan chính phủ và các nhóm xã hội dân sự nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã. Kế hoạch thực hiện cụ thể là hổ trợ kỹ thuật cho các chuyên gia và tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân chúng. Thông qua chương trình mang tên ARREST của USAID, hai phía cố gắng trong công tác giảm bớt nhu cầu sử dụng các loài thú rừng như thế. Bên cạnh đó là tăng cường năng lực thực thi pháp luật, xây dựng mạng lưới hợp tác khu vực để chống buôn bán động vật hoang dã.

Hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường cũng là một mảng được hai phía triển khai. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng thuộc nhóm các quốc gia đang phát triển tham gia trong chương trình tài trợ  mang tên Đối tác Dự phần Nghiên cứu-PEER do sáng hội Khoa học Quốc Gia Hoa kỳ tài trợ.

Hợp tác môi trường Việt -Mỹ

Trong thời gian qua, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội liên tục thông tin những hoạt động hợp trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước Việt-Mỹ được thực hiện.

Nhân ngày Trái Đất năm ngoái, phía cơ quan đại diện của chính phủ Mỹ tại Việt Nam cùng với ba đơn vị khác của Việt Nam là Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Đại học FPT, Đại học Tài Nguyên & Môi trường cùng Tổng Cục Môi Trường Việt Nam đồng tài trợ cho sự kiện ra tay ngưng làm ô nhiễm sông, hồ, và các nguồn nước tại Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 300 tình nguyện viên tại Hà Nội đi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thủ đô, làm sạch các thùng rác trong Công viên Thống Nhất, ký cam kết bảo vệ môi trường.

Giám Đốc Cơ Quan Viện trợ phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) Joakim Parker phát biểu với báo giới về tiến độ Dự án Xử lý Môi trường tại Sân bay Đà Nẵng nhân chuyến đến VN hồi năm 2013. Courtesy vietnam.usembassy.gov
Giám Đốc Cơ Quan Viện trợ phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) Joakim Parker phát biểu với báo giới về tiến độ Dự án Xử lý Môi trường tại Sân bay Đà Nẵng nhân chuyến đến VN hồi năm 2013. Courtesy vietnam.usembassy.gov

Tại Nam Định, vào ngày 16 tháng giêng vừa qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID, cùng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam chính thức khởi động Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam. Tại buổi lễ khởi động, ông Joankim Parker, giám đốc USAID tại Việt Nam, phát biểu rằng Việt Nam là một nước ưu tiên trong các sáng kiến về biến đổi khí hậu của tổng thống Obama. Dư án Rừng và Đồng bằng Việt Nam giúp thúc đẩy Quan hệ Đối tác Toàn Diện Việt Nam-Hoa Kỳ thông qua việc tập trung hỗ trợ nhiều cho vùng đồng bằng Sông Hồng để giúp các cộng đồng người dân Việt Nam đảo ngược suy thoái môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu’.

Mục tiêu cụ thể của dự án là giúp đưa vào triển khai thực tế các chính sách và chương trình hành động về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại bốn tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Long An. Dự án giúp nâng cao nhận thức và năng lực cho chính quyền và các cộng đồng để họ hiểu rõ hơn về các mối đe dọa về khí hậu, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của các địa phương và lập kế hoạch ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu và phát triển các mô hình sinh kế thích ứng.

Sáng kiến Liên Minh Vịnh Hạ Long được thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh nhằm huy động sự tham gia của các quan chức chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, các đối tác trong doanh nghiệp tư nhân cùng các tổ chức có liên quan ở cấp địa phương và quốc gia. Mục tiêu chính là giúp bảo tồn và bảo vệ Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Tuy nhiên hoạt động khai thác du lịch không đúng cách, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, cầu cảng, khai thác mỏ và vận tải… đang làm tổn hại di sản thiên nhiên quí báu đó. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID, qua Sáng kiến này tài trợ cho Tổ chức Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế-IUCN, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật & Phát triển Cộng đồng của Việt Nam-MCD nhằm giúp cho các đối tác nhà nước và tư nhân cũng như các tổ chức cơ sở bảo vệ và khôi phục môi trường tại Vịnh Hạ Long.

Hồi trung tuần tháng tư vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Hoa Kỳ, bà Gina McCathy, có chuyến công du thăm Việt Nam. Tại Hà Nội, bà đã bàn giao thiết bị theo dõi thủy ngân cho Bộ Tài Nguyên-Môi trường. Thiết bị này do Chương trình Giám sát Khí Quyển Quốc Gia Hoa Kỳ cung cấp và nó được cơ quan chức năng Việt nam sử dụng để đo lương mức thủy ngân trong nước mưa tại Việt Nam.

