Người con gái vô danh – Amanat (*)

Những ngày Giáng Sinh rộn ràng đã trôi qua và hôm nay là ngày Tết Dương Lịch. Ngày bắt đầu cho một Năm Mới đầy hứa hẹn những điều tốt lành.
Phong Thu, thông tín viên RFA
2013.01.01
0000044625-000_Del6182027-305 Những người biểu tình tập hợp xung quanh ngọn nến trong một cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ bảo vệ phụ nữ tại New Delhi vào ngày 29 tháng 12 năm 2012.
AFP PHOTO

Thế nhưng, câu chuyện cô sinh viên Amanat (*) 23 tuổi đã bị hãm hiếp tập thể hết sức dã man trên một chuyến xe bus tại thủ đô Delhi, Ấn Độ vào ngày 16 tháng 12 năm 2012, đã làm rúng động thế giới. Vụ cưỡng hiếp này đã dẫn đến một cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên học sinh và các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong nhiều ngày liên tiếp tại Delhi.

Tệ nạn gia tăng

Theo website India Sawaal online đăng tải trong ngày 25 tháng 12 năm 2012, cho biết tại Ấn Độ cứ 20 phút là có một phụ nữ bị hiếp dâm. Trong năm 2011, Ấn Độ đã có 23.582 vụ hiếp dâm đã xảy ra trong 17 thành phố, và các tỉnh lân cận. Đứng đầu là Madhya Pradesh đã có 3.406 trường hợp hiếp dâm. Thứ hai là West Bengal có 2.363 vụ. Thứ ba là Uttar Pradesh có 2.042 vụ, thủ đô Delhi có 453 vụ hiếp dâm. (**)

Từ đầu năm tới nay, hơn 600 vụ cưỡng hiếp đã được ghi nhận ở Delhi. Cảnh sát tại Newcho biết các vụ cưỡng hiếp nhắm vào phụ nữ đã tăng 17% trong năm 2012.

Ông Lakshman L Nandwani, một doanh nhân người Ấn Độ thành đạt tại Hoa Kỳ. Ông đã rời quê hương 40 năm. Ông vẫn còn nhớ đất nước Ấn Độ ngày ông còn là một thanh niên rất an lạc và thanh bình. Nhưng ngày nay, dân số Ấn Độ tăng rất nhanh, chỉ đứng sau Trung Quốc. Ông tâm sự câu chuyện đáng buồn về cô gái bị hiếp dâm với tâm trạng bối rối và buồn:


Cuộc sống ngày càng đắt đỏ cho nên người ta muốn giàu có. Họ cần tiền để mua cái này cái kia nên họ buôn bán ma túy.

Lakshaman L Nandwani

“Khi nghe những câu chuyện đó xảy ra. Nhiều người đến gặp tôi và nói với tôi là chúng ta cũng không biết mình phải làm gì để có thể giải quyết những vấn đề đó. Chỉ có chính quyền ở đó mới có khả năng giải quyết mà thôi. Ở Ấn khi bạn đến đó sẽ thấy tình trạng cũng giống như ở Washington D.C. Bạn sẽ nghe nhiều vấn đề không khác gì D.C qua báo chí truyền thông loan những tin tức về băng đảng, súng đạn. Ngày xưa khi tôi còn sống ở Ấn thì không có nhiều vấn đề tệ hại như vậy. Nhưng bây giờ dân số tăng rất cao. Cuộc sống ngày càng đắt đỏ cho nên người ta muốn giàu có. Họ cần tiền để mua cái này cái kia nên họ buôn bán ma túy. Có khi người ta mướn họ đi giết người. Những tệ nạn khủng khiếp như thế hiện nay diễn ra không chỉ một nước mà khắp nơi trên thế giới. Không loại trừ một nước nào. Nhưng bạn nên nhớ khi đến Ấn Độ phải cẩn thận. Đừng đi ra ngoài ban đêm, nơi vắng vẻ.

