Phụ nữ chung tay giúp thế giới chống đói nghèo

Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta đã bắt đầu nhìn thấy tầm quan trọng của người phụ nữ trong việc giúp thế giới vượt qua được những thách thức này.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.01.18
000_Hkg4197359-305.jpg Một phụ nữ gánh trái cây bán dạo ở Hà Nội hôm 27/10/2010.
AFP PHOTO/Christophe ARCHAMBAULT

Vậy người phụ nữ có thể làm gì giúp thế giới vượt qua đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực? những trở ngại nào mà họ đang phải đối mặt khi cùng chung tay giúp thế giới này vượt qua những khó khăn trước mắt?

Vai trò của phụ nữ

Xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một xã nghèo. Cái nghèo nơi đây đã đẩy những người phụ nữ trẻ tìm đường ra thành phố kiếm việc, hoặc lấy chồng là người nước ngoài để mong đổi đời. Những người phụ nữ còn lại trong xã làm nông nghiệp không nhiều và phần lớn số họ luôn phải đối mặt với cái nghèo mặc dù họ lao động vất vả.

Trong khi những người phụ nữ ở xã Phú Quới còn phải chịu cái nghèo, cái vất vả thì những người phụ nữ ở nhiều vùng khác tại châu Phi còn phải chịu thêm cái đói. Và nguy cơ này đang ngày càng trở nên lớn hơn đe dọa an ninh lương thực cả thế giới. Bà Suzanne Dimaggio, Giám đốc nghiên cứu chính sách thuộc Asia Society cho biết:

"Có một số các thống kê được đưa ra cho thấy đáng báo động là con số người đang phải chịu đói triền miên. Con số này trên toàn thế giới là 1 tỷ người, trong đó châu Á chiếm 2/3. Mặc dù kinh tế châu Á phát triển nhưng chúng ta thấy con số người sống nhờ vào trợ cấp xã hội vẫn tiếp tục leo thang tại châu Á. Ngày càng nhiều gia đình tại các vùng nông thôn châu Á phải chi nhiều tiền hơn trong số thu nhập ít ỏi của mình để mua thực phẩm.

Có khoảng 1 tỷ 4 trăm triệu người nghèo trên thế giới sống tại châu Á và họ phải dùng khoảng 1 nửa thu nhập của mình chỉ vào thực phẩm. Cho nên đối với những người có thu nhập khoảng 1 đô la 25 cent một ngày hoặc ít hơn, việc tiếp cận với thực phẩm thường là đắt đỏ."

Khi người mẹ càng có nhiều quyền hơn về kinh tế, thì con cái họ càng được hưởng lợi nhiều hơn, điều này dẫn đến sự phát triển tốt hơn trong tương lai cho bọn trẻ và do đó cũng giúp giảm đói nghèo.

Bà Mayra Buvinic

Một báo cáo gần đây của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về phụ nữ, có trụ sở tại Mỹ, đã khẳng định phụ nữ chính là câu trả lời cho vấn đề đói nghèo ngày nay trên thế giới. Phụ nữ là người làm công việc đồng áng, thu hoạch, bán thực phẩm, mua thực phẩm, nấu ăn và vì vậy sự tham gia của họ vào nông nghiệp đang ngày một lớn hơn.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ nông thôn tại các nước đang phát triển làm ra hơn một nửa số thực phẩm trên toàn thế giới và khoảng từ 60 đến 80% thực phẩm từ cây trồng. Phụ nữ cũng là người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho gia đình, cho con cái bao gồm việc đảm bảo dinh dưỡng và học hành cho các con.

Ngân hàng thế giới năm 2007 đã đưa ra một kế hoạch có tên gọi là bình đẳng giới và kinh tế thông minh nhằm mục đích giúp phụ nữ ở các nước dang phát triển tìm cách họat động kinh tế độc lập. Chương trình này giúp phụ nữ ở các vùng nông thôn tham gia trực tiếp vào cả 4 thị trường chính là thị trường nông nghiệp, tài chính, đất đai và lao động. Những kết quả ban đầu cho thấy tại những gia đình mà người phụ nữ tham gia đầy đủ vào cả 4 thị trường này thì thu nhập gia đình đều tăng lên một cách đáng kể. Bà Mayra Buvinic,

Giám đốc ủy ban Giới tính, Phát triển, Giảm nghèo và quản lý kinh doanh thuộc ngân hàng Thế giới giải thích:

"Khi phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, thu nhập của gia đình sẽ tăng lên, và do đó tăng nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình. Điều này giúp giảm nghèo và do đó có ảnh hưởng đến tăng trưởng chung. Cái lợi của việc cho phụ nữ thêm quyền lợi về kinh tế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến con cái họ, đặc biệt là tại những hộ nghèo nhất.

