Vợ chồng xung đột, giải quyết ra sao?

Một nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy dù tổ ấm mặn nồng đến mấy thì trung bình mỗi năm các cặp vợ chồng cũng phải mất đi khoảng 10 ngày chỉ để cãi nhau các việc vặt trong nhà.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.03.17
VIETNAM_NATIONAL_DAY_SEE_36.jpg Con cái là niềm vui lớn nhất của gia đình
AFP photo

Trong đó 35% là do việc để quần áo vương vãi trong nhà, các vấn đề như trì hoãn không sửa chữa nhà cửa, giặt giũ, không đổ rác, rửa bát chiếm khoảng 60% các vụ cãi vã. Liệu đây có phải là những vấn đề thường gặp trong các gia đình Việt Nam hay không và họ giải quyết các xung đột này ra sao?

Tính cách khác nhau

Năm ngoái, một tòa án ở Ấn độ chấp thuận đơn xin ly hôn của một phụ nữ không muốn sống chung với chồng vì lý do anh ta không cho phép chị được xem những bộ phim truyền hình nhiều tập ướt át. Bà này nói là đã nhiều năm bà phải chịu đựng không xem những bộ phim đó vì chồng.

Tòa án chấp nhận vì cho rằng ông chồng đã vi phạm quyền con người. Còn ông chồng thì bảo đó là chuyện bất đồng quan điểm trong cuộc sống vợ chồng, không phải là cơ bản và càng không động đến vấn đề nhân quyền để mà ly dị.

Từ hai cách sống khác nhau về phải hòa làm một nên giai đoạn đầu rất dễ va chạm. Từ năm thứ 5 trở đi thì đã quen rồi, biết tính cách nhau rồi nên tránh được xung đột.
Chị Phương Lan, Hà Nội

Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ trong muôn vàn những vụ ly dị xuất phát từ những xung đột mà theo nhiều người có lẽ là cũng rất đơn giản trong cuộc sống vợ chồng. Tại việt Nam những chuyện cãi vã giữa các cặp vợ chồng vì những vấn đề như làm việc nhà, hay chăm sóc con cái cũng xảy ra khá thường xuyên.

Đối với những cặp vợ chồng mới cưới, thì các xung đột từ việc vặt trong nhà chủ yếu là do những khác biệt về cách sống. Hai người vốn ở hai gia đình khác nhau nay dọn chung về một mái nhà phải học dần cách làm quen với lối sống của nhau.

Chị Vũ Phương Lan ở Hà nội cho biết trong khoảng 5 năm đầu mới lấy nhau, vợ chồng gặp những chuyện giận hờn chủ yếu cũng là vì cách sống mà thôi, vì “từ hai cách sống khác nhau về phải hòa làm một nên giai đoạn đầu rất dễ va chạm. Từ năm thứ 5 trở đi thì đã quen rồi, biết tính cách nhau rồi nên tránh được xung đột.”

Sau khi có con, các cặp vợ chồng phải đối mặt với những xung đột mới đó là cách chăm sóc con cái.

Chị Nguyễn Thị Giang ở Hà nội, người vừa có một em bé đầu lòng 5 tháng tuổi cho biết những xung đột còn “tùy vào thời điểm đó có chuyện gì xảy ra, ví dụ thời điểm này có con là quan trọng nhất, không phải là vấn đề kiếm tiền.”

Chị cho biết bên cạnh những bất đồng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, giờ đây hai vợ chồng đôi lúc cũng không thống nhất về cách chăm con. Chị nói: “Ông ấy là người cẩn thận quá, mình thì không. Khi con đang ngủ, mình nghĩ quan trọng nhất là giữ yên lặng cho con ngủ, nhưng chồng mình lại thích dọn dẹp mọi thứ cho gọn gàng, gây tiếng động làm con thức giấc”

000_Hkg3375137.jpg
Người phụ nữ hôm nay vừa lo thu nhập cho gia đình, vừa lo chu toàn công việc nội trợ. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Xã hội phát triển, ngày càng có nhiều người phụ nữ không còn muốn ở nhà lo chăm sóc gia đình con cái nữa mà muốn được đi làm, được nắm giữ những trọng trách ngoài xã hội. Vì thế những xung đột từ chuyện chăm lo con cái và gia đình đối với những người phụ nữ này lại xảy ra thường xuyên hơn.