Theo báo India Times, ngày 16 tháng 12, lúc 9:30 tối, cô sinh viên trẻ 23 tuổi cùng đi với người bạn trai của mình là một kỹ sư điện toán. Cô đã bị ít nhất 4 người đàn ông hãm hiếp trên xe bus. Bạn của cô chống cự đã bị bọn côn đồ dùng thanh sắt đánh vào đầu bất tỉnh. Sau khi đã thực hiện hành vi tội ác trên, chúng đã đánh cô và quăng cả hai khỏi xe bus. Cả hai bị thương rất nặng và đã được đưa vào bệnh viện để điều trị. Cô đã mê man trong nhiều ngày liên tiếp. Bà Chhaya Sharma, một cảnh sát viên đã cho báo chí biết rằng người lái xe bus đã tham gia vào vụ hiếp dâm này. Vụ hãm hiếp khủng khiếp đã thực sự châm ngòi cho một cuộc biểu tình tự phát lan rộng khắp nơi tại thủ đô Delhi. Ngay tại bệnh viện các nạn nhân đang điều trị, công chúng giăng biểu ngữ đòi hỏi chính phủ phải thực thi pháp luật và trừng trị đích đáng băng đảng hiếp dâm.

Người Ấn Độ biểu tình yêu cầu chính phủ bảo vệ phụ nữ ở New Delhi vào ngày 30 tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO / RAVEENDRAN.
Người Ấn Độ biểu tình yêu cầu chính phủ bảo vệ phụ nữ ở New Delhi vào ngày 30 tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO / RAVEENDRAN.
Đây không phải là một vụ hãm hiếp tập thể lần đầu tiên xảy ra tại Ấn Độ, mức độ tàn bạo của nó khiến cho công chúng căm phẫn vì sự bất lực của các cấp chính quyền và cảnh sát.

Hàng ngàn người đã xuống đường kể từ ngày 16 tháng 12 để phản đối bạo lực và hệ thống tư pháp hình sự nổi tiếng chậm chạp tại Ấn Độ.

Vấn đề đáng hổ thẹn

Bộ Trưởng Tài Chính P. Chidambaram hôm 19 tháng 12 cho rằng đây là vấn đề đáng hổ thẹn cho Ấn Độ. Ông cho biết một uỷ ban điều tra sẽ xác định những sai sót của cảnh sát, sẽ đưa ra những kiến nghị bảo vệ an ninh cho phụ nữ ở thủ đô Ấn Ðộ, thay đổi luật pháp để để trừng phạt gắt gao hơn những “tội ác khủng khiếp” về nạn cưỡng hiếp đã hoành hành ở tất cả các thị trấn và thành phố ở Ấn Ðộ. Ông nói: “Bất kỳ biện pháp nào chúng tôi thực hiện lúc này chỉ có mục đích chứng minh cho ý định nghiêm túc của chính phủ. Chúng tôi sẽ bắt giữ và trừng phạt các thủ phạm. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra những sai trái, những sơ hở, những lơ là và sửa chữa các luật lệ. Như vậy là có ba phần trong những gì chúng tôi đang làm. Ðồng thời chúng tôi sẵn sàng đón nhận các đề nghị cần phải làm gì thêm, nhất là những đề nghị từ phía phụ nữ đang cảm thấy bất an.”(***)

Trong ngày 23 tháng 12, trung tâm thủ đô và những con đường chính dẫn vào các cơ quan hành chính, trụ sở Quốc Hội và dinh Tổng Thống đã bị cấm giao thông và bị kiểm soát chặt chẽ. Cuộc biểu tình đầy phẫn nộ của công chúng đã làm cho 60 cảnh sát bị thương và một cảnh sát viên đã qua đời. Ngày 24 tháng 12, ông Manmohan Singh,Thủ Tướng Ấn Độ đã phát biểu trên đài truyền hình cam kết bảo đảm an ninh cho phụ nữ.