Khi người mẹ càng có nhiều quyền hơn về kinh tế, thì con cái họ càng được hưởng lợi nhiều hơn, điều này dẫn đến sự phát triển tốt hơn trong tương lai cho bọn trẻ và do đó cũng giúp giảm đói nghèo."

Thu hẹp bất bình đẳng giới

Bà Buvinic cũng đã đưa ra ví dụ về sự thành công của dự án khi người phụ nữ có quyền nhất định về mặt đất đai tại Ethiopia. Trong giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất, người vợ được ký tên cùng với người chồng và điều này làm cho họ thực sự cảm thấy mình có quyền nhất định trong việc trồng trọt, canh tác. Kết quả là năng suất cũng được tăng lên nhanh chóng.

000_Del421764-250.jpg
Một phụ nữ Afghanistan trong trang phục burqa và một người đàn ông đang đi bộ tại làng Istalif, phía bắc Kabul vào ngày 02 tháng 11 năm 2010. AFP photo
Một phụ nữ Afghanistan trong trang phục burqa và một người đàn ông đang đi bộ tại làng Istalif, phía bắc Kabul vào ngày 02 tháng 11 năm 2010. AFP photo
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc thu hẹp sự bất bình đẳng giới là hết sức cần thiết để đảm bảo cho người phụ nữ được tham gia tích cực hơn vào các hoạt động kinh tế và do đó giúp giảm nghèo đói có hiệu quả.

Theo cô Danielle Nierenberg, một chuyên gia thuộc tổ chức Worldwatch, mặc dù phụ nữ chiếm đa số trong việc đồng áng nhưng họ lại chưa có được những sự hỗ trợ cần thiết. Cô nói:

"80% nông dân vùng hạ sahara là phụ nữ nhưng họ không thể tiếp cận được với những nguồn tài nguyên, những dịch vụ hỗ trợ, hay đất đai mà nam giới vẫn có."

Báo cáo của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về phụ nữ cho biết ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều những khó khăn, phức tạp và khác biệt so với nam giới. Nguyên nhân là do những phân biệt về giới tính và quan niệm của xã hội về nam và nữ. Những phân biệt này đã ngăn cản người phụ nữ tại nhiều nước được sở hữu đất đai, được tiếp cận với các nguồn lực và công nghệ kỹ thuật mới.

Tại Cameroon, phụ nữ chỉ được nắm giữ ít hơn 10% giấy tờ sở hữu đất mặc dù họ làm hơn 75% công việc đồng áng. Còn tại Burkina Faso, phụ nữ không được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp hoặc rất hạn chế bởi họ có ít đất hoặc miếng đất quá nhỏ, do đó tiếng nói của họ không được chú trọng. Phụ nữ tại nhiều nước, ngoài việc đồng áng, còn phải lo chuyện gia đình, con cái, lo đi lấy nước, củi và những việc này ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực mà họ có thể có cho nông nghiệp.

Ngay tại xã Phú Quới thuộc tỉnh Vĩnh Long, những người phụ nữ ở đây cũng đang phải chịu những sự phân biệt như vậy. Chị Thu Hà, phụ trách hội phụ nữ xã cho biết:

"Ở đây mình chưa có giao cho phụ nữ làm thẳng về nông nghiệp đâu, chủ yếu là người phụ thôi chứ chưa chủ động làm nông nghiệp. Ở đây đất đai thì chia theo hộ, chứ không phải cho phụ nữ. Ví dụ hộ sản xuất thì người chồng đứng tên, còn phụ nữ làm công tác nội trợ là nhiều và giúp chồng. Trừ trường hợp phụ nữ đơn thân. Người ta cứ nói bình đẳng giới nhưng chưa có. Ví dụ con gái mà lấy chồng thì cha mẹ chia tài sản thì giao cho bên chồng chứ không cho người con gái đó. Con gái còn lệ thuộc, lớn lên thì gả chồng, bên chồng chia. Ở đây vẫn có phong tục vậy."

Trong rất nhiều các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới và thậm chí của cả Liên Hiệp Quốc, các chuyên gia đang kêu gọi chính phủ các nước phải đầu tư nhiều hơn nữa cho phụ nữ để xóa đói giảm nghèo. Một trong các chiến lược tránh mất an ninh lương thực trên toàn thế giới mà tổ chức Asia Society đề nghị là chiến lược vì phụ nữ. Cô Suzanne Dimaggio thuộc tổ chức này cho biết:

Ở đây mình chưa có giao cho phụ nữ làm thẳng về nông nghiệp đâu, chủ yếu là người phụ thôi chứ chưa chủ động làm nông nghiệp. Người ta cứ nói bình đẳng giới nhưng chưa có.

