Diễn đàn chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 5 vừa qua, hơn 40 thanh niên đến từ nhiều nước trên thế giới đã tập trung về Bangkok, Thái Lan trong một diễn đàn với chủ đề chống lại nạn bạo lực đối với phụ nữ và các em gái.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.05.29
000_Del6102201-305.jpg Một phụ nữ Ấn Độ đi trên một chuyến tàu ở Hyderabad với đứa con trai đang ngủ trong một cái võng tạm hôm 08 tháng ba năm 2012, ngày Quốc tế Phụ nữ.
AFP photo

Đây là diễn đàn lần đâu tiên của thanh niên thế giới do Liên Hiệp Quốc tổ chức về chủ đề này. Tạp chí phụ nữ tuần này xin gửi tới quý vị một số thông tin liên quan đến diễn đàn này qua cuộc trao đổi với một số nhà họa động xã hội trẻ tuổi và những người tổ chức diễn đàn từ Liên Hiệp Quốc.

Chia sẻ kinh nghiệm

Diễn đàn thanh niên thế giới có tên gọi Global Unite Youth Forum vừa được tổ chức trong ba ngày từ 22 đến 24 tháng 5 vừa qua ở Bangkok, Thái Lan là một trong nhiều hoạt động nằm trong chiến dịch chống các bạo lực đối với phụ nữ và em gái được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đưa ra vào năm 2008. Đây là lần đầu tiên những nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới tập trung về một diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác hành động nhằm chấm dứt nạn bạo hành với phụ nữ và em gái.

Nói về mục đích của diễn đàn này, bà Shoko Ishikawa, đại diện UN Women cho chúng tôi biết:

"Đây là hoạt động lần đầu tiên của giowistrer trong chiến dịch hợp tác nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc. tôi nghĩ diễn đàn này sẽ tạo ra ảnh hưởng nhiều mặt vì mỗi người trẻ tuổi có mặt tại diễn đàn hôm nay sẽ trở về nước họ mang theo một cam kết để đưa thêm các tổ chức tình nguyện tham gia vào phong trào này.

Họ sẽ liên hệ với nhau, có một kế hoạch hành động cụ thể và chúng tôi sẽ theo dõi họ, ủng hộ họ vì họ chính là những lãnh đạo tương lai của thế giới. Chúng ta cần phải lắng nghe họ để biết họ muốn làm thê snafu để thay đổi và cách hành xử của mỗi người."

Trong ba ngày làm việc, các nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi đã tham gia thảo luận và chia sẻ các kinh nghiệm trong các chiến dịch chống bạo hành phụ nữ và em gái tại nước của họ. Bà Anna Karin Jatfors, phụ trách chiến dịch tại khu vực châu Á Thái Bình Dương nói về hoạt động của diễn đàn như sau:

"3 ngày diễn đàn đã diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi được gặp nhiều người trẻ tuổi tài năng và họ đã cùng nhau làm việc hợp tác để chống lại bạo hành với phụ nữ và trẻ em tại đất nước mình. Chúng tôi gặp một nhà làm phim từ Pakistan đã làm các phim tài liệu về đề tài này ở Pakistan. Chúng tôi gặp một phụ nữ đến từ Tonga, châu Phi, người làm việc trong một trung tâm cứu trợ các nạn nhân.

Chúng tôi được gặp các nam thanh niên, những người đặt ra câu hỏi về thái độ và hành xử của người đàn ông trong vấn đề bình đẳng giới. Chúng tôi thấy những nam thanh niên trẻ tuổi đang tìm cách để chống lại bạo hành phụ nữ ở những nơi công cộng. Tất cả họ đều đã có kinh nghiệm trong các hoạt động này và họ đã gặp nhau trong ba ngày qua để chia sẻ kinh nghiệm."

Cô Prabhleen Tuteja, 25 tuổi đại diện cho chiến dịch Save Delhi của Ấn Độ chia sẻ với chúng tôi về mục đích cô tham gia phong trào này như sau:

"Tôi làm việc này không phải vì mục đích từ thiện như nhiều người làm công tác xã hội vẫn nghĩ như vậy. Với tôi nó mang tính cá nhân bởi theo tôi dù chúng ta làm gì, ở đâu thì cũng có lúc chúng ta phải đối mặt với những phân biệt đối xử. Cho nên tôi thấy chúng tôi cần phải nói lên tiếng nói của mình trong diễn đàn chống bạo lực với phụ nữ, em gái và bất bình đẳng giới."

Nâng cao nhận thức

000_Del6101937-200.jpgChiến dịch Save Delhi mà Prabhleen tham gia được bắt đầu từ năm 2004 do một nhóm phụ nữ tại thủ đô Delhi khởi xướng. Những phụ nữ này thấy phụ nữ tại Delhi hàng ngày đang phải đối mặt với rất nhiều những bạo lực và bất bình đẳng giới ở nhiều dạng khác nhau. Prabhleen cho biết

"Tại các nơi công cộng như trên xe buýt hay chợ, nhiều phụ nữ cho biết họ bị sờ mó trộm. Tại các nơi đông người thì chúng ta không thể biết ai là thủ phạm và rất khó để có thể tố cáo các hành động này. Chúng tôi có tàu điện trên cao và có khoang dành riêng cho phụ nữ nhưng đàn ông vẫn vào các khoang này.

