Bố vợ mang xác con rể đến đồn công an

Hạ Vũ, thông tín viên RFA
2016.05.22
nghi-van-vo-ngoai-tinh-cha-chem-con-re-1_1463555529.jpg Ông Nguyễn Văn Nam chém chết con rể rồi ôm xác bỏ lên xe máy chở thẳng đến công an phường tự thú.
Citizen photo

Câu chuyện ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ngụ P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM), cầm dao bầu chém vào đầu người con rể là Tôn Thanh Việt (34 tuổi, quê Khánh Hòa) nhiều nhát, rồi ôm xác bỏ lên xe máy chở thẳng đến công an phường tự thú là chuyện “xưa nay hiếm”. Câu chuyện đã gây ra nhiều tranh cãi đa chiều, làm chấn động dư luận và tạo nên nỗi đau xót mơ hồ, không thể gọi thành tên cho mỗi người Việt, đặc biệt là các bà mẹ.

Những người đàn ông khác nhìn nhận thế nào về sự vụ hy hữu này?

Báo chí trong nước đưa tin: theo thông tin từ Công an quận Gò Vấp, khoảng 16h45 ngày 14/05/2016, Tôn Thanh Việt (34 tuổi) đi nhậu về rồi đến trước nhà vợ ở đường số 3, phường 13, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) chửi bới. Vài phút sau, chị N.T.N.D – là em vợ của Việt – đi làm về, thấy vậy nên vào can ngăn thì bị Việt chửi bới, lao đến xô ngã.

Ông Nam đã nhịn nhục suốt quá trình Việt chửi bới, thậm chí dọa giết hết cả 8 người trong gia đình, bỗng không thể kìm chế nổi, lao vào nhà lấy con dao phay (dài khoảng 41cm) xông ra chém nhiều nhát vào đầu và vai của Việt khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Có thể là do các lần trước đấy, con gái ông ấy bị đánh nhiều thì cũng có thể, biết đâu ông ấy đã thông báo công an, và cũng có thể là công an cũng không giải quyết được gì.
- Khang

Sau một hồi, ông Nam bình tĩnh trở lại đã chở xác nạn nhân đến công an phường 13 tự thú, khai báo hành vi của mình. Sự việc được báo lên công an quận Gò Vấp.

Nhiều chuyên gia pháp lý, thẩm phán cho rằng người cha chém chết con rể rồi mang xác đến công an tự thú vừa đáng thương vừa đáng trách. Báo chí cũng đưa tin, có rất nhiều luật sư đồng ý bảo vệ ông trước tòa miễn phí, và cho rằng tội danh ông đáng phải chịu không phải là tội giết người mà là tội “giết người trong trạng thái bị kích thích, hoảng loạn về tâm lý”.

Trong khi vụ việc vẫn chưa nhận được kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng thì dư luận lại đang dấy lên một luồng thông tin trái chiều cho rằng người chồng đã chết không hề vũ phu như các trang báo mạng đã đưa tin. Thậm chí còn có thông tin rằng những lần trước đến tìm vợ, anh Việt đều bị gia đình vợ, đặc biệt là em vợ đối xứ tàn nhẫn, có khi còn dùng nón bảo hiểm đánh đuổi. Lý do anh trở nên tàn nhẫn như vậy là bởi chị vợ đã ngoại tình.

Khi được đề nghị cho biết quan điểm của mình, Khang – một ông bố trẻ vừa mới có con gái - ở Quảng Ninh đang hoang mang, không biết lựa chọn thế đứng nào để bảo vệ con gái trong tương lai cho biết:

Cảm nghĩ của em là em thấy, ông bố làm đúng nhưng nói chung vẫn cảm thấy hơi bị khó xử.”

Trong khi đó, Thành – một ông bố có con gái lớn đã 5 tuổi ở Thanh Hóa– chia sẻ nhiều hơn:

“Bài báo mà ông bố giết con rể của mình vì con rể hay đánh, hay say xỉn rồi về nhà hay gây sự này nọ với con gái. Em cũng đọc qua, có chi tiết họ nói là có lần ông bố phải quỳ xuống xin người con rể này. Theo em, nếu xét theo các khía cạnh chung thì trong việc này, ai cũng có lỗi cả - kể cả ông bố lẫn con rể, cô con gái thì tất nhiên là không có lỗi gì bởi vì cô ấy là con gái, cô ấy cũng thực sự chịu rất nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Nam, 58 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Nam, 58 tuổi.
Citizen photo

Còn về ông bố, nếu đặt mình vào cái tình huống của ông bố, thì cũng có thể đối với nhiều trường hợp nếu họ kiềm chế được cảm xúc của mình thì cũng có thể có giải pháp tốt hơn ông bố này. Nhưng mà ở đây em nghĩ là do ông bố cũng đã quá nhiều lần phải nhìn thấy cảnh này là thứ nhất, hai là quá thương, rất thương con gái, nhiều lần thấy con gái mình bị như thế, lại còn thêm một vài chi tiết là phải quỳ xin thì trong trường hợp đấy nhiều người nóng nảy, không thể kiểm soát được bản thân, có thể người ta sẽ làm như thế vì cái tâm lý bị đẩy vào cái bước đường cùng rồi.