Chị Thu Hà, Vĩnh Long

"Chúng tôi ủng hộ một chiến lược về người nghèo, hay nói cụ thể hơn là vị phụ nữ vì chúng ta thấy ngày một nhiều phụ nữ tại châu Á đang phải làm các công việc đồng áng là chủ yếu. Chúng tôi tin là phụ nữ và phát triển phụ nữ là phần quan trọng trong chiến lược này."

Để làm được điều này, các chuyên gia khuyến khích để phụ nữ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động cộng đồng, vào các buổi họp của cộng đồng để họ có thể góp ý kiến và tham gia vào việc đưa ra quyết định. Theo cô Danielle Nierenberg của tổ chức WorldWatch, tại một số nước ở vùng hạ Sahara, châu Phi, các tổ chức phi chính phủ đã thực hiện các dự án nâng cao năng lực này cho phụ nữ và đã đạt được những bước tiến nhất định.

Đầu tư cho phụ nữ

Tại Việt Nam, mặc dù vai trò của người phụ nữ nói chung và tại nông thôn giờ đây đã có những cải thiện nhất định do những chính sách của chính phủ nhưng tại nhiều vùng nông thôn xa xôi, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Chị Thu Hà, phụ trách hội phụ nữ xã Phú Quới, tỉnh Vĩnh Long cho biết:

000_Del416531-200.jpg
Một nữ sinh Amani High School ở Kabul nghe Tổng thống Hamid Karzai phát biểu tại một buổi lễ tại trường cô hôm 28/9/2010. AFP photo
Một nữ sinh Amani High School ở Kabul nghe Tổng thống Hamid Karzai phát biểu tại một buổi lễ tại trường cô hôm 28/9/2010. AFP photo
"Nói về phát triển thì chị em đỡ về nhận thức nhưng còn lệ thuộc gia đình lắm. Công tác họp hội mà các chị tham gia thì ít lắm, chủ yếu là đàn ông không à, tiếp xúc cử chi đàn ông là nhiều. Họp hội thì tập trung các chị khó lắm mà phải đến tận nhà. Bây giờ đã là đỡ nhiều lắm rồi, chứ trước đây làm gì mà các chị đi họp hội. Trước đây các chị ru rú trong nhà, giờ là đỡ lắm, tăng cỡ 50% rồi. "

Để giúp các phụ nữ trong xã có thêm công ăn việc làm bên ngoài việc đồng áng để tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị Thu Hà cho biết địa phương và hội phụ nữ cùng tìm các việc đan lát thêm làm nghề phụ cho các chị giúp tăng thu nhập cho mỗi gia đình từ 600 đến 700 ngàn đồng một tháng. Chị nói:

"Phụ nữ làm nông nghiệp thì người ta chỉ làm tại nhà rồi cái thời gian nông nhàn thì mình mở chương trình việc làm tại nhà ví dụ như đan lát. Ví dụ như bây giờ thời gian người ta làm một buổi cho nông nghiệp, còn một buổi làm công việc đan lát tại nhà, thu nhập cho việc làm tại nhà một tháng là 600 đến 700 ngàn."

Chị Thu Hà cho biết địa phương cũng có chính sách cho vay lãi suất thấp cho các hộ nghèo. Tuy nhiên mức vay chỉ khoảng 3 đến 5 triệu theo chị là không nhiều. Trong khi đó chi phí cho nông nghiệp lại quá cao, chưa có những dự án cụ thể nào để hỗ trợ cho phụ nữ làm nông nghiệp tại vùng quê của chị.

"Làm nông nghiệp thì phân bón cái gì cũng cao, một công đất mà được 300 đến 400 ngàn là giỏi. Vật tư nông nghiệp lên vù vù mà lúa thì không ổn định cho dân, vừa xong vụ lúa là sụt, còn bấp bênh khổ lắm. Ở nhà trồng trọt chăn nuôi thì bị dịch bệnh, nên không có cái gì thuận lợi cho phụ nữ nông thôn làm nông nghiệp hết."

Cộng đồng quốc tế đã nhìn nhận được tầm quan trọng của phụ nữ trong xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn thế giới. Những đầu tư cho phụ nữ để nâng cao nhận thức và thu hẹp bất bình đẳng giới đang được thực hiện tại rất nhiều nơi ở châu Phi cũng như châu Á, nhưng cũng còn nhiều chị em ở các vùng xa xôi chưa được tiếp cận đến những trợ giúp này. Và chừng nào vai trò của họ còn chưa được nhìn nhận đúng mức thì nguy cơ đói nghèo và nguy cơ mất an ninh lương thực sẽ vẫn tiếp tục rình rập loài người.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.