Đoàn Kim Chung hay Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt

Ngành Mai lại được hân hạnh tái ngộ quí thính giả của đài Á Châu Tự Do. Trong chương trình tạp chí cổ nhạc hôm nay, tôi xin trình bày về đoàn Kim Chung hay Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt.
Ngành Mai, thông tín viên RFA
2011.05.15
kim-chung-bau-long-305.jpg Nghệ sĩ Kim Chung và ông Bầu Long
Photo courtesy of cailuongvietnam.com

Cải lương Bắc giữa Sàigòn

Khoảng gần cuối năm 1954, nghĩa là sau khi Hiệp Định Genève ký kết, người ở Thủ Đô Sài Gòn, nhứt là khán giả ái mộ cải lương, bỗng thấy một đoàn hát mới từ miền Bắc xuất hiện tại Hòn Ngọc Viễn Đông. Đó là đoàn Kim Chung đã theo làn sóng của đồng bào di cư xuôi về miền Nam Việt Nam.

Lúc mới vào Nam, đoàn Kim Chung cũng đi lưu diễn nơi nầy nơi nọ như các gánh hát ở trong Nam. Nhưng sau một thời gian rồi về rạp Trung Ương Hí Viện Aristo hát thường trực tại đây. Coi như đóng đô luôn tại địa điểm này. Về sau khi đoàn Kim Chung dời qua rạp chiếu bóng Olympic thì hí viện Aristo trở thành nhà hàng Lê Lai.

Lúc đầu mới vô Nam, đoàn Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt hơi kén khách. Vì sao? Phải nhìn nhận rằng khán thính giả ở miền Nam đi coi cải lương, phần đông đều thích nghe ca cọng cổ. Trong khi đó thì các nam nữ nghệ sĩ dưới bảng hiệu Kim Chung lúc bấy giờ toàn là người miền Bắc, cố nhiên, không thể nào sử dụng được bản vọng cổ có âm hưởng du dương đúng mức, đi sâu vào tâm hồn khán thính giả như nghệ sĩ miền Nam được. Vì bản này ra đời tại miền Nam, dường như chỉ đặc biệt dành cho người miền này xử dụng. Chính nghệ sĩ đoàn Kim Chung cũng nhận rõ điều đó nên về sau các cô Kim Chung, Bích Hợp, Bích Sơn, Huỳnh Thái đều cố gắng ca vọng cổ theo giọng Nam.

bich-hop-huynh-thai-200.jpg
Bích Hợp, đệ nhất đào thương miền Bắc và Huỳnh Thái trên sân khấu Kim Chung – 1950. Ảnh Huỳnh công Minh/diendan.cailuongso.com.
Vậy có thể nói sở dĩ lúc đầu bảng hiệu Kim Chung hơi kén khán giả (miền Nam) là do chưa ca được bản vọng cổ đúng giọng miền Nam vậy.

Đoàn Kim Chung vô Nam gồm đào kép, nhạc sĩ, soạn giả, công nhân, (nghe nói khoảng 40 người), trong số có 3 nghệ sĩ nổi tiếng nhứt là đào Kim Chung, đào Bích Hợp và kép Huỳnh Thái. Nếu như ở trong Nam nghệ sĩ Út Trà Ôn được người đời tặng cho danh hiệu đệ nhứt danh ca miền Nam, thì ở ngoài Hà Nội, nghệ sĩ Huỳnh Thái cũng được mệnh danh đệ nhất danh ca miền Bắc. Huỳnh Thái cộng tác với đoàn Kim Chung thời gian khá dài, nhưng về sau thì tách ra thành lập đoàn hát lấy tên là đoàn Thăng Long – Huỳnh Thái, và đoàn này cũng bị rã gánh khoảng năm Mậu Thân.

Mới hơn 50 tuổi Huỳnh Thái bị bệnh qua đời năm 1970. Lúc bấy giờ trong số nghệ sĩ đi đưa đám tang có người nói đùa rằng. “Nghệ sĩ Huỳnh Thái sinh Bắc tử Nam”. Nói nghe ngon như vậy, chớ lúc đó đất nước còn chia đôi bờ Bến Hải thì làm sao chết ngoài Bắc, mà phải “tử Nam” vậy thôi.

Bầu Long

Trở lại vấn đề của đoàn Kim Chung, giám đốc là ông Bầu Long, tên thật là Trần Viết Long, sinh năm 1922 tại Hà Nội trong một gia đình giàu có. Bầu Long từng đi du học ở Pháp, ở Đức nghiên cứu rất nhiều về điện ảnh. Về nước ông Long không làm cho cơ quan nào cả, mà lại rất ái mộ cải lương, và phải lòng đào Kim Chung, để rồi cùng đứng ra thành lập đoàn Kim Chung – Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt. Thời gian sau đó Bầu Long góp tay với ông Phạm Thọ Minh thành lập thêm đoàn Kim Chung -Tiếng Chuông Vàng Hải Cảng (Hải Phòng).

Giám đốc là ông Bầu Long, tên thật là Trần Viết Long, sinh năm 1922 tại Hà Nội trong một gia đình giàu có. Bầu Long từng đi du học ở Pháp, ở Đức nghiên cứu rất nhiều về điện ảnh.