Chị Lan cho biết thêm,5 năm sau công việc ổn định rồi, có chức vụ thì yêu cầu công việc nhiều hơn, làm về muộn hơn thì đương nhiên thời gian chăm gia đình, con cái không được chu đáo, lại còn đi làm thứ bảy chủ nhật nữa”.

Cũng bởi vì người phụ nữ Việt nam giờ đây đảm đương nhiều trọng trách hơn, họ cần người chồng giúp đỡ tích cực hơn nữa trong công việc nhà mà không phải lúc nào các ông chồng cũng đã làm tròn nhiệm vụ. Do đó những xung đột trong các gia đinh Việt nam ngày nay cũng có nét giống với các gia đình ở các nước phát triển.

Chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, người đã nhiều năm làm công tác tư vấn cho các gia đình cho biết xung đột thường là chuyện vặt trong nhà. Thí dụ đã có sự phân công công việc trong gia đình nhưng ông chồng cứ mải miết lo nhậu với bạn, hoặc say mê theo dõi trận bóng đá trên truyền hình, thế là quên đi công việc nhà.

Bà vợ phải đảm đương luôn công việc mà đáng lẽ ông chồng phải làm mà không làm chủ được cảm xúc, thế là ‘bát chén lại khua vang lên’ và làm ông chồng bực mình.”

Làm chủ cảm xúc, tránh xung đột

Mặc dù các xung đột có thể xuất phát từ những chuyện rất vặt vãnh trong gia đình, nhưng cách giải quyết xung đột là hết sức quan trọng vì nó quyết định sự bền vững của hạnh phúc gia đình.

Hiện nay các nhà tâm lý cũng khuyên phải làm chủ cảm xúc, coi đó là một kỹ năng sống ở đời. Nếu một trong hai người biết làm chủ cảm xúc thì chắc không xảy ra xung đột
Chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam

Các chuyên gia tâm lý khuyên các cặp vợ chồng nên biết nhường nhịn khi có bất hòa xảy ra, hay nói theo một cách khác là phải làm chủ cảm xúc của mình để tránh làm lớn chuyện.

Theo chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam thì “đó là chuyện thường tình trong gia đình, nếu như người ta không kiềm chế được cảm xúc thì có thể đưa đến những xung đột. Những cơn bực mình đó chỉ là những cơn sóng nhỏ trên mặt biển đời sống, nó cũng tan dần đi thôi.

Hiện nay các nhà tâm lý cũng khuyên phải làm chủ cảm xúc, coi đó là một kỹ năng sống ở đời. Làm chủ cảm xúc trước người thân yêu là hết sức cần thiết. Trong trường hợp như vậy, nếu một trong hai người biết làm chủ cảm xúc thì chắc không xảy ra xung đột.”

Mỗi gia đình có một cách giải quyết xung đột khác nhau. Ví dụ như chị Giang thì cho rằng những lúc hai vợ chồng không đồng ý về một vấn đề gì đó mà có thể gây bực mình thì chị thường hay im lặng để vấn đề sang một bên, đợi lúc khác sẽ nói lại sau với chồng.

Chị tâm sự,vấn đề này không quan trọng nên lúc khác mình nói, lúc đó nói không có giá trị. Mình nên khôn ngoan một chút, không giải thích vào lúc mọi người đang nóng.”