Trong chuyến làm việc hai ngày ở Việt Nam, bà bộ trưởng chủ nhiệm Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ gặp phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bộ trưởng Tài Nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang. Giữa hai phía nói đến vấn đề tham gia của Việt Nam trong các sáng kiến môi trường khu vực, cũng như cam kết của Việt Nam về việc đăng cai tổ chức các cuộc họp của Mạng lưới Quản lý Chất thải Điện tử Quốc tế, Mạng lưới Giám sát Thủy Ngân Châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay.

Một trong những vấn đề hậu quả chiến tranh mà Hoa Kỳ bị cho đã gây hại cho các thế hệ con người cũng như môi trường tại Việt Nam là hóa chất da cam diệt cỏ được rải xuống các khu vực rừng núi và đồng bằng của Việt Nam.

Kế hoạch tẩy độc những nơi bị nhiễm được hai phía triển khai. Hồi ngày 19 tháng tư vừa rồi, hoạt động khởi động hệ thống xử lý nhiệt Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin ở Sân bay Đà Nẵng đã được tiến hành.

Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ do thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đại diện cho phía Mỹ có mặt tại buổi lễ.

Dự án Xứ Lý Môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân Bay Đà Nẵng bằng hệ thống xử lý nhiệt là kết quả của dự án hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực này sau hai năm hoạt động. Theo kế hoạch thì sau hai năm nữa, số đất bị nhiễm hóa chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ được xử lý hết.

Tại buổi lễ ông đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dvid Shear cho biết qui trình xử lý là đất bị nhiễm dioxin sẽ được đốt nóng đến nhiệt độ cao để phân hủy dioxin. Sau khoảng thời gian bốn tháng, đất đã qua xử lý đó sẽ được phân tích để khẳng định hoàn toàn sạch hóa chất dioxin.

Đến cuối năm 2016 hy vọng tất cả những khu vực bị nhiễm hóa chất dioxin sẽ được làm sạch sau khi tiến hành đào xúc giai đoạn hai. Trong tương lai, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng sẽ hợp tác tiến hành đánh giá môi trường tại Sân bay Biên Hòa, nơi cũng được cho là bị ô nhiễm bởi hóa chất da cam dioxin.

Thống kê cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1971, có gần 80 triệu lít hóa chất, trong đó có khoảng 64% là chất độc màu da cam dioxin, được rải xuống tại các khu vực núi đồi và đồng ruộng ở miền nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Một hoạt động nữa là việc tham gia rà phá những loại bom mìn còn sót lại sau chiến tranh từ phía Hoa Kỳ. Trong những năm qua, một số tổ chức do tư nhân Hoa Kỳ như RENEW tích cực tham gia trong hoạt động rà phá bom mìn cũng như hỗ trợ cho những nạn nhân bị thương vì bom mìn từ thời chiến tranh gây nên.

Một hướng mới đối với việc sử dụng năng lượng nhằm tránh gây tác động đến Trái Đất khi sử dụng năng lượng hóa thạch dầu mỏ là sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, sinh khối, địa nhiệt…

Trong lĩnh vực này Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn được chia sẽ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Hồi tháng hai năm nay, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, bà Rena Bitter phát biểu như vừa nêu khi đến tham dự hội thảo Việt-Mỹ về hợp tác năng lượng gió. Theo bà này thì hiện có nhiều đơn vị Hoa Kỳ đã cam kết giúp phát triển năng lượng gió tại Việt Nam thông qua Dự án Năng lượng Sạch của USAID và một hợp đồng cung cấp turbine gió giữa General Electric Hoa Kỳ và Công ty Công Lý Việt Nam cho Nhà máy điện gió tại Bạc Liêu.

Nhận xét của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường Việt Nam, ông Bùi Cách Tuyến cho biết một số thông tin về hợp tác Mỹ-Việt trong lĩnh vực môi trường như sau:

“Trước đây tôi có đến thăm và làm việc với cơ quan EPA của Mỹ, nhưng lúc đó kế hoạch phát triển của EPA đối với những hoạt động ở Châu Á chưa có. Chỉ USAID có một số hoạt động để hỗ trợ xử lý chất dioxin, ví dụ ở Sân Bay Đà Nẵng.

Vừa rồi tổng thống Obama và chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thảo luận và dự kiến chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ để xử lý dioxin ở Sân bay Biên Hòa. Gần đây bà thủ trưởng của cơ quan EPA có đến thăm Việt Nam và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường. Sau đó phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có tiếp đón bà. Trong nội dung sắp tới sẽ có những hội thảo do phía Mỹ hỗ trợ. Một hội thảo về các dụng cụ điện tử thải bỏ, và một hội thảo nữa về thủy ngân sẽ tổ chức vào tháng bảy. Qua thảo luận thì trong tương lai USEPA sẽ có những hỗ trợ khác nữa cho Việt Nam.”

Tạp chí Khoa học-Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.