Đào Nguyên lạc lối Từ Thức gặp tiên nữ Giáng Hương

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015.10.17
minh-phung-305.jpg Nghệ sĩ Minh Phụng
Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp

Người ta không biết câu chuyện xảy ra từ bao giờ, ở đâu, mà ngay cả địa danh “Đào Nguyên” trong câu chuyện cũng chẳng rõ ở quốc gia nào, có hay không cũng chẳng biết, mà chỉ thấy trong truyện xưa tích cũ, và trong tuồng cải lương mà thôi.

Chỉ gánh hát nhỏ đưa lên sân khấu

Nghệ thuật cải lương đã viết thành kịch bản, dàn dựng đưa lên sân khấu cho người đời thưởng thức câu chuyện bằng cảnh trí, bằng lời ca tiếng hát. Vở hát “Đào Nguyên lạc lối Từ Thức gặp tiên nữ Giáng Hương” thì không thấy đoàn lớn trình diễn, mà chỉ thấy ở các gánh hát nhỏ ở thôn quê đã đưa lên sân khấu phục vụ bà con nông thôn.

Khán giả miền quê rất ưa thích các tuồng có cốt truyện huyền hoặc, diễm tình, và cái đặc biệt là tuồng Từ Thức lạc vào Thiên Thai đã gây thắc mắc cho khán giả, khi vãn hát ra về rồi mà vẫn không có giải đáp. Không rõ thời điểm diễn ra câu chuyện ở thời kỳ nào, nhưng nếu căn cứ vào lúc đầu xảy ra cho đến khi kết cuộc cũng cả trăm năm. Tình tiết cũng khá hay, và câu chuyện bắt đầu như sau:

Cô thôn nữ Yến Nhi xinh đẹp đảm đang, đã thầm thương trộm nhớ chàng nho sinh Từ Thức, kể từ ngày hai người gặp nhau ở lễ hội hoa Xuân. Từ đó, nàng sớm hôm tảo tần buôn gánh bán bưng để giúp chàng ăn học, mong Từ Thức có ngày vinh quy bái tổ. Đoạn khởi đầu là vậy, cũng tương tợ như nàng Châu Long trong tuồng “Người Đẹp Bán Tơ”, tức Lưu Bình Dương Lễ của soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà, từng được đoàn Việt Hùng Minh Chí, trình diễn thời giữa thập niên 1950. Hay là tuồng “Bên Cầu Dệt Lụa” của soạn giả Thế Châu, mà nhân vật nữ chính là Quỳnh Nga, dựng quán bán buôn nuôi Trần Minh ăn học, được hát trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga và chính Thanh Nga đảm trách vai Quỳnh Nga.

Đoạn đầu thì vậy, nhưng đoạn sau thì khác hoàn toàn, bởi Từ Thức đã không trông đợi đến ngày đỗ đạt Khôi Nguyên, mà lại thích đi đó đi đây, du sơn du thủy. Ngày nọ trên bước đường phiêu bạt, Từ Thức gặp con suối trong vắt với phong cảnh hữu tình, cỏ cây hoa lá xinh tươi, từng cơn gió nhẹ thoảng thoảng mùi hương thơm ngào ngạt. Chàng nương theo giòng suối, đi mãi không biết chán, không biết mệt, càng đi xa thì phong cảnh càng đẹp, bước vào Thiên Thai lúc nào không hay. Bất giác nghe tiếng động, tiếng ồn của nước, hình như có ai đang tắm suối thì phải. Tò mò, chàng vạch cây lá bước thêm vài bước... thì ôi thôi! Trước mặt chàng, một cô gái đẹp tuyệt trần, đang vỗ bàn tay xinh xắn vào giòng nước chảy, phát ra tiếng “chát chát”. Cô không mặc áo quần gì cả, nên để lồ lộ tấm thân ngà ngọc, cân đối với những đường cong tuyệt mỹ tạo thành. Khuôn mặt nhìn nghiêng của cô cho thấy rõ một bên má đào đang ửng hồng dưới nắng. Cũng như suối tóc đen huyền buông xỏa, vô tình làm nổi bật làn da trắng ngần từ cổ đến chân. Tóm lại thân thể cô là cả một công trình điêu khắc của tạo hóa, mà hầu như người nữ nào ở thế gian cũng mong muốn cái đẹp kia rơi vào mình.