Hãng tin The Gulf Today cũng cho biết một vụ cưỡng hiếp khác vào ngày 18 tháng 12, tại thung lũng Manipur, miền Tây-Đông Ấn Độ cũng đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của công chúng làm cho phóng viên Nanao Singh, 29 tuổi đã thiệt mạng (1).

Trong khi làn sóng các cuộc biểu tình tức giận về vụ hiếp dâm tập thể cô sinh viên Amanat tại Delhi đã giảm đi, thì một vụ băng đảng cưỡng hiếp khác ở thôn Tamil Nadu, miền Nam Ấn xảy ra. Có tất cả 10 người đàn ông đã bị bắt vì thay phiên nhau cưỡng hiếp cô gái 20 tuổi trong hai giờ đồng hồ ngay đêm Giáng Sinh. Vụ hiếp dâm này phản ánh mức độ đáng sợ của bạo lực đối với phụ nữ. Cuộc biểu tình đã bùng phát trở lại trong ngày 26 tháng 12, khoảng trên 200 người bao gồm phụ nữ và trẻ em các trường học đã tham gia trong một cuộc biểu tình trên đại lộ ở trung tâm Delhi. Họ hét lên những khẩu hiệu chống chính phủ. Và giăng các khẩu hiệu yêu cầu chính phủ giải quyết, nếu không thì phải giao băng đảng này cho họ thanh toán.

Người Ấn Độ biểu tình yêu cầu chính phủ bảo vệ phụ nữ ở Kolkata vào ngày 29 tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO.
Người Ấn Độ biểu tình yêu cầu chính phủ bảo vệ phụ nữ ở Kolkata vào ngày 29 tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO.
Cũng trong ngày 26 tháng 12 dù thời tiết giá lạnh, người biểu tình cũng bao vây cơ quan trụ sở của Bộ Trưởng Cảnh Sát trong 2 giờ. Cảnh sát đã phong tỏa hầu hết các trung tâm Delhi để ngăn chặn cuộc biểu tình lan rộng. Vào buổi tối, hàng trăm sinh viên đến từ Đại học Jawaharlal Nehru, Đại học Delhi và Jamia Milia Islamia, và hàng ngàn người diễu hành tại India Gate. Sau đó, họ xông vào Trụ Sở Trung Ương tại Raisina Hill và yêu cầu các Bộ Trưởng mở một cuộc họp và giải thích về những sai sót an ninh dẫn đến những sự kiện đau lòng này.
Nhóm sinh viên nói rằng cuộc biểu tình này không chỉ có nghĩa là để yêu cầu một lời giải thích cho hiếp dâm gần đây ở Delhi mà còn về sự thất bại hoàn toàn trong việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ trên khắp đất nước. (****)

Nhiều nhà quan sát cho rằng Ấn Độ là một nước trọng nam khinh nữ nên tình trạng hiếp dâm mới xảy ra thường xuyên. Nhiều phụ nữ bị hiếp dâm hay bị lạm dụng tình dục không được đền bù thoả đáng. Để làm sáng tỏ thêm nhận định này, tôi tiếp tục trao đổi ý kiến với ông Lakshaman L Nandwani:

“Đàn ông và đàn bà nhìn có vẻ bình đẳng nhưng thực sự trong một số vấn đề thì đàn ông và đàn bà không bình đẳng nhau. Như là nơi công sở làm việc, tiền lương của người đàn ông và đàn bà khác nhau. Đàn ông được trả lương cao hơn người đàn bà dù họ có trình độ, tay nghề và làm cùng một công việc như người đàn ông. Nhưng ở Ấn không có luật pháp để bảo vệ họ. Khi họ đi biểu tình khoảng 20, 30 chục người đến đòi chính quyền thay đổi luật cho quyền lợi của phụ nữ về lương bỗng thì không ăn thua gì. Phải có mấy chục ngàn người thì may ra có thể thay đổi được luật lệ này.”