Hiệp Định Genève 1954 ra đời, chiến tranh Pháp – Việt kết thúc, ông Long mang đoàn Kim Chung vào Nam. Nhờ đâu đoàn Kim Chung được đông khách tại rạp Aristo?
Đây chỉ là một sự ngẫu nhiên, đồng bào di cư, ngoài số lớn đã đi về những nơi định cư ở các tỉnh, mà số ở Thủ Đô Sài Gòn cũng khá đông. Dĩ nhiên tất cả đồng bào di cư hồi ấy đều “thất nghiệp” 100 phần trăm. Cứ ăn rồi đi “bát phố”, song đi mãi thì cũng mỏi chân, mà mắt nhìn phố phường riết rồi cũng chán. Người ta liền nghĩ đến chuyện vào rạp hát để vừa nghỉ chân, vừa đưa mắt lên sân khấu cho đỡ buồn. Bảng hiệu Kim Chung được đồng bào di cư kéo đến ủng hộ đông đảo hằng đêm tại Trung Ương Hí Viện Aristo là như thế.

Sau thời gian hoạt động trong Nam, đoàn Kim Chung đã phát triển mạnh, lập ra nhiều gánh (từ đoàn 1 đến đoàn 6), do đó đòi hỏi phải có nhiều tuồng mới để cung ứng cho các gánh, nên ông Bầu Long đã mời nhiều soạn giả viết tuồng.

Hòa đồng văn nghệ

kiep-hoa-250.jpg
Một cảnh trong phim "Kiếp Hoa" chiếu ở Sàigòn năm 1958, với nghệ sĩ Kim Chung (trái), Kim Xuân (giữa) và Trần Quang Tứ. Hình: bộ sưu tập của Ngành Mai.
Có thể nói rằng công ty Kim Chung đã thực hiện sự “hòa đồng văn nghệ” giữa hai miền Nam Bắc vậy. Vì trong tập thể soạn giả cung cấp tuồng cho bảng hiệu Kim Chung có cả người Nam lẫn người Bắc Việt. Nhưng nếu nói riêng về sự cộng tác trước sau thì có lẽ hai soạn giả Ngọc Huyền Lan tức ký giả Nguyễn Ang Ca (chủ nhiệm nhựt báo Tin Sớm) và ký giả Hoài Ngọc đã hợp tác với Kim Chung trước nhứt. Rồi sau đó mời thêm nhiều soạn giả tên tuổi khác về cộng tác như Yên Ba, Loan Thảo, Thanh Cao, Hoài Điệp... bằng cách làm thường trực hoặc ở ngoài đưa tuồng vào. Ở đây, chúng tôi không kể hai “soạn giả ruột” của Kim Chung là Ngọc Văn và Vạn Lý, vì hai người này được xem như soạn giả thường trực của đoàn.

Song song với việc mời các cây bút viết tuồng người miền Nam tiếp tay trong việc cung cấp tuồng tích, ban lãnh đạo đoàn Kim Chung còn mời nghệ sĩ miền Nam tham gia.

Trên đường lối khuếch trương với mục đích vừa thương mại vừa hòa đồng dân tộc trên phương diện văn hóa và nghệ thuật cầm ca. Đã rút kinh nghiệm và cũng do nhu cầu nhân lực, ban đầu não của các đoàn Kim Chung liền “rao bảng cầu hiền” mời các nghệ sĩ gốc miền Nam về tham gia dưới bảng hiệu. Do đó nhiều nam nữ nghệ sĩ miền Nam kéo nhau về “đầu quân” cho Kim Chung. Kép ca Minh Cảnh được nổi tiếng cũng từ sân khấu nầy, và hai cô đào trẻ làm nên danh vọng (đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm) là Lệ Thủy và Mỹ Châu cũng do bảng hiệu Kim Chung đào tạo.

Song song với việc mời các cây bút viết tuồng người miền Nam tiếp tay trong việc cung cấp tuồng tích, ban lãnh đạo đoàn Kim Chung còn mời nghệ sĩ miền Nam tham gia.

Ngoài ra những nam nữ nghệ sĩ miền Nam tên tuổi khác như Hùng Cường, Kim Nguyên, Thanh Hải, Út Trà Ôn, Út Hậu; các cô Kim Hoàng, Diệu Hiền, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Ngọc Bích... đều đã từng đứng “dưới cờ” công ty Kim Chung. Từ lúc có nhiều đoàn hát cùng mang một bảng hiệu Kim Chung thì nhiều đoàn trong số đó được xem như miền Nam hóa hoàn toàn, vì hầu hết nghệ sĩ công nhân trong đó đều là người miền Nam cả.

Tôi không là ông bầu! Ông Long thường nói thế, bởi vì người ta hay gọi hai tiếng “bầu bì” liền nhau. Bì đây có nghĩa là vỏ, các ông bà bầu trong Nam trước nay hay vay nợ lập gánh, nên chỉ có cái vỏ đó thôi. Còn tôi, tôi là chủ nhân sáng lập với vốn liếng sẵn có của tôi, gánh hát khá được phần lớn cũng nhờ vốn nhà.

Có thể bầu Long nói đúng, bởi cuốn phim “Kiếp Hoa” của đoàn Kim Chung quay ở Hồng Kông năm 1953 được đem chiếu khắp nước, nghe nói lời trên mười triệu (năm 1953-1954 10 triệu quá lớn). Bầu Long đã đóng góp rất lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Ông mất vào năm 2003 tại Sài Gòn.

Chương trình hôm nay đến đây xin tạm ngưng, hẹn với quý vị kỳ tới. Tôi là Ngành Mai xin kính chào tất cả quý thính giả Đài Á Châu Tự Do.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.