Thấy thế, Từ Thức thẩn thờ, ngây ngất đứng bất động một lúc, chưa biết có phải lên tiếng xin lỗi hay là lánh mặt ngay. Dù vô tình nhưng chàng nho sinh cũng thấy rằng mình có lỗi “nhìn trộm” người ta. Chàng quơ mạnh tay vạch lá cây định bỏ đi, thì cô gái phát hiện có người nhìn mình, nên vội vã bước lên chỗ để xiêm y, mặc nhanh vào chạy theo níu kéo chàng lại.

Giáng Hương tiên nữ (tên cô gái) nói:

- Bớ chàng nho sinh kia, nhìn người ta rồi lại bỏ đi sao?

Từ Thức chưa biết phải trả lời thế nào đây cho ổn, thì cô gái nói tiếp:

- Đã “thấy” người ta rồi thì phải đi theo người ta mà thôi!

Phân bua trao đổi với nhau một hồi, cô gái cho biết mình là tiên ở Đào Nguyên, và đây là giòng suối “Tương Tư” các tiên nữ thường hay xuống đây tắm suối. Nhưng hôm nay lại có mặt một nam nhân của trần gian nơi đây, là điều chưa từng có. Nàng cho biết do chàng đã thấy được thân thể của nàng rồi, thì bắt buộc phải đưa chàng lên cõi tiên, gặp bà Tây Vương Mẫu để bà quyết định.

Thế là Từ Thức đi theo Giáng Hương, lần bước theo giòng suối Tương Tư để vào chốn Đào Nguyên. Khi gặp Thánh Mẫu thì bà biết rõ căn duyên của Giáng Hương và Từ Thức phải nặng nợ với nhau thời gian hai tháng. Hai tháng ở cõi tiên dài lắm, dài bằng cả trăm năm ở trần gian vậy.

Thánh Mẫu tác hợp

Và Thánh Mẫu đã tác hợp cho hai người, đồng thời dành một vùng huê viên rộng lớn, cho cả hai ở đó mà vui hưởng hạnh phúc, không bị ai quấy rầy.

Thanh Nga nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1958 , thời điểm cô đạt đỉnh cao danh vọng Từ trái qua: Thanh Nga - Ngọc Giàu - Lan Chi - Bích Sơn (ảnh minh họa)
Thanh Nga nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1958 , thời điểm cô đạt đỉnh cao danh vọng Từ trái qua: Thanh Nga - Ngọc Giàu - Lan Chi - Bích Sơn (ảnh minh họa)
RFA files

Giáng Hương cung phụng cho chàng hết mực, và kể từ hôm ấy Từ Thức ngày đêm quấn quít bên người đẹp tiên nga, vô vàn hạnh phúc... Là tiên nữ nên Giáng Hương biết rõ trong ý tưởng chàng ta đang nghĩ gì. Có một buổi chiều trời đang mưa lất phất, chàng chợt thấy cánh hoa đẹp ngoài vườn, loại hoa tỏa mùi hương bát ngát, sợ rằng lát nữa đây mưa nhiều, mưa nặng hột thì cành hoa tơi tả. Chàng có ý nghĩ đi bẻ cành hoa mang vô phòng, nhưng vì trời đang mưa nên chưa thực hiện, tức thì Giáng Hương lấy cây dù trao cho, bởi nàng đọc được trong ý nghĩ Từ Thức.

Có những lần chàng muốn nghe nhạc, chỉ muốn thôi chứ chưa nói ra gì hết, thì Giáng Hương lấy đàn dạo lên vài điệp khúc mà chàng ta ưa thích. Tóm lại Từ Thức tận hưởng cảnh thần tiên, non bồng nước nhược, bên cô vợ tiên nga hết dạ nuông chiều, mà người trần gian mấy ai có được như chàng nho sinh tốt số này. Lạc lối như Từ Thức thì đâu có chàng trai nào lại không mong muốn chớ!

Ở chốn Đào Nguyên được hai tháng, cũng có nghĩa là đã trải qua một trăm năm ở dưới trần, thì ngày nọ Giáng Hương có lệnh của Thánh Mẫu gọi. Trước khi đi gặp Thánh Mẫu, nàng căn dặn chàng không được mở cánh cửa, ở bức tường phía sau hàng hoa kiểng kia.