Tăng cường an ninh

Liên Bộ Trưởng Nội Vụ và sĩ quan cảnh sát hàng đầu của Delhi đã tham dự cuộc họp khẩn cấp. Chính phủ đã ra lệnh thực hiện một cuộc điều tra đặc biệt về các vụ băng đảng cưỡng hiếp và sẽ xem xét lại tình trạng an toàn của phụ nữ.

Cảnh sát đã bắt giữ 6 người hôm 26 tháng 12 tai Bihar. Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ và Cảnh sát Trưởng Delhi cho biết rằng họ hy vọng dựa trên các bằng chứng và chứng cứ pháp lý, họ sẽ bảo đảm niềm tin đối với công chúng và sẽ tìm kiếm một thử nghiệm nhanh chóng cũng như sẽ bỏ tù chung thân các bị cáo. Cảnh sát Delhi đã đệ trình một báo cáo tình trạng điều tra của Tòa Án Tối Cao ngày 26 tháng 12.
Biện pháp an ninh được thực hiện ở Delhi. Cảnh sát đã loại bỏ tất cả các cửa sổ của 464 xe trong Delhi tuần này và tất cả các loại xe đi vào thành phố từ các tiểu bang. Bộ Trưởng Nội Vụ RK Singh cho biết dịch vụ định vị toàn cầu GPS sẽ được sử dụng cho tất cả các xe bus và ô tô sẽ sớm được đệ trình. Những luật lệ khắc khe khác sẽ được ban hành khi có lệnh của toà án.(*****)


Đàn ông và đàn bà nhìn có vẻ bình đẳng nhưng thực sự trong một số vấn đề thì đàn ông và đàn bà không bình đẳng nhau.

Lakshaman L Nandwani

Và ngay trong đêm 28 tháng 12, cảnh sát cho biết một cô gái 16 tuổi trên đường về nhà đã bị 3 người đàn ông hiếp dâm tại huyện Barmer, tỉnh Rajasthan, Ấn Độ. (2)

Tại Ấn Độ, bên cạnh những thành phố văn minh hoa lệ, giàu có, nhưng lắm chuyện đau lòng. Nhưng chỉ cần lái xe vài tiếng đồng hồ về những nơi thôn quê hẻo lánh sẽ tìm được chốn an bình. Cô Hạnh Hoa đang đi du lịch ở Ấn Độ. Cô không biết gì về chuyện các cô gái trẻ bị hiếp dâm tập thể đang làm rúng động dư luận thế giới. Cô đi về những vùng nông thôn xung quanh thành phố Nepal có biên giới sát bên Trung Quốc. Nơi Đức Phật ra đời và Ngài đã khai sáng Phật Giáo. Đã hơn 2000 năm, Phật Giáo đã trở thành một tôn giáo lớn có ảnh hưởng sâu rộng ở Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới. Từ Delhi đến Nepal chỉ có 7 giờ lái xe. Nhưng Nepal và những tỉnh lân cận thật quạnh hiu, đời sống dân chúng rất hiền hoà, nghèo khổ. Hạnh Hoa chia sẻ những cảm xúc của cô qua chuyến đi hành hương về miền đất Phật với tiếng cười vô tư:

“Tụi em đi thăm mấy Thánh Tích thôi, chỗ Tứ Động Tâm của Phật, chỗ Phật Thích Ca hành đạo, chỗ Đạo Tràng, Bồ Đề Đạo Tràng, chỗ Nepal nơi Đức Phật sinh ra. Nhà cửa khổ lắm, lạnh lẽo lắm. Tại vì tụi em đi vùng quê hẻo lánh, ngoại ô. Họ ít ăn thịt với cá lắm! Họ ăn rau đồ chay không hà. Cũng có người ăn thịt nhưng ít lắm. Họ ăn đậu, ăn rau. Thịt heo thịt bò gì họ cũng không ăn. Cá họ cũng không ăn nữa. Lâu lâu đi chợ thấy họ bán cá nhưng ít có người ăn. Cuộc sống nơi đó rất khổ, chớ không phải đi ra thành phố chỗ mấy khu giàu có mà ăn chơi. Dân chúng sống như người dân tộc, khổ lắm như người rừng vậy. Cứ sống ngày qua ngày thôi. Họ hiền lắm!