Bạo lực tồn tại ở mọi tầng lớp, nhưng đối với những phụ nữ nghèo thì họ còn phải đối mặt với vấn đề không có nhà vệ sinh riêng để sử dụng. Vì vậy họ phải ra ngoài đồng hoặc một chỗ không đủ an toàn để làm vệ sinh. Vì vậy có những thời điểm trong ngày, có nhiều phụ nữ bị hãm hiếp hay chụp hình trộm. Có các em gái phải bỏ học ở tuổi dậy thì vì trường học không có nhà vệ sinh cho các em."

Trước thực trạng này, Prabhleen cho biết chiến dịch Save Delhi đã thực hiện các điều tra tìm hiểu, thu thập dữ liệu và làm các kiến nghị lên chính phủ để đưa ra các chính sách bảo vệ phụ nữ và em gái. Bên cạnh đó Save Delhi cũng có các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng nhăm nâng cao nhận thức về hiện trạng này ở Ấn Độ.

Đến từ Campuchia, Pou sokvisal, 23 tuổi cho biết về những hoạt động mà anh đã tham gia tại nước mình như sau:

"2 năm về trước khi tôi đang học trong trường đại học, một tổ chức phi chính phủ ở địa phương tìm đến trường và tìm những tình nguyện viên giáo dục tuyên truyền. Tôi đã quyết định tham gia và trở thành một tình nguyện viên tuyên truyền. Tôi đã thực hiện nhiều các hoạt động liên quan như các buổi nói chuyện trong sinh viên trong các trường đại học và trong cộng đồng. Tôi giúp cho các sinh viên trẻ hiểu được đâu là những bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Khi họ hiểu thì họ sẽ không có các hành động bạo lực với phụ nữ và trẻ em."

Thông qua trang mạng xã hội

000_Del6121238-200.jpgDhruv Arora, một thanh niên khác đến từ Ấn độ đến với diễn đàn để chia sẻ những kinh nghiệm trong chiến dịch chống bạo lực với phụ nữ và em gái qua social media. Dhruv Arora đã tham gia tạo dựng những diễn đàn trên facebook ở Ấn độ để những người có quan tâm đến vấn đề này có thể tự do trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và để nói lên những bức xúc mà họ thấy khó có thể nói trực tiếp với người khác.

"Thật là thú vị khi mọi người có thể nói chuyện cởi mở trên internet về vấn đề này vì họ đã có nơi để nói. Có những người chỉ muốn tìm hiểu thêm vấn đề và họ không có diễn đàn bên ngoài kia để tìm hiểu thì họ có thể tham gia diễn đàn. Tại Ấn độ những vẫn đề liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn bị coi là vấn đề khó nói. Vì vậy social media là một diễn đàn để cho họ có thể nói chuyện về vấn đề này. Diễn đàn này đã thực sự giúp mọi người vì người ta đôi khi chỉ cần được nói hoặc được nghe mọi người đề cập đến vấn đề của mình."

Theo Dhruv thì hoạt động xã hội không nhất thiết phải có những hành động cụ thể ngoài xã hội bởi mỗi người có những lo toan, bận rộn riêng trong cuộc sống. Theo anh thì việc tham gia lên tiếng trên các mạng xã hội cũng có thể góp phần không nhỏ trong việc chống lại nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

"Có người nghĩ rằng hoạt động xã hội có nghĩa là phải ra đường và phản đối. Nhưng theo tôi thì không hẳn như vậy. Đối với những người không có thời gian để có các hoạt động như vậy họ có thể ngồi nhà mà vẫn có thể đóng góp, ví dụ vào diễn đàn tại facebook. Nếu chúng ta có thể tạo được thay đổi trong một người thì đó cũng là tuyệt vời. Thay đổi không nhất thiết phải diễn ra trên cả thế giới, nó có thể là giữa bạn và tôi hay người ngồi cạnh chúng ta. Và đó là điều chúng tôi mong muốn khi chúng ta nói về social media."

Diễn đàn giới trẻ kết thúc với một bản tuyên bố chung mà thanh niên thế giới trao cho người đại diện của Liên Hiệp Quốc. Trong tuyên bố này, thanh niên thế giới cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hành động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và các em gái trên toàn thế giới với ưu tiên hàng đầu là thay đổi nhận thức và cách hành xử của con người đối với vấn đề bình đẳng giới. Bản tuyên bố cũng được coi là bước khởi đầu cho một kế hoạch hành động lâu dài của mạng lưới thanh niên thế giới trong chiến dịch của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt các bạo lực với phụ nữ và em gái.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.