Chị Lan cho biết, những lúc hai vợ chồng nóng giận, chị cũng thường cố nói thêm một câu cho hết tức, nhưng đôi khi để tránh làm lớn chuyện, chị cũng phải nhún nhịn, chị nói thêm, “mình nói thì ông bảo mình lắm mồm, nói nhiều, thì thôi tốt nhất mình im, bởi nói tiếp chỉ mệt vì người đàn ông gia trưởng lắm.”

Vẫn còn tư tưởng phong kiến

000_Hkg3327744.jpg
Người phụ nữ miền quê vất vả với công việc đồng áng. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Sau khi có những cãi vã, xung đột, lẽ đương nhiên các cặp vợ chồng có một thời gian giận dỗi, im lặng không nói chuyện với nhau. Để phá vỡ sự im lặng trong gia đình, một người cần phải lên tiếng trước, nhận lỗi, dàn hoà. Người mở lời trước thường thấy khó khăn khi phải nhận lỗi trước vì tính sĩ diện. Ở Việt Nam, phần lớn các vụ dàn hoà đến từ người phụ nữ.

Chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam nói,“Đúng là lúc đó người mở lời trước, người làm lành trước rất ngại, dù là nam hay là nữ, đặc biệt là đàn ông vì sĩ diện đàn ông, vì mình luôn là người nắm quyền, luôn đúng, là phái mạnh nên rất ngại mở lời xin lỗi dù biết là mình có lỗi.

Do đó, việc làm hoà thường rơi vào phái nữ. Người phụ nữ nên chủ động làm hoà vì nó phù hợp với tính cách và tâm lý người phụ nữ. Người đàn ông họ hối hận đấy nhưng để nói lời xin lỗi thì khó hơn gấp nhiều lần.

Trong trường hợp này nếu người đàn ông cũng xích lại gần nữa, tỏ ra ăn năn hối hận vì những hành động cử chỉ của mình đã tạo nên xung đột, thì tôi nghĩ xung đột vừa rồi chỉ là kỷ niệm đẹp trong đời sống vợ chồng.”

Theo ông Nam thì đôi khi rõ ràng là người vợ đúng nhưng chưa chắc người chồng đã nhận lỗi trước. Vì thế trong trường hợp đó, người phụ nữ cũng vẫn nên nhận lỗi để sau đó khiến người chồng nhận ra phần lỗi của mình một cách tế nhị để khiến họ không cảm thấy tự ái, mất sĩ diện.

Theo chúng tôi trải nghiệm thì thường phụ nữ xuống nước trước vì đàn ông còn mang tư tưởng xã hội phong kiến âm ỉ trong lòng
Chuyên gia tâm lý Võ Văn Nam

Ông Nam cho rằng cách làm như vậy là vì xuất phát từ nguyên nhân xã hội Việt nam còn mang tư tưởng phong kiến. Ông nói,“theo chúng tôi trải nghiệm thì thường phụ nữ xuống nước trước vì đàn ông còn mang tư tưởng xã hội phong kiến âm ỉ trong lòng.

Khi ý thức xã hội, ý thức cộng đồng, mặt bằng dân trí, cũng như luật pháp phù hợp thì ai có lỗi người đó phải xin lỗi. Đó là lý tưởng nhưng trong thực tế của xã hội Việt nam hiện nay thì người phụ nữ phải chủ động trước là tốt nhất.”

Nói tóm lại, chuyện cãi vã, giận hờn trong cuộc sống gia đình giữa các cặp vợ chồng là chuyện không tránh khỏi. Một cuộc nghiên cứu ở Mỹ cho thấy các cặp vợ chồng cãi nhau có thể sống lâu hơn những cặp vợ chồng kìm nén tức giận trong lòng.

Điều quan trọng mà các chuyên gia tâm lý khuyên các gia đình là dù có cãi nhau hay giận hơn thì cũng nên có giới hạn nhất định để gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình, tránh đổ vỡ chỉ vì những chuyện cỏn con.

Tạp chí phụ nữ kỳ này xin được tạm dừng ở đây, Việt Hà xin thân ái tạm biệt và hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.