Ở những vùng thôn quê, đàn ông có vị trí hết sức quan trọng. Họ làm chủ gia đình và lo làm ăn để nuôi vợ con. Hạnh Hoa thích thú nói:

“Đi ra chợ thấy toàn là đàn ông buôn bán làm ăn không hà. Đàn bà ở nhà lo sanh đẻ, nấu ăn, nấu uống không hà. Vui lắm! Chợ toàn là đàn ông không có đàn bà. Ở khu văn minh thì thay đổi khác. Khu này thì chợ toàn là đàn ông buôn bán làm ăn ở ngoài chợ. Vợ ở nhà nấu cơm nước lo cho con vậy thôi rồi đi chơi chớ không có đi chợ, làm ăn buôn bán, bươi chảy.”

Thế giới đang đón chào năm mới. Những bản nhạc vui tươi, rộn ràng vang lên khắp nơi. Trên trời cao, ánh hỏa châu soi sáng màng đêm u tịch, gợi cho chúng ta niềm mơ ước hướng tới một năm mới đầy an lạc, thịnh vượng và hạnh phúc. Nhưng giờ đây, tại bệnh viện Mount Elizabeth ở Singapore, cô sinh viên tuổi đôi mươi, có một tương lai tươi sáng đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 4:45 sáng thứ Bảy 28 tháng 12, giờ của Singapore.

Câu chuyện thương tâm của em làm hàng triệu trái tim nức nở. Cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa ai biết tên thật của em. Có phải người con gái vô danh là hiện thân của hàng triệu cô gái bất hạnh trên thế gian này đã và đang bị vùi dập bởi những kẻ vô nhân tính. Bạn ơi! Đêm nay, hãy dành một phút nguyện cầu cho em để linh hồn em được yên nghĩ trong cõi vĩnh hằng.

---

Tài liệu tham khảo: Quý vị nào muốn biết thêm chi tiết và kiểm chứng nội dung. Xin vào các website dưới đây:

*Amanat: Không phải tên thật của em

(*)http://www.ndtv.com/article/india/delhi-gang-rape-survivor-amanat-reaches-singapore-a-billion-prayers-with-her-310142

( **)http://indiansawaal.com/rape-statistics-in-india/

(***) http://www.pattayadailynews.com/en/2012/12/19/female-student-raped-on-bus-in-india/

(****)http://timesofindia.indiatimes.com/city/delhi/Delhi-gang-rape-Anger-rises-in-city-as-victim-sinks/articleshow/17683837.cms

(*****http://www.pattayadailynews.com/en/2012/12/19/female-student-raped-on-bus-in-india/

(1)http://gulftoday.ae/portal/890243d7-5f1d-42d9-bab5-9c2f0a21b5f5.aspx

(2) http://post.jagran.com/Minor-gangraped-in-Barmer-district-of-Rajasthan-1356702687

http://www.bangkokpost.com/news/asia/328095/indian-gang-rape-victim-on-way-to-singapore-report

http://timesofindia.indiatimes.com/city/delhi/Delhi-gang-rape-Anger-rises-in-city-as-victim-sinks/articleshow/17683837.cms

http://www.usatoday.com/story/news/world/2012/12/27/india-rape-victim  singapore/1793455/ http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2012-12-20/delhi/35932717_1_home-minister-police-barricades-protest

http://post.jagran.com/Gang-rape-victim-shifted-to-Singapore-for-medical-reasons-not-political-Government-1356692920

http://post.jagran.com/Electronic-media-has-become-police-prosecution-judge-Digvijay-1356693909

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.