Không biết có phải duyên nợ của họ chỉ đến đây thôi hay sao, mà chính vì sự căn dặn của nàng đã gây ra sự tò mò của Từ Thức. Bóng nàng vừa khuất ngoài hoa viên, thì chàng ta đến mở cánh cửa. Thì ra đây là cánh cửa mở ra nhìn xuống trần gian, cảnh sinh hoạt chốn hồng trần hiện ra trước mắt, người qua kẻ lại, ngựa xe xuôi ngược dập dìu, chợ búa bán buôn nhộn nhịp, khiến cho chàng nho sinh nhớ nhà, nhớ quê hương, và nhớ cả người yêu Yến Nhi.

Từ Thức còn mơ màng đứng bên cánh cửa đang mở, thì Giáng Hương đã về, nàng biết được ý định của chàng muốn về thăm quê hương.

Nàng nói thầm:

- Thôi rồi! Định mạng đã sắp bày!

Từ Thức nói:

- Anh muốn về thăm quê hương vài hôm và sẽ trở lại.

Giáng Hương buồn rầu:

- Không được đâu chàng, trần gian và thượng giới cách biệt, người ở đâu thì ở đó, không thể qua lại được.

- Chớ sao anh là người hạ giới, mà lại lên đây chung sống với em, hai tháng qua cùng em vui hưởng hạnh phúc?

- Đó chẳng qua là do căn số, chỉ duy nhứt có mỗi mình chàng là có được cái may mắn ấy.

Giáng Hương nói tiếp:

- Do chàng lạc lối vào Thiên Thai và vô tình gặp thiếp chớ không phải cố ý, nên Thánh Mẫu cảm thông, cho chàng sống cận kề bên thiếp.

Giờ đây nếu chàng về trần gian thì không bao giờ lạc lối vào Đào Nguyên lần thứ hai. Dù rằng Giáng Hương cặn kẽ giải thích, can ngăn chàng ta đừng đi về trần gian mà không trở lại được, nhưng Từ Thức vẫn khăng khăng nhứt quyết phải trở về quê nhà một chuyến. Bây giờ thì tiên nữ tự trách mình, sao lại để cho Từ Thức trông thấy cảnh trần gian, chớ lâu nay chàng đã quên mất rồi.

Câu chuyện Từ Thức lạc lối vào Thiên Thai gặp tiên nữ, rồi cùng người đẹp vầy duyên vui sống, tràn đầy hạnh phúc, thơ mộng. Nếu như câu chuyện được dừng lại tại đây, thì chắc chẳng có gì để cho người đời suy gẫm nhiều, mừng cho chàng ta mà thôi. Thế nhưng tình tiết câu chuyện lại diễn tiến bất ngờ, đưa đến sự hối tiếc cho nhân vật Từ Thức, khi chàng ta một mực muốn trở lại trần gian, với bao nhiêu là tranh đua hỗn tạp.

Câu chuyện Từ Thức lạc lối vào Thiên Thai gặp tiên nữ Giáng Hương, đưa lên sân khấu đã thu hút mạnh mẽ số người đi coi cải lương. Do vậy mà phía bên địa hạt dĩa hát cũng mau lẹ nhảy vào khai thác, và cũng thành công luôn, mà còn làm giàu nhiều hơn gấp bội, do dĩa hát phát hành rộng rãi đi khắp miền đất nước, mà đặc biệt ở miền Lục Tỉnh tiêu thụ nhiều nhứt.

Số là khoảng 1953 hãng dĩa Việt Nam đã cho ra đời bộ dĩa Đào Nguyên Lạc Lối với 20 câu vọng cổ do cô Ba Trà Vinh và danh ca Xuân Liễu thu thanh.

Sau 1975 câu chuyện Từ Thức gặp tiên nữ lại được thu băng video, do nghệ sĩ Minh Phụng vai Từ Thức, nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm vai Yến Nhi, Tài Linh vai tiên nữ Giáng Hương, và một cô đào mụ xuất hiện với vai Yến Nhi khi về già. Nói chung, nếu như cốt truyện được bà con ưa thích, thì người làm nghệ thuật dù ở lãnh vực nào, cũng sẵn sàng bỏ vốn ra kinh doanh.

Trở lại lúc Từ Thức đòi về trần gian để gặp lại người yêu cũ Yến Nhi, tiên nữ Giáng Hương có bằng lòng không? Tôi sẽ trình bày tiếp câu chuyện diễm tình ngồ ngộ này vào kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.