Về việc vì sao ông ấy không báo công an, thì cũng có thể là do các lần trước đấy, con gái ông ấy bị đánh nhiều thì cũng có thể, biết đâu ông ấy đã thông báo công an, và cũng có thể là công an cũng không giải quyết được gì. Vì cái này là báo họ không nói, thì mình giả sử là như thế. Và giả sử đúng là như thế thì ông bố có lý để làm như vậy. Em nói là giả sử có nhiều lần ông bố đã có một vài lần đi báo công an mà công an không giải quyết nhưng mà nó không cải thiện được vấn đề thì ông bố có lý để giết chết cậu con trai. Còn nếu trong trường hợp mà ông bố chưa từng đi báo công an, chưa từng có sự can thiệp của những người có thẩm quyền mà ông ấy đã làm như thế này, thì như thế là suy nghĩ hơi quá đà, hơi nặng tay với người con rể.

Nhưng theo em thì em nghiêng vào trường hợp một. Đó là ông bố đã đi báo chính quyền vì việc đã nhiều năm rồi.”

Carlo Bartolini – một chuyên gia công tác xã hội đến từ Italia - hiện đang làm tình nguyện cho một tổ chức Phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ ở Việt Nam chia sẻ quan điểm của anh về câu chuyện này:

“Nói về sự vụ mà bạn đã nói, tôi nghĩ rằng đó là một câu chuyện rất buồn. Bởi vì đó là một trường hợp khác về bạo lực gia đình (mà tôi đã được nghe tại Việt Nam). Ý tôi là có nhiều trường hợp khác nhau với những cái kết khác nhau. Bởi vì nạn nhân trong sự vụ này chính là người đã gây ra nỗi bất bình cho hung thủ.

Nếu toàn xã hội không chấp nhận bạo lực gia đình và cảnh sát có thể thực sự làm gì đó, thì tôi chắc chắn rằng đó là những giải pháp tốt để giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình mà không cần dùng đến bạo lực.
- Carlo Bartolini

Thật đáng buồn vì bạo lực gia đình dường như rất phổ biến ở Việt Nam và thậm chí, có vẻ như nó được chấp nhận bởi hầu hết đàn ông Việt. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, tôi không đồng ý với cách hành xử của người cha vợ. Bởi vì, vấn đề của bạo lực gia đình chính là bạo lực sẽ sinh ra bạo lực – giống như một vòng luẩn quẩn. Và tôi tin rằng, người Việt Nam không có nhiều niềm tin đối với cảnh sát nhưng tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu hợp tác với cảnh sát để giải quyết các vấn đề về bạo lực gia đình thay vì sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực bởi vì cuối cùng đó vẫn là bạo lực. Vì thế, tôi hoàn toàn không đồng ý với cách hành xử của ông bố. Ý tôi là, ông ấy đã giết một người. Và trong quan điểm của tôi, không người nào có quyền giết một người khác. Tuy nhiên, tôi biết là rất khó khăn, nếu cảnh sát không thể làm gì để cải thiện thực trạng về bạo lực gia đình, có thể rất nhiều người sẽ tự giải quyết vấn đề này bằng bạo lực. Và bạo lực thì luôn luôn xấu. Theo tôi, có thể có một cách giải quyết cho vấn đề này như thông qua giáo dục để mọi người đều không thể chấp nhận bạo lực gia đình và đặc biệt, giáo dục cảnh sát để họ có thể nhận diện ra bạo lực gia đình và đảm bảo là họ có thể làm gì đó để giải quyết vấn đề ví dụ như bảo vệ người phụ nữ khỏi người hành hung và hỗ trợ họ trong quá trình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực.

Nếu toàn xã hội không chấp nhận bạo lực gia đình và cảnh sát có thể thực sự làm gì đó, thì tôi chắc chắn rằng đó là những giải pháp tốt để giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình mà không cần dùng đến bạo lực.”

Từ xưa đến nay “bố vợ phải đấm”, chứ mấy khi “con rể phải đạp”. Thành ngữ dân gian có cụm từ “Vênh váo như bố vợ phải đấm” thường để chỉ những người kiêu ngạo, dương dương tự đắc, coi thường thiên hạ một cách hợm hĩnh, ngang ngược. “Người ta” lại nói, “xấu chàng hổ ai”, và “mẹ con nhà lửa đóng cửa bảo nhau”, “các cụ” còn nói: “Dâu là con, rể là khách”.

Mỗi một “diễn ngôn” từ xa xưa đều được viết ra để kìm hãm người phụ nữ, bảo vệ lợi ích bề trên của người đàn ông. Những “diễn ngôn” đó, còn ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt khiến cho các cách hành xử của họ quả thật rất luẩn quẩn.

Câu chuyện với cái kết không ai mong muốn này đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về sự bất lực của các thế chế chính sách – pháp luật đặc biệt trong vấn đề bảo vệ phụ nữ và sự gia tăng cấp độ khủng khiếp của việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, hồi chuông ấy, dường như đã bị những vấn đề khủng hoảng to lớn, cấp bách khác của toàn đất nước làm lu mờ. Không hiểu, tương lai nào đang chờ các “con Rồng – cháu Tiên” phía trước.

Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